Trong rừng nho/Chương 13
Sau khi để lại Kẽm Trống tám câu thơ nôm, Xuân Hương và Thận Trung lại nghênh ngang đôi vòng, theo đường thiên lý vào phủ Trường An.
Chừng bốn, năm ngày tới bến đò Dán, thì trời đã chiều, mặt trời lùi xuống phía Tây, trên dãy rừng Ngang, phủ một làn mây đỏ ối. Bây giờ đã nửa mùa thu, lá vàng tơi tả rụng khắp mặt nước ven đường. Thận Trung sực nhớ một bài trong tám bài thu hứng của Đỗ Phủ, chàng liền dịch ra tiếng Nôm và đọc cho Xuân Hương nghe:
- Trường An nghe nói tựa bàn cờ
Ngẫm việc trăm năm luống ngẩn ngơ
Nhà cửa đức ông đều chủ mới
Áo xiêm quan lớn khác thì xưa
Đồn canh ải thoắt vang hồi trống
Quân tẩy miền tây rộn lá thơ
Lạnh ngắt sông thu rồng cá lặn
Mối tình nước cũ gợn lòng tơ.
Xuân Hương mỉm cười:
- Thơ dịch như thế, kể cũng đúng và khéo lắm. Tiếc rằng mình đã làm một việc vô vị.
Thận Trung không hiểu ý nàng, chàng ngơ ngẩn hỏi:
- Đã khéo lại vô vị là nghĩa làm sao?
Xuân Hương vẫn cười:
- Bài thơ ấy Đỗ Phủ nói về Trường An của Tàu, có dính dáng gì đến Trường An của ta? Sao mình lại lôi nó vào trong cuộc đi chơi Trường An ngày nay.
- Bởi vì nhân lúc chúng mình chơi phủ Trường An, lại gặp giữa tiết mùa thu, tôi chợt nhớ đến bài thơ ấy, nên thử dịch chơi, có phải là tôi tức cảnh cuộc chơi của chúng mình đâu!
Hai người bèn vào nhà trọ, một lát thì trời vừa tối. Sáng mai, để phu cáng ở lại nhà trọ, chàng và nàng tự đi thuê một chiếc thuyền theo dòng sông Dán xuôi thẳng xuống huyện Gia Viễn thăm động Hoa Lư, kinh đô của vua Đinh Tiên Hoàng. Một hòn núi đá chót vót nổi trên bờ sông Điềm, hình thế chỗ ấy tuy có hùng vĩ, nhưng nó chỉ đáng làm chỗ sào huyệt của giặc cỏ, không đáng làm nơi kinh đô của ông vua. Xuân Hương thoạt nhìn thế núi, thế đất, nàng liền bảo với Thận Trung:
- Cái người đã có sức dẹp nổi mười hai sứ quân, lấy được đất nước, làm sao lại đem kẻ chợ đóng vào một chỗ chật hẹp và hẻo lánh thế này? Xem thế biết thì lão ấy liệu đáng kể là vua một nước?
Thận Trung nói:
- Nước ta bắt đầu độc lập là tự ông ấy.
- Chỉ nên gọi là lãnh chúa.
Rồi hai người lên bộ, thuê chiếc thuyền nan, bơi vào trong núi. Núi có ba ngọn, hai ngọn bên cạnh, một ngọn giống như hình người, gọi là núi ông Trạng, một ngọn giống như cái hòm, gọi là núi hòm Sách, động Hoa Lư ở vào chính giữa, cửa động không sâu lắm, nhưng thân động thì cũng khá sâu. Thăm qua hang núi, hai người dắt nhau lên sườn núi tìm dấu kinh đô của Đinh Tiên Hoàng. Hình như trải qua thời gian, mưa gió đã mài mòn hết sự nghiệp của ông vua mở nước bằng cờ lau, di tích lâu đài thuở xưa, nay không thể nhận ra, sườn núi chỉ thấy có mấy gian đền lụp xụp, trên thờ Đinh Tiên Hoàng, dưới thờ Lê Đại Hành, giữa thờ mụ Dương Hậu, Thận Trung nhìn khắp trong đền thấy đôi câu đối:
- Vân hội nhất ư thiên,
Đê Tông hoàng bào,
Đê Việt long cổn
Anh linh đồng thử địa,
Hoàng Đinh thượng miếu,
Hoàng Lê hạ từ.
Chàng chỉ tay bảo Xuân Hương:
- Người nào nghĩ hai câu ấy móc máy soi mói, kể cũng chua chát lắm nhỉ?
Xuân Hương cười nhạt:
- Theo ý tôi, móc máy soi mói như thế cũng quá đáng.
- Sao vậy? Một người vợ vua, chồng chết đi phải lòng trai, lại đem cả nước của chồng cho trai, thế mà mình bảo không đáng soi mói thì thế nào nữa mới đáng soi mói?
