Bấy giờ nước I-pha-nho cũng nhường quyền lấy đất làm thuộc-địa cho nước Pháp, chỉ nhận tiền binh-phí và quyền được cho giáo-sĩ đi giảng đạo thôi.
Tháng 2 năm quí-hợi (1863) là năm Tự-đức thứ 16, thiếu-tướng Bonard và đại-tá nước I-pha-nho là Palanca vào Huế triều-yết vua Dực-tông để công-nhận sự giảng-hòa của ba nước. Đoạn rồi thiếu-tướng Bonard về Pháp nghỉ. Hải-quân thiếu-tướng De la Grandière sang thay.
6. SỨ VIỆT-NAM SANG TÂY. Vua Dực-tông tuy thế bất-đắc-dĩ phải nhường đất ba tỉnh Nam-kỳ cho nước Pháp, nhưng trong bụng vẫn muốn cố hết sức để chuộc lại, vì là đất Gia-định là đất khai nghiệp của nhà Nguyễn và lại là đất quê ngoại của ngài, nên chi hòa-ước đã ký rồi, mà ngài vẫn sai quan thương-nghị với quan nước Pháp về việc ấy. Mà chủ-ý người nước Pháp lúc bấy giờ thì không những là chỉ giữ lấy ba tỉnh mà thôi, lại còn định mở rộng thêm ra nữa. Vậy lẽ nào lại đem trả lại cho mình?
Vua Dực-tông thấy việc bên này bàn không xong, bèn sai quan hiệp biện đại-học-sĩ Phan thanh Giản 潘 清 簡, quan tả tham-tri lại-bộ Phạm phú Thứ và quan án-sát-sứ tỉnh Quảng-nam là Ngụy khắc Đản 魏 克 襢 đem phẩm vật sang sứ nước Pháp và nước I-pha-nho. Còn việc giao thiệp ở trong Nam-kỳ thì giao lại cho quan tổng-đốc tỉnh Vĩnh-long là Trương văn Uyển 張 文 琬.
Tháng 6, các sứ thần xuống tàu « Echo » vào Gia-định, rồi sang tàu « Européen » cùng với quan nước Pháp và quan nước I-pha-nho sang Tây. Đến tháng 8 thì tàu « Européen » về tới nước Pháp, sứ-thần nước ta lên Paris, xin vào triều-yết Pháp-hoàng Nã-phá-luân đệ tam. Nhưng bấy giờ Pháp-hoàng sắp đi ngự mát, sứ-thần ta phải ở lại chờ đến hơn một tháng mới được yết-kiến. Ông Phan thanh Giản tâu bày mọi lẽ về việc xin chuộc ba tỉnh Nam-kỳ. Pháp-hoàng ban rằng việc đó để đình-nghị xem thế nào rồi sau sẽ trả lời cho Triều-đình Huế.