Bước tới nội dung

Vài lời kính đáp ông Hoành Sơn

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Vài lời kính đáp ông Hoành Sơn  (1930) 
của Phan Khôi

Bài đăng trên Trung lập, Sài Gòn, số 6270 (11.10.1930)

Kính ông Hoành Sơn,

Ông thật là người hữu tâm về sự học vấn quá. Còn nhớ năm ngoái sau khi tôi có bài nói về Khổng giáo đăng ở Thần chung, thì liền thấy ông có bài biện luận cùng tôi liền. Song tiếc thay, vì ông viết, hay là vì người ta in sai không biết, mà tôi đọc đến, có nhiều chỗ cắt nghĩa không chạy, không hiểu ý ông muốn nói gì. Chẳng phải mình tôi như vậy mà thôi ; bây giờ còn có nhiều người biết xem văn mà cũng làm chứng rằng không hiểu bài ấy của ông như tôi vậy.

Không hiểu mặc lòng, lẽ đáng tôi cũng phải viết lại mà hỏi ông lúc bấy giờ. Song ngặt vì hồi đó tới Tết tôi phải trở về ngoài kia hơn một tháng. Đến chừng lộn vô đây, đương còn chưn ướt chưn ráo, thì báo Thần chung đã bị đóng cửa rồi. Vì vậy, tôi nín luôn, không có dịp nói chuyện với ông việc ấy nữa.

Lần nầy đây, nhơn tôi có cuộc biện luận với ông Trần Trọng Kim về cuốn sách Nho giáo của ông trong Phụ nữ tân văn, cuộc biện luận rây rắc ra đến mấy kỳ báo mà chưa rồi, giữa chừng thấy ông xen vào mà tỏ bày ý kiến, tôi lấy làm hân hạnh lắm.

Phụ nữ tân văn trương số có chừng, mà ông Trần Trọng Kim viết dài quá ; tôi chỉ có một bài, ổng đến ba bài, kỳ nầy đã ra được hai rồi mà còn một bài nữa lại dài hầu gấp hai bài kia. Vì vậy bài của ông nếu muốn ra ngay thì không thể đăng ở báo Phụ nữ được, nên tôi mới xin ông đăng ở tờ báo nầy.

Hôm nay bài của ông ra, rồi tôi cũng vẫn thấy nhiều người than phiền rằng không hiểu được ý tứ của ông. Tôi hỏi lại tôi, thì tôi cũng phải trả lời như người ta vậy.

Thật vậy, một đoạn đầu mất hơn một cột báo, cái đoạn mà ông nói những “lợi kiến hầu” chi chi đó, thật không có ai hiểu ra sao hết. Tôi cũng vậy.

Tôi vẫn biết mấy chữ ấy ông dùng chữ quẻ Truân trong Kinh Dịch, song ông lập ý cao xa quá, tôi đành phải đánh dấu hỏi đó, để mong chờ khi gặp mặt ông mà hỏi lại.

Còn mấy đoạn sau ông dùng tam đoạn luận mà bác lại bài của tôi thì tôi hiểu biết, đây tôi chưa chịu cái thuyết của ông.

Vả trong bài nguyên của tôi, tôi dùng các luật khác mà xét lại những câu nói của thánh hiền, ông nếu có bẻ lại thì cũng nên dùng các luật ấy, chớ ông dùng tam đoạn luận thì khác với ý của tôi xa quá. Mà tam đoạn luận, cốt trọng là tại cái đại tiền đề. Cái nầy, các đại tiền đề của ông lập ra đó không được vững vàng lắm, nên tôi e rằng cũng không hiệp với luận lý học.

Vậy tôi có mấy lời nầy thưa lại ông biết. Xin ông sau nầy có viết thì viết dễ hơn một chút, hầu cho có người hiểu với. Còn về những chỗ ông đã bác luận, thì xin để sau đây tôi sẽ trả lời luôn trong bài trả lời cho ông Trần Trọng Kim. Như thế thì tiện cho tôi hơn là trả lời thành hai lần.

Nay kính

PHAN KHÔI