- Phải, theo luân lý của nhà nho, Dương Hậu vẫn là có tội. Nhưng cái tội ấy, có thể tha thứ. Bởi vì, như tôi vẫn nói, trời sinh loài người ai ai cũng có nết dâm dục, nó bắt người ta phải bạo lực khó chịu trong khi bị thiếu thốn về đường tình, cũng như thiếu cơm thì thấy đói thiếu nước thì thấy khát vậy. Gái góa chồng không khác trai góa vợ, nếu còn trẻ tuổi, ai không vì đường tính thiếu thốn mà bạo lực khó chịu? Cớ sao trai chết vợ thì được lấy vợ, mà gái chết chồng lại bắt người ta phải suốt đời giữ cái phòng không? Đó là một điều vô lý. Thế thì Tiên Hoàng chết đi, Dương Hậu vẫn được phép đi phải lòng trai, việc ấy là việc rất cần của bà. Còn như chuyện đem nước của chồng cho trai lại càng không đáng trách bà. Lúc ấy con trai Tiên Hoàng đã không ra người, trong nước lại bị quân Tống kéo sang đánh phá, nếu không có Lê Hoàn chống lại thì nước của Tiên Hoàng cũng mất về Tống, chớ còn sao được? Vả lại, hồi ấy bao nhiêu binh quyền đều ở trong tay Lê Hoàn, Lê Hoàn cứ việc cướp lấy cũng không có ai cản nổi, thà cho ông ta còn được tiếng là người tri cơ. Hơn nữa, nước của Tiên Hoàng cũng là đất cát của trời sinh ra, Tiên Hoàng giỏi nghề binh đao, dành được của kẻ khác, có phải là nước của Tiên Hoàng đúc nặn ra đâu? "Nhất điện thiên vạn chừ", ruộng của nhà này có thể bán cho nhà khác.
Xuân Hương nói một thôi dài, làm cho Thận Trung không tìm được lẽ cãi lại, chờ nàng dứt câu, chàng liền tủm tỉm cười nụ mà rằng:
- Tư tưởng của mình kể cũng lạ đấy. Nhưng tôi nghe mình nói không khỏi phát phiền.
- Việc gì mà mình phải phiền?
- Giả sử tôi chết, chắc mình cũng phải lòng trai.
- Cái đó đã hẳn. Nếu có tiếc tôi thì mình đừng chết. Mà nếu như mình chẳng may phải chết, thì còn giữ tôi làm gì.
Hai người cùng cười ầm lên. Mặt trời tà, họ mới cùng xuống núi, ra sông, xuống thuyền ngược về phủ Trường An.
Ánh trăng vằng vặc chiếu xuống làn nước xanh lè, cảnh đêm trên sông cực kỳ xinh đẹp, chàng và nàng ngồi trên mạn thuyền ngắm nghía phong cảnh. Dưới những đám mây lơ lửng, núi non cao thấp chạy khắp bốn mặt, chẳng khác bốn bức họa đồ, càng nhìn càng không biết chán. Đêm khuya, hai cô lái đò chừng đã mỏi mệt buồn ngủ, thỉnh thoảng lại điểm một vài câu hát để làm nhịp cho đôi mái chèo. Giọng trong tiếng tốt khúc hát đầy những ý vị ngây thơ, khiến cho chàng và nàng càng thêm hứng thú.
Gần sáng, thuyền đến phủ lỵ Trường An, hai người nghỉ ngơi, rồi cùng thuê thuyền xuống thăm cảnh chùa Non Nước. Bước lên sườn núi, Thận Trung nhìn bài thơ của Trương Hán Siêu khắc trên tảng đá, chàng mới đọc được hai câu:
- Sơn sắc chính y
Y du nhân hồ bất qui.
Bỗng chàng rùng mình một cái, sắc mặt tái mét, phải ngồi phục xuống tảng đá, chân tay run như cầy sấy.
Sợ quá, Xuân Hương bảo lái thuyền vực chàng xuống thuyền đưa về nhà trọ. Thì ra bệnh sốt rét ngã nước ngày trước tuy khỏi nhưng chưa triệt nọc, khi ấy vì chàng đi đường vất vả, dầu dãi sương gió, lại thêm thức luôn mấy đêm không ngủ, cho nên nó lại phát ra.
Xuân Hương lại dùng phương thuốc hôm xưa vò cho chàng uống, nhưng lần này không thấy công hiệu, luôn bận năm ngày, chàng uống hết chừng bốn năm bát vẫn không cất cơn. Sợ ở nhà trọ nhiều điều bất tiện, nàng bèn thôi việc vào thăm quê hương, bảo phu cáng, cáng chàng và mình trở về Hà Nội.
Gió thu hiu hiu đưa khí lạnh từ nẻo rừng núi phía tây trở về, càng làm cho Thận Trung to thêm cơn bệnh.
Tuy rằng chàng vẫn nể nàng, không dám rền rẫm than thở, nhưng mỗi khi cơn bệnh nổi lên, sức chàng không hãm nối, thường thường rung chuyển cả võng.
