Bước tới nội dung

Truyền kỳ mạn lục/6

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

CHUYỆN ĐỐI TỤNG Ở LONG-CUNG

Huyện Vĩnh-lại ở Hồng-châu (Hải-dương), khi xưa có nhiều giống thủy-tộc. Men sông người ta lập đền thờ đến hơn mười chỗ. Năm tháng dần lâu, có chỗ linh-thiêng thành yêu; song cầu tạnh đảo mưa đều rất linh-ứng, nên hương lửa bất tuyệt mà người ta càng phải kính sợ.

Về đời vua Minh-tông nhà Trần, có quan Thái-thú họ Trịnh làm quan ở Hồng-châu, vợ là Dương thị Nhân khi về thăm nhà, đỗ thuyền ở bên cạnh một ngôi đền thờ thủy-tộc. Bỗng có hai người con gái, bưng một cái hộp nhỏ thếp vàng, đến trước mặt Dương-thị nói rằng:

— Đức-ông tôi sai đem vật này kính biếu phu-nhân, gọi là để tỏ một chút tình; sớm muộn trong làng nước mây, duyên cưỡi rồng sẽ được thỏa-nguyện.

Nói xong không thấy đâu nữa. Dương-thị mở hộp ra xem thì trong đó có cái dải đồng-tâm màu tía, trên dải đề một bài thơ tứ tuyệt rằng:

佳 人 笑 插 碧 瑤 簪
Giai nhân tiếu sáp bích dao trâm
勞 我 情 懷 屬 望 深
Lao ngã tình hoài thuộc vọng thâm

留 待 洞 房 花 燭 夜
Lưu đãi động phòng hoa chúc dạ
水 晶 宮 裏 結 同 心
Thủy tinh cung lý kết đồng tâm.

Dịch:

Người đẹp đầu cài trâm bích ngọc,
Cho ta thương nhớ ngẩn-ngơ lòng.
Vật này dành để đêm hoa-chúc,
Trong thủy-tinh-cung kết dải đồng.

Dương-thị cả sợ, cùng con hầu bỏ thuyền lên bộ, lại quay về nhiệm-sở, kể chuyện với chồng. Trịnh cũng kinh-sợ nói:

— Giống thủy-quái ở dâm-từ chực bắt mình đấy, phải nên tránh nó đi. Phàm những chỗ bờ sông bến nước đừng bước chân đến. Gặp những đêm mưa gió hay đêm tối trời, phải thắp đèn sáng và cắt người canh giữ.

Phòng ngừa như thế được chừng nửa năm vẫn thấy vô sự. Đến đêm trung-thu kia, nhân thấy bầu trời quang mây, bốn bề trong vắt, sông Ngân vằng-vặc, trăng sao sáng tỏ như ban ngày, Trịnh mừng mà rằng:

— Trăng thanh gió mát như đêm nay có thể không lo gì cả.

Vợ chồng bèn cùng nhau uống rượu, uống say rồi ngủ lỳ. Chẳng ngờ đâu sấm chớp bỗng chốc nổi lên, lúc Trịnh thức dậy thì cửa ngõ vẫn nguyên mà Dương-thị không thấy đâu nữa. Đến xem chỗ cái đền ngày trước thì mặt sông phẳng-lặng, trăng chiếu lạnh-lùng, thấy có áo xiêm của Dương-thị ở đó. Trịnh Thái-thú tiếc ngọc thương hoa, nỗi buồn thật không sao kể xiết, chỉ đứng giữa trời mà nghẹn-ngào than-thở, không còn biết làm sao được.

