Trung Kỳ may ra được bớt chín vạn đồng bạc thuế
NHƯNG CHÚNG TÔI MONG CÓ DƯ TIỀN ĐỂ NẠP NGUYÊN SỐ THUẾ HƠN LÀ MONG ƠN GIẢM THUẾ BỞI CHÚNG TÔI NGHÈO
Hôm 4 Octobre vừa rồi, lúc 4 giờ chiều, tại tòa Khâm trước mặt các quan đại thần Nam triều, trước mặt 46 ông Dân biểu, cùng trước mặt các nhà báo chúng tôi, sau khi đọc xong bài diễn văn, quan Khâm sứ[1] có nói thêm rằng ngài sẽ tìm cách bớt cho nhân dân Trung Kỳ được chín vạn đồng bạc thuế về năm 1936.
Một việc hệ trọng như thế đáng lẽ nói trong bài diễn văn, mà trong đó ngài đã không nói, chỉ nói riêng ở ngoài cho chúng tôi biết, là vì quan Khâm có ý thận trọng, việc ngài đã quyết định đó còn đợi được sự đồng ý của quan Toàn quyền.
Cũng vì vậy mà trên đầu đề bài nầy chúng tôi để hai chữ “may ra”. Nhưng theo lẽ, quan Khâm đã xoay xở sổ dự toán mà bớt được ngần ấy thuế cho dân thì quan Toàn quyền chắc cũng chẳng hẹp gì mà nỡ từ chối sự kiến nghị của ngài được vậy. Thế thì chúng tôi cũng nên mong rằng sau khi đồng bào Trung Kỳ thấy cái tin nầy trên báo mà dù có mau miệng cảm ơn ấy cũng chẳng đến mất mọng[2] nào!
Huống chi theo ý nghĩ riêng của chúng tôi thì sự giảm thuế ở Trung Kỳ lại còn có phần chắc nữa. Nam Kỳ là đất giàu có mà thuế năm mới rồi đã được giảm, còn Bắc Kỳ thì lại đã được giảm luôn trong hai năm. Có lẽ nào Trung Kỳ ta nghèo hơn mà Chánh phủ lại còn khó cái ơn ấy với dân chúng? Chẳng qua theo cái lệ thường về việc hành chánh ở cõi đất này, việc gì cũng làm trước cho hai đầu rồi mới đến chặng giữa thì việc nầy cũng vậy. Nếu cái ý nghĩ ấy của chúng tôi là phải thì lời hứa giảm thuế của quan Khâm lại càng đáng tin quyết là sẽ được thực hành.
Trong khi viết bài này chúng tôi vội quá, không kịp ngồi mà tính thử: như tổng cả số thuế Trung Kỳ mà bớt đi chín vạn thì mỗi một trăm đồng bạc sẽ được bớt là bao nhiêu. Đại khái không có là mấy. Để nguyên một nóc lớn chín vạn đồng thì nghe như nhiều lắm mà chia nhỏ ra thì có được là bao. Ước chừng một trăm đồng bạc bớt được ba đồng đã là nhiều rồi.
Tuy vậy trong lúc nhân dân nghèo túng như lúc này mà bớt lấy một đồng người ta cũng được nhờ lắm, chớ không luận là ba đồng. Tục ngữ An Nam ta biết nói “Một miếng khi đói bằng một đọi khi no” thì dù có đỡ được ba đồng đi nữa dân chúng tôi há lại dám quên ơn của Chánh phủ?
Được giảm thuế sớm một vài năm như Nam, Bắc Kỳ vẫn là ơn, mà được giảm thuế muộn một vài năm như Trung Kỳ chúng tôi cũng vẫn là ơn. Cái ơn ấy, người ban hay kẻ lãnh cũng nên coi là một sự tạm mà thôi, bởi vậy dù sớm muộn hay ít nhiều gì chúng tôi cũng không buồn kể lể.
Cai trị một nước mà hay làm những sự tha tù, bớt thuế là cai trị bằng cách cẩu thả. Nước chúng tôi, đời xưa không kể, kể gần đây trong ba triều Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, giảm thuế biết bao nhiêu lần mà một ngày dân một nghèo thêm. Mỗi lần triều đình ra cái lệnh “quyên tô” ấy là mỗi lần thần dân dâng biểu tạ ơn, nhưng thực ra, cái ơn ấy chỉ là sự đỡ ngặt trong nhất thời chớ về lâu chẳng có ích gì cho dân cho nước.
