Vương Dương Minh/Phần nhì/VI-7
7. — quan niệm giáo dục
Vương học cốt ở tâm học. Đối với Vương Dương Minh đạo học phải lấy cái mục đích chánh tâm làm trước. Nhưng đi đến đó phải trải qua đường cách vật trí tri, mà tuần tự trí tinh. Tiên sinh thường lấy phép trồng cây mà dụ dẫn vào cõi học. Phép trồng cây, muốn cho cây được sum sê thạch mậu, cành lá sởn sơ, hoa quả tốt đẹp, thời phải bón xới vun quén dưới gốc rễ mà rồi tự nhiên từng trên của cái cây nó sẽ được như thế. Con người muốn học cũng phải vun quén cội gốc, là cái tâm cái tính của mình, mà rồi tự nhiên bao nhiêu những đức tính sẽ đạt được.
Dưới đây lược bày một ít tư tưởng của tiên sinh về phép giáo dục. « Dạy người học, không được thiên chấp một bên nào Kẻ mới vào học lòng còn lông bông không có định sở, tư lự còn bị nhân dục kéo đi nhiều. Vậy phải dạy ngồi yên, dạy ngừng tư lự. Sau lâu, tâm, ý, có hơi định, mà nếu còn huyền không giữ tịnh, thời như cây khô tro tàn, cũng là vô dụng. Thời phải tiếp theo dạy tĩnh sát khắc trị, đừng cho công phu có lúc nào đứt đoạn, cũng thể như dẹp trộm cướp phải có ý quét cho sạch thanh. Lúc vô sự thời đem những cái thói tư trục như tham sắc, tham tài, tham danh, truy cứu sưu tầm ra cho hết, mà nhổ cho hết cái gốc rễ của những bịnh ấy, cho nó đừng bao giờ mọc lại nữa, mới vừa lòng. Dạy cho phải thường thường như mèo vồ chuột, tròng trọc mắt chăm nhìn, vẩu tai chăm nghe, hễ thấy có một niệm tư trục mống ra, tức khắc chụp trừ đi, chẳng để phương tiện cho nó thoát mất hay trốn núp ở đâu. Dụng công như thế mới có thể quét sạch thanh những thói tư trục ấy — Đến bao giờ không còn có cái tư tâm nào, thời cái tâm tư về thiên lý mới được thuần toàn. (Theo lời đáp Lục Trừng Truyền Tập Lục, thượng) Đọc sách chỉ cốt là cho hiểu được. Cần gì cốt cho nhớ được? Hiểu được đã là cái nghĩa thứ hai của phép đọc sách rồi. Tất là đọc sách phải cầu sao cho rõ được bổn thể của tự mình. Nếu cầu cho nhớ thời không hiểu được. Còn nếu cầu cho hiểu thời không rõ được bổn thể của tự mình.
(Truyền Tập Lục, trung.)
Vương Dương Minh giảng học, không bao giờ bông lông Bao giờ cũng tùy sự vật tầm thường trước mắt bên mình, mà mượn làm công cụ cho nền giáo dục. Thường tiên sinh dùng lối « tuần do điểm hóa. » Trong lúc cùng môn nhân dạo chơi non nước, gặp được phương tiện nào, tiên sinh dùng phương tiện ấy mà dụ dẫn cho môn nhân hiểu đạo lý. Ngay như việc hết sức tầm thường, là việc ăn uống cũng làm được công cụ giáo dục cho tiên sinh.
Một hôm tiên sinh ăn cơm. Vu Trung 于 中 và Quốc Thường 國 裳 ngồi hầu. Tiên sinh nói: « Phàm ăn uống chỉ cầu nuôi cái thân ta. Ăn cầu cho tiêu hóa, Nếu lại súc tính trong bụng, thời sẽ phát bĩ, làm sao sinh da sinh thịt cho được? Học giả đời nay đi cầu nghe rộng biết nhiều, lưu trệ trong lòng là mắc cai bịnh thương thực vậy. » (Truyền Tập Lục, hạ.)
Lại một hôm tiên sinh ngồi chơi nơi bờ ao, bên cạnh có cái giếng. Tiên sinh nhân lấy đó mà dụ dẫn đến cái tâm học. Tiên sinh nói: « Cứ kể cái ao bao nhiêu rộng lớn nước chứa thời nhiều, mà sao bằng cái giếng có vài thước mặt nhưng có nguồn, (nước tuôn ra mãi) sinh ý chẳng cùng ». (Truyền Tập Lục, thượng).
Trong quan niệm giáo dục của tiên sinh, có chỗ đáng khen ngợi nhất là về phép dậy trẻ. Nên nhớ rằng tiên sinh ở nước Tàu, hồi thế k XV-XVI, trong hoàn cảnh bó buộc gắt gao đường nào của nhà nho Thế mà với cái lương tri của tiên sinh, tiên sinh phát kiến một phép giáo dục xem qua ngỡ là của một nhà giáo dục học nào ở Âu châu ngày nay.