Rồi Trịnh buồn-nản bỏ quan về, chôn một cái mả hờ dưới chân núi Đốn, hằng ngày ở một mình trong cái lầu nhỏ. Cái lầu trông xuống bến sông, mà chỗ bến ấy là một cái vực sâu thăm-thẳm. Trịnh mỗi khi lên lầu đứng trông, thường thấy có ông cụ già đeo một cái bao đỏ đựng tiền, sớm đi rồi tối về. Trịnh nghĩ thầm: Quái! Đây là một bến sông sâu thẳm, nào có thôn xóm gì đâu mà ông già kia lại đi lại như vậy. Bèn thử tìm đến chỗ ấy thì quả thấy chỉ có bãi cát phẳng-lặng không có nhà-cửa gì, duy lèo-tèo mấy khóm lau sậy đứng rung mình ở trên mặt nước. Trịnh lấy làm lạ, đi rộng ra các ngả để tìm, thấy ông cụ già đã đương ngồi xem bói ở trong chợ Nam. Trịnh trông ông cụ mặt mũi gầy-gùa nhưng tinh-thần trong-sáng, đoán chắc là một kẻ ẩn-sĩ lánh đời, nếu không thì một vị chân-nhân đắc đạo, lại không nữa thì hẳn là một tiên-khách trong áng yên-hà, bèn cùng ông cụ làm thân, hằng ngày bày tiệc rượu, cùng nhau chè-chén rất vui-vẻ. Ông cụ có vẻ cảm bụng tốt của Trịnh, nhưng hỏi họ tên thì chỉ cười mà không chịu nói, Trịnh lấy làm nghi-hoặc lắm. Hôm khác Trịnh trở dậy rất sớm, nép mình ở bên khóm lau sậy để dòm trộm xem ra thế nào. Bấy giờ sương mai ướt-át, khói sớm mịt-mù, Trịnh thấy ông già từ dưới nước thủng-thỉnh đi lên, vội-vàng chạy ra sụp lạy. Ông già cả cười nói:

— Thế ra ông định dò tìm tung-tích của tôi ư? Thôi nay ông đã biết rồi, để tôi kể cho mà biết rõ. Tôi là Bạch-long-hầu, may bây giờ hãy còn năm sớm, mới có thì giờ rỗi đi chơi lăng-băng, chứ nếu Ngọc-hoàng có sắc-chỉ truyền đi làm mưa thì chẳng còn đâu thì giờ nhàn để đi làm nghề bói ở nhân-gian nữa.

Trịnh nói:

— Ngày xưa Liễu Nghị có cuộc xuống chơi dưới Đỗng-đình[1], Thiện Văn có cuộc ăn yến ở Long-cung[2], chẳng hay kẻ phàm-tục này, có thể được theo dấu của người xưa không?

Hầu nói:

— Khó gì sự đó.

Liền lấy đầu gậy vạch xuống nước, nước rẽ đôi ra, Trịnh theo Long-hầu xuống. Đi được chừng nửa dặm thì thấy trời đất trong-sáng, lâu-đài chót-vót, từ nhà ở đến thức ăn, đều là những vật ở nhân-gian không có. Hầu tiếp đãi rất săn-sóc. Trịnh nói:

— Không ngờ một kẻ nghèo-khó lại được lạc bước đến chỗ tôn-nghiêm này. Ngày xưa có cái tai biến phi-thường, ngày nay có sự gặp-gỡ phi-thường, công việc báo-phục, có lẽ chính ở dịp này chăng?

Long-hầu hỏi cớ. Trịnh đem việc Dương-thị ra kể, và nói mong nhờ cậy uy-linh, trừ loài hung xú, khiến buồm nhân gió mà được thuận, cáo nhờ hổ để dương oai, thì thật là cũng bõ một phen gặp-gỡ.

Long-hầu nói:

— Họ dù càn-dỡ, đã có sắc-mệnh của triều-Long-vương. Huống chi mỗi người riêng ở một nơi, không thông-thuộc gì với nhau, ai dám vượt qua sông nước, dấy-động giáp binh, để phạm vào một cái tội-lỗi không thể tha-thứ.

— Vậy thì bây giờ tôi phát đơn kiện ở triều đình Long-vương được không?

— Việc còn mờ-tối, chuyện chưa rõ-ràng, ông muốn đem cái việc vô bằng, bắt kẻ địch rất mạnh, sợ rằng mối thù ấy chưa thể trả được. Chi bằng trước hẵng cậy người dò-xét, lấy được chứng-cớ, thì trừ kẻ gian kia chẳng khó-khăn gì. Song tả-hữu của tôi, không có người nào đủ chắc cậy để sai đi được, vậy để ta hãy liệu xem đã.

Cạnh đấy có một người con gái áo xanh bước ra nói rằng:

— Thiếp xin nhận công việc ấy.

Trịnh bèn cung-kính mà nói lời ủy-cậy và trao cho một cành thoa bằng ngọc màu biếc để cầm đi làm tin.

Nàng áo xanh đến miếu thờ Thần Thuồng-luồng ở Hồng-châu, hỏi thăm quả có người đàn-bà họ Dương, hiện được phong là Xương-ấp phu-nhân, ở trong một cái điện bằng ngọc lưu-ly, chung-quanh có ao sen bao-bọc, gối-chăn yêu-dấu, hơn hết các phòng, và năm ngoái đã sinh được một con trai.

