Trong rừng nho/Chương 6

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trong rừng nho  (1942)  của Ngô Tất Tố
Chương 6

Tuy là giữa tiết mùa Đông, sớm nay trời ra vẻ trong trẻo hơn các sớm khác.

Một lát sau khi sáng rõ, các đám mây mù đều bị dạt xuống chân trời, nhường chỗ cho mặt trời từ từ vượt lên dãy núi phương đông để báo tin một ngày ấm áp.

Xuân Hương vừa tan tiệc chè buổi sáng, nàng thơ thẩn đứng tựa cửa gác nhìn ra Hồ Tây. Trên đường Cổ Ngư, thấy có một người đàn ông từ nẻo cửa Bắc lững thững đi lại. Ngắm kỹ dáng bộ người ấy, nàng đoán chừng là Đặng Như Bích.

Giây lát người ấy lại gần, quả nhiên là chàng ta.

Số là hôm trước khi ở trường ra, tình cờ gặp nàng giữa đường, Như Bích tuy vì hổ thẹn mà ngoảnh mặt đi, nhưng trong bụng vẫn không quên nàng. Về đến nhà đưa những bản nháp lên trình cụ Nghè, chờ cụ xem xong và bình phẩm qua loa vài câu, chàng liền đi xuống nhà học. Cơm nước xong, chàng sai thằng nhỏ giũ giường buông màn, rồi chàng bảo nó đóng cửa để mình nằm nghỉ.

Suốt đêm ấy, cặp mắt, cặp môi và đôi gò má Xuân Hương luôn luôn ở trước mặt chàng, khiến chàng lật quật hết nằm lại dậy, không sao ngủ được, tuy cả ngày hôm trước, chàng đã mệt lử về việc cánh quyển và viết bài.

Gió bắc hiu hiu lùa vào cửa sổ, ngọn đèn trên quang lướt đi lướt lại rình tắt. Ánh sáng lờ mờ chiếm cứ cả một gian phòng, làm cho chàng càng thêm buồn bã.

Chàng không nghĩ gì đến việc thi cử, không nhớ gì đến văn bài mà mình mới viết ở trường, bao nhiêu tâm trí, chàng để hết vào Hồ Xuân Hương. Trong bụng chàng khi ấy, nàng đã trở nên một người con gái hoàn toàn, có tài có sắc lại có cả đức hạnh nữa, xứng đáng là người nội trợ của chàng, chàng nhất định phải cậy mối đưa tin hỏi nàng làm vợ, không ngại những chuyện đã xảy ra giữa chàng với nàng từ mấy hôm nay, chàng tự tin rằng nhà chàng hồi ấy hãy còn danh giá bề thế gấp mấy nhà nàng, nếu chàng mượn người hỏi giúp, chắc là thế nào cũng xong. Nhưng chàng lại ngại không biết cụ Nghè có bằng lòng hay chăng, hay là cụ lại chê nàng đĩ thõa, mà không cho chàng lấy nàng.

Chàng cứ nghĩ quanh như thế, vừa đến sáng bạch, không nhắm mắt được một phút nào. Sáng ra, chải đầu, rửa mặt xong rồi. Mấy lần chàng toan đi lên nhà trên, đem cái ý định của mình nói với cụ Nghè, nhưng lại rụt rè không dám. Rồi cái dáng dấp yểu điệu, cái dung nhan xinh đẹp của Xuân Hương lại làm cho lòng chàng nóng như lửa chất, không thể ngồi nhà cho yên. Đội khăn, mặc áo chỉnh tề, chàng lên xin phép cụ Nghè đi thăm anh em. Ra khỏi cửa, chàng vờ vòng quanh vài phố, rồi xăm xăm lên thẳng trên đường Cổ Ngư và lần lần tiến đến trước nhà Xuân Hương, ý chàng chỉ muốn thấy mặt nàng một chút mới dịu được cơn sốt ruột.

May sao lúc đó, nàng vừa ngó cửa trông ra, chí nguyện của chàng đã thỏa, chàng liền giả cách đi thẳng lên phía Yên Phụ, nhưng, vừa đi, chốc chốc chàng vừa quay cổ trông lại, hình như muốn đi mà không thể dứt tình đi thoát.

