Bước tới nội dung

Vũ trung tùy bút/Chương LXII

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

Ông Phạm Trấn người làng Lam Cầu, huyện Gia Phúc, lúc bình sinh, lực học không bằng ông Đỗ Uông, người làng Đoàn Tùng. Đến khi vào thi Đình đối sách thì ông Phạm Trấn lại đỗ đầu, làm quan đến Thừa chính sứ. Đỗ Uông thì làm đến Thị lang đời nhà Mạc, sau lại qui thuận nhà Lê làm đến Thượng thư, phong phúc thần. Người ta cho là tạo hóa thừa trừ cũng khéo, nhưng ta không cho làm phải. Học thức của Đỗ Uông tuy có hơn Phạm Trấn thật, nhưng nếu biết theo cái nghĩa cầu chí hành đạo[1] của người xưa, mà biết tỵ trọc đãi thanh[2] như ông Phùng Khắc Khoan ở Thạch Thất, ông Lương Hữu Khánh ở Hoằng Hóa thì hay lắm. Không làm được như thế, cứ chăm học mà giữ cho phải đạo được như Nguyễn công ở Vĩnh Lại[3] và Trần công ở Đông Ngạn cũng không đến nỗi uổng cái công ăn học. Nhưng ông Đỗ Uông lại không làm được như thế, để rồi phải mắc tai vạ. Vậy thì so với ông Phạm Trấn giữ sạch mình, không làm nhục đến khoa danh, biết ai hơn ?

Đời truyền rằng khi ông Phạm Trấn ở Lam Cầu, đỗ trạng vinh qui, có đắp một con đường từ phía nam làng Minh Luân thẳng suốt đến làng Lam Cầu, nay vẫn còn truyền là con đường Trạng nguyên. Sách Tiệp ký của Võ Phương Đề có chép truyện Phạm Trấn và Đỗ Uông khi đỗ vinh qui, tranh nhau đi trước ; lúc đến cầu Phú Cốc có thi nhau làm bài thơ Cô Lan bán hàng cầu Cốc. Thiết tưởng đó là việc sau khi thi đỗ rồi, chẳng thế thì trước khi Phạm Trấn chưa đắp con đường mới ấy, phía tây cầu Phú Cốc vẫn sẵn có một con đường đi thẳng đến Lam Cầu, việc gì phải qua cầu Phú Cốc nữa. Lại trong sách Tiệp ký có chép việc Phạm Trấn tặng cho cái nhà mới người làng Minh Luân một câu thơ cổ Nhật nhật thọ vinh hoa. Chữ thọ nguyên là chữ thụ, về sau kiêng chữ thụ tử nên đọc trệch ra chữ thọ. Sách Tiệp ký cứ nhân theo mà không đổi.

   




Chú thích

  1. Ý nói muốn lập chí đem kinh luân đạo thống ra giúp đời
  2. Nghĩa là tránh dòng đục, đợi dòng trong. Ý nói tránh triều đại bất chính (Mạc), đợi giúp triều đại chính thống (Lê)
  3. Nguyễn Bỉnh Khiêm