Vì nghĩa quên tình/Cô đầu Tuyết

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
CÔ ĐẦU TUYẾT

(Câu chuyện của cô đầu Tuyết tự-thuật)

Từ khi em bước chân đi hát cầm vững thìa rượu thời lại đổi tên ra làm Tuyết. Đằng-đẵng mấy tháng giời ở phố Hàng Thao Nam-định, tuổi ngồi tính đốt đã đôi mươi, mà thanh-danh vang động trong làng chơi thời hơn cả chị em. Khi bấy giờ cô em có một người bà-con Hà-nội xuống, thấy vẻ người em mà vội than rằng:

— Cái cô Hằng-nga giáng-thế của nhà chị đây, sao lại để mãi ở trong chốn này, ví đem lên Hàng Giấy tỉnh Hà treo cao cờ đẹp thời những tay giầu mới, những mặt phá-gia ai là không mong liếc dung-quang? Của này kiếm tiền cho bà chị thật là nhọn lắm đấy.

Cô em nghe lời nói ấy liền muốn cho em lên tới chốn Thăng-long, mới đem lịch ra xem ngày, định ngày 23 tháng 8 là bước lên xe hỏa tới phố Đồng-xuân. Bấy giờ hãy còn tạm-ngụ ở số nhà 56. Loan dầu chưa được một tháng, tiếng cô đầu Tuyết, truyền khắp đô-thành. Em làm cho thiên-hạ điên-đảo, không phải là ở cái nhan-sắc kiều-mỵ hay ở cái tư-phong yểu-điệu của em; em chỉ nhờ ở cái công-phu thù-ứng mà được đông bạn tình-nhân đó thôi. Cái quyền-thuật của em dẫu cho các nhà ngoại-giao chuyên-môn hồ dễ em đã chịu thua nào. Nay nhân em kể một vài ngón, cũng là tỏ ra răn lấy người đời, ai còn mắc quých là người còn ngu:

Có một ông Lãnh-binh trảo-nha cụ Khâm-sai, ở tỉnh xa về, một người đưa lên nhà em uống rượu, liền bắt tình-nhân với em ngay, khi cho em cái này, khi tặng em cái khác, thật là hết giạ với em, mà em thời bỉ ông là người vô-học vũ-phu, không muốn cùng ông thân-thiết. Song cô đầu đâu dám cự quan-viên, có lắm tình-nhân thời kiếm tiền mới dễ. Em giả vờ thân-mật, cứ lấy lời ngon-ngọt rót vào lỗ tai anh chàng. Thường ông Lãnh-binh ấy thết tiệc anh em đồng-liêu ở nhà em, rượu say hứng hết, khách đã tản-tác về cả. Duy còn ông Lãnh ở lại để mong tận-lạc cùng em. Em soi biết cái ẩn-tình của cu-cậu, lúc đưa rượu văn-khôi, lúc em dâng các thức sơn-hào hải-vị, hết sức ân-cần không mỏi mệt. Nửa đêm quạt màn đưa ngài đi nghỉ, thời em ngồi cạnh một lát rồi kêu đau bụng rầm nhà, lăn-lộn chốc giường, nghiến răng trợn mắt, như bệnh nặng sắp nguy, cả nhà nghe tiếng điều giậy thuốc thang, ngài còn rở trò vào đâu được, đành nằm xuốt sáng, than rằng quả tu diễm-phúc chưa tròn! Chắc các độc-giả cũng biết rằng em không đau bụng đau bão gì, chẳng qua chỉ không muốn để cho người phạm đến thân mình; những sự thâm-tình dành để cho người thanh-nhỡn. Nghề cô-đầu nào có phải nghề nhà chứa ở đâu! Lại có một hôm, một ông Hậu-tuyển hẹn em đi xem hát tuồng, em đi về thì trong nhà đã có cụ Tuần-phủ X*** là một người tình-nhân của em tới nhà rồi. Cụ-lớn thấy em đi cùng ông Hậu vào nhà trong, thời vẻ Cụ-lớn hăng-hái tưởng như ở công-đường tỉnh cái mặt giận ấy trình-lộ ra thì biết bao dân con quan nhỏ chết oan. Em đẩy ông Hậu vào nhà trong liền ra hầu Cụ-lớn, đưa mắt liếc, mỉm miệng cười, nói với Cụ-lớn rằng:

— Sao Cụ-lớn về chậm, thế..? Ông ấy đánh giấy đến mời em đi xem hát để nhờ nói việc quan với Cụ-lớn đó. Em thực lòng tin người, vì chắc ai chẳng biết em tình-nhân rất thân với Cụ-lớn, Cụ-lớn giận em thời oan em.

