Trang:Viet Nam Su Luoc 2.pdf/253

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.

CHƯƠNG VI

CHẾ-ĐỘ VÀ TÌNH-THẾ NƯỚC VIỆT-NAM ĐẾN CUỐI ĐỜI TỰ-ĐỨC

  1. Cách tổ-chức chính-trị và xã-hội
  2. Bốn hạng dân
  3. Sự sinh-hoạt của người trong nước

1. CÁCH TỔ-CHỨC CHÍNH-TRỊ VÀ XÃ-HỘI. Nước Việt-nam tuy nói là một nước quân-chủ chuyên-chế[1], nhưng theo cái tinh-thần và cách tổ-chức của xã-hội thì có nhiều chỗ rất hợp với cái tinh-thần dân-chủ. Nguyên Nho-giáo là cái học căn-bản của nước ta khi xưa, mà về đường thực-tế, thì cái học ấy rất chú-trọng ở sự trị nước. Trị nước thì phải lấy dân làm gốc (以 民 爲 本), nghĩa là phải lo cho dân được sung-túc, phải dạy-dỗ dân cho biết đạo-lý và mở-mang trí-tuệ của dân. Những việc quan-trọng như thế không phải bất cứ ai cũng làm được, tất là phải có những người có đủ đức-hạnh, tài-năng và uy-quyền mới có thể đảm-đang được. Bởi vậy cho nên mới cần có vua có quan.

Vua: Theo cái lý-thuyết của Nho-giáo, thì khi đã có quần-chúng, là phải có quân. Quân là một đơn-vị giữ cái chủ-quyền để chịu hết thảy các trách-nhiệm về sự sinh-hoạt và tính-mệnh của toàn dân trong nước. Cái đơn-vị ấy gọi

  1. Ta thường hiểu mấy chữ quân-chủ chuyên-chế theo cái nghĩa của các nước Âu-tây ngày xưa, chứ không biết mấy chữ ấy theo cái học Nho-giáo có nhiều chỗ khác nhau.