Vũ trung tùy bút/Chương V

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

Khi tiên đại phu ta làm quan Tuần phủ tỉnh Sơn Tây, ta có theo lên chơi chốn tỉnh lỵ. Một hôm, ta vào chơi chùa Ngọa Phật.Chùa ở trong một hốc đá, trước nhà tiền đường, bên tả bên hữu có gian thờ phật và vị long thần ; gian giữa treo một bức mành rũ xuống tận mắt ; lại xây một tòa hoa sen cao đến vài trùng. Hoa tâm là một hòn đá dài hơn một trường, trông lởm chởm, kì quặc hết sức, nhìn kỹ phảng phất như hình người nằm người, không biết tự đâu đem lại. Có người bảo trước là một hòn đá ở cửa cống bên đường, ai giẫm vào thì ốm đau, ai cầu đảo thì ứng nghiệm, mới đem đến nơi này làm chùa lên thờ. Ta lại thường đi chơi chùa Viễn Sơn[1] ở cách xa tỉnh lỵ là một cái đồi cao trơ trọi, không có cây cỏ tạp nhạp, trên đỉnh dựng một ngôi chùa vài mươi gian. Tương truyền chỗ ấy là một kiểu đất lớn, trèo lên nhìn ra bốn bên thì làng mạc xa gần trông như tranh vẽ. Sông Hát Giang vòng quanh phía đông như một giải lụa trắng, lại vòng từ phía bắc ra phía đông, nước chảy uốn éo quanh co. Lác đác giống như lá tre điểm xuyết trên tấm lụa, ấy là những chiếc thuyền đi lại trên mặt sông ; lại trông thấy lờ mờ như quả dưa quả muỗm di động trên bãi cát, ấy là những bóng người đi lại và trẻ chăn trâu. Đến nay, thấm thoắt hơn ba mươi năm, phong cảnh nước non vẫn còn như phảng phất ở trước mắt ta.

   




Chú thích

  1. Nay ở thôn Ngũ Xá, huyện Ba Vì. Được coi là ngôi chùa lớn nhất xứ Đoài, bị phá hủy vào khoảng thời kì chiến tranh Đông Dương (1945 – 1954).