Bước tới nội dung

Vũ trung tùy bút/Chương LXIII

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

Các bậc hiền triết làng ta thì chỉ thấy truyền từ ông Bùi Thế Vinh đời nhà Mạc trở về sau, còn từ đấy trở về trước, không thấy nói có người nào cả. Ta khi nhỏ thấy các bậc tôn trưởng kể lại rằng : làng ta có Quỳnh Quận Công, Vận Quận Công, theo đi đánh nước Chiêm Thành có công lớn, nhưng không xét rõ được tên họ là gì. Đến khi ta lớn lên đọc sách Tiền triều thực lục[1] thì thấy đầu năm Quang Thuận[2] có những bậc công thần có công dẹp loạn[3]. Như khoảng năm Hồng Đức, có các quan Ngũ phủ đại thần[4], cứ theo chế độ hồi Lê sơ thì được phong huyện hầu, hương hầu, đình hầu, á hầu, quan phục hầu chứ chưa có người nào khác họ được phong đến quận công cả. Do đó ta mới nghi đời truyền như thế là không phải. Sau đọc đến sách Ô châu cận lục thấy chép ở Thuận Hóa có Thanh Quận công theo vua Thánh Tôn đi đánh Chiêm Thành có công, cũng được phong tước. Thế thì các quan khác họ (không phải là họ vua) lúc bấy giờ cũng được gia phong tước. Tiếc rằng sách vở bỏ sót, không biết tra xét đâu cho chính xác.

Bùi Thế Vinh người làng ta đỗ Tiến sĩ đời nhà Mạc, bà thủy tổ tỉ họ ta về dòng họ ấy. Đấng tiên đại phu ta đã chép sự nghiệp ngài vào gia phả, còn đại lược tiểu sử lúc bình sinh, ta cũng đã chép vào sách Tang thương ngẫu lục. Khi ngài mất, chôn phía đông nam làng ta, người ta vẫn gọi là làng quan Tự khanh. Sau người làng ta là An Bình Võ hiệu quan[5] lập trường giảng học ở đấy, nay dấu xưa nền cũ không còn gì nữa. Ông cậu ngoại ta là Thượng thư Võ công lại lập sinh phần ở chỗ đấy ấy, về sau lập nhà thờ, đắp vườn trại ; nếp cũ chỗ đất ấy lại càng sai lạc mãi đi. Ôi ! Ngài là người hiển đạt trước tiên của làng ta, cách nay mới độ hơn hai trăm năm, mà lăng mộ xây đã không được cẩn thận, để đến sai lạc đi, người đời sau không chối từ được cái trách nhiệm ấy. Song tỉnh Hải Dương ta, từ đời Lê Trung hưng trở về sau, loạn lạc mãi, lăng tẩm các bậc tiên hiền mai một nhiều, không riêng một lăng mộ của ông Bùi Thế Vinh. Cổ nhân đá có cái qui chế lập ra thiên biểu, mộ chí[6], vậy nên xây đắp cho kĩ càng, cẩn thận.

   




Chú thích

  1. Tức là phần Bản kỉ thực lục trong bộ sách Đại Việt sử ký toàn thư, ghi chép về lịch sử từ đời vua Lê Thái Tổ đến hết đời Lê Cung Hoàng.
  2. 1460 - 1469, niên hiệu của vua Lê Thánh Tông
  3. Loạn Lê Nghi Dân
  4. Quân đội thời Lê chia làm 5 phủ là Đông quân phủ, Tây quân phủ, Bắc quân phủ, Nam quân phủ và Trung quân phủ, đứng đầu các phủ là võ quan Tả Hữu Đô đốc
  5. Không rõ Hiệu Quan là tên hay là có nghĩa là quan ở nhà học hiệu
  6. Tấm đá khắc tên họ người chết, để trên mặt đất gọi là thiên biểu, chôn xuống đất gọi là mộ chí