Năm mậu-thân (1368) Minh Thái-tổ sai sứ đưa thư sang dụ nước ta, Dụ-tông sai quan Lễ-bộ Thị-lang là Đào văn Đích 陶 文 的 sang cống.
Nước Nam ta bấy giờ tuy đã suy-nhược, nhưng mà nhà Minh mới định xong thiên-hạ, còn phải sửa-sang việc nước, chưa dòm đến nước mình, cho nên cũng chưa có việc gì quan-trọng lắm.
3. VIỆC GIAO-THIỆP VỚI CHIÊM-THÀNH. Từ khi vua nước Chiêm-thành là Chế-a-nan mất rồi, con là Chế Mộ và rể là Bồ Đề tranh nhau làm vua. Người Chiêm-thành bỏ Chế Mộ mà theo Bồ Đề; qua năm nhâm-thìn (1352) Chế Mộ chạy sang An-nam cầu cứu.
Đến năm quí-tị (1353) Dụ-tông cho quân đưa Chế Mộ về nước, nhưng quan quân đi đến đất Cổ-lụy (thuộc Quảng-nghĩa) bị quân Chiêm đánh thua, phải chạy trở về. Chế Mộ cũng buồn-rầu chẳng bao lâu thì chết.
Người Chiêm Thành từ đấy được thể cứ sang cướp-phá ở đất An-nam.
Năm đinh-mùi (1367), Dụ-tông sai Trần thế Hưng 陳 世 興 và Đỗ tử Bình 杜 子 平 đi đánh Chiêm-thành. Quan quân đi đến Chiêm-động (thuộc phủ Thăng bình, tỉnh Quảng-nam) bị phục quân của Chiêm-thành đánh bắt mất Trần thế Hưng, Đỗ tử Bình đem quân chạy trở về.
Người Chiêm thấy binh-thế nước Nam suy-nhược, có ý khinh-dể, cho nên qua năm mậu-thân (1368) vua nước Chiêm cho sứ sang đòi đất Hóa-châu. Việc đòi Hóa-châu này thì sử chỉ chép qua đi mà thôi. Vả bấy giờ ở nước Nam ta, vua Dụ-tông chỉ lo việc hoang-chơi, không tưởng gì đến việc Võ-bị; mà ở bên Chiêm thành thì có Chế bồng Nga 制 蓬 娥 là một ông vua anh-hùng, có ý đánh An-nam để rửa những thù trước. Vậy cho nên hết sức tập trận, luyện binh; bắt quân lính phải chịu khó-nhọc cho quen, dàn trận voi cho tiện đường lui tới: thắng thì cho voi đi trước để xông-đột, bại thì cho voi đi sau để ngăn giữ quân nghịch. Nhờ cách xếp đặt có thứ-tự, dụng binh có kỷ-luật như thế, cho