Bước tới nội dung

Trong rừng nho/Chương 2

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trong rừng nho  (1942)  của Ngô Tất Tố
Chương 2

Hoa hòe bắt đầu tàn rụng.

Trước những hạt mưa lún phún của tiết lập đông, cánh vàng theo ngọn gió may tả tơi tung khắp các mái nhà và các đường phố. Làn mây u ám phủ kín bầu trời. Ánh nắng hòa với bóng tối làm cho vũ trụ thành một màu tro.

Hôm nay cũng như mọi hôm mới đây, phường Khán Xuân của thành Hà Nội đã được loáng thoáng trang điểm bằng những chậu kim quất đỏ ối, những khóm cúc màu như ngọc như vàng; những bộ quần áo tím xanh của các cô khuê các.

Năm hầu tàn.

Trong gian gác nhỏ hẹp nhô trên một dãy mái ngói ở giải ven Hồ Tây, Xuân Hương với bộ mặt tần ngần, thẩn thơ làm bạn với mấy chồng sách, lổng chổng mấy ngọn bút ngả nghiêng, một tập hoa tiên tơi bời trên án sách.

Cảnh tượng bao la của mặt hồ và dấu vết điêu tàn của thành quách lâu đài thuở nọ thi nhau tiến vào cửa sổ, giúp thêm sự cô tịch cho gian gác trời đông.

Những cánh hoa hòe tản tác dưới hạt mưa bay cùng những lá sen khô xơ xác, nhấp nhô trong ngấn nước, có ý nhắc lại cho nàng mấy vết đau đớn ẩn nấp đáy tim.

Hồi này năm ngoái, chính là hồi nàng phải bước chân vào dinh ông Quyền Chưởng Vệ Hà Nội.

Bấy giờ những kẻ thèm mồi chung đỉnh, thảy đều khen ngợi cả, chức "bà bé" của nhà ông lớn là chức cao sang. Nhưng trong ý nghĩ của nàng, thân phận "tiểu tinh", chỉ là kiếp con sen con nụ.

Giả sử nàng là con nhà hàn vi hoặc là một kẻ ngu dốt, người ta gả bán một cách dấp dúi như vậy, thì nàng cũng không lấy làm phàn nàn. Nhưng gia thế và tư cách của nàng đã đâu đến nỗi!

Chẳng may trong lúc giang sơn đổi chủ, sự tàn bại của vua Lê chúa Trịnh đã lôi sụp sự thịnh vượng của nhà nàng, trước kia, họ Hồ ở làng Quỳnh Đôi trong huyện Quỳnh Lưu, vẫn là một họ trâm anh thế phiệt.

Tuy rằng cha nàng mất sớm, cải cảnh bồ côi, bồ cút đã đày đọa nàng từ thủa lên mười, nhưng nhờ sự dạy bảo của mẹ đẻ và nhờ nết thông minh của trời cho từ thủa lên mười, nàng nghiễm nhiên là một cô học trò biết làm câu đối bài đoan.

Dầu rằng sự học của nàng vẫn bị những ông tôn trưởng coi làm đồ để viết thư cho con trai, không ai thiết săn sóc, rèn cặp, nhưng nó với nàng cũng như hạt giống tốt với miếng đất phì nhiêu, không cần sự vun tưới của người ngoài, trong năm sáu năm, vẫn có thể thành một chồi cây rườm rà, nở những bông hoa tươi thắm.

Người ta đã phục nàng là bậc tài nữ không kém nàng Ban, ả Tạ, khi thấy văn nàng có vẻ tài hoa.

Người ta lại rủa nàng sẽ là ca kỹ Tiết Đào, khi nghe thơ ca của nàng có giọng lẳng lơ chua chát.

Cũng vì sợ nàng hóa như tác giả của hai câu "cành chim lá gió", thì có nhục cho gia phong, chú nàng mới bắt nàng thôi việc bút nghiên, tập nghề cày cấy.

Lại vì ghét cái giọng ỡm ờ trong bài tức cảnh "tát nước gầu sòng", nhà đạo đức ấy, trước khi lâm chung, còn cố ghép cho xong mối dây lên giữa nàng với ông Quyền Chưởng Vệ Hà Nội.

