Trang:Nho giao 3.pdf/148

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.

148
NHO-GIÁO


Thuyết thứ hai này sau lại phân ra thành một thuyết nữa, lấy tâm-học làm yếu-lĩnh. Gồm cả lại mà nói, thì phái lý-học đời nhà Tống có tất cả là ba thuyết, cùng một gốc mà khác ngọn.

Thuyết thứ nhất có Thiệu Ung làm đại-biểu, nhưng về sau không thịnh-hành được, là vì học theo thuyết ấy cần phải có người tinh thâm thuật-số mới học được. Thuyết thứ hai có Chu Đôn-Di làm đại-biểu, rồi có Trương Tái, Trình Hạo và Trình Di mở rộng thêm ra. Sau đến đời Nam-Tống có Chu Hi tập đại thành mà lập ra một học-thuyết nói về sự vấn-học. Cái học của Chu Hi chuyên trị về mặt công truyền, rất thịnh hành ở đời Minh và đời Thanh. Thuyết thứ ba có Lục Cửu-Uyên, cùng đồng thời với Chu Hi, theo cái tâm học của Mạnh-tử chuyên trị về sự tôn đức-tính. Thuyết này đến đời nhà Minh có Vương Thủ-Nhân mở rộng thêm ra và lập thành một phái tâm-học có tinh-thần rất mạnh. Vậy nay ta theo các học-thuyết của phái lý-học mà chia ra làm tượng-số-học, đạo-học và tâm-học.