— Mà người ta nói nó giàu đây nè! lúa ruộng hai trăm ngàn giạ mỗi năm, mụ biết hông?
— Ông cứ chưng cái giàu của nó với tôi hoài, mấy trăm ngàn giạ thì mấy trăm ngàn giạ chớ! Vậy chớ ông không nghe câu tục-diệu người ta hát đó sao?
— Câu tục diêu gì? Họ hát làm sao??
— Câu tục-diêu người ta hát rằng: Chẳng tham bồ lúa anh đầy, tham ba hàng chữ cho tày thế gian. Câu tục-diêu đó, chớ câu tục-diêu gì.
— Hứ! Khéo bày đặt không? Hay chữ cho bằng giữ ăn? Mụ đừng có cải tôi mà! »
Bà phủ thấy ông, ý muốn đổ quạu, bà liền day mặt chỗ khác mà nói một cách rất nhỏ nhẹ rằng: « Ai mà cải ông làm gì, đều tôi nghĩ lại cái công của tôi sanh ra được có một chút gái, mình hạt xương mai, lại thông minh tót chúng, tôi cũng muốn chọn cho được một đứa rể hiền, chẳng luận giàu nghèo, miễn làm sao cho tài đức vẹn toàn, đặng mà gả nó cho xứng đôi vừa lứa thì tôi mới được đẹp mặt nở mày; không dè mà ngày nay, ông ham có hai trăm ngàn giạ lúa ruộng mỗi năm, mà ông muốn vùi dập con gái tôi như vầy, nên tôi mới nói cho ông nghe, chớ tôi có cải ông làm chi; nó là con của ông, ông muốn gả nó cho ai cũng tự ý, duy tôi chỉ xin ông phải nghĩ lại một đều nầy là đều cần nhứt: Phàm hễ vợ chồng mà thương yêu nhau, quyến luyến nhau, là bỡi có cái mối ái-tình, nếu nó không có ái-tình mà mình cứ ỷ quyền cha mẹ ép-uổn nó, thì về sau ắt cũng dở-dang, chớ không có thế nào buộc nó ở đời với nhau cho lâu được; thế thì ép nó mà có ích gì? Tuy nói thì nói vậy, chớ nó là con của ông, ông cứ hỏi lấy nó, chớ tôi đâu dám cải. » Quan phủ liền kêu Mộ-Trinh ra, đặng hỏi ý con cho biết.
Chẳng dè những câu chuyện của hai ông bà tranh cải với nhau nảy giờ, Mộ-Trinh đã núp lén rình nghe, đầu đuôi đà rõ hết, nên nàng ở trong buồng đã khóc lóc với Lệ-Dung rồi. Khi nghe quan phủ kêu tới tên nàng, thì nàng cũng phải ép lòng rén rén bước ra, mặt hoa ủ-dột, lụy ngọc dầm-dề. Quan phủ đương sẵn trớn giận bà, lại thấy tình-hình của nàng như vậy, nên ngài cũng giận luôn, bèn nạt lớn lên rằng: « Chuyện gì mà khóc? Khéo không? Hèn chi người ta hay nói, hễ mẹ nào thì con nấy, thiệt cũng phải