Bước tới nội dung

Trang:Viet Nam Su Luoc 1.djvu/10

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được phê chuẩn.

hưởng của Tàu. Cái ảnh-hưởng ấy lâu ngày đã trở thành ra cái quốc-túy của mình, dẫu ngày nay có muốn trừ-bỏ đi, cũng chưa dễ một mai mà tẩy-gội cho sạch được. Những nhà chính-trị toan sự đổi cũ thay mới cũng nên lưu-tâm về việc ấy, thì sự biến-cải mới có công-hiệu vậy.

Thời-đại thứ ba là Thời-đại tự-chủ, kể từ nhà Ngô, nhà Đinh cho đến Sơ-diệp nhà Hậu-Lê. Nước mình từ thời đại ấy về sau là một nước độc-lập, tuy đối với nước Tàu vẫn phải xưng thần và chịu cống, nhưng kỳ thực là không ai xâm-phạm đến cái quyền tự-chủ của mình.

Buổi đầu, nhà Đinh, nhà Lê mới dấy lên, còn phải xây-đắp cái nền tự-chủ cho vững-bền, phải lo sửa-sang việc võ-bị để chống với kẻ thù-nghịch, cho nên sự văn-học không được mở-mang lắm. Về sau đến đời nhà Lý, nhà Trần, công-việc ở trong nước đã thành nền-nếp, kẻ cừu-địch ở ngoài cũng không quấy-nhiễu nữa, lại có nhiều vua hiền tôi giỏi nối nhau mà lo việc nước, cho nên từ đó trở đi việc chính-trị, việc tông-giáo và việc học-vấn mỗi ngày một khai-hóa ra, làm cho nước ta thành một nước có thế-lực, bắc có thể chống được với Tàu, nam có thể mở rộng thêm bờ-cõi. Nhà Lý và nhà Trần lại có công gây nên cái quốc-hồn mạnh-mẽ, khiến cho về sau đến đời Trần mạt, nhân khi họ Hồ quấy-rối, người Tàu đã toan đường kiêm-tính, người mình biết đồng tâm hiệp lực mà khôi-phục lại giang-sơn nhà. Kế đến nhà Lê, trong khoảng một trăm năm về buổi đầu, nước mình cũng có thể gọi là thịnh-trị, nhất là về những năm Quang-thuận (1460-1469) và Hồng-đức (1470-1497), thì sự văn-trị và võ-công đã là rực-rỡ lắm. Nhưng về sau gặp những hôn-quân dung chúa, việc triều-chính đổ-nát, kẻ gian-thần dấy-loạn. Mối binh-đao gây nên từ đó, người trong nước đánh giết lẫn nhau, làm thành ra nam bắc chia rẽ, vua chúa tranh quyền. Ấy thật là một cuộc biến lớn ở trong nước vậy.

Thời-đại thứ tư là Nam-bắc phân-tranh, kể từ khi nhà Mạc làm sự thoán-đoạt cho đến nhà Tây-sơn. Trước thì nam

x