Trang:Viet Nam phong tuc.pdf/313

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.
314
VIỆT-NAM PHONG-TỤC
 

nước nhà làm đất, nổi tiếng lừng lẫy, hẳn bây giờ ai ai cũng còn biết tiếng ông Tả-Ao.

Sau lại có ông Hòa-Chính là tiến sĩ, cũng sang Tàu học được phép địa lý, có làm bộ sách để lại.

Phép địa lý trước hết phải phân biệt hình đất. Đất có 5 hình chính là: thủy, hỏa, mộc, kim, thổ. Thủy là hình miếng đất lè phè, hỏa là hình miếng đất nhọn, mộc là hình miếng đất dài, kim là hình miếng đất tròn, thổ là hình miếng đất vuông. Lại có nhiều các biến hình nữa, ví như: trong miếng đất vuông có hình tròn gọi là thổ phù kim; miếng đất dài có nảy nhánh ra gọi là mộc sinh nha, v.v...

Mỗi đất lại có một kiểu riêng, kiểu nào trông địa thế giống như hình gì thì gọi là kiểu ấy. Có kiểu gọi là lục long tranh châu; có kiểu gọi là phượng hoàng ẩm thủy; có kiểu gọi là tê ngưu vọng nguyệt; có kiểu gọi là quần tiên hội ẩm; có kiểu gọi là nhất hổ trục quần dương v.v... Đất có hợp vào kiểu mới là đại địa.

Lại có chỗ gọi là con rùa, con cá chép, con voi, con ngựa, cái cờ, miếng ấn, ngòi bút, thanh kiếm v.v... cũng tùy theo kiểu đất hình đất và phương hướng nào mà đặt tên.

Phép đi tìm đất, trước hết phải tìm tổ sơn, rồi dò theo long mạch mà tìm huyệt. Long mạch có chỗ cao như các gò đống núi non thì gọi là âm long, chỗ đất bình dương thì gọi là dương long. Đi tìm phải trải qua gò nọ đống kia, xét xem hình thế khởi phục nghênh tống thế nên. Khi nào đến chỗ có hai dòng nước giao với nhau, chỗ ấy mới là gần đến huyệt trường.