Trang:Viet Nam phong tuc.pdf/50

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.
NÓI VỀ PHONG-TỤC TRONG GIA-TỘC
51
 

Trẻ con tối hôm ấy, dìu dắt nhau từng đàn từng lũ, đám thì nhảy vô, đám thì kéo co, đám thì bắt cái hồ khoan, đám thì rước đèn, rước sư tử, trống, thanh la đánh vang cả đường, tiếng reo hò, tiếng đùa rầm rĩ. Lại nơi họ hát trống quân, nơi kia hát trống quít, tổng chi gọi là cách Trung Thu thưởng nguyệt.

Tục treo đèn bày cỗ, chắc do ở điển vua Đường Minh-Hoàng. Hôm ấy là ngày sinh nhật vua Minh-Hoàng, truyền cho thiên hạ đâu đâu cũng treo đèn, bày tiệc ăn mừng, rồi ta cũng theo mà thành tục.

Tục rước đèn thì do tự đời nhà Tống. Vì tục truyền rằng: trong đời vua Nhân-Tôn, có con cá chép thành yêu, cứ đêm trăng hiện lên là con gái mà đi hại người. Bấy giờ ông Bao-Công mới sức cho dân gian làm đèn con cá giống như hình nó mà đem rong chơi ngoài đường, để cho nó sợ mà không dám hại người nữa. Lời ấy huyền hoặc lắm, vị tất đã thật.

Tục hát trống quân thì do từ đời Nguyễn-Huệ bên ta mới bày ra. Nguyên khi ông đem quân ra Bắc, quân sĩ lắm kẻ nhớ nhà. Ông ấy mới bày ra một cách cho đôi bên giả làm trai gái hát đối đáp với nhau, để cho quân sĩ vui lòng mà đỡ nhớ nhà. Có đánh trống làm nhịp, cho nên gọi là trống quân.

7.— Trùng cửu. Mồng chín tháng chín gọi là Tết trùng cửu. Tết này không mấy nhà ăn, nhưng đôi khi cũng có người ăn theo tục Tàu.

Nguyên từ đời nhà Hán, có người Hoàn-Cảnh theo