Bước tới nội dung

Vũ trung tùy bút/Chương LXVII

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

Đời Lê Trung hưng, thể văn kinh nghĩa chia ra bảy tiết, từ câu phá, câu thừa đến đoạn khởi giảng, khai giảng, trung cổ, hậu cổ, kết thúc là hết. Trong bài văn, cứ phải theo nghĩa đại chú[1] mà làm, chứ không được cầu kỳ làm mới ra[2]. Vì vậy, học trò chỉ chuyên học chú thích, nhớ lấy nghĩa là đủ. Đó không phải là cái chế độ minh kinh thi sĩ[3] của người đời xưa. Về sau này lại cứ quen dùng đầu bài cũ, học thuộc lòng lối văn cũ là được, nên càng ngày càng sai lạc mãi đi. Khoảng đời Chính Hòa, Bảo Thái[4], ông Nguyễn Công Hãng sang sứ Trung Hoa, xét hỏi được bên đó có thi khoa minh kinh, khi trở về làm tướng, có khởi nghị muốn đặt ra khoa ấy để thi học trò, nhưng sau lại thôi. Trong sách Kiến văn tiểu lục, Lê Quí Đôn đã thường bàn đến lối văn bát cổ, có dẫn lời dụ chỉ của vua nhà Thanh nói rằng "lối văn bát cổ không có quan thiết gì đến trị thế cả". Ý ông ấy là không muốn đổi theo phép thi đời nhà Minh. Ôi ! Lối văn bát cổ tuy không có quan thiết gì đến phép trị nước, nhưng tập làm được lối văn ấy, nếu không phải là người học quán xuyến cả kinh truyện, thì không thể hạ bút mà viết được. Thế thì lối văn bát cổ đời Minh, so với lối văn kinh nghĩa ngày xưa của nước ta chỉ y dạng họa hồ lô[5], lại chẳng còn hơn ư ? Lời vua nhà Thanh nói trên kia là để chỉ những lối văn chắp nhặt vụn vặt trong đời nhà Thanh, chứ không phải chỉ trích những văn hùng hồn, uyên bác của ông Vũ Khiêm, Hồ Sĩ Trinh, Vương Ngao, Vương Thế Trinh, Hùng Đình Bật. Khoảng năm Canh Tý (1780) đời Cảnh Hưng, có bàn cải định lại thể văn kinh nghĩa. Bấy giờ ông Nhữ Công Chân làm chức Phiên liên được dự vào soạn định văn thức, mới đem những bài đại chú, tiểu chú trong sách, theo thứ tự, chắp nối, sửa sang thành một bài văn thức, rồi niêm yết ngoài phủ đường, và các học đường làm mẫu mực cho học trò cứ thế mà theo. Nhưng thể văn ấy lại vụn vặt, phù hoa, không bằng thể văn cũ. Cuối đời Lê, ông Ngô Thì Nhậm lại thích lối văn bát cổ, nên cứ ông Nguyễn Hiến, ông Trần Văn Vĩ ra làm trưởng giáo nhà Thái học để dạy học trò. Quan trưởng giáo đã không có uy tín với học trò, nên học trò lúc bấy giờ chỉ quen tập lối văn sáo cũ, không thể giảng rõ được cái nghĩa thâm thúy của kinh truyện. Những bài văn làm ra, chỉ lượm lặt những thuyết nông nổi hoang đường để cùng khoe khoang mà thôi.

   




Chú thích

  1. Khi chú thích kinh sách, người ta chia ra làm đại chú và tiểu chú
  2. Ý nói chỉ được viết theo như trong sách, không được có ý kiến khác của mình
  3. Ý nói, khi thi, người học trò không những đã thuộc kinh sách mà còn phải có phát hiện mới hoặc giải thích được những chỗ khó hiểu của kinh sách
  4. 1680 - 1729
  5. Hồ lô là một thứ cỏ leo, quả có hình hai quả cầu lớn nhỏ chồng lên nhau. Đào Cốc đời Thanh tâu xin bãi bỏ rừng cấm, vua Thái Tổ nói "y dạng hồ lô, thả tác thả tác", nghĩa là "theo hình quả hồ lô, làm đi làm đi", không cho bãi bỏ và không trọng dụng Đào Cốc. Đào Cốc đề thơ ở Ngọc Đường, có câu "Kham tiếu Hàn lâm Đào Học sĩ / Niên niên y dạng họa hồ lô", nghĩa là "Đáng cười quan Hàn lâm Học sĩ họ Đào, năm năm chỉ theo hình dạng mà vẽ quả hồ lô". Về sau, dùng từ này để ví với người chỉ biết bắt chước một cách máy móc, dập y theo khuôn khổ của người khác