Bước tới nội dung

Văn học của phụ nữ nước Tàu về thời kỳ toàn thạnh

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Văn học của phụ nữ nước Tàu về thời kỳ toàn thạnh  (1929) 
của Phan Khôi

Bài đăng trên Phụ nữ tân văn, Sài Gòn, số 3 (16.5.1929)

Theo như bài Văn học với nữ tánh tôi đã đăng kỳ trước thì văn học với nữ tánh thật có lẽ quan hệ riêng, mà theo lẽ ấy thì nền văn học của phụ nữ xưa nay chừng như đã vẻ vang lắm mới phải ; thế mà xét lại lịch sử của các nước thì phụ nữ đều như đã bị ruồng đuổi ra ngoài cái bờ cõi văn học, ấy là tại làm sao ?

Có lẽ từ xưa loài người đâu đâu cũng vậy, cũng đều quen theo cái thói “trọng nam khinh nữ”, đàn ông choán lấy phần học vấn về mình mà không cho đàn bà dự vào, cho nên mới có cái hiện tượng như vậy.

Ngay như nước Tàu và nước ta đã có một câu ở cửa miệng từ đời xưa rằng : “Nữ tử vô tài tiện thị đức”[1]. Nghĩa là : “Con gái không tài tức là đức đó”. Chữ tài đó là chỉ về cái tài văn học : đọc nhiều sách, hay chữ, biết làm thơ làm phú. Vậy đó, đàn ông đã có quyền làm cho đàn bà không có tài, cho trở nên dốt nát, thì còn nói gì đến văn học nữa !

Ngay nay ở nước ta đây cũng còn có nhiều người độc miệng phun ra những câu như vầy : Con gái mà học hành làm chi ! Con gái biết chữ chỉ tổ viết thơ cho trai.

Tôi tức mình, muốn hỏi lại họ rằng : “Vậy chớ con trai học hành làm chi ? Con trai biết chữ lại không chỉ tổ viết thơ cho con gái sao ?”

Đại để ở dưới cái chế độ xã hội nầy, hễ là dân và đàn bà thì phải chịu khổ. Dân bị kẻ cầm quyền áp chế ; đàn bà bị đàn ông áp chế. Kẻ cầm quyền làm cho dân ngu đi, đặng để đè ép, cũng như đàn ông làm cho đàn bà ngu đi đặng dễ sai khiến. Hiện nay dầu trường nữ học đã dựng khắp mọi nơi, song trong óc người đàn ông cũng vẫn còn giữ như vậy.

Muốn làm chứng cho chắc những điều nói trên kia, hãy mở lịch sử ra mà xem. Văn học của phụ nữ ta không ra gì và lịch sử cũng không đủ tài liệu[2] mà xét được, đây tôi xét về lịch sử Tàu.

Nước Tàu, cách nay độ non hai ngàn năm đã sản ra được một người đàn bà có tài học tuyệt vời, đến nỗi sử gia đời nay gọi là “nữ thánh nhân” ấy là nàng Ban Chiêu.

Ban Chiêu là con gái Ban Bưu, em ruột Ban Cố mà Bưu và Cố đều là nhà văn học trứ danh về đời nhà Hán, nhờ có vậy mà nàng mới được học và hay chữ.

Nàng lấy chồng họ Tào. Sau khi chồng chết rồi, nhà vua đòi nàng vào cung, bắt từ hoàng hậu trở xuống đều phải thờ nàng bằng thầy. Vì chồng họ Tào nên đặt hiệu nàng là Tào Đại Cô. Các quan dầu là bậc đại nho như bọn Mã Dung cũng thường phải hỏi nàng về nghĩa lý trong sách vở. Nàng có làm ra sách Nữ giới bảy thiên ; và anh nàng là Ban Cố làm sách Hán thơ chưa rồi mà chết đi, thì nàng làm nối cho xong.

Văn học của phụ nữ nước Tàu, ta phải kể Ban Chiêu là người đầu tiên. Từ đó về sau đời nào cũng có người nối gót, như là Thái Văn Ky, Tạ Đạo Uẩn, Lý Thanh Chiếu, v.v, không có thể kết hết được.

Tôi nói đây là chỉ nói về một thời kỳ văn học rất thạnh của phụ nữ giới nước Tàu.

Trong đời nhà Mãn Thanh mới rồi đây, học thuật ở nước Tàu hưng thạnh lắm, các đời trước không đời nào bằng. Nhơn đó mà có cái ơn thừa đủ đến đám đàn bà, văn học của phụ nữ đời ấy cũng hơn hết thảy các đời trước.

Thế nào mà gọi là thạnh ? Chỉ thấy những sách vở làm ra rất nhiều thì đủ biết.

Đầu nhà Thanh, có Trần Duy Tịch làm một cuốn sách kêu là Phụ nhân tập, trong ấy chép tinh những dật sự của các nhà nữ văn học ở về cuối nhà Minh, đầu nhà Thanh. Sau đó lại có Mạo Đan Thơ làm sách Phụ nhơn tập bổ, cũng chép lối ấy.

