Vũ trung tùy bút/Chương XVI

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

Lễ cưới đặt ra từ thời Phục Hy[1], rồi các đời noi theo ; lễ chế đã đầy đủ cả, chép ở trong sách Chu lễ[2]Lễ ký[3]. Ông Chu Văn Công tập hợp và rút gọn lại, lược bớt những chỗ nói về tiền của mà trọng về lễ sính vấn. Đặt ra tục lễ, danh mục tuy phiền, nhưng từ người bậc trung trở xuống có thể tùy lực mà làm theo được. Nước ta, từ đấng vương công, khanh tướng cho đến các nhà sĩ thứ, chỉ làm có ba lễ là : vấn danh, nạp sính và thân nghinh[4], đại khái lấy tiền của làm chủ, thứ hai là nghi lễ phục sức, còn như kén chọn lấy người đức hạnh thì ít ai để ý đến.

Văn Trung tử nói rằng "Dựng vợ gả chồng mà chỉ bàn tính đến tiền của là cái đạo man rợ, người quân tử không muốn bước chân vào làng ấy". Thân ôi ! Thói ấy thực đáng thương thay ! Đời xưa, nhà trai đưa lễ đi hỏi vợ, nhà gái phúc thư trả lời, chu toàn đi lại đôi bên chỉ có một mụ mối mà thôi. Thói tục đời nay thì không thế. Từ lúc đi hỏi vợ cho đến lúc thành hôn, nhà trai thường mời cả họ đi theo ; con gái về nhà chồng thì cả họ nhà gái cũng đi tiễn, bày ra hành nghi phục sức, ăn uống linh đình, chỉ cốt sĩ diện một lúc ở trước mắt. Có kẻ vừa cưới dâu xong thì ruộng nương đã bán sạch. Cứ xét trong lễ thì nhà có con gái gả chồng ba ngày không tắt đèn, là vì mẹ con li biệt, nhớ nhau ; nhà cưới nàng dâu về, ba ngày không cứ nhạc, là lo đường nối dõi tổ tiên, có ý để vun gốc nhân luân và đắp nền phong hóa ; không phải khoe khoang làm cho vui tai đẹp mắt một lúc. Đời xưa, khi cưới có lễ đưa một tấm da, đến đời nhà Chu đổi làm bức hôn thư, đời sau mới có lễ đưa canh thiếp ; cũng là theo cái lễ vấn danh và phục thư của đời cổ mà làm cho văn vẻ thêm ra ; đó cũng là ý cổ nhân đối với đời suy vi như vậy. Nước ta lễ cưới thì chẳng có thư thiếp gì cả, mà lại có tục chăng dây, chẳng kể lễ số gì, chỉ vòi lấy tiền bạc mà thôi. Cái thói ấy thực đáng khinh bỉ. Lại còn lắm chỗ dân tục sách nhiễu, nặng nhẹ nhiều ít, mỗi nơi một khác. Thậm chí có nơi trẻ con xóm giềng cũng ra đón đường vòi tiền, đến nỗi phải dừng võng cáng lại để giảng giải. Có người không mang đủ tiền thì phải gán cả đồ đạc. Thói ấy thật đời thịnh không nên có. Ta thường ngờ hai chữ lan giai không có nghĩa gì cả, tra xét mãi không hiểu. Đến khi xem tờ chiếu năm Minh Đức nhà Mạc[5], mới biết trước là chữ lan nhai, sau dùng lầm thành lan giai. Các công văn của quan sức về cho dân, cũng dùng chữ lan giai, thực là buồn cười[6].

Cứ lễ thì anh em con cô con cậu không được lấy nhau. Chỉ có đời Tấn, Ôn Kiện lấy con nhà cô, là tại đời ấy, lễ giáo suy đồi nên mới có cái thói ấy. Thói ấy ta không kể làm thường được, vì anh em con cô con cậu tức là hàng biểu thân, cho nên lề thói ở nước ta, con cô con cậu với đôi bạn con dì không được lấy nhau. Chỉ có con cậu với cháu cô cũng có khi lấy nhau. Tục ngạn đã có câu "Con cậu mà lấy cháu cô/ Thóc lúa đầy bồ giống má nhà ta". Song họ hàng thân thích đi lại, lắm khi xưng hô cũng có điều ngang trái. Ôi ! Lễ cưới cốt là để chính nhân luân, nay lấy nhau như thế, thì làm loạn tất cả hàng chiêu mục nhà họ ngoại, người đại nhã quân tử sao nỡ nghe nói đến chuyện ấy.

Đời nay lắm kẻ định hoãn việc tang lại mà đi dón dâu, gọi là cưới chạy tang. Thói ấy thực bại hoại luân lý, các bực tiên hiền từng đã biện bác đi rồi. Còn như cái thói tiền cưới không đủ, bắt phải viết văn khế xin cưới, thường sinh ra kiện tụng lôi thôi ; những kẻ ấy thực là kẻ tội nhân xấu xa, khi cưới xin chỉ kể đến tiền tài.

Đời xưa, con gái không được thừa hưởng gia tài, vậy nên lúc về nhà chồng thì cho là biệt ly, ba tháng mới được về thăm nhà, chứ không được đi lại luôn. Cứ theo như nghi lễ thì kẻ đi ăn thừa tự người khác, khi để chở cha mẹ mình, phải giáng phục, nghĩa là bớt ngày để tang. Các đấng tiên hiền nghĩ rằng phàm con gái đi lấy chồng, về để chở cho cha mẹ, cũng giống như kẻ ăn thừa tự người ta, nên để chờ cho cha mẹ đều giáng phục như nhau cả.

   




Chú thích

  1. Một trong Tam Hoàng Ngũ Đế của Trung Quốc
  2. Vốn gọi là Chu quan, gồm 6 thiên, là vựng biên quan chế triều Chu và chế độ các nước thời chiến quốc, có kèm thêm lí tưởng chính trị Nho gia trong đó. Các nhà cổ văn kinh học cho rằng sách do Chu Công làm ra.
  3. Tức Tiểu Đái kí, gồm 49 thiên, tuyển tập lễ giáo đời Tiên Tần và giao thời Tần Hán do Đái Thánh biên soạn.
  4. Ăn hỏi, Nạp tài và Rước dâu
  5. Niên hiệu của Mạc Thái Tổ Đăng Dung (1527 - 1529)
  6. Lễ lan giai tức là lễ treo. Nghĩa chữ lan nhai là ngăn đường, ý nói chưa có tiền cheo thì không được rước dâu. Tục chăng dây ngăn đường vốn có từ đời Đường. Nếu là chữ lan giai nghĩa là cỏ lan, cỏ địch thì vô nghĩa với đám cưới.