Tiên sinh thuở nhỏ, là một cậu bé đau yếu, không thích ngồi học, mà ham dong chơi, nhưng lại muốn làm thánh hiền. Nhờ thân trải qua tình cảnh ấy, nên tiên sinh thâm hiểu tâm lý nhi đồng biết sở cầu, sở thích của chúng. Thành thử, về phép giáo dục nhi đồng, tiên sinh có quan-niệm rất là rộng rãi, sánh không thẹn mặt những quan niệm tối tân, như của Nữ Bác-sĩ Montessori.
Dưới đây phiên dịch « Huấn mông đại ý » của tiên sinh truyền cho môn nhân.
⁂
« Huấn Mông đại ý »
Đời xưa dạy trẻ lấy nhân luân mà dạy; đời sau cái tập quán ký tụng từ chương dấy lên, mà nền giáo dục của tiên vương mất đi. Nay ta dạy trẻ con. duy nên lấy hiếu, đễ, trung, tín, lễ, nghĩa, liêm, sĩ mà làm chuyên vụ. Còn cái phương pháp tài bồi hàm dưỡng ắt phải: dụ dỗ học ca thi, để mở mang chí ý; đắc dẫn tập lễ, để nghiêm túc uy nghi; khuyên lơn đọc sách, để khai tri giác. Người đời nay vãng-vãng lại cho ca thi, tập lễ là bất thiết thời vụ. Ý kiến ấy là ý kiến mạc tục dung bỉ. Theo nó thời lấy gì đủ rõ cái ý lập giáo của cổ nhân?
Đại để cái tâm tình của trẻ con là vui thích với sự vui chơi, mà ghét sợ sự bó buộc gạn gùng. Trẻ con chẳng khác nào cây, cỏ mới mầm mống: để cho thư sướng thời nó sởn sơ, mà đè thúc thời nó cằn còi. Nay ta dạy trẻ con tất phải khiến cho chúng nó xu hướng về ca múa, để cho trong lòng chúng mừng đẹp, thời ắt chúng học sẽ tấn bộ không dừng. Thí cũng như mưa mùa gió xuân nhuần thấm cỏ cây, chẳng cỏ cây nào không nảy mầm vượt chồi, mà rồi tự nhiên ngày càng lớn, tháng càng đổi. Nhược bằng sương giá bủa đẻo, ắt cái sinh ý của cỏ cây phải tiêu điều mà càng ngày nó càng héo càng khô. Cho nên, phàm dụ dỗ cho học ca thi không phải chỉ mở mang chí ý của trẻ con mà thôi, mà cũng còn lấy đó để phát tiết sự hô hào nhảy múa trong chỗ ca vịnh, để khơi thông nỗi u-ức kết trệ ở trong âm tiết; đắc dẫn tập lễ không phải chỉ để nghiêm túc uy nghi mà thôi, mà cũng còn lấy đó để khiến quây quanh, chắp vái, nhường nhún, cho động lay huyết mạch; cúi, ngẩng, co duổi cho rắn rỏi gân xương; khuyên lơn đọc sách chẳng những là để khai tri giác mà thôi, mà cũng lấy đó dạy ngẫm nghĩ xét suy để bảo tồn lấy tâm, ước dương phúng tụng để khơi thông lấy chí.
Phàm những cách trên đó đều là cách khá lấy để dìu dắt chí ý, để sửa sang tính tình, để tiêu mòn sự bỉ lận, để hóa ngầm sự thô ngoan, mà khiến cho càng ngày càng lần lần đến lễ nghĩa mà không lấy làm khó khăn, vào cõi trung hòa mà chẳng hay biết duyên cố. Thật đó là cái vi-ý của tiên vương khi lập giáo.
Còn những kẻ trong đời gần đây dạy bọn trẻ măng, ngày ngày chỉ đốc suất cho đọc những câu, theo những bài, trách bị ở chỗ kiểm thúc, không biết lấy lễ mà dắt dẫn chúng; cầu mong cho được thông minh, không biết nuôi nấng điều thiện cho chúng; đến đỗi roi nẹt dây trói chúng nào khác là bọn câu tù Chúng trẻ xem nhà trường như cái ngục mà không dám vào, xem ông thầy như kẻ cướp thù mà không muốn thấy mặt. Rồi chúng lén lúc che đậy để toại lòng muốn vui chơi; thiết trá sức ngụy để buông lung thói nghịch ngợm. Chúng thành ra mỏng mảnh, dung liệt càng ngày càng sụt xuống hạ lưu! Ấy đó là xua chúng vào nơi ác mà lại cầu cho chúng làm điều thiện, thời sao có thể được cho?
Ta mà dạy dỗ là ý ở chỗ trên đó. Ta sợ cho thời tục không xét, mà cho đó là viển vông. Huống nay ta sắp ra đi, cho nên đặc biệt đinh ninh cùng các ngươi làm thầy dạy học. Ta lấy lời cáo hãy theo ý của ta, lấy đó làm lời huấn lâu dài, đừng có vì lời của thời tục mà cải bỏ mực thước. Muốn cho