Hạ-vũ có dặn một câu rằng: « Đạo-tâm duy vi, nhân-tâm duy nguy », nghĩa là lòng đạo-nghĩa rất là mờ tối, lòng nhân-dục rất là nguy hiểm. Mờ tối là cái lòng đạo-nghĩa đó rất cao xa, tựa như mập mờ khó hiểu khó phân biện; nguy hiểm là cái lòng nhân-dục ấy dễ khiến cho người ta xiêu đắm về đường tài lợi nữ sắc, hoang dâm mà thành hại. Từ đó mới phát minh ra hai mối lòng là lòng công-nghĩa và lòng tư-dục, ai giữ được đường công-nghĩa thì hay, ai theo về đường tư-dục thì dở. Câu ấy là câu tâm truyền rất quan yếu ở trong thời Nhị-đế, Tam-vương. Các vua đời Tam-đại, đều theo ý ấy mà truyền thụ cho nhau. Vua Thang nói rằng « kiến trung », tức là đem bụng đạo nghĩa ấy mà dựng cái đích trung bình; vua Võ nói rằng « kiến cực » tức là đem cái bụng đạo-nghĩa ấy mà dựng nên khuôn phép rất mực. Chỗ thì nói rằng « đức », chỗ thì nói rằng « nhân », rằng « kinh », rằng « thành », cũng là một cái bụng ấy. Đó là căn-nguyên làm nên thịnh-trị mà là một chữ yếu ước ở trong bộ kinh Thư vậy.
Xem kinh Thư lại nghiệm ra được mỗi đời phong-tục một biến mà nhân-tâm càng ngày càng kém. Ông Trình-khứ-Hoa có một bài nghị-luận rằng: « Ta đọc kinh Thư nên phải biết khí tượng đời Đường, Ngu, Tam-đại, thời Đường, Ngu thì vua tôi đều khuyên răn nhau; Vũ, Cao răn vua, răn từ khi chưa có điều gì, không tốn mấy lời; từ Hạ, Thương trở về sau thì việc đã tỏ ra rồi mới khuyên can, xem như các thiên Thái-giáp, Lữ-ngao, nói đi nói lại, không ngại gì tốn lời nữa. — Vua Khải đánh nhau với họ Hữu-hỗ ở Cam-giã, Thiên-tử mà đối địch với nước chư-hầu, trước kia có chuyện thế bao giờ.— Vua Thang đánh nhà Hạ, ngoại giả hai thiên Thang-thệ, Thang-cáo, không kể gì đến tội vua Kiệt nữa mà lại có ý thẹn thò; đến thời vua Vũ đánh vua Trụ, thì kể tội vua Trụ đến năm thiên, rạch ròi kể hết các nỗi, chỉ sợ tội của Trụ không rõ, bụng của mình không tỏ, không còn có ý gì hồi hộ cho nữa.— Ông Y-Doãn can vua Thái-Giáp, vua không nghe thì đuổi ra ở Đông-cung, đợi khi biết hối mới đem