Bước tới nội dung

Văn học tiểu thuyết là cái quái gì?

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Văn học tiểu thuyết là cái quái gì?  (1936) 
của Phan Khôi

Bài đăng trên Hà Nội báo, Hà Nội, số 21 (27 Mai 1936), trang 2 - 3.

Trong một số báo Khuyến học[1] gần đây có bắt đầu đăng một cái tiểu thuyết mà nêu lên là “văn học tiểu thuyết”. Tôi thấy mà lấy làm lạ, không biết sao người ta cả gan mà dám đặt ra cái danh từ bất thông như thế.

Hẳn người đặt ra cái danh từ ấy đã thấy có những cái danh từ “triết học tiểu thuyết” và “khoa học tiểu thuyết” nên yên trí mà cho rằng “văn học tiểu thuyết” cũng có thể nói được đó chi. Nhưng khốn nỗi “triết học tiểu thuyết” nói được, “khoa học tiểu thuyết” nói được mà “văn học tiểu thuyết” lại không nói được; cái chỗ bí hiểm ấy người kia không nghĩ đến. 

Muốn rõ được sự phân biệt ấy trước hết phải hiểu thấu cái quan niệm về tiểu thuyết của học giới phương Tây. 

Phương Đông ta từ xưa, người Tàu vậy mà người Nam ta cũng vậy, coi tiểu thuyết là thứ chuyện đầu đường xó chợ, không được sắp hàng vào văn học. Nhưng trái lại, người phương Tây lại không thế: trong văn học, chẳng những họ không khinh rẻ tiểu thuyết mà họ còn coi tiểu thuyết làm đầu.

Bởi cái quan niệm ấy, tiểu thuyết đối với văn học thành ra có quan hệ rất mật thiết, hầu như người ta thường nói: một mà hai, hai mà một. Nói thế nghĩa là nói tiểu thuyết đối với người phương Tây có thể đại biểu cho văn học tuy chưa nói hẳn được rằng tiểu thuyết tức là văn học.

Bởi đó, tiểu thuyết nào cũng hầu hết hàm có cái tính chất văn học rồi sau mới mới tùy cái cốt chuyện của nó mà chia ra từng thứ. Cái cốt chuyện thần bí thì gọi là thần bí tiểu thuyết, cái cốt chuyện ái tình thì gọi là ái tình tiểu thuyết, cái cốt chuyện xã hội thì gọi là xã hội tiểu thuyết, v.v… Có những tên gọi khác nhau ấy là tùy theo cốt chuyện. Cốt chuyện dù khác nhau mặc lòng, tiểu thuyết nào cũng hàm có cái tính chất văn học, cũng đại biểu cho văn học.

Như thế đã hơi thấy không thể nào nói “văn học tiểu thuyết” được rồi, vì một bản tiểu thuyết có cái tính chất đã là văn học rồi thì không có lẽ còn có cái cốt chuyện gì là văn học nữa.

Không phân bì với “triết học tiểu thuyết” và “khoa học tiểu thuyết”[2] được. Hai thứ tiểu thuyết này, cái cốt chuyện của nó đã là triết học và khoa học thì cố nhiên là nó không chồng lập với văn học là cái tính chất của tiểu thuyết.

Gần nay tiểu thuyết đã thịnh hành giữa văn học giới của Tàu và của ta. Thế là cái quan niệm về văn học của người phương Đông chúng ta cũng đã thay đổi mà theo phương Tây rồi. Đã theo họ mà trong đó còn bày ra một điều gì ngang ngạnh trái với họ, thế là tự ta đã làm điều vô nghĩa.

Trong văn học Pháp có triết học tiểu thuyết, có khoa học tiểu thuyết mà không hề có “văn học tiểu thuyết”. Không có, không phải thiếu, không phải người Pháp không đủ trí khôn mà đặt ra, nhưng là tại cái lẽ rất rõ ràng trên đó không cho đặt ra.

Ông định đặt ra một cái danh từ mới là “văn học tiểu thuyết” như thế để tỏ rằng ta đây cũng có trí phát minh, có quyền sáng tạo hay sao? Không được! Cái việc ông làm đó là một việc lố lăng, vô nghĩa!

“Văn học tiểu thuyết” là cái quái gì? Xin báo Khuyến học xóa bỏ bốn chữ tiêu đề ấy đi. Đừng tưởng rằng sự lầm lỗi của một mình mà nó không lây đến kẻ khác.

Nói “văn học tiểu thuyết” thì cũng gần như nói “văn học văn học”, chẳng có nghĩa gì hết. Tôi sợ người ta không tin tôi, nên tôi phải nói thêm câu ấy.   

PHAN KHÔI

   




Chú thích

  1. Đây là nói về tiêu đề một mục trên báo Khuyến học trong đó đăng tiểu thuyết Nhà nho gàn; mục này do tác giả Huyền Mặc Đạo Nhân phụ trách. Khuyến học – báo xuất bản 2 kỳ/tháng; chủ nhiệm Nguyễn Xuân Thái; tòa soạn 39 phố Hoàn Kiếm, Hà Nội; ra số đầu: số 1 (1/9/1935); về sau tục bản, ra “bộ mới”; số cuối cùng: số 3, bộ mới (tháng 4/1937).
  2. Trong cách dùng danh từ phức hợp của tiếng Việt, thời kỳ này – những năm 1930 – vẫn còn giữ nguyên kết cấu của danh từ ở chữ Hán: tính ngữ trước danh ngữ (“triết học tiểu thuyết”, “khoa học tiểu thuyết”); khác với xu thế Việt hóa triệt để hơn từ những năm 1960 trở về sau, tính ngữ sau danh ngữ (sẽ đặt là “tiểu thuyết triết học”, “tiểu thuyết khoa học”, v.v…).