Trang:Phật Lục - Trần Trọng Kim.pdf/81

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.
— 69 —

Khí-thế-gian là nói riêng về phần sơn hà, đại địa ở trong thế-gian, tức là núi sông đất đai, mà hữu-tình thế-gian là nói riêng về các sinh vật như người và các loài cầm thú, côn trùng, vân vân.

Sách Phật-tổ thống-ký nói rõ bốn thời thành, trụ, hoại, không trong một đại-kiếp như thế này.

Thành-kiếp.— Trong đệ nhất tiểu-kiếp của thành-kiếp ở trong tầng trời Quang-âm thiên là tầng trời thứ ba của đệ-nhị Thiền-thiên, thuộc về Sắc-giới, có mây vàng che phủ, rồi đổ cơn mưa lớn xuống, nước mưa tích lại ở trên cái phong-luân, nghĩa là trên luồng gió quay. Sau có gió lớn thổi mạnh làm cho nước thành ra có bọt; bọt ấy thành ra núi Tu-di. Ấy thế là khởi đầu có khí-thế-gian. Khi ấy hết thảy các giống hữu-tình ở cả trên tầng trời Quang-âm-thiên chen chúc đông-đúc lắm. Trong những hữu-tình ấy có ai đã kém phúc rồi, thì phải sinh xuống cõi dưới, thoạt đầu tiên có một vị người trời chết ở trên tầng trời Quang-âm rồi sinh xuống cõi trời Đại-phạm thiên làm Phạm-vương thọ được 60 tiểu-kiếp.

Sang tiểu-kiếp thứ ba các vị người trời ở cõi Quang-âm thiên lại xuống sinh ra ở Sơ-thiền Phạm-thế-thiên làm Phạm-chúng thiên, mỗi người thọ được 20 tiểu-kiếp. Rồi sau cứ dần dần sinh xuống các tầng trong Dục-giới. Sau rốt những bậc người trời ở trên cõi Quang âm thiên, có ai hết phúc xuống trần thế, hóa sinh làm người ta ở cõi đời. Lúc đầu người ta hoặc bay, hoặc đi, tùy ý và không có hình tướng đàn ông đàn bà gì cả. Bấy giờ ở đất có suối ngọt, chảy ra những chất có vị ngọt như sữa, như mật, người ta mới nếm quen, thành ra cái tính ưa vị ngọt, rồi mất cả thần-thông và cái sáng ở thân mình. Dần dần thế-gian mờ tối, gió đen thổi xuống biển, làm cho mặt trời mặt trăng nổi lên ở lưng chừng núi Tu-di, chiếu khắp bốn thiên-hạ, sinh ra có ngày có đêm. Chúng sinh lúc ấy do sự ham-mến các vị ở đất mà nhan sắc xấu kém đi, và lại ăn lúa gạo mà có tàn uế[1] ở trong mình. Vì có cái lòng dục cứ


  1. Tàn-uế: Bã bẩn.