thượng, không yên cái thân mà yên cái tâm là bậc thứ, không yên cái thân mà cũng không yên cái tâm là bậc hạ.» Xem vậy thì hai chữ « yên thân » của Tâm-trai là chủ lấy sự yên tâm làm gốc.
Tâm-trai nói rằng: « Thánh-nhân lấy đạo giúp thiên-hạ, ấy cái chí-trọng là đạo vậy; người có thể mở rộng đạo, ấy cái chí-trọng là thân vậy. Đạo trọng thì thân trọng, thân trọng thì đạo trọng, cho nên học là học làm thầy, học làm bậc trưởng, học làm vua vậy. Lấy thiên địa vạn vật nương ở thân, không lấy thân nương ở thiên địa vạn vật.» Đạo là để giúp thiên-hạ, thân là để hành đạo, vậy nên ta phải trọng cái thân. Trong cái thân có cái tâm làm chủ, mà cái tâm thì vẫn có cái vui, tìm cái vui đó tức là học. Cho nên nói rằng: « Cái tâm của người ta vốn tự vui, rồi tự nó đem cái tư-dục mà trói buộc mình lại, nhưng khi cái tư-dục mọc ra, thì cái lương-tri tự biết; đã biết, thì cái tư-dục lại tiêu-trừ đi, và cái tâm của người ta lại y như cũ mà vui. Vui là vui cái học ấy, học là học cái vui ấy; không vui không phải là học, không học không phải là vui; vui rồi mới là học, học rồi mới là vui: vui là học, học là vui. Than ôi! cái vui của thiên-hạ có gì bằng cái học như thế, cái học của thiên-hạ có gì bằng cái vui như thế!» Đại để, cái học của Tâm-trai