Trang:Nho giao 3.pdf/124

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.

124
NHO-GIÁO


sau làm thiện làm ác, đều lấy bậc trung mà bỏ bậc thượng bậc hạ, được một mà mất hai vậy ».

Hàn Dũ lấy lịch-sử mà làm chứng rằng: « Có người mới sinh ra đã có tính ác hiển-hiện ra ở tướng-mạo, hay ở tiếng kêu, tiếng khóc, như thế thì tính của người ta có quả là thiện đâu. Có người mới sinh ra điều gì cũng thiện cả, như thế thì tính của người ta có quả là ác đâu. Có người sinh ra, nuôi ở chỗ chí thiện, mà sau hóa ra ác, hoặc nuôi ở chỗ chí ác mà sau hóa ra thiện, như thế thì tính của người ta có quả là thiện ác lẫn-lộn đâu ». Ông kết-luận rằng: « Mạnh-tử, Tuân-tử, và Dương-tử bàn về tính đều lấy bậc trung mà bỏ bậc thượng và bậc hạ, được một mà bỏ mất hai ».

Vậy thì bậc thượng, bậc hạ, của tính có biến đổi đi được không? Hàn Dũ cho là: « Cái tính bậc thượng càng học càng sáng thêm, cái tính bậc hạ có thể làm cho sợ uy mà ít phạm tội được. Cho nên bậc thượng thì có thể học thêm, bậc hạ thì có thể tài-chế được. Còn như cái phẩm của những bậc thượng, trung, hạ, đã sinh ra thế nào thì cứ thế, cho nên Khổng-tử bảo là bất di ». Đó là cái ý-kiến của ông đối với cái thuyết nói về tính tình. Song ông cũng nói qua như thế mà thôi, chứ không bàn cho hết lý.