Bước tới nội dung

Vũ trung tùy bút/Chương LXXXIX

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Vũ trung tùy bút của Phạm Đình Hổ, do Nguyễn Hữu Tiến dịch
Thần hồ Động Đình

Hoàng Bình Chính, người làng Thổ Hoàng, huyện Thiên Thi, làm chức Tả mạc ở Thừa chính ty, tỉnh Sơn Tây, đỗ Tiến sĩ năm Ất Mùi (1775) đời Cảnh Hưng, làm quan chức Hàn lâm. Khi ấy, nhà ở phường Hà Khẩu. Ông hay mộng thấy một mỹ nhân ăn mặc lối cung trang lịch sự, thường thường lại chơi, tiếp đãi như vợ chồng trong một nhà vậy. Lúc đầu, ông còn nghi là yêu tinh, về sau ông vẫn thấy thân thể khỏe mạnh, đi lại như thường, nên cũng chẳng lấy gì làm quái lạ. Không bao lâu, bà phu nhân mắc bệnh, lúc tăng lúc giảm bất thường, hình như bị ma làm. Khi ấy, ông mới sai người đến Vạn Kiếp cầu đảo ở đền Hưng Đạo Vương, đổi lấy cái chiếu thờ trong đền đem về trải vào giường cho phu nhân nằm, thì thấy bệnh hơi bót. Nhưng sau lại vẫn như cũ. Đêm ông lại mộng thấy người mỹ nhân đến và bảo rằng "Thiếp không phải là loài yêu ma, Hưng Đạo Vương làm gì được thiếp ; thiếp cho hơi bớt như thế là nể cái thể diện nhà vương đó thôi. Tuy vậy, bệnh phu nhân cũng sắp khỏi đấy. Sang tháng thì có mệnh nhà vua bổ ông xuống làm Hiến sát ở Hải Dương, thiếp xin đi theo để nâng khăn sửa túi". Sau đó, quả nhiên ông được bổ đi Hiến sát Hải Dương. Đương lúc sắp sửa hành trang, chừng vào độ gà gáy, thì bà phu nhân gọi người con trai cả là Liễu đến bảo rằng "Đêm qua ta mộng thấy một người mỹ nhân như bà cung phi ở trong nội đường, thị tì hầu hạ rất đông, đường sắp sửa hành trang đi Hải Dương thì có kẻ hỏi có lưu người nào ở lại giữ nhà không, bà mỹ nhân ấy bảo cho đi cả. Ta chợt tỉnh dậy. Có lẽ bệnh sắp khỏi, nay đã muốn ăn, con nên bảo đem cháo vào đây". Công tử cứ theo như lời, và bệnh bà phu nhân quả nhiên khỏi. Năm Quý Mão (1783), triều đình lại sai ông sung chức Chánh sự sang tạ ân vua Trung Hoa. Đêm hôm sắp sửa sang đò, bà phu nhân lại mộng thấy người mỹ nhân từ trong nhà đi ra, lên xe bảo những kẻ theo hầu rằng "Lần này ra đi thì tướng công và ta sẽ lưu ở bên Trung Hoa, chứ không về bên Nam nữa". Đêm ấy, ông trẩy sang ngủ ở trạm Gia Quất, chợt mắc phải bạo bệnh, mê mẩn ba ngày bất tỉnh nhân sự. Về sau hơi tỉnh, ông cho mời người ông vào kể chuyện mộng lâu nay và nói đem qua có mộng thấy người mỹ nhân tới bảo cho biết việc kiếp trước rằng "Ông tiền thân là thần đền Túc Duyên núi Biển Sơn hồ Động Đình, nguyên vẫn có túc duyên với thiếp. Từ khi ông giáng thế, thiếp phải ở một mình, không đủ tiền chi dùng đến nỗi phải sai thị tì đi bán hoa lấy tiền tiêu dùng son phấn. Nay việc nước không thể vãn hồi được nữa rồi, ông đã mãn hạn trích giáng, sao ông lại không sắp sửa về chốn cũ ? Ta mới từ chối bảo rằng đương bận việc vua, hãy để cho đi xong việc trở về phục mệnh đã. Mỹ nhân bảo rằng, nếu như vậy thì lại còn phải ở một năm nữa. Nhưng nếu ông đã muốn trở về phục mệnh, thì thiếp cũng không cưỡng đón ông về vội. Sớm mai có người đem biếu chim đấy, cứ đem mà ăn thịt thì khỏi. Ta nghe nói rồi chợt tỉnh dậy, nghĩ rằng giá đến ngày trở về bẩm mệnh vua, thì chưa chắc đã về đến được đô thành, nên phàm việc gì đều nhờ anh lo liệu cho cả". Lại sai công tử đặt tế lễ khấn thần chính khí đền Túc Duyên và vị công chúa, cầu giúp cho mình xong việc nước theo như lời hẹn trong mộng. Ngày hôm sau, quả nhiên thấy dân xã Lỗ Khê đem cho vịt le và chim sẻ vàng, ông liền sai đem nấu ăn thì bệnh ông lại khỏi. Khi sang đến Trung Hoa, qua hồ Động Đình, ghé thuyền vào dưới núi Biển Sơn, ông sai người đem vàng hương lên núi để cúng khấn, thì thấy trên núi có một cái miếu, biển đề năm chữ "Biển Sơn Túc Duyên tự". Bên cạnh có thờ tượng vị công chúa, giống như người mỹ nhân trong mộng. Đêm ấy thuyền qua sông, ông mộng thấy có một người thị tì đến nói xin biếu hai con cá chép. Sáng mai thuyền ra đến giữa dòng, thì thấy có cá nhảy lên thuyền, bắt được hai con. Năm Giáp Thìn (1784), ông trở về Nam, lại qua núi Biển Sơn, thì thấy nước lớn gió dữ, thuyền không ghé vào đâu được. Chợt lại nổi cơn giông gẫy cả cột buồm, thuyền bị mắc cạn suýt nguy, nhưng may sau lại qua khỏi. Ông bèn đổi thuyền khác đi về đến thành Lạng Sơn. Đêm hôm ấy lại mộng thấy mỹ nhân đến báo tin mừng rằng "Nay việc nước đã xong rồi đấy". Ông cố sức xin về đến nơi để phục mệnh vua. Bởi vậy, đêm ấy đã nổi bệnh đau, lại khỏi. Sang đến năm Ất Tỵ (1785), ngày hai mươi chín tháng giêng, ông về đến đô thành phục mệnh, quá trưa thì mất. Chuyện này ta được nghe cậu con trai cả ông nói lại như vậy.

