Trang:Phật Lục - Trần Trọng Kim.pdf/97

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.
— 81 —

phía đông phật điện ». Ở các chùa, thì ban thờ Thổ-địa-thần để về bên tả bái-đường, có pho tượng tạc mặt đỏ, trông rất uy-nghiêm, tục gọi là đức ông trông-coi tài-sản và các khí vật trong chùa, khiến kẻ gian-phi không được xâm-phạm. Cũng có chùa tạc tượng Thổ-địa-thần làm một người già râu bạc, mặt trông hiền-hậu. Nhưng người ta cho như thế không đúng cái nghĩa thờ Thổ-địa-thần.

c) Ban thờ Long-thần. Ở bên cạnh ban thờ Thổ-địa-thần có ban thờ Long-thần. Người ta nói vị Long-thần này là một Long-vương đã quy Phật và có công hộ-trì Phật pháp. Nhưng xét ra trong các kinh thường nói rằng: « Khi Phật thuyết pháp thì có thiên long bát bộ 天 龍 八 部 đều đến nghe ». Thiên là các bậc ở cõi trời, long là các long-thần, và sáu bậc quỉ thần khác nữa, gọi gồm cả là bát bộ. Có lẽ người ta không hiểu rõ nghĩa bốn chữ ấy mà nhận lầm là một vị Long-thần chăng.

d) Ban thờ thánh-tăng. Ở phía bên hữu nhà bái-đường, các chùa ta còn có ban thờ vị Thánh-tăng. Sự thờ vị Thánh-tăng sẽ nói ở mục nhà tăng-đường.

e) Động Thập-điện. Ở nhà bái-đường những chùa lớn thường làm ở vách hai bên tả hữu mười cái động ở âm-ty, gọi là động thập-điện. Đáng lẽ nên để tượng 18 vị La-hán ở hai bên nhà bái-đường, mà để động thập-điện ở nhà hành-lang thì mới đúng. Vì các vị La-hán là đệ-tử Phật, vâng sắc-lệnh của Phật ở lại thế-gian mà gửi Phật pháp. Nhưng có lẽ vì không đủ chỗ, cho nên mới đem để các vị La-hán ở nhà hành-lang mà để động thập-điện ở nhà bái-đường.

Những động này thường làm theo điển đã nói ở trong kinh Địa-tạng bản-nguyện, phô bày những hình phạt ở âm-ty để trừng-giới những kẻ gian-ác. Trong những động ấy có tượng các vua Diêm-vương, các phán quan cùng những ngục-tốt là quỉ-sứ đầu trâu mặt ngựa rất là hung-tợn, và bày ra các ngục hình, như bàn trông, vạc dầu vân vân, rất gớm ghê.

Sách nhà Phật nói rằng: « Ở dưới âm-ty có 10 ông vua coi 10 điện, gọi là Thập-điện Diêm-vương. Mười ông vua ấy là: