Trang:Viet Nam phong tuc.pdf/304

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.
NÓI VỀ PHONG-TỤC XÃ-HỘI
305
 

ai tưởng gì đến nghề này. Trừ ra chỗ Thái-y-viện coi riêng về việc thuốc thang nhà vua là một nơi rất cẩn trọng thì còn có quan Ngự y, có y sinh, còn có chuyên môn học tập một chút. Còn như chốn dân gian thì chỉ những người bất đắc chí trong đường khoa cử sĩ hoạn mới xoay ra xem sách thuốc để lấy nghề sinh nhai về sau. Ai xem hết dăm bảy bộ sách thuốc như bộ Cảnh nhạc, Phùng thị cẩm nang, Y tôn kim giám, Thạch thất, Hải thượng lãn-ông, v.v... thì làm thuốc cũng đã kha khá, ai có chí kê cứu nhiều và làm thuốc đã lịch duyệt lâu năm rồi thì thuốc men cũng chín chắn, mạch lạc mới phân minh. Song mấy người có chí, chẳng qua xem qua loa mấy bộ đã tự đắc là hay là giỏi, may ra chữa được một vài chứng bịnh nguy hiểm ngẫu nhiên mà khỏi, đã nổi tiếng là danh sư. Còn phần nhiều là người thiển học, xem vọc vạch mấy bài tân phương bát trận, hoặc mấy bài nghiệm phương tân biên, rồi cũng dám lên mặt ông lang, đi khắp chợ cùng quê để chữa bệnh cho thiên hạ. Mạch thấy nắm cũng nắm, mà có hiểu thế nào là mạch thực, mạch hư, bịnh thấy xem cũng xem, mà có hiểu thế nào là bịnh hàn bịnh nhiệt. Động xem đám nào cũng giảng qua một đôi lời: Bệnh kia chân hỏa nhược, bệnh nọ chân thủy suy, bệnh ấy nên bổ tỳ, bệnh khác nên bổ thận, v.v... Thuốc biết lập phương, biết gia giảm đã vào bực khá, chớ còn nhiều ông lang chỉ cứ bịnh nào phương ấy, đã có một cuốn sách trong tráp làm thầy.

Lại có một hạng thầy lang không cần phải đi xem bệnh cho ai, hễ người có bệnh cho người nhà đi lấy thuốc thì cứ hỏi từng câu mà bốc từng vị. Ví dụ hỏi có ho thì gia cam thảo, kiết cánh, hỏi không lợi tiểu tiện