Những như cái tướng rậm râu sâu mắt và cái tính cộc cằn lỗ mãng của đức lang quân, cũng đã khổ cho kẻ làm vợ, huống chi ở ngồi, ăn cạnh, nằm kề, còn phải tập những sự luồn cúi, nếm những mùi cay chua, thì một người tài tình như nàng, chịu đựng làm sao cho nổi. Phúc đức thay, lòng hiếu sắc và oai đại tướng của viên quan võ nhị phẩm địch không lại máu ghen của mụ sư tử Hà Đông, qua sáu tháng đọa đầy, nàng được thoát khỏi nhà chồng bằng tội "ái nam" của Viên Chưởng Vệ đã ghép cho nàng để tránh tiếng sợ vợ.

Mẹ mất, chú đã chết, anh em họ mạc đều ở trong vùng Nghệ An, nhà cửa ở phường Khán Xuân, quê hưởng "sinh đẻ của nàng, lại về tay nàng làm chủ.

Lúc này không còn sợ ai ngăn cản, đè ép, nàng đã có quyền làm việc theo như chí ý của mình.

Cũng sôi kinh nấu sử, cũng mười năm đèn sách chứ kém gì ai? Ta phải giật lấy miếng "ông đồ ông cống" cho thiên hạ biết tay, để họ khỏi khinh "đàn bà , con gái". Bởi nghĩ thế, nàng mới ăn mặc giả trai, đổi họ đổi tên, nộp quyển xin vào trường thi. Chẳng ngờ, trời chẳng chìu lòng, việc bí mật lại bị cái vú "dậy thì" tố giác với lính kiểm soát, khiến nàng bị bắt luôn ở của trường. Tuy nàng chỉ bị giam hai ngày, nhưng nghĩ đến nguồn cơn lúc nào, nàng vẫn tức bực lúc ấy.

Ô hay! Thánh hiền vua chúa thù gì đàn bà con gái mà lại không cho người ta đi thi? Nếu không gặp được ông tổng đốc bà Nội là bạn cha ta, và những ông ngự sử, chủ khảo một học trò của ông ta, thì cái tội "cải trang ứng thí" có lẽ phải đến xử tử. Cứ tình thế này, đàn bà con gái không còn kiếp nào mở mặt lên được. Đời đã chó má như vậy, thân thế của ta sau này sẽ đi ra con đường nào?. Quanh quẩn nghĩ đi nghĩ lại, nàng vẫn chưa tìm được câu trả lời.

Gió may hiu hiu đưa vào cửa sổ.

Chồng giấy hoa tiên xanh đỏ phất phới bay ra khắp nhà.

Uể oải nàng đứng dậy xếp nhặt từng mảnh để trên án sách.

Mấy hàng chữ thảo bỗng múa may rối rít ở trước mắt nàng:

Kẻ đắp chăn bông, kẻ lạnh lùng

Chém cha cái kiếp lấy chồng chung.

Năm thì, mười họa, nên chăng chớ

Một tháng đôi lần, có cũng không.

Cố đấm ăn xôi, xôi lãi hỏng

Cầm bằng làm mướn, mướn không công.

Thân này ví biết dường này nhỉ

Thà trước thôi đành ở vậy xong!

Xem đi xem lại mấy lượt, nàng chợt cau đôi lông mày: - Thật là "ghét của nào, trời trao của nấy", phương ngôn nói không sai. Mình chê người ta phải lấy chồng chung, trời liền bắt mình phải làm vợ lẽ một lão vũ phu thô tục. Mình riễu người ta thà rằng ở vậy, đến mình giá muốn ở vậy cũng không thể được, cái gia pháp oái oăm vẫn cố dúi đẩy mình đi, không để cho mình ở yên.

Mình cười người ta làm mướn không công, nhưng mình đi ở năm sáu tháng ròng vẫn trở ra với hai bàn tay trắng... Khen cho con tạo khéo trêu người...! Mân mê giở đến tờ khác, nàng như thích ý, gật gù ngâm:

"Đương cơn nắng cực chửa mưa tè"

Im lặng, nàng tự bẻ mình: "Chửa mưa tè nghe vẫn chưa ổn. Vần "tè" khí ép.

Vả nắng cực tức là chửa mưa, cần gì phải thêm hai chữ "chửa mưa" cho thừa?