Thấy thái độ của chàng như vậy. Xuân Hương cũng lấy làm ngạc nhiên, nàng không thể nào đoán ra tâm lý của chàng lúc ấy: "Hôm nọ ta đã chế giễu hắn một cách đê nhục, và chính hắn cũng toan gây sự phá phách nhà ta, thì không lẽ nào hắn lại quyến luyến ta nữa. Mà nếu hắn không có ý muốn quyến luyến, thì sao hắn lại thơ thẩn dạo quanh ở trước nhà ta, đôi mắt lấm lét giống như chỉ muốn nhìn ta mà không dám nhìn ra mặt?". Thế rồi nàng thử để ý xem chàng đến đó để làm gì. Quanh đi quanh lại ở đường Cổ Ngư độ vài ba lượt, chừng như chàng cũng tự lấy làm ngượng, lại lẽo đẽo đi về con đường Cửa Bắc. Nàng cho là chàng có hẹn người nào đến đấy, nhân thể đi qua, gặp mình thì nhìn ngó chơi, không phải là có ý gì với mình. Không nghĩ gì đến chàng nữa, nàng sai con Nụ xuống chợ mua ít cam, quệt và vài chục bánh cốm để nàng sang chơi Kinh Bắc làm quà.

Quê chồng dì nàng ở đấy. Từ khi mẹ nàng còn sống, bà dì vẫn luôn luôn sang chơi nhà nàng ở phường Khán Xuân. Đối với nàng, bà ấy rất là thương yêu quí mến, thường thường khuyên nàng nên lấy người chồng học trò, để có một ngày hưởng cái hạnh phúc "võng anh đi trước, võng nàng đi sao". Lúc nàng bị ghép vào làm vợ lẽ lão quyền Chưởng Vệ, bà ta vẫn không bằng lòng, nhưng vì không có quyền gì với nàng, cho nên bà ta phá ngang không nổi.

Từ đó, bà ấy cũng không hay sang nhà nàng như trước.

Nàng vẫn định bụng sang thăm bà dì, để nói những chuyện tâm sự, nhưng mấy lần sắp đi lại mắc việc khác phải thôi.

Hôm ấy gặp ngày giỗ ông chồng bà ấy, nàng mới quả quyết đi, song trước là lễ giỗ, sau nữa thăm dì, thăm em luôn thể.

Nàng sắp sửa quần áo xong rồi, đợi độ một lúc, con Nụ đi mua các thứ đồ vật vừa về. Bỏ hết các thứ vào đôi tay nải, nàng dặn con Nụ ở nhà coi nhà, rồi nàng lõng thõng lồng đồ vào đòn gánh, gánh đi. Coi dáng điệu nàng lúc ấy, không ai bảo nàng là người biết chữ. Bởi vì những người biết chữ, phần nhiều là con nhà quan, người ta chỉ quen ưỡn ẹo với đôi dép cong, chưa khi nào để đòn gánh lên vai! Nhưng mà những người quen biết, thấy nàng chịu khó như vậy, người ta lại càng kính phục.

Sang bến Lâm Do, nàng cuốc một mạch thì tới ngã ba Cu Hạc. Một bọn phu cáng ở đó đón khách, họ kèo nài mời nàng lên cáng đi cho đỡ mệt. Bấy giờ chân nàng đã thấy hơi mỏi, nàng bèn trả họ hai bốn đồng kẽm, thuê họ cáng mình từ Cổ Hạc đến phố Chùa Răn.

Kể ra đoạn đường ấy chẳng qua chỉ độ một dặm, đối với con đường từ Hà Nội đến Kinh Bắc, một dặm đường có thấm vào đâu. Nàng phải đi cáng, một là cũng muốn nghỉ chân giây lát, hai nữa thử xem cái thú đi cáng thế nào, vì từ thuở nhỏ đến giờ, nàng chưa đi cáng bao giờ.

Ngồi trên cáng, nàng tự thấy mình gần giống con vật: chỉ có loài vật, mới phải để cho người ta khiêng vác, chứ loài người trời đã sinh cho đôi chân để đi, không đau, không ốm, sao lại bắt tội kẻ khác vận tải.

