Định công xong rồi mới xét đến tội những người hàng giặc. Khi quân Nguyên đang cường-thịnh, triều-thần lắm kẻ hai lòng, có giấy-má đi lại với giặc. Sau giặc thua chạy về bắc, triều-đình bắt được tráp biểu hàng của các quan. Đình-thần muốn lục ra để trị tội, nhưng Thượng-hoàng nghĩ rằng làm tội những đồ tiểu-nhân cũng vô ích, bèn sai đem đốt cả tráp đi, cho yên lòng mọi người. Duy những người nào quả thực là hàng với giặc, thì mới trị tội; hoặc đem đày, hoặc xử-tử. Vì thế bọn Trần Kiện, Trần văn Lộng tuy đã chết rồi, nhưng con cháu phải tước họ tôn-thất đổi ra họ Mai. Còn Trần ích Tắc, thì vua nghĩ tình cận-thân không nỡ bỏ họ, nhưng phải gọi là ả Trần, nghĩa là bảo nhút-nhát như đàn-bà vậy.
Những quân-dân thì được thứ tội cả, duy có hai làng Bàng-hà 旁 河, Ba-điểm 巴 點 trước hết theo giặc, cả làng phải đồ làm binh-lính, không khi nào được làm quan.
Thưởng công, phạt tội xong rồi, Thượng-hoàng về phủ Thiên-trường, đến tháng năm, năm canh-dần (1290) thì mất.
Nhân-tông sai sứ sang cáo tang và xin phong.
8. ĐỊNH CUỘC HÒA-HIẾU. Tự lúc Thoát Hoan thua về, vua nhà Nguyên tuy đã thuận cho hòa-hiếu, nhưng trong bụng vẫn chưa nguôi giận, ý lại muốn cất binh sang đánh báo thù. Đình-thần can, xin để cho sứ sang dụ vua An-nam sang chầu xem đã, nếu không sang rồi hãy liệu. Nguyên-chủ nghe lời, sai Thượng-thư Trương lập Đạo 張 立 道 sang sứ An-nam. Nhưng vua Nhân-tông lấy cớ có tang không đi. Sai quan là Nguyễn đại Phạp 阮 代 乏 đi thay.
Nguyễn đại Phạp sang Tàu nói năm sau vua An-nam sẽ sang chầu.
Qua năm sau Nguyên-triều không thấy vua An-nam sang, lại sai Lại-bộ thượng-thư là Lương Tằng 梁 曾 và Lễ-bộ thượng-thư là Trần Phu 陳 孚 sang giục Nhân-tông sang chầu.
Nhân-tông không đi, sai sứ là Đào tử Kỳ 陶 子 奇 đưa đồ vật sang cống Tàu.