Giả sử chữa lại làm "tiết trời hè" có lẽ êm hơn!

Sẵn bút trong ống, nàng liền tẩm mực dập mấy chữ cũ, viết thêm vài chữ nho nhỏ ở cạnh, rồi nàng đọc lại:

Đương cơn nắng cực, tiết trời hè

Rủ chị, em ra tát nước khe

Lẽo đẽo chiếc gầu, ba góc dụm

Lênh đênh một ruộng, bốn bờ be.

Xì xòm đáy nước, mình nghiêng ngửa

Nhấp nhổm bên ghềnh, đít vắt ve.

Ham việc làm ăn quên cả nhọc

Dạng hang một lúc đã đầy phè.

Nàng bỗng mỉm cười:

- "Nắng cực!...Dạng hang... " Kể cũng chớt nhả thật đấy. Không trách ông chú phát cáu cũng phải. Xưa nay thi gia vẫn dùng những chữ gió, trăng, mây, móc, gấm, vóc, ngọc, vàng kia chứ, ai dám đem những tiếng ấy vào thơ? Nhưng, chớt nhả thì chớt nhả, nó vẫn không hề ra ngoài đầu đề, và cũng không hề mất vẻ tự nhiên. Phải! Có nắng cực mới phải tát nước, đã tát nước thì phải dạng hang, tức cảnh "tát nước gầu sòng", dùng mấy tiếng đó kể cũng sát lắm, thế thì dù có chớt nhả cũng không can chi, sao lại có kẻ bẻ vành, bẻ vẻ?

Chẳng qua mình là con gái, thì bài ấy bị ghép vào tội đĩ thõa lẳng lơ, giả sử mình là con trai, mà nghĩ được những câu như thế, tất nhiên họ sẽ khen nức, khen nở, híp mắt mà cười với nhau, rồi còn người này truyền cho người kia là khác. Lạ thay, trong việc dùng chữ làm thơ con gái với con trai cũng còn chênh lệch khác nhau đến như vậy?... ừ thì ta cũng nhận rằng con gái không được phóng túng như con trai, ta lại nhận rằng bài thơ kia là thơ lẳng lơ đĩ thõa đi nữa, nhưng mấy câu thơ đĩ thõa lẳng lơ, chưa phải là tội chửa hoang làm đĩ , cớ sao ông chú lại nỡ lấy nó làm án để đẩy ta vào chỗ nọc rắn miệng hùm? Té ra người ta chỉ biết quý cái gia phong, không coi một đời tài sắc của ta vào đâu? Nếu không được mụ Chưởng vệ có tính ghen tuông, thì thân ta phỏng còn gì nữa ! . . .

Thang gác có tiếng thình thịch.

Con nụ bưng khay bàn chè và ấm nước sôi đặt lên trên yên.

Quay ra, nàng pha chè chuyên nước, một mình thơ thẩn vừa ngẫm hương chè vừa ngẫm sự đời. Câu hỏi lúc này dường như lại thì thầm ở đâu bên tai: "Đời đã chó má như thế, thân thế của ta sau này sẽ đi ra con đường nào?"

Vẫn chưa tìm được câu trả lời. Nàng liền dấp giọng một hớp nước chè, rồi mơ màng nhìn ra cửa sổ.

Gió may vẫn thổi mạnh.

Lá sen khô vẫn lướt theo lớp sóng mặt hồ.

Cánh hoa hòe lả tả bay vào trong gác, và loáng thoáng rơi xuống án sách.