Lẩm bẩm nàng trách thầm vua Quang Trung, nàng cho ông ấy vẽ ra cái cáng, khiến cho những kẻ giàu sang bây giờ đều muốn người ta khiêng vác như loài vật cả. Rồi nàng lại nghĩ: "Nhưng mà ta trách vua Quang Trung có lẽ cũng lầm, chẳng qua những người giàu sang muốn bắt kẻ khác khiêng vác, ấy là tại họ lười biếng. Chứ ông vua kia có tội gì. Trong lúc quân tàu đánh chiếm Thăng Long, tướng sĩ đều thua chạy hết, vua Quang Trung ở thành Phú Xuân, tiếp được tin báo, muốn gấp đường kéo quân ra thẳng Bắc Hà, cho kịp đánh giặc trong dịp nguyên đán. Bởi vì vua ấy biết tính người Tàu hễ cứ đến tết thì phải ăn uống no say, không lo gì đến trận mạc, đánh họ lúc ấy, dễ phá được họ hơn là lúc khác. Nhưng cái ngày khởi quân lên đường, chỉ cách mồng một tháng giêng chừng mười bữa nữa. Trong mười bữa ấy quân sĩ còn phải ăn ngủ, làm thế nào mà đi cho tới Bắc Thành, vua Quang trung mới nghĩ ra lối đi cáng bắt quân thay phiên cáng nhau, phiên này mỏi mệt, thì cho lên nằm cáng mà ngủ, để cho phiên khác cáng đi. Thành ra quân đi suốt đêm, người nào cũng được ngủ nghê, nghỉ ngơi, không ai bị mệt nhọc quá.

Nhờ vậy khi đến Thăng Long, chỉ đánh một trận thì phá được tan quân Tàu, chém được Sầm Nghi Đống và đuổi được Tôn Sĩ Nghị. Như vậy vua Quang Trung cũng là một người thông minh, mới sáng chế được cái lối "người tải người" ấy. Nhưng kiểu "đi" đó dùng riêng về việc trẩy quân thì phải, chứ đến việc khác, những việc không cần kíp quá như việc đánh giặc, thì đã có xe, có ngựa can gì phải nằm sóng sượt ra đó để cho kẻ khác khiêng đi. Nghĩ vậy, nàng bèn bảo đỗ cáng lại, trả tiền cho hai anh phu cáng, rồi nàng lẽo đẽo đi bộ.

Một lát, đến phố chùa Răn. Từ Hà Nội lên Kinh Bắc, tới đó là được nửa đường, vừa đúng một "cung", những người gánh vác trên đường thiên lý đều phải nghỉ lại ở đó để ăn uống. Vì vậy, phố ấy tuy không phải là nơi kẻ chợ, nhưng cũng có đủ hàng cơm, quán rượu, quang cảnh cũng hơi sầm uất. Bấy giờ trời đã gần trưa, nàng vào hàng nước nghỉ tạm giây lát. Thình lình trông ra trước mắt, thấy có khu rừng cây cối rườm rà.

Sực nhớ chỗ đó là lăng nhà Lý! thuở xưa họ Lý trị vì, các vua tạ thế đều đưa về táng ở đó, nàng toan rẽ vào coi xem phong cảnh có gì lạ không. Nhưng nhìn mặt trời đã sắp đứng bóng, nàng sợ rong chơi lan man, hoặc giả đến tối không tới Kinh Bắc, nên lại cất gánh lên đường, dành sự ngoạn cảnh đến chuyến trở về.

Lên khỏi phố Viếng; chợt thấy đám người xúm lại giữa đường đông như một đám thò lò, tiếng cười tiếng nói tiếng reo. Tiếng vỗ tay vang một góc trời. Lấy làm lạ, nàng bèn vào trong cái quán cạnh đường vừa để nghỉ chân vừa để hỏi xem đám đông kia là đám gì thế.

Bước đến cửa quán nàng lại toan lùi trở ra, vì có một bọn học trò và một đoàn khăn gói chiếm hết các ghế.

Nhà hàng chèo kéo cố mời nàng lại. Bọn học trò kia chừng cũng biết ý, liền ngồi dẹp vào một bên, nhường chỗ cho nàng. Nàng vừa ghé ngồi vào ghế, bỗng ở đằng xa có người bưng đầu chạy lại, vừa chạy vừa kêu. Thì ra sư ông ở Quán Sứ, sang chơi chùa Dền trở về, vô tính qua đường, thấy một lũ trẻ chăn trâu đương phá tổ ong, ông ta dừng chân đứng xem, chẳng may con ong vỡ tổ bay ra, đốt ngay trán, đau quá, ông ta phải ôm đầu chạy đến quán ấy tìm thuốc.