Tới phủ Lý Nhân, nàng bảo phu cáng đỗ cáng để chàng vào quán nghỉ tạm. Mụ quán thấy chàng mặt mũi xanh xao, đoán là chàng sốt rét, mụ liền mách nàng lấy mấy viên thuốc của một thầy lang gần đó, và nói quyết rằng: "chỉ uống một lần là khỏi". Xuân Hương xưa nay không tin bọn lang vườn, nàng cho họ là đồ vô học, không biết nghề thuốc là gì, uống thuốc của họ không khỏi có sự nguy hiểm, nên nghe mụ nói, nàng chỉ cảm ơn không nhận lời. Thận Trung lại khác, chàng cũng không tin bọn lang vườn vô học, nhưng lại tin những thuốc gia truyền, chàng vẫn cho rằng: "những thuốc gia truyền đều là thứ thuốc đã quá nhiều lần kinh nghiệm mà tìm ra được, phần nhiều rất có công hiệu." Bởi vậy, chàng cứ giục nàng đi lấy mấy liều để chàng uống thử, dù không khỏi cũng không hại gì.
Chìu chàng, nàng bèn nhờ mụ hàng lấy giúp cho một liều. Uống thuốc xong, chàng lại lên cáng giục phu cáng đi. Xuân Hương luôn luôn cho cáng của mình đi kèm ở bên cạnh chàng, nàng chỉ canh cánh lo chàng lầm thuốc, chẳng ngờ thuốc ấy hay thật, hôm ấy Thận Trung không lên cơn, hôm sau cũng không thấy cơn lên, chàng được yên lành về đến Hà Nội.
Cố nhiên nàng lại đón chàng vào luôn nhà mình dưỡng bệnh, không dám để đi đâu.
Chàng vừa lên gác nằm nghỉ chưa đầy nửa giờ, ngoài cửa bỗng thấy có tiếng ầm ầm, rồi đến tiếng đập cửa thành thành, rồi đến tiếng gọi dữ dội:
- Thằng Đàm Thận Trung muốn sống xuống mà chịu tội! Mau mau!
Giật mình, chàng vội trở dậy hé cửa trông ra. Dưới cả một bọn chừng ba chục người toàn là học trò, kẻ cầm sào gậy, người thừng trạc ai nấy nét mặt hằm hằm ra bộ tức giận. Đi đầu bọn đó, lại có mấy ông cụ già đầu bạc phơ phơ: cụ Nghè Hoàng, cụ Nghè Đặng và ông Đồ Đàm bác ruột Thận Trung.
Chàng không hiểu vì sao hai cụ Nghè Hoàng và ông cụ Đồ bác mình lại đem học trò đến xỉ vả mình như thế, lúng túng chàng bảo Xuân Hương đừng mở cửa vội thử xem họ làm trò gì.
Thì ra trong khi chàng lên cáng đi với Xuân Hương, học trò cụ Nghè Hoàng có kẻ trông thấy, liền về mách luôn với thầy. Nghe tin ấy, cụ Nghè Hoàng lấy làm tức giận, và lại thẹn rằng: trong môn đồ có kẻ đi theo con đĩ , làm nhục thanh gia của mình. Lúc đầu, cụ định họp cả học trò tại trường để kể tội Thận Trung rồi xóa tên chàng trong số môn sinh, không nhận là học trò nữa. Sau vì cụ Nghè Đặng nói ra nói vào, cho rằng trị tội Thận Trung như thế còn là quá nhẹ. Theo ý cụ phải bắt Thận Trung đánh cho một trận nhừ tử, thì mới có thể răn được kẻ khác. Câu nói như thổi vào ruột cụ Nghè Hoàng, tức thì cụ viết thư mời ông Đồ Đàm đến nhà mình, kể hết tội trạng Thận Trung cho nghe. Ông đồ cũng xấu hổ vì có đứa cháu hư thân làm cho điếm nhục gia thanh, luôn hôm ấy ông nhờ cả học trò của hai ông Nghè đi rình Thận Trung xem chàng ở đâu, chẳng may cho chàng, vừa về đến Hà Nội, người ta báo ngay cho hai cụ Nghè và ông Đồ biết.
Khi ấy cả lũ học trò gọi mãi không thấy Thận Trung xuống gác, họ bèn bảo nhau cậy cửa kéo vào.
Thận Trung không còn đường nào chạy, chàng liền bị họ trói lại điệu xuống. Xuân Hương biết chừng không thể cứu nối, nàng bèn giả cách làm lơ, chờ cho bọn kìa dẫn chàng ra khỏi nhà mình, tức thì nàng đến nhà ông Chiêu Bảy nhờ ông nghĩ cách cứu cho chàng. Vừa may gặp ông Chiêu Tám cũng có ở đó, hai ông nghe nói Thận Trung, ai cũng thương hại và tức giận mấy cụ kia. Ngay lúc ấy, các ông dẫn nhau ra phường Đồng Xuân, đón đường mấy ông cụ ấy để xin giùm cho Thận Trung. Không những các cụ không nghe, lại mắng thêm cho hai ông Chiêu một trận tàn nhẫn.
Hai ông Chiêu cũng không chịu nhìn, cùng nhổ vào mặt hai cụ Nghè và mắng:
- Các anh chỉ làm cho nhục nhà Nho.
Chú thích