Vũ trung tùy bút/Chương IX

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

Nước Việt Nam ta, lối chữ viết từ đời Đinh, Lê trở về trước thì không trông thấy được nữa, còn lối chữ từ đời Lý đời Trần trở về sau, thì bắt chước đời nhà Tống, ở trong sách An Nam kí lược đã nói rõ. Nay còn thấy ở tấm bia núi Dũng Thúy và bài minh khắc vào chuông chùa Thiên Phúc, núi Phật Tích, cùng là bài bia ở dinh cơ quan Tam sương là Châu Công[1] ở làng Châu Khê, huyện Đường An, bút pháp rất cổ kính. Còn như cái biển ba chữ "Đông Hoa môn"[2] thì chính là ngự bút của vua nhà Lý, bút pháp hùng hồn, tự nhiên, khác hẳn người tầm thường, những nét phẩy, mác, sổ, móc đã phôi thai ra một lối chữ nước Nam ta. Còn ba chữ "Đại Hưng môn"[3] thì là chữ hoành biển, chế ra từ đời Lê Hồng Đức, nét bút lẫn cả lối chân lối khải ; chữ cổ đến đời ấy đã có một bước biến cải. Khoảng năm Diên Thành đời Mạc[4], con gái Đà Quốc Công[5] là Mạc thị, có dựng ra chùa Bối Am[6], mài đá khắc một bài minh, nét chữ đầu cong chân quẹo, hơi giống chữ viết bây giờ, nhưng bên tả vênh lên, bên hữu vẹo xuống, có hơi khác, thực là quái lạ ! Dễ thường về đời Lê sơ và đời nhà Mạc, lối chữ viết đại lược như thế cả. Gần đây, lối chữ ở trong Thuận, Quảng cũng gần giống như vậy ; cũng là còn là giữ lối chữ cũ như xưa. Từ đời Lê Trung Hưng trở về sau, những người đi học theo nghề khoa cử viết theo lối chữ khải đời cổ, lại ngoa ngoắt thêm bớt, làm sai đi đến nửa phần, gọi là lối chữ nho. Còn những giấy tờ ở chốn cửa công thì dùng riêng một lối chữ "nam", lúc đầu là phòng dân gian làm giả mạo, mới theo hoa văn đặt ra một lối chữ việc quan. Ai học theo lối chữ ấy, thì sáu năm một lần, thi trúng tuyển được song vào làm chân thư lại ở trong các nha môn. Song những cách giả dối là bởi những kẻ nho lại làm ra, càng ngày càng tệ, các quan trên không thể cấm được. Bốn lối chữ chân, thảo, triện, lệ, lâu nay không ai truyền dạy. Cũng có người tập các lối chữ ấy, nhưng chỉ là tự ý học phỏng chừng, dối trá, quệch quác, trông chẳng khác gì anh thợ vẽ bôi bác vụng về, không ai buồn nhìn. Trong khoảng năm Cảnh Hưng, chúa Trịnh Thịnh Vương (Trịnh Sâm) lại thích lối chữ Trung Hoa, kẻ học giả đua theo, mới hơi thay đổi lối chữ Nam để cầu cho người ưa thích. Không cứ là thể chữ nào, chỉ viết cho thẳng, cho thô, cho vuông, cho cứng, để cầu hợp mắt người bấy giờ ; có khi viết một chữ mà nét chấm là lối chữ triện, móc là lối chữ lệ, phẩy mác là lối chữ chân, nếu gặp phải chữ rậm nét, thì lại đá thảo để viết cho thông hoạt, gọi là lối chữ viết câu đối. Lối chữ thảo thì bắt chước vũ kiếm[7] mà quằn quèo, thô tháp, không có vẻ thanh tao, gọi là lối chữ đề thơ. Lại còn lối chữ viết chân phương, chân hành, lão thảo, nộn thảo, đại triện, tiểu triện, cổ lệ, cổ lựu, tiểu kỉ, tiểu khải, đều tùy ý mô phỏng mà viết, để khoe khoang nổi tiếng ở đời. Kẻ hậu tiến đều coi đó là sư pháp, thường bảo nhau rằng đây là lối chữ chính tôn phái Dao Tiên sinh[8], ngông nghênh tự đắc, trên không coi đời cổ vào đâu, giá có hỏi đến tự thể của các nhà cổ kim, thì tuyệt nhiên không biết một tí gì.