Các quan Bảo hộ còn biết rõ lẽ ấy bằng mấy chúng tôi, cho nên đối với các ngài, dân chúng tôi chẳng những không dâng biểu tạ ơn mà còn dám không nể mích lòng, gọi ngay cái ơn ấy là cái ơn tạm. Như thế, các ngài cũng đủ rõ rằng dân An Nam ngày nay không còn có cái đầu óc như ngày xưa nữa, chúng nó không chịu nhận cái chánh sách cẩu thả là một cái ơn thấm tháp đến bền lâu.
Mà thật thế. Như ngày xưa chỉ mong gạo rẻ mà bây giờ chúng tôi chỉ mong có nhiều tiền để mua gạo mắt, thì cũng vậy, ngày xưa chỉ mong giảm thuế mà bây giờ chúng tôi lại chỉ mong có nhiều tiền để nạp thuế cao. Vì chúng tôi biết rằng một người dân nếu có nhiều tiền thì dù thuế cao đến đâu cũng nạp được, hơn là thuế tuy giảm mà chạy tiền không ra; cũng như một nhà có dư tiền thì gạo mắc mấy cũng mua được, hơn là gạo rẻ mà không tiền thì chết đói.
Cho nên, được giảm thuế, dân chúng tôi ưng lắm, mà nói cho thực ra thì chúng tôi còn chưa ưng bằng làm sao cho chúng tôi có nhiều tiền!
Hồi dân không có tiền mà nạp thuế, Chánh phủ giảm ít nhiều cho dân là phải; nhưng Chánh phủ nên làm cách nào cho dân có đủ tiền đóng nguyên số thuế mà đừng giảm là hơn.
Chúng tôi có nghe quan Khâm nói với các ông Dân biểu rằng ngài đương nhờ các ông ấy giúp ngài để chấn hưng kinh tế cho xứ Trung Kỳ, thật chúng tôi lấy làm trông mong lắm.
Nói sơ sơ về mấy món thổ sản Trung Kỳ như tơ và đường mà nếu làm ra có chỗ tiêu thọ được thì dân cũng chẳng đến nghèo như mấy năm nay.
Cái nghề nuôi tằm là nghề lợi lắm mà hầu như tuyệt nghiệp ở xứ này rồi, chúng tôi chỉ e các quan cao xa không hề biết đến! Ấy là bởi tơ ngoại quốc tràn vào, tơ ta không bán được nên không còn ai nuôi tằm làm chi. Thế thì Chánh phủ có thể hạn chế tơ ngoài đừng cho nhập cảng không?
Đường ngày trước bán qua Hồng Kông được, bây giờ họ không mua nữa thì đường ta cũng đã tuyệt nghiệp rồi. Mới đây có một nhà đại thương ở Hồng Kông sang đây nói với chúng tôi, đường Quảng Nam Quảng Nghĩa tốt hơn đường Lữ Tống[3] nhưng vì giá bạc ở đây cao họ buôn không có lợi nên họ phải buôn đường Lữ Tống. Thế mà Chánh phủ lại cố giữ giá đồng bạc?...
Đó, đại để những việc như thế, Chánh phủ nếu có làm cách nào giúp dân được, nghĩa là làm cách nào cho họ bán thổ sản được, thì cái ơn đối với họ còn lớn hơn là giảm thuế nữa.
PHAN KHÔI
Chú thích
- ▲ Khâm sứ (tương ứng với tên chức vụ bằng chữ Pháp: Résident supérieur d' Annam) quan chức cấp cao nhất đại diện chính phủ Pháp tại Trung Kỳ; vào lúc có bài báo này, người đương nhiệm Khâm sứ Trung Kỳ là Maurice Fernand Graffeuil.
- ▲ mất mọng: hết trông, hết mơ tưởng (Huình Tịnh Palus Của: sđd.)
- ▲ Lữ Tống: tức đảo Luzon của Philippines.