Thấy nàng ông liền xuýt xoa hỏi:

- Cô đi đâu lại sang bên này? Có vôi cho tôi một miếng.

- Ông xin vôi làm gì?

- Tôi bôi vào chỗ ong đốt. Lũ trẻ trời đánh, chúng phá tổ ong giữa đường, làm cho ong đốt ngay vào đầu tôi! Vôi của nhà hàng thiếu gì, sao ông lại xin của tôi?

Ông sư ngỏn ngoẻn:

- Muốn xin vôi của cô mới hay, vôi của bà hàng e rằng không hay.

Thấy cái thái độ ỡm ờ của kẻ tu hành, nàng có ý ghét liền đáp:

- Tôi không có vôi. Nhưng tôi có biết mấy câu thần chú, nếu viết vào giấy, rồi đem đốt đi, lấy than bôi vào những chỗ rắn cắn, hay rết đốt, ong đốt thì khỏi tức thì.

- Vậy cô làm phúc viết cho tôi.

- Không có giấy bút.

Vẫn hai tay bưng đầu, ông sư quay lại hỏi bọn học trò:

- Các thầy có đem giấy mực trong gói, làm ơn hãy cho tôi mượn.

Cố nhiên khăn gói của những học trò đi trọ, phải có giấy bút ở trong, một người trong bọn liền lấy cho mượn.

Mài mực, tẩm bút, nàng liền viết thảo vài dòng, đưa cho ông sư:

- Sư ông đọc đi ba lượt, rồi xem đốt để mà bôi.

Ông sư trông vào mảnh giấy, không thể nhận được chữ nào, vì chữ nàng viết thảo quá.

Ngoảnh lại đằng sau, ông sư sẽ nói với người học trò:

- Mắt tôi lóa lắm, không có kính không thể trông ra chữ gì, ông tinh mắt hãy đọc giúp tôi một lượt để tôi đọc theo.

Cầm mảnh giấy, người học trò coi qua một lượt, rối nhìn mặt Xuân Hương một cách ngạc nhiên, người ấy vừa cười vừa ngâm:

- Nào nón tu nữ, nào mũ thâm

Đi đâu chẳng đội để ong châm

Đầu sư há phải...

Đến đó, người ấy cười ngặt cười nghẽo, giây lát mới lại đọc tiếp:

- Đầu sư há phải . . . đầu bà cốt?

Bá ngọ( tiếng chửi của nhà chùa. )

Con ong bé cái lầm.

Cả bọn học trò cùng cười ầm lên. Ông sư phát cáu, vung tục vung nhả một hồi, rồi rút lui. Những người học trò khi ấy mới biết nàng là bực tài nữ, một người muốn bắt làm quen, lễ phép hỏi:

- Thưa cô, quí quán ở đâu ta?

- Tôi ở Hà Nội.

- A! có phải cô là Hồ Xuân Hương?

- Phải!

Mấy người ngơ ngác nhìn nhau, ra ý muốn nói dài dòng nhưng lại rụt rè không dám. Nàng cũng im lặng cởi giây lưng bao, lấy tiền trả bà hàng nước, rồi đứng dậy đi.

Mặt trời tà tà, nàng tới Kinh Bắc. Bấy giờ trong nhà bà dì khách khứa đã vãn.

Thấy nàng, bà ấy và cả mấy người con gái, ai nấy tay bắt mặt mừng. Trách nàng đã định sang chơi, sao không sang từ chiều hôm qua. Nàng phải thú thật hôm qua khuấy quên, sáng nay mới nhớ ngày nay kỵ nhật ông chú.

Sau khi nàng đặt đồ lễ lên giường thờ làm lễ, bà dì bảo nàng vào nghỉ trong buồng học của mấy đứa em gái. Bà ấy không có con trai, chỉ có ba người con gái, hai người đã lớn, trước có đi học, nhưng từ đầu năm đến giờ, đã phải thôi học để tập nghề buôn, còn một người nhỏ đương học thầy đồ ở nhà bên cạnh. Giở hết các sách của bọn em gái ra xem, nàng thấy dấu chữ thầy đồ xệch xoạc như vết gà bới, mỉm cười, nàng hỏi:

- Thầy đồ vẫn dạy các em tên gọi là gì?