Ôi ! Kẻ nho lại đi học chữ để chiều đời kiếm ăn, không trách làm gì ; ta chỉ thương cho những kẻ sĩ phu đời nay không ai còn lưu ý đến các lối chữ. Đời xưa, trong nhà học hiệu có dạy cả sáu nghề : lễ, nhạc, xạ, ngự, thư, số, khi nhỏ học tập, khi lớn lại nghiên cứu đem ra để dùng. Từ đời Tần đời Hán trở xuống, lấy chữ tốt nổi tiếng ở đời thì đời nào cũng có. Như Thái Ung, Chung Do đời nhà Hán, Vệ phu nhân và cha con Vương Hy Chi đời nhà Tấn[9], lề thói di truyền, kẻ trước người sau, nổi tiếng chữ tốt cũng nhiều. Vua Đường Văn Hoàng[10] là bậc thiên tử có muôn cỗ xe mà còn ưa lối chữ phi bạch. Vua Lương Vũ Đế và Vương Dật Thiếu[11] cũng nổi tiếng chữ tốt. Các vị công khanh có tiếng đời nhà Đường như Ngụy Trưng, Trữ Lượng, Ngu Thế Nam, Chử Toại Lương cho đến các họ Nhan, Liễu, Hàn, Bạch[12], đều là danh gia có tiếng chữ tốt cả. Đời nhà Tống hơn 300 năm, các bậc trên nho cũng nhiều, như là thầy Chu, thầy Trình, họ Trương, họ Chu, họ Ngụy cùng với họ Tô, họ Hoàng, họ Tống[13] , đến nay vẫn hãy còn truyền bút tích lại, xem ra cực tốt, chưa khi nào vì tốt chữ mà làm che mất huân danh đức nghiệp bao giờ. Nước ta đã có tiếng là văn hiến không khác gì nước Trung Hoa, thế mà về môt việc học viết chữ, lại cho là việc của kẻ thơ lại, không ai thèm lưu ý đến, không biết tại sao ?

Ta có một người bạn là Hoàng Hy Đỗ, nguyên người Quảng Đông, phố Tân Hợi, từ đời cha mới sang ngụ ở Hoa Dương, trấn Sơn Nam, rồi thành người Việt Nam. Ông thông minh, đĩnh ngộ, các sách tiểu thuyết, dã sử, đều xem qua hết. Ông lại thích về nghề thơ, từ, ngâm, vịnh, phàm thơ của các danh gia từ đời Hán, Ngụy, Đường, Tống, Minh, ông đều xem qua và đọc thuộc cả. Ông thường có câu thơ vịnh ngọc lan "Sắc đẹp lượt là từng mộng thấy / Hương thơm bát ngát đáng xưng vương", lại có câu "Trân trọng chờ hiềm tri kỉ ít / Tao đàn từng đã dự bình chương", hay có câu tả lúc ở đất khách nghe chim nhạn "Nếu bay qua tới hương quan đó / Nhắn bảo thu về cúc nở hoa", xem những câu thơ ấy tự biết khác người vậy. Ông lúc nhỏ viết chữ lối hành thảo rất tốt, bắt chước được lối chữ của Mễ Nam Cung, Đổng Kỳ Xương[14], hễ cầm bút lên thì rụt rè như không thể viết được, nhưng lúc đã đặt bút xuống giấy thì nét chữ tươi tắn, có cái ý nhị của hoa đào đọng giọt mưa, lá dương phủ làn khói. Các anh em bạn tri giao thường khi yến họp với nhau mà không biết mệt, giá có hỏi đến lối chữ thời bấy giờ thì ông nín lặng, không thèm nói. Nhà ta có giữ được hai cái thiệp chữ thạch ấn là thiếp Lan Đình và thiếp Đa Bảo[15], nhân đem ra tặng ông, ông mừng nói rằng "Đây là danh bút của hai đấng tiên hiền họ Vương, họ Nhan, song tiếc cho phường bản họ in ra cũng có hơi sai, không được đúng lắm". Mỗi khi đem ra trước cửa sổ để coi và bắt chước viết thử chơi, ông lấy làm thận trọng lắm.

   