Nàng mừng lắm, song lâu-đài chi-chít, không có đường thông, đành chỉ thẩn-thơ ở ngoài cổng. Bấy giờ màu xuân tươi đẹp, hoa tường-vi nở rất nhiều, trông hình như muôn điểm ráng hồng, kết lại ở trên tường rực-rỡ. Nàng vờ như không biết, vừa bẻ vừa rung. Người canh cổng nổi giận. Nàng liền đưa cành thoa đút lót mà nói:

— Tôi tưởng những dây hoa leo này, không phải là của quý gìn-giữ, lỡ tay vin hái, thật là có tội. Tấm thân yếu-ớt, sợ không chịu nổi roi vọt. Vậy xin bác cầm cành hoa này đưa vào lầu ngọc, để mong được khoan tha không phải đánh-đập, thì tôi thật đội ơn vô cùng.

Người ấy nghe lời, cầm cành thoa vào dâng Dương-thị. Dương-thị nhìn lúc lâu, giả cách nổi giận mà rằng:

— Con bé nào mà dám đường-đột như vậy, làm hỏng cả một giàn hồng-cẩm của ta.

Truyền đem trói người con gái ấy trong vườn ngân-hạnh. Thừa lúc vắng-vẻ, Dương-thị lẻn đến, cầm cành thoa khóc mà nói rằng:

— Đây là vật cũ của Trịnh-lang, chồng ta xưa đây, làm sao lại ở tay chị?

Nàng áo xanh kể rõ sự thực: bảo vật này chính là do Trịnh-lang đã giao cho tôi, lại nói Trịnh-lang hiện đương ở nhà Bạch-long-hầu, vì phu-nhân mà quên ăn bỏ ngủ, rồi nhờ tiện-thiếp xa gửi đến một mối tình để trả món tương-tư nợ cũ.

Nói chưa hết lời thì có con tiểu-hoàn váo báo là Thần Thuồng-luồng có lệnh vời. Dương-thị vội lật-đật đi ra; sáng hôm sau lại đến, ân-cần hỏi-han và trao cho một bức thư mà dặn rằng:

— Chị về nói hộ với Trịnh-lang cho ta: người vợ xấu số ở bến nước xa-xăm, lúc nào cũng vẫn thương nhớ đến chàng; chàng nên cố xoay-xở cách nào để cho được phượng lại trong mây, ngựa về trên ải, đừng khiến tôi phải già đời ở chốn cung nước làng mây này.

Bức thư gửi cho Trịnh-lang như sau:

« Non thề bể hẹn, chao ôi việc trước lỡ-làng, gió dập mưa dồn, ngán nỗi kiếp này lận-đận. Nước non muôn dặm, tâm-sự mấy lời. Nghĩ như thiếp chút phận mỏng-manh, tấm thân mềm-yếu. Duyên đôi lứa tự trời xe lại, ước trăm năm cùng huyệt dám sai. Nào ngờ biến dậy một đêm, đến nỗi hình rơi đáy vực. Bởi không thể dìm châu đắm ngọc, nên đành cam dãi nguyệt dầu hoa. Áo xiêm đã lắm tanh-nhơ, thân-thế tạm thời còn thoi-thóp. Sầu đầy tựa bể, ngày dài như năm. Nào hay giữa lúc bơ-vơ, bỗng nhận được thư thăm hỏi. Ngắm cành thoa mà ứa lệ, nhìn khách đến những đau lòng. Một bước lỗi lầm, riêng cỏ nội hoa hèn thắc-mắc; ba sinh thề ước, có trời cao đất cả chứng tri. Ngọc bích chưa lành, cân vàng xin chuộc ».

Nàng áo xanh trở về báo tin cho biết, Long-hầu bảo Trịnh rằng:

— Việc có thể nên được đấy.