- Chúng em không biết tên thật ông ấy, chỉ thấy gọi là thầy đồ Nghệ, vì ông ta là người xứ Nghệ.

- Năm nay ông ta đã bao nhiêu tuổi?

- Vào khoảng bốn mươi.

- Ông ta có được đông người đến học lắm không?

- Được hơn mười người tất cả.

- Có ai lớn không?

- Chỉ có những người độ bằng chúng em hay lớn hơn một ít.

- Ông ta có dữ đòn không?

- Trước kia ông ấy cũng dữ đòn lắm, sai một tí là đánh liền, sau vì học trò đau quá, chúng nó bỏ đi học thầy khác, bây giờ ông ta không dám đánh dữ như trước. .

Bà dì vừa vào, làm cho câu chuyện ngừng lại. Bà ấy tỉ tê hỏi nàng hết thảy công việc của nàng mới rồi, từ việc bị ông Chưởng Vệ rẫy ra đến việc cải trang đi thi và việc bị bọn sĩ tử toan đến phá nhà. Nàng đều cứ thật nói lại một lượt rành mạch. Bà dì căn vặn khuyên nàng từ rầy trở đi, không nên chua ngoa, nhất là không nên trêu ghẹo những người học trò làm gì, người ta dốt thì mặc người ta, không việc gì đến mình.

Cơm nước đoạn, bà ấy lại bảo cho nàng biết rằng thấy đồ bên cạnh là người ở huyện Nam Đàn, ông ta xưng là học trò cha nàng khi xưa lại biết tiếng nàng học giỏi, thường dặn bà ấy, khi nào nàng sang Kinh Bắc thì xin cho biết, để ông ta sang chơi. Nàng nghĩ cha nàng khi trước tuy quán ở huyện Quỳnh Lưu, nhưng vẫn ở luôn Bắc Thành, làm gì lại có học trò ở huyện Nam Đàn. Hay là ông đó thấy dì nàng thân với nhà nàng, nên cũng nhận vơ thế chăng? Tuy vậy, nàng cũng tỏ ý vui vẻ, hứa đến ngày mai sẽ tự sang ông ta.

Đêm ấy, dì, cháu, chị, em, chuyện lơi, chuyện lả, hết chuyện gần đến chuyện xa gần quá nửa đêm, vẫn chưa ai ngủ.

Sáng sớm hôm sau, người con gái nhỏ bà dì cắp sách đi học, nàng cũng nói với bà ấy luôn thể để em đưa mình sang thăm ông đồ.

Sau chiếc án thư gác cây roi mây dài hơn một sải, và đặt một cái ca đàn mài son, thầy đồ quấn vành khăn vải nhuộm màu tam giang, ngất ngưởng ngồi trên bộ phản với cái điếu đàn, hai ghế hai bên lố nhố một lũ con nít mặt mũi nhếch nhác, quần áo lem luốc và la liệt những cuốn sách mỏng và nát nhàu.

Thấy nàng, thầy đồ ra vẻ ngạc nhiên liền hỏi bàng giọng trọ trẹ:

- Cô tới mần chi! Xin câu đối chứ?

- Tôi là Hồ Xuân Hương, nghe nói ông dạy học ở đây nên tôi sang thăm.

Luống cuống, ông đồ mời nàng ngồi vào phản mình và rối rít sai lũ học trò xuống bếp đun nước.

Một cậu học trò có ống mũi dài như hai cái ngà voi tiến đến phía trước án thư, chìa sách thẳng mặt thầy đồ, nói bằng tiếng mũi:

- Thưa thầy chữ gì?

Nghiêm nghị, thầy đồ cúi nhìn vào sách và đáp:

- Túc là đủ... ụ.

Vui vẻ, cậu đó quệt ngang ống mũi vào ống tay áo, rồi quay trở ra vừa đi vừa học:

- Túc là đụ a? Túc là đụ a!

Thầy đồ cau mặt quát lớn:

- Ai bảo mi túc là đụ, thằng kia? Túc là đụ... ụ chứ! Nét mặt ngơ ngác, cậu đó chỉ đứng lần thần.

