Vũ trung tùy bút/Chương XVII
Nước ta có lệ người nào không có con trai thì cho con gái ăn thừa tự ; không biết cái lệ ấy có từ đời nào. Ôi ! Nội ngoại đã chia ra hai họ, không lẽ lại hợp cả thân sơ mà cúng tế ; hợp tế nội ngoại như thế thì loạn mất luân thường. Huống chi thế thứ càng ngày càng xa, ân tình càng ngày càng bạc, có khi chưa đến tứ đại mà các cụ tổ tiên chỉ trông ngóng về hàng cháu tằng huyền[1] vô phục [2] nó cúng tế, thì sao cho lâu dài được. Hoặc có người qui về họ bản tôn, thì các cụ tổ ngoại lại phải phụ hưởng ở nhà thờ tổ họ khác ; thế chẳng hóa ra quay về cái lễ giáo hai gốc đã lâu đời, mà bắt ép quỉ thần hâm hưởng theo về dòng giống họ khác ; kẻ nhân thân[3], người quân tử nghe thấy chuyện ấy, ai chẳng đau lòng. Bởi vậy, cổ nhân nối dõi thì cho chi thứ kế tự, chứ không để cho con gái kế tự. ta thường thấy đời gần đây, có kẻ là con rể hoặc cháu ngoại mà cũng dự chia của, chia ruộng, có khi còn chực muốn tranh phần hơn người thân cận ; khi để chợ lại cứ theo như lễ thường, nếu có phải phụng dưỡng sớm khuya, thì cháu nội lại khó nhọc hơn cháu ngoại, thậm chí đến nỗi gây ra oán thù tranh cạnh, chỉ đem của đưa vào túi tham của quan lại. Tuy cũng có kẻ ăn ở trung hậu như bà Hứa Hoàn về thăm Vệ hầu, ông Tần Khang Công đưa tiễn Tấn Văn Công, nhưng thói đời càng ngày càng tệ, không thể kể xiết được !
Chú thích
- ▲ Chắt (cháu 4 đời) và chút (cháu 5 đời)
- ▲ Không phải trong hàng ngũ phục, nghĩa là không phải để chở
- ▲ Người giàu lòng nhân