Trang:Nho giao 2.pdf/226

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.

226
NHO-GIÁO


sáng-suốt để biện-biệt cái hay cái dở, sự phải sự trái. Vậy không nên cố-chấp bó-buộc sự tri-thức của người ta vào một chỗ chứng-nghiệm, khiến cho cái tinh-thần không mở rộng ra được mà soi đến những chỗ vô-hình uyên-áo. Những chỗ ấy có cái thế-lực quan-hệ đến sự tiến-hóa của nhân-loại, thường lại mạnh hơn những cái mà ta có thể chứng-nghiệm được. Phàm cái học nào mà chỉ chuyên chú về một mặt là hẹp và nông, rất hại cho tinh-thần và trí-tuệ của người ta.

Song phải biết rằng cái học của Hàn Phi là gấp về sự cứu thời, vụ lấy sự làm cho mạnh cái thế-lực của nhà vua, cho nên bất cứ điều gì hễ không lợi cho nhà vua là ông bác đi hết. Ông ở vào thời-đại cực loạn, người đời chỉ biết xu danh trục lợi, miệng nói những điều nhân nghĩa mà việc làm thì rất tàn-bạo. Ông thấy cái tình-thế đương thời như vậy, cho nên ông tính cái đạo trị nước không gì hơn cái thủ-đoạn chuyên-chế, lấy thế-lực rất mạnh của nhà vua mà đàn-áp thần dân, bắt mọi người phải phục-tùng mệnh-lệnh, chứ không muốn có người trí-xảo, hay gây ra nhiều sự nguy-biến. Ông nói rằng: « Thánh-nhân chi đạo, khử trí dữ xảo. Trí xảo bất khử, nan dĩ vi thường 聖 人 之 道,去 智 與 巧.智 巧 不 去,難 以 爲 常: Đạo của thánh-nhân là bỏ cái trí và cái xảo.