Thầy đồ lại giục:

- Túc là đụ . . . ụ ! Học đi !

Cậu bé lại học:

- Túc là đụ a! Túc là đụ a!

Thầy đồ phát cáu:

- Lại đây! Thằng kia!

Cậu đó trở lại phía trước án thư với bộ mặt lo sợ.

Thầy đồ cầm cây roi mây quật xuống án thư đen đét và noi:

- Túc là đủ . . . ụ chứ? Ai bảo mi túc là đụ bao giờ?

Cậu đó vẫn học:

- Túc là đụ a! Túc là đụ a?

Thầy đồ nổi cơn lôi đình, nền vút cho cậu hơn chục roi mây và mắng:

- Đụ gì? Đụ cha đụ mẹ mi à? Đã bảo túc là đủ... ụ sao lại cứ "túc là đụ" hoài?

Cậu bé van lạy rối rít, và khóc nức nở. Thầy đồ lại thét:

- Túc là đủ... ụ? Học đi? Hễ còn "túc là đụ" nữa thì. . . một trăm roi vào đít!

Cậu bé vẫn cứ xì xoạt không dám cất tiếng. Xuân Hương mỉm cười, nàng nhìn cậu kia và nói một cách ngọt ngào.

- Thầy bảo túc là đủ, sao em cứ học túc là đụ?

Cậu bé như đã tỉnh ngộ, cắp sách chạy sang chỗ ngồi của mình.

Một cậu bé khác xách siêu nước từ dưới bếp lên:

- Thưa thầy, nước sôi rồi ạ!

Giở sâu chìa khóa, mở tráp lấy gói chè nụ, thầy đồ bỏ một nắm chè và xách ấm đưa ra cho cậu học trò:

- Rót vào đây!

Khói nước bốc lên, mùi hoa sói bay ra ngào ngạt, thầy đồ sẽ sàng rót lưng chén nước, cung kính, hai tay nâng đưa Xuân Hương:

- Mời cô xơi nước! Xuân Hương vừa đón chén nước lên tay, một bé nữa đem sách đến nhìn vào mặt thầy đồ:

- Thưa thầy chữ gì?

Thầy đồ ra giọng oai vệ:

- Chữ môn là cựa!

Cậu ấy theo luôn lời thầy:

- Môn là cựa! Môn là cựa a!

Thầy đồ trừng mắt và thét:

- Cựa là cựa ra cựa vô, chứ cựa cha cựa mẹ mi à!

Xuân Hương phì cười, nàng liền bảo giúp:

- Môn là cửa kia mà! Không phải "môn là cựa"!

Thầy đồ đỡ một trận quát tháo, cậu bé cũng thoát một trận sợ sệt. Giữa phản bên cạnh những tiếng ê a, ề à nhất tề nổi lên, nghe như một đám tụng kinh. Một lát sau, tiếng học dần dần uể oải, các cậu học trò chen nhau, đẩy nhau, chí chóe cãi nhau. Rồi một cậu nhỏ mếu máo đến trước án thư chắp tay:

- Thưa thầy, anh Quế bẹo con đấy ạ?

Ông đồ dõng dạc:

- Quế đâu, ra đây!

Một cậu run rẩy tiến lại, sắc mặt xám mét, hai bàn tay núc lại với nhau, giống như ông thầy phù thủy bắt quyết. Thầy đồ hách dịch:

- Làm sao mi dám bẹo nó hử Quế ?

Cậu Quế vẫn cứ núc tay. Vút! vút! Vút cây roi mây trong tay thầy đồ quất luôn ba cái vào lưng cậu này, rồi thầy đồ lên giọng bệ vệ:

- Học không học, chỉ chòng nhau? Thôi cho về chỗ.

Cậu ấy òa khóc lùi xuống, lại một cậu nữa láu táu tiến lên:

- Thưa thầy. . .

- Cái gì hử?

- Thưa thầy, hôm qua anh Sâm ra đường chửi nhau. Để cho chúng nó...

Cậu đó lại im. Hình như không dám nói nốt.

Thầy đồ liền gặng:

- Chúng nó mần gì?

- Chúng nổ chửi... thầy.

- Chửi thế nào?

- Thưa thầy, chúng nó chửi...