Chú thích

  1. Xem bài Tên làng Châu Khê
  2. Là cửa phía đông của Hoàng thành Thăng Long thời Lê.
  3. Là cửa phía nam của Hoàng thành Thăng Long thời Lê, là cửa chính ra vào Hoàng thành.
  4. Niên hiệu đời vua Mạc Mậu Hợp, dùng từ năm 1578 đến năm 1585.
  5. Tên là Mạc Ngọc Liễn, con trai của Thái úy Tây Quốc Công Nguyễn Kính, người xã Dị Nậu, huyện Thạch Thất, là đại thần của nhà Mạc. Ông có công lao trong việc tôn lập Mạc Tuyên Tông, nhiều lần đem quân đánh Nam triều. Sau khi nhà Mạc mất, ông lập Mạc Kính Cung làm vua, mất, để lại bài di chúc nổi tiếng, dặn con cháu họ Mạc không được đem người Minh vào trong nước.
  6. Ở khu di tích chùa Thầy có chùa Bối Am. Hẳn là chùa này.
  7. Là lối chữ viết bay bướm như múa gươm.
  8. Dao Thạch tiên.
  9. Thái Ung (132 – 192), người đất Trần Lưu (Hà Nam), làm quan cuối đời Đông Hán. Ông là nhà văn, nhà sử học nổi tiếng, cha của Thái Diễm, một trong "Kiến An thất tử". Bị Tư đồ Vương Doãn bắt giam vì khóc Đổng Trác sau khi Trác bị Lã Bố giết, rồi chết trong ngục.
    Chung Do (151 – 230), người Dĩnh Xuyên (Hà Nam), làm quan cuối đời Đông Hán, có công tôn lập nhà Ngụy.
     :Vệ phu nhân tên là Vệ Thước (272 – 349), người An Ấp (Sơn Tây), con gái của Vệ Triển, con cháu Vệ Quán, là học trò của Chung Do. Tác phẩm nổi tiếng : Bút trận đồ.
    Vương Hi Chi (303 – 361) và Vương Hiến Chi (344 – 386), người làng Lang Nha (huyện Lâm Nghi, Sơn Đông), sau di cư đến Giang Nam, hai cha con đều tài giỏi thư pháp, được tôn xưng là "Nhị Vương". Tác phẩm nổi tiếng : Lan Đình tự, Đề Vệ phu nhân bút trận đồ họa, Bút thế luận, Dụng bút tặc, …
  10. Có lẽ chỉ Đường Thái Tông, tên là Lý Thế Dân (599 – 649), làm vua từ năm 626 đến năm 649, vì thụy hiệu của ông là Văn Hoàng đế.
  11. Lương Vũ Đế, tên là Tiêu Diễn (464 – 549), làm vua từ năm 502 đến năm 549.
    Vương Dật Thiếu chính là Vương Hi Chi, Dật Thiếu là tên tự của ông.
  12. Ngụy Trưng (580 – 643), người Cự Lộc (nay là Hình Đài, Hà Bắc), vị gián quan nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc dưới thời Đường Thái Tông.
    Trữ Lượng, không rõ là ai, nhưng có lẽ là Chử Lượng, cha của Chử Toại Lương, học sĩ Văn học quán của Tần Vương Lý Thế Dân. Không biết nguyên văn ghi ra sao, có lẽ bản in nhầm lẫn.
    Ngu Thế Nam (558 – 638), người Dư Diêu, Việt Châu (Chiết Giang), công thần nhà Đường, nổi tiếng ham đọc sách, giỏi chữ khắc bia. Tác phẩm : Khổng Tử miếu đường bi.
    Chử Toại Lương (596 – 658?), con của Chử Lượng, đại thần đời Đường Thái Tông, Đường Cao Tông ; sau bị Lý Nghĩa Phủ và Võ Tắc Thiên gièm pha, bị giáng làm quan ở Ái Châu (Thanh Hóa, Việt Nam) rồi chết ở đấy.
    Nhan Chân Khanh (709 – 785), người làng Lang Nha (huyện Lâm Nghi, Sơn Đông), cháu con của Nhan Sư Cổ và Nhan Chi Thôi, em trai của Nhan Cảo Khanh. Làm quan đời nhà Đường, nổi tiếng với tính cách thắng thắn, trung trực. Cuối đời bị thế lực cát cứ Lý Hy Liệt ở Hoài Ninh giết. Tác phẩm : Tế điệt cảo.
    Liễu Tông Nguyên (773 – 819), người Hà Đông (nay là huyện Vĩnh Tế, Sơn Tây), làm quan đời Đường. Nhà văn, nhà thơ nổi tiếng của Trung Quốc.
    Hàn Dũ (768 – 824), người Hà Dương (Hà Nam, nay là Mạnh Châu, Hà Nam), làm quan đời Đường, chủ súy của phong trào cổ văn.
    Bạch Cư Dị (772 – 846), người Vị Nam (Thiểm Tây), nhà văn và nhà thơ nổi tiếng đời Đường.
  13. Chu Hy (1130 – 1200), người Vụ Nguyên (Giang Tây), có công xây dựng và phát triển Tống Nho nên được Nho gia sau Tống tôn là Chu Tử, coi là lãnh tụ của phái lý học.
    Trình Hạo (1032 – 1085) và Trình Di (1037 – 1107), người Lạc Dương (Hà Nam), có công xây dựng học thuyết Tống Nho.
    Trương Tải (1020 – 1077), người Đại Lương (Hà Nam), là một triết gia Tống Nho.
    Chu Đôn Di (1017 – 1073), người Vĩnh Châu (Hà Nam), có công xây dựng học thuyết Tống Nho.
    Ngụy Dã, chưa rõ tiểu sử, chỉ biết là người Thiểm Châu, danh sĩ đời Tống.
    Tô Đông Pha (1037 – 1101), người Mi Sơn (Tứ Xuyên), làm quan dưới thời Tống, theo cựu đảng của Tư Mã Quang chống biến pháp Vương An Thạch. Ông là nhà văn, nhà thơ, nhà thư pháp và họa sĩ nổi tiếng của Trung Quốc. Tác phẩm nối tiếng : Phong lạc đình ký.
    Hoàng Đình Kiên (1045 – 1105), người Phân Ninh, Hồng Châu (nay là Tu Thủy, Giang Tây), nổi tiếng về hành thảo và cuồng thảo. Tác phẩm nổi tiếng : U lan phú.
    Tống Bạch, chưa rõ tiểu sử.
  14. Mễ Nam Cung (1051 – 1107), người Thái Nguyên (Sơn Tây), giỏi hành thảo.
    Đổng Kỳ Xương (1555 – 1636), người Hoa Đình, Tùng Giang (Thượng Hải), nổi tiếng về hành thảo
  15. Thiếp Đa Bảo là tác phẩm của Nhan Chân Khanh (709 – 785