Trang:Phật giáo.pdf/94

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.

hóa là luân-hồi, do vô lậu chủng-tử giữ cho tâm không vọng-động là niết-bàn.

Chân-như luận là một thuyết tuyệt đối duy-tâm, cho rằng nhất thiết đều do tâm tạo. Toàn thể vũ-trụ lấy tâm làm tự thân.

Tâm đây là gì? Nói rằng là không hay là có, là hữu-tướng hay là vô-tướng, đều không đúng cả. Tâm không thể nào biết được, chỉ nên suy-xét về hai phương-diện động và tĩnh mà thôi. Tâm động là cửa của sinh-diệt, tâm tĩnh là cửa của chân-như (Tathâtâ). Chân-như là bản-thể của thế-giới, thế-giới tuyệt đối và bình-đẳng. Sinh-diệt là hiện-tượng của thế-giới, thế-giới tương đối và vô thường.

Bản-thể của tâm là thường-trụ bất động, bởi tại « vô-minh » làm duyên, khiến tâm hốt-nhiên khởi-niệm mà vọng-động, thành ra thiên sai vạn biệt, tức là sinh-diệt. Tâm-thể chân-như đã vì vọng-niệm mà dao-động là A-lại-da-thức, mở nguồn cho nhất thiết hiện-tượng.

Chân-như tuy bị « vô-minh » kích-thích mà dao-động, nhưng trong động vẫn có tĩnh, tĩnh không rời động. Chân-như ở trong sinh-diệt mà vẫn ngoài sinh-diệt.

Tâm-thể là tĩnh, bày ra hiện-tượng là động. Vạn-tượng của thế-giới đều do tâm-thể hoạt-động mà hiển-hiện ra. Tâm-thể cùng với vạn-tượng không lìa nhau, mà cũng không cùng nhau là một. Tâm-thể và vạn-tượng quan-hệ với nhau như nước với sóng. Nước với sóng tuy khác nhau về hiện-tượng, nhưng vẫn là một thực-thể.

Đối với tông-chỉ Phật-giáo, thì động hay là sinh-diệt hợp với hai diệu-đế Khổ và Tập: tĩnh hay là không sinh-diệt hợp với hai diệu-đế Diệt và Đạo. Phương-diện trước nói về nguyên-nhân phát-triển

94