Trang:Viet Nam Su Luoc 1.djvu/90

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được phê chuẩn.
78 — VIỆT - NAM SỬ - LƯỢC
 

Nếu không có cần-dùng thì không có cố-gắng, không cố-gắng thì không tiến-hóa. Nếu không có đua-tranh thì không có tìm-kiếm, không tìm-kiếm thì không tài giỏi, sự lý tất nhiên là vậy.

Xem như nước Nam ta, thì hai cái yếu-điểm ấy đều kém cả. Người mình ở về xứ nóng-nực, cách ăn-mặc giản-dị, đơn-sơ, không phải cần-lao lo nghĩ cũng đủ sống, cho nên ai cũng thích nhàn-lạc, quí-hồ khỏi chết thì thôi, chứ không muốn lao tâm lao-lực lắm như những người ở nước văn-minh khác. Tính người mình như thế, thì hễ ai có cái gì, mình chỉ bắt-chước được mà thôi, chứ không phát khởi bày đặt ra được điều gì nữa.

Còn như sự đua tranh, phải có nhiều người, nhiều nước thì mới đua tranh được. Nhưng nước ta ở phía Đông thì có bể, ở phía tây, phía nam, thì những người Mường, người Lào là những người văn-minh kém mình cả, còn ở phía bắc có nước Tàu là hơn mình, nhưng Tàu lại to quá, sự giao-thông với mình thì cách trở sơn xuyên, đường-sá khó-khăn không tiện, chỉ có quan-tư thỉnh-thoảng đi lại mà thôi, chứ dân trong nước không mấy khi ra đến ngoài bờ-cõi nước nhà. Người mà cả đời không đi đến đâu, mắt không trông thấy cái hay cái dở của người, thì tiến-hóa làm sao được? Mà sự học của mình thì ai cũng yên trí rằng cái gì đã học của Tàu là hay, là tốt hơn cả: từ sự tư-tưởng cho chí công-việc làm, điều gì mình cũng lấy Tàu làm gương. Hễ ai bắt-chước được Tàu là giỏi, không bắt-chước được là dở. Cách mình sùng-mộ văn-minh của Tàu như thế, cho nên không chịu so-sánh cái hơn cái kém, không tìm cách phát-minh những điều hay tốt ra, chỉ đinh-ninh rằng người ta hơn mình, mình chỉ bắt chước người ta là đủ.

Địa-thế nước mình như thế, tính-chất và sự học-vấn của người mình như thế, thì cái trình-độ tiến-hóa của mình tất là phải chậm-chạp và việc gì cũng phải thua-kém người ta vậy.