- Chửi thế nào. Cho mi cứ nói! Thưa thầy chúng nó chửi rằng: "mẹ cha thằng thầy mày ạ" !

Thầy đồ giương tròn hai mắt:

- Sâm! lại đây. Mau!

Trống ngực hồi hộp. Cậu Sâm khúm núm đi lại đứng tựa vào cột. Thầy đồ chỉ cây roi mây xuống đất:

- Nằm xuống đó!

Cậu Sâm khóc nhếch khóc nhác, lạy như tế sao.

Thầy đồ quát lớn:

- Đứa nào vật cổ nó xuống cho ta!

Các cậu bên phản ngơ ngác nhìn nhau, không cậu nào chịu vâng lời thầy. Thầy đồ đùng đùng nổi giận, giở roi vụt luôn vào cổ cậu Sâm mấy cái:

- Có nằm xuống không? Vô phép!

Cậu bé đáng thương nằm xoài xuống đất với những tiếng khóc rầm rì. Thầy đồ ngồi trên ghế ngựa chĩa roi xuống một chập độ sáu bảy roi. Mỗi tiếng đánh "vút" một cái, cậu lại oằn oại lăn cựa giống như con rắn sắp chết, và van thầy, lạy thầy vang một góc nhà. Tan cơn giận, thầy đồ đặt roi xuống mặt án thi:

- Thôi tha cho dậy!

Lóp ngóp đứng dậy, cậu Sâm lạy xuống đất lạy thầy hai lạy. Theo lệ thường của thầy đồ, mỗi khi học trò bị đòn phải nằm xuống đất, lúc được trở dậy, không đợi thầy bảo cứ phải lễ tạ hai lễ, cậu nào không nhớ lệ ấy, tức thì lại phải nằm xuống chịu tội một lần thứ hai. Lạy xong cậu bé đáng thương nâng áo chùi nước mắt, trở lại chỗ cũ.

Thầy đồ rót tuần nước nữa mời Xuân Hương, rồi quay ra bảo bọn học trò:

- Hôm nay thầy còn bận có kỳ văn trước cho không khiến kể nghĩa, sách tô để ngày mai sẽ chấm, về mà học ôn bài học hôm qua, nghe không?

Các cậu học trò hết thảy hớn hở vui mừng, nhao nhao gập sách đứng dậy. Thầy đồ ngoảnh lại nói với Xuân Hương:

- Bữa nay vì có kỳ văn nhật khắc, tôi cho chúng nó nghỉ sớm một chút...

Xuân Hương tươi cười và hỏi:

- Ông vẫn tập ở trường nào?

Thầy đồ đáp một cách tự đắc:

- Tôi không tập ở trường nào cả. Nhưng mỗi tháng hai kỳ, anh em rủ đi làm văn, nể họ quá, tôi phải nhận lời.

- Những quyển văn ấy. Các ông nhờ ai chấm cho? Cụ Nghè Đặng chấm sơ, cụ Nghè Hoàng chấm phúc, đầu bài cũng ở hai cụ ra cho. Cô tính chỉ các cụ Nghè là bậc túc học mới chấm nổi văn chúng tôi, chứ các ông Cống. . . ! Thầy đồ đương nói dở câu thì một dây "lạy thầy" đồng thời nổi lên, các cậu học trò tranh nhau cắp sách ra cửa, đẩy ghế bên cạnh, chỉ còn một người em gái Xuân Hương. Hết cơn ào ào, nàng lại hỏi thêm thầy đồ:

- Các ông làm văn ở đâu ở đình làng Đọ, ngay bên cạnh đây!

- Tôi muốn sang xem có tiện hay không?

- Tiện lắm! Mời cô sang chơi. Anh em học trò Kinh Bắc nhiều người cũng biết tiếng cô.

Trò truyện vài ba câu nữa, Xuân Hương cáo biệt đứng dậy, cùng người em gái trở về nhà dì. Thầy đồ tiễn ra đến cửa, khi quay đầu lại chào ông ấy, nàng vừa trông thấy vú già của nhà chủ lễ mễ bưng ở bếp lên cái mâm gỗ mốc trong đựng một liễn cơm, một âu canh, một bát rau muống luộc, một đĩa cà thâm xì và một bát tương.

   




Chú thích