Độ đầu triều Gia Khánh[3], Hứa Quỳ Thần biên chép Hương khái tập, ở trong toàn lục thơ đàn bà, người ít thì một bài, người nhiều thì năm ba bài, và mỗi người đều có một cái tiểu truyện, mà cộng cả là 375 người.

Sau đó 40 năm, đến triều Đạo Quang, Thái Điện Trai lại biên một bộ Khuê các thi sao đến mười cuốn, chép thơ của một trăm người đàn bà. Mỗi người có ít cũng được 10 và có nhiều đến 100 bài. Trong đó có người đã có tên trong Hương khái tập mà cũng nhiều người chưa có. Tập nầy chọn lựa tinh lắm, thật xứng đáng làm đại biểu cho văn học phụ nữ đời Mãn Thanh.

Chúng ta lại nên nhắc đến một tập thơ gọi là Tùy viên nữ đệ tử thi tuyển nữa. Tập ấy xuất bản hồi Gia Khánh nguyên niên, nghĩa là ra trước Hương khái tập. Tập thi tuyển nầy toàn là thơ của học trò con gái của ông Viên Mai, biệt hiệu là Tùy Viên tiên sanh.

Văn học của phụ nữ đời nhà Thanh sở dĩ được vẻ vang như vậy, hiện nay nhà làm sử cũng phải nhìn một phần công cán của Viên Mai mới vừa nói trên đây. Ông ấy là một nhà văn học nổi tiếng nhứt trong thời đó, sống đến tám chín mươi tuổi, lúc trở về già, đi đâu người ta cũng hoan nghinh, và ông rất thích dạy học trò con gái làm thơ. Uông Tâm Nông là người đương thời đó, có làm bài tựa cho tập thi tuyển, nói rằng :

“Tùy Viên tiên sanh là bậc tông chủ của văn học đời nay. Tuổi người đã ngoài tám mươi. Các nữ sĩ các nơi nghe đến tên người đều phải sùng kính như là ông Phục Sanh, ông Hạ Hầu Thắng ở đời nhà Hán, cho nên người đến đâu họ đều cúi đầu khép nép mà xin làm học trò cả ; tiên sanh cũng vui lòng nhận lấy, không luận là con gái đàn bà”.

Tôi đã nói, đàn ông không cho đàn bà học, là cốt để cho ngu, mà nay lại có người như ông Tùy Viên ra tay dắt dẫn cho bọn liễu yếu đào tơ lên chốn tao đàn thi xã, thì tài chi chẳng có người lấy làm gở lạ và buông lời nói xấu ?

Cùng lúc đó, ông Chương Học Thành, biệt hiệu là Thiệt Trai, có công kích ông Tùy Viên mà rằng :

“Gần nay có người tầm bậy, không biết xấu hổ, tự cho mình là phong lưu mà đi quyến dụ đàn bà con gái người ta. Đại để kẻ ấy lấy những trò tài tử giai nhân trong tuồng hát đem ra mà phỉnh người. Từ sông Giang qua phía nam, đám khuê các, con nhà đại gia nhiều người đã bị nó phỉnh. Họ rủ nhau in thi tập, tưng bốc danh giá cho nhau, không còn nghĩ đến sự hiềm nghi giữa đàn ông và đàn bà. Hạng khuê các như vậy, đức đã không có rồi thì còn tài chi đáng kể nữa ? Mà còn con người bậy kia gây ra một cái tục xấu ngày càng tiêm nhiễm, thật là đáng lo cho thế đạo nhân tâm !” (Đoạn nầy thấy trong Đinh tỵ tháp ký của Chương Thiệt Trai).

Vì lòng lo cho “thế đạo nhân tâm”, ông Chương Thiệt Trai đã công kích ông Tùy Viên rồi, lại còn làm ra một cuốn sách để dạy đàn bà, gọi là Phụ học. Chủ ý trong sách ấy nói rằng dung, ngôn, công, hạnh, là mối chánh học của đàn bà ; còn như việc làm văn thơ thì không phải việc của các cô các bà trong khuê các.

Sách Phụ học xuất bản xong, in đi in lại mấy lần, lưu truyền cũng khá rộng, song dường như cũng chẳng có hiệu quả gì lắm. Từ đó về sau, phụ nữ nước Tàu cũng cứ tranh nhau làm thơ và in tập, sau khi ông Tùy Viên chết rồi, hãy còn nẩy ra không biết mấy là hạng nữ thi nhơn. Ừ ! Té ra đã đến ngày đám nữ lưu trổ tài ra, dầu mấy mươi vạn cuốn sách Phụ học và mấy mươi vạn bài ông Chương Thiệt Trai cũng không thể nào hạn chế được.

Xem một đoạn lịch sử đó ta nên mừng cho cái tiền đồ văn học của nữ lưu !

PHAN KHÔI

   




Chú thích

  1. Bản gốc in kèm nguyên văn câu này bằng chữ Hán; ở đây tạm lược bỏ
  2. Bản gốc là tài hiệu, có lẽ in sai, ở đây sửa lại
  3. Thời Gia Khánh : 1796-1820 ; thời Đạo Quang : 1821-1850