Các bậc tiền bối chúng ta thường trước là thần bên Trung Hoa, phần nhiều lại là thần ở Động Đình, như chuyện ông Nguyễn Trọng Vĩ ta đã chép ở trong sách Tang thương ngẫu lục, cùng với chuyện Hoàng công có cái nhân duyên kiếp trước. Trên đây đều là chuyện quái lạ cả.

Ta lại thường nghe chuyện khi xưa Nguyễn Thế Khải đã mất rồi, có bạn đồng niên đi sứ sang Trung hoa, sắp qua hồ Động Đình, đem cũng nằm mộng thấy ông Nguyễn Thế Khải bảo rằng "Ông là thần ở Động Đình, ngày mai ở trong hồ này có trận phong ba tiểu kiếp, ta khuyên ông đừng buông thuyền ra đi vội". Khi tỉnh dậy, ông mượn cớ dừng thuyền lại. Quả nhiên ngày hôm ấy trong hồ có nổi phong ba. Ý chừng hồ Động Đình với nước ta, từ đời Kinh Dương Vương trở về sau, vẫn là một nước hữu nghị với ta, vậy cái nhân quả thần với người tuần hoàn đi lại, dù non sông cách trở cũng không thể ngăn trở được chăng ? Song những chuyện ấy không thể lấy thường tình mà ức đoán được.

Đấng tiên đại cữu[1] ta là Thượng thư công[2], khi xưa làm chức Lại thị Đô đài[3] sung làm Chánh sứ công bộ năm Đinh Dậu (1777). Khi ấy ông đã ngoài sáu mươi, làm quan trong triều đã hơn bốn mươi năm, cứ như lệ cũ thì không phải đến lượt đi sứ nữa. Vậy mà trong triều không biết duyên cớ làm sao, chợt Trịnh Thịnh Vương (Trịnh Sâm) đòi ông vào Trung Hòa đường, mật đưa cho ông một tờ biểu sai sang Trung Hoa cầu phong Quốc vương và bảo rằng "Sau khi xong việc thì được cùng hưởng phúc". Ông biết ý chúa Trịnh đã quyết nên không dám chối từ. Tháng sáu năm Mậu Tuất (1778) thuyền qua hồ Động Đình, ông chợt mắc bệnh, bèn mời quan Phó sứ là Hồ Sĩ Đống và Nguyễn Trọng Đang tới dặn bảo mọi việc, và làm tờ khải , tờ bẩm để lại. Ông lại đưa tờ mật biểu của Trịnh chúa đốt trước mặt hai quan sứ thần, và ngày mồng mười thì mất ở trên thuyền[4].Ông có dặn lại đừng liệm ông bằng thủy ngân. Hồ công có thơ viếng rằng

Hoàng hoa lưỡng độ phú tư tuân
Uyên đức kì niên cánh kỉ nhân
Cộng tiễn bang giao nhàn ngọc bạch
Thùy tri tiên cốt tịch phong trần
Sinh sô lệ sái đồng chu khách
Tái bút danh qui tuẫn quốc thần
Trù tướng thái hồ thù nguyệt sắc
Dạ lai do chiếu ốc lương tần

Dịch

Mấy độ hoàng hoa[5] sứ nước ngoài
Tuổi cao đức tốt ấy kìa ai ?
Bang giao những tưởng ngọc ngà đẹp
Tiên cốt nào hay gió bụi đầy
Giọt lệ đồng châu đưa một lễ
Tấm thân tuổi tác tiếng muôn đời
Trăng thu mơ tưởng trên hồ nọ
Thấp thoáng đầu nhà bóng lẩn soi

Bài thơ đó cũng là vì một cớ gì mà nói ra vậy. Sau này, người làng ta thường mộng thấy ông từ bên Trung Hoa trẩy về, quân lính rậm rịch, những kẻ hầu hạ đều mặc áo Trung Hoa cả.

   




Chú thích

  1. Cậu
  2. Vũ Trần Thiệu (1716 - 1777) người phường Thái Cực huyện Thọ Xương (nay thuộc phường Hàng Đào quận Hoàn Kiếm Tp. Hà Nội), nguyên quán xã Đoan Luân huyện Đường An (nay thuộc xã Nhân Quyền huyện Bình Giang tỉnh Hải Dương). Ông làm quan Tả Thị lang Bộ Hộ, tước bá và được cử hai lần đi sứ sang nhà Thanh. Sau khi mất, ông được tặng chức Thượng thư. Ông nguyên tên là Vũ Trần Tự , sau đổi tên là Vũ Trần Thiệu.
  3. Lại bộ Thị lang và Đô Ngự sử
  4. Kì thực Vũ Trần Thiệu đã tự tử
  5. Tên một bài thơ trong Kinh Thi, chỉ việc đi sứ