Nàng bỗng giật mình và bụng bảo dạ: "Năm ngoái khi ta ra đi, hoa hòe cũng đương úa rụng, bây giờ ta trở về đây, hoa hòe lại đã hầu tàn. Thế là hết một năm rồi, thân ta vẫn trơ trọi, lênh chênh. . . chả mấy nữa mà mặt thâm má hóp. Ấm nước hơi nguội, nàng gọi con nụ đem xuống đun lại. Sợi "tư tưởng" bị đứt một quãng. Giây lát, nó lại tiếp tục kéo ra. Nàng cười chua chát: "Từ khi còn là gái thanh tân, hình như ta đã nổi tiếng đổng đảnh, chua ngoa, thiên hạ ai ai cũng sợ. Bây giờ tuy vẫn thanh tân, nhưng nào ai biết? Người ta chỉ biết ta là đứa chua ngoa và lộn chồng, chẳng những họ sợ, mà họ còn khinh bỉ nữa. Ta không thể đi tu, ta cũng không thể thanh tân suốt đời, nếu muốn sau này có được hạnh phúc tốt đẹp, có lẽ ta phải chừa bớt thói ỡm ờ, sửa lại tính nết cho thành một người chín chắn đứng đắn, không nên cưỡng lại với lễ giáo của thánh hiền. Phải, "ở đời chìu đời", phải như thế, ta hãy thôi không làm thơ, không tròng ghẹo bạn gái, không chế riễu những anh con trai, ăn nói đứng ngồi phải giữ cho đúng lời dạy ở Thiên Nữ Tắc và các bài nữ huấn...!

Tiếng thình thịch lại lần lần nện ở thang gác, con nụ đã lên với ấm nước sôi. Bã chè hơi nhạt, nàng trút ra cái bát chứa, và cho chè khác vào ấm chuyên. Cạn một tuần nước đầu, nàng đứng dậy toan vơ đống giấy hoa tiên đem đốt.

Bỗng nàng dừng tay và tự hỏi thầm: "Sau khi sửa đổi tính nết, thành người con gái đứng đắn và chín chắn, đời ta sẽ như thế nào?!! "Và nàng lại tự trả lời: "Chắc sẽ có người tâm đầu ý hợp, cậy mối đến hỏi. Ta sẽ cùng họ hưởng cái phúc tiêu dao ngâm vịnh như những đôi giai nhân tài tử ngày xưa...".

Tức thì những cuộc chơi bời thú hứng la liệt bầy trước mặt nàng. Nàng đương cùng chồng đối mặt ngồi trong thuyền bồng lơ lửng bơi trên dòng thị Hà; ánh trăng lóng lánh chiếu xuống lòng sông, con thuyền nhẹ nhàng rẽ lớp sóng hàng đủng đỉnh qua những đám bóng cây và từ từ trôi ra cửa biển. Nàng đương cùng chồng cheo leo đứng trên đỉnh núi Tản Viên, bên tai, tiếng thông reo ào ào, tiếng suối tuôn róc rách, dưới chân, mây khói lờ đờ lượn đi lượn lại, trước mắt, núi sông, thôn ô thu lại như một bức họa đồ. Nàng đương cùng chồng tựa bức câu lơn, ngắm đàn cò bay trên Hồ Tây; mùi sen bát ngát đưa vào trong gác, người nọ tươi cười hớn hở chỉ bóng cỏ cây, mây nước bắt người kia vịnh thơ. Nàng đương cùng chồng song song nằm trong chăn cùng gối đầu trên một chiếc gối thêu; gió xuân ấm áp quạt làn khói trầm thấp thoáng bay trước màn the, thêm sự nồng nàn cho tình hứng. Nàng đương cùng chồng... Một cánh hoa hòe thoáng qua bên mắt. Chớp mắt một cải, mấy câu hỏi khác thình lình ập đến hỏi nàng: "Cái người cùng nàng hưởng chung các cuộc vui thú, sẽ là người nào? Trong bọn thiếu niên ăn học ngày nay, nàng đã biết mặt biết tên tất cả, người nào sẽ là người tâm đầu ý hợp của nàng? !Thế rồi trong con mắt nàng, một bọn tài tử văn nhân, theo câu hỏi kéo đến lũ lượt. Anh Nguyễn Văn Giáp ra phết phong lưu công tử, nhưng viết một bức thư không thông. Anh Trần Văn Nhâm văn chương nhiều bài thần tình nhưng mắt trắng giã, môi thâm xì, rõ ra con người hiểm độc. Anh Đặng Văn Mậu mặt mũi cũng tuấn tú, tư cách cũng thông minh; chỉ phải cái đứng ngồi khúm núm, cố làm bộ "đức hạnh." Còn ngoài ra vô số anh khác; ôi thôi! toàn là hạng học trò của Vương An Thạch!