Bèn cùng nhau đi ra bể nam, đến một tòa thành lớn. Hầu vào trước, bảo Trịnh đứng đợi chỉ ở ngoài cửa thành. Một lát, Trịnh thấy một người ra dẫn vào trong một cái đền, trên đền có một vị vua mặc áo tinh-hồng, mang đai ly-châu, quần-thần đứng chầu-chực hai bên không biết bao nhiêu mà kể. Trịnh quỳ dài xuống mà tâu-bày mọi nỗi, lời rất thê-thảm. Đức vua ngoảnh nhìn vào một viên đứng phía tả, giục thảo trát đòi. Rồi có hai người lính vượt không ra đi. Chừng độ nửa ngày hai người lính áp giải đến một người đàn ông, thân-thể vạm-vỡ, mũ đỏ mặt đen, râu-ria đâm tua-tủa như rễ tre vậy, ra giữa sân mà quỳ rạp xuống. Đức vua mắng rằng:

— Tước không cho nhảm, phải đợi người công-lao, hình không dùng xằng, để trị kẻ gian nhũng. Như nhà ngươi trước có công-lao, nên ta cho coi giữ một phương, vì dân che-chở. Vậy mà ngươi giở thói dâm-ngược, như thế là trừ tai ngữ hoạn-cho dân đấy ư?

Người ấy nói:

— Kẻ kia ở trên trần, tiểu-thần ở dưới nước, mỗi người một ngả, có can-thiệp gì đến nhau. Vậy mà hắn buông lời phao-vu, để hãm hại người vô tội. Nếu bệ-hạ tin nghe lời hắn thì triều-đình mắc sự lừa-dối mà tiểu-thần chịu tội mập-mờ, tưởng không phải là sự yên trên mà toàn dưới vậy.

Bên nói đi, bên cãi lại, người ấy vẫn không chịu nhận tội, đức vua cũng hồ-nghi không biết quyết định thế nào. Long-hầu đứng bên khẻ rỉ tai bảo Trịnh rằng:

— Chi bằng khai tên tuổi Dương-thị, xin cũng bắt đến xét hỏi.

Trịnh theo lời tâu lên, đức vua quả truyền đi bắt Dương-thị đến. Ngày đã xế chiều, lại thấy hai người lính dẫn đến một mỹ-nhân, xúng-xính thướt-tha tự mé đông lại. Đức vua hỏi:

— Chồng ngươi đâu?

Dương thị tâu:

— Người áo xanh kia là chồng thiếp, còn người áo đỏ là kẻ thù. Độ trước không may bị cái yêu ấy bắt cướp, trải đã ba năm trời nay. Nếu không nhờ được sự soi tới của vầng thái-dương, thì hồn tàn vóc nát sẽ phải chịu nhơ-nhuốc trọn đời, còn mong gì được ló mặt ra nữa.

Đức vua cả giận nói:

— Không ngờ thằng giặc kia lại gian-hoạt đến như thế. Bên trong thì làm sự dâm-dật, mặt ngoài thì già họng chối cãi. Việc ấy nỡ làm thì dù đem xử-tử cũng không đáng tiếc.

Bấy giờ có một người mặc áo bào xanh hiệu là Chính-hình lục-sự, tâu rằng:

« Thần nghe: vì tình riêng mà ban-thưởng, thưởng sẽ không công, đương lúc giận mà xử hình, hình tất quá đáng. Duỗi co vốn khác, châm-chước mới nên. Đem cái tài vuốt nanh, giữa cái trách phên giậu, tự hắn dẫu gây nên tội nghiệt, với dân cũng có chút công-ân. Có tội phải gia hình, tuy đã cam bề vạn tử, đem công mà trừ lỗi, cũng mong được toàn sinh. Xin khoan cho tội tru-di, giam vào ngục đen tối ».

Đức vua khen phải, bèn phê-phán rằng:

« Mảng nghe: Đời người như khách trên đường, kẻ trước đi qua mà kẻ sau tiếp đến; đạo trời không sai tơ tóc, làm lành được phúc mà làm ác chẳng yên. Lệ-luật không mờ, cổ-kim vẫn thế. Nay nhà ngươi vốn do huân-phiệt, lạm giữ phương-ngung. Lẽ nên linh-hiển, để tỏ đức rồng, sao được tà dâm, làm theo nết rắn. Sự càn-dỡ ngày càng quá tệ, luật công-minh tất phải thi-hành. Than ôi, vợ người cố chiếm, đã rất mực mê cuồng, phép nặng không dung, để răn phường gian-ác. Dương-thị kia, nết tuy đáng trỏ, tình cũng khá thương; thân nên về với tiền phu, con để trả cho hậu phụ. Mấy lời phê-phán, lập-tức thi-hành ».

