Trang:Nho giao 1.pdf/119

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.

123
NHO-GIÁO


nhau như anh em, xem cả đoàn-thể như một người, cả vũ-trụ như nhất thể. Đã như một người thì hễ có chỗ nào đau là cả người thấy khó chịu. Cũng bởi nghĩa ấy mà sách thuốc của ta gọi bệnh tê là ma mộc bất nhân 麻 木 不 仁, vì người có bệnh tê thì trong thân-thể đau đâu cũng không biết. Người bất-nhân ở trong xã-hội cũng như người có bệnh tê vậy, ai đau khổ thế nào, vật gì bị tai nạn làm sao, cũng dửng-dưng không hề có cảm-động chút nào.

Vậy đã nhân thì yêu người, yêu vật, muốn cho vạn vật các đắc kỳ sở. Lòng yêu lòng muốn ấy đều xuất ư tự-nhiên, không có miễn-cưỡng chút nào, cho nên mới gọi là an 安.

Nhân với an quan-hệ với nhau rất là mật-thiết. An là cái đức-tính rất tốt của người có nhân, lúc nào cũng tự nhiên nhi nhiên, mà làm việc gì cũng thung-dung trúng đạo. Người có nhân, tự mình có cái trực-giác sáng-láng, ở trong bụng thì an lặng mà ứng ra ngoài thì việc gì cũng thích-hợp với thiên lý chí-công chí-thiện, cho nên bao giờ cũng an. Người bất-nhân thì hay vị tư-tâm, tư-trí, thành ra làm mờ tối mất cái trực giác, rôi cứ miễn-cưỡng tìm cách làm những điều tàn-ác, trái với thiên lý, cho nên không lúc nào an được. Vậy có an mới là nhân, mà đã nhân là an.