Mặt bẩn không rửa", "áo bẩn không giặt", lại hơn cái mùi hôi như cú, chấy rận như sung, học già giã như quốc kêu, mà văn vẫn nặng như đá đeo, sách vẫn quên như hũ nút. Chán nản, nàng kết một câu: "Không có ai cả." Và nàng lại tự đồng tình với nàng: "Phải, không có ai hết, không có ai đáng là kẻ tâm đầu ý hợp của ta, có thể cùng ta hưởng những cuộc chơi bời thú hứng. Trừ ra hoặc còn kẻ nào rách trời rơi xuống, chứ trong hiện nay chỉ có một hạng anh Nguyễn Văn Giáp anh Trần Văn Nhâm anh Đặng Văn Mậu và vô số anh học trò của Vương An Thạch ấy thôi. Nếu ta mà làm vợ họ, thì ta có khi sẽ là bà Đồ, sẽ là bà Cống, sẽ là bà Huyện, bà Phủ, bà Tổng đốc, bà Thượng thư. Ta sẽ suốt ngày chỉ ngồi têm trầu. Ta sẽ suốt bữa chỉ ngồi gắp từng miếng đồ ăn đặt vào bát họ. Ta sẽ suốt năm chỉ nheo nhéo rủa thằng quít và chửi con sen, con nhài... Có thể như thế được chăng. Không thể được. Ta không thể bắt chước nàng Mạnh Quang, khi đưa thức ăn cho chồng phải nâng bát ngang với lông mày. Ta không thể bắt chước nàng Tạ Đào Uẩn, khi nói chuyện với khách đàn ông của chồng, phải che cái trướng trước mặt, cho khách khỏi trông thấy mặt. Ta không thể bắt chước nàng Trác Văn Quân, khi chồng chểnh mảng, còn cố nghĩ lấy bài ngâm "đầu bạc" để hòng chuộc lại tình yêu. Những cái người ta cho thảo hiền, hoặc sang trọng, với ta, chỉ là những sự khốn nạn đáng khinh. Thà rằng trơ trọi lênh chênh, ta không thể làm kẻ "sửa túi nâng khăn" cho những người mà ta không sao chịu nổi, thì ta còn tập lấy những thói khốn nạn làm chi.

Tần ngần, nàng chống tay vào khung cửa sổ, vơ vẩn nhìn trời, nhìn mây, nhìn những ngọn cỏ lơ thơ ở bờ hồ bên kia, để cân nhắc thêm một lần nữa, xem những ý nghĩ vừa rồi có đúng hay không đúng. Nàng thấy những thứ lễ nghi chế độ của những ông thánh, ông hiền đặt ra cho đàn bà con gái, rặt là những cái xiềng xích.

Thật thế, rặt là những cái xiềng xích. Người nào chịu xiềng xích, thì họ bảo là dâu thảo, vợ hiền. Ai mà cưỡng lại, thì họ cho là "lắng lơ đĩ thõa".

Nghĩ vậy, nàng bỗng cười ngặt nghẽo: "Chẳng những thế thôi, họ còn sưng sưng vu cho người ta là gái ái nam nữa chứ".

Rồi nàng quả quyết: "Không cần! Muốn gì thì gì, ta cứ sống bằng ý muốn của ta, ta không sống theo sở thích của người.

Bắt đầu từ nay, ta thử phá hết những cái đạo đức giả dối, chơi với ông thánh, ông hiền một mẻ xem sao. "

Kiêu ngạo, nàng khúc khích cười thầm: "Được rồi, lão nghè Hoàng vẫn lên mặt đạo đức cao thượng, làm hư cả mấy trăm học trò. Hôm nọ ở cửa trường thi, chính bọn học trò ông ta đã đua theo lão Quyền Chưởng Vệ mà phao cho ta cái tiếng ái nam. Bao nhiêu lời ong tiếng ve đó vào đầu ta từ trước đến giờ, phần nhiều ở ông ta mà ra cả.

Ta phải cho ông ấy biết ta trước nhất.

Nhanh nhẩu, nàng đến án sách, hí hoáy lấy giấy đóng quyển, viết một bài văn thật dài.

Đọc lại một lần, nàng phá lên cười:

- Lão nghè Hoàng nghe hết bài này, không khéo sẽ tức mà chết.

Rồi nàng giao cuốn văn ấy cho con nụ, và dặn nó sáng mai phải đem nộp ở trường học cụ nghè Hoàng.

   




Chú thích