Nói xong liền ngả lưng nằm vào lòng Cụ-lớn rồi hôn vào đôi bên má Cụ-lớn những râu quai nón xồm-xoàm, Cụ-lớn vẫn còn ra mặt giận, thời em liền móc tay vào túi lấy ngón tay dính vào nút lọ « bà-khà » (dầu Vạn-ứng như-ý) rồi bôi lên mắt, nước mắt chẩy ra dàn-dụa, khiến Cụ-lớn mềm lòng mủn giạ, bao cái giận đổ cả ra ngoài biển ngoài sông. Em nhìn biết Cụ-lớn bớt giận, vẻ mặt đã hòa vui, liền ôm ngang ngực Cụ-lớn, nói rằng:

— Thôi em cũng là nhẹ giạ mới để phiền lòng Cụ-lớn, xin Cụ-lớn tha-thứ cho, từ sau giở đi xin việc gì cũng phải chờ lệnh Cụ-lớn, không dám tự-ý làm gì cả.

Nói xong, em liền với ra cái hộp thuốc lá, lấy một điếu thuốc ấn vào miệng Cụ-lớn, rở hết cách nịnh-hót nũng-nựu ra làm cho Cụ-lớn sằng-sặc cười, em đánh diêm châm. Cụ-lớn liền hút, em thấy Cụ-lớn sai làm cháo với gọi cô-đầu, em biết là êm chuyện lại lảng vào nhà trong. Ông Hậu khi cùng em về nhìn thấy Cụ-lớn Tuần ngồi đó, nhà cô-đầu không thể chứa được hai tình-nhân trong một lúc, em khéo đẩy được ông Hậu vào nhà trong đã là dụng-tâm. Ông ở trong lâu không thấy em vào, mà không biết Cụ-lớn Tuần ấy với em là thế nào, nghi-ngờ nổi lên, lảm-nhảm nói một mình mãi.

Em đứng nấp nghe thấy hết, lòng khó tính ra kế, chợt xoay một câu nói, bước vào ôm cổ ông Hậu hôn lấy hôn để, mà rằng:

— Cụ-lớn quen cô tôi ngày xưa, nhân về Hà-nội vào chơi thăm cô tôi có bảo làm rượu, cậu còn lạ gì Cụ-lớn quen thân với quan Thống-sứ, cậu có muốn thăng-quan xin cậu ngỏ ý với em, em nói với cô em bách Cụ-lớn phải vào quan Thống-sứ cho cậu như-nguyền. Nhà chật, Cụ-lớn đêm nay nghỉ đây cướp mất cả chỗ của chúng ta, cậu hãy về rồi mai lên, em nghĩ phiền hôm nay lại phải ngủ một mình ở bục rượu đây.

Ông Hậu nghe xong lấy làm phải lắm, đinh-ninh dặn-dò rồi ra chào Cụ-lớn, xưng-danh, xưng-tính, hai người trên dưới tương-đắc, rồi ông Hậu chào Cụ-lớn ra về.

Than ôi! nghĩ mình ở trong cái nghề « xướng ca vô-loài » giữ cái nghiệp vợ ghét thế-gian, chồng vờ thiên-hạ, cái thân-danh nhục-nhã mà đôi khi ngồi nghĩ thế-gian lắm kẻ cũng khờ, người đời biết đến bao giờ cho khôn.

Em khoét tiền của những bác khờ, anh ngốc, kẻ dại, người ngây để tiêu-pha phung-phá. Ôi! Xa chân vào chốn hồng-lâu kỹ-quán, cái thân ê-trệ đủ trăm đường. Song tĩnh mà xem ngồi mà xét; người thiên-hạ khôn có một mà giại đến trăm nghìn. Không cứ ông quan-to, ông phú-hộ, tiền nhiều chức nhớn cái giại lại càng xù, mình có quyền xoay phải xoay trái được họ mà họ đến trước mình ra hồn xiêu phách lạc, rặt tin ở những cách vờ, nghe mọi lời dối. Càng vờ càng dối thời họ lại càng mê.

Ấy ai xóm tuyết làng huê,
Vì tình mà có đi về phải tinh,
Mấy nhời ký-ngữ đinh-ninh.

Năm 1920.