Nghe lời phán xong, Thần Thuồng-luồng cúi đầu đi ra. Tả hữu cũng đưa mắt cho Trịnh bảo lui. Long-hầu về nhà bèn đặt tiệc mừng, và tặng cho các thứ văn-tê, đồi-mồi. Vợ chồng Trịnh cùng lạy tạ rồi trở về nhà, kể hết đầu đuôi cho người nhà nghe, ai cũng đều mừng thay và lấy làm một câu chuyện lạ.

Sau Trịnh có việc đến Hồng-châu, lại đi qua chỗ đền ấy, thấy tường xiêu vách đổ, bia gãy rêu trùm, duy có cây gạo đương tung bay bông trắng ở dưới bóng dương tà xế. Hỏi thăm những ông già bà cả, đều nói: « Trước đây một năm, một hôm giữa ban ngày bỗng dưng không mây mà mưa, nước sông đầy-dẫy, rồi có một con rắn dài mười trượng, vảy biếc mào đỏ, nổi trên mặt nước mà đi lên mạn bắc, đàng sau có hàng hơn trăm con rắn nhỏ đi theo, đền từ đấy không linh-thiêng nữa ». Bấm đốt tính xem thì ngày ấy chính đúng vào ngày Trịnh kiện.

Lời bình

Than ôi, chống được ách lớn thì thờ, cản được nạn lớn thì thờ, đó là phép cúng-tế. Hưởng sự cúng-tế ấy thì phải cố danh tư nghĩa, đâu có lẽ nhận sự thờ-cúng lại còn đi làm tai làm họa cho người. Thế thì cái tội của vị Thần Thuồng-luồng chỉ phải bị đày thôi, Quảng-lợi-vương dụng hình như thế, thật là chưa đáng. Tất phải làm như Hứa Tốn, Thứ Phi[3] mới là cái việc thú-vị được. Cho nên Địch Nhân-Kiệt khi làm Tuần-phủ Hà-nam, tâu xin phá hủy đến 1 nghìn 7 trăm tòa đền thờ không xứng-đáng, thật là phải lắm.

   




Chú thích

  1. Liễu Nghị người đời vua Trung-Tông nhà Đường, đi thi bị trượt, về đến đất Kinh-dương, thấy một người đàn-bà chăn dê đến nói rằng: « Thiếp là con gái vua Đỗng-đình, gả cho con thứ vua Kinh-xuyên, bị con hầu gái xúc-xiểm, thành ra đắc tội với cha mẹ chồng, nên phải truất đuổi đến đây. Nghe chàng về qua Đỗng-đình, làm ơn đưa hộ thiếp bức thư. Nhà thiếp ở cổng có cây quít lớn, cứ gõ vào cây ba tiếng thì sẽ có người ra. » Nghị theo lời. Rồi nhân thế được đón xuống chơi Long-cung. Sau Nghị lấy người con gái họ Lư, người con gái xưng mình chính là Long-nữ nhờ Nghị đưa thư ngày trước, cùng đưa nhau về ở Đỗng-đình.
  2. Khoảng niên hiệu Chí-chính nhà Nguyên, có người học trò là Dư Thiện Văn, giữa ban ngày thấy hai người lực-sĩ đến nói là vâng mệnh của Quảng Lợi-vương (vua thủy) sai đón Thiện Văn theo đi. Đến bến sông xuống một chiếc thuyền, thấy hai con rồng vàng cắp mà đem đi, rồi xuống đến Thủy-phủ. Quảng Lợi-vương tiếp đón long-trọng rồi nhờ soạn hộ một bài văn để đọc lúc làm lễ cất câu-đầu của tòa đền Linh-Đức sắp dựng. Thiện Văn liền làm hộ một bài rất hay. Khi khánh-thành, Thiện Văn được dự một bữa yến lớn.
  3. Hứa Tốn là người đời Tấn, trước làm quan lệnh ở Tinh-dương, sau từ quan về học được đạo-thuật, chém rắn và giết thuồng-luồng để trừ hại cho dân.— Thứ Phi là một kẻ dũng-sĩ đất Kinh về đời nhà Chu, giỏi kiếm-thuật. Một lần đi thuyền có hai con thuồng-luồng kèm hai bên thuyền, Phi rút gươm nhẩy xuống sông chém chết cả hai, cả thuyền được yên-ổn. Kinh-vương nghe tiếng, vời dùng làm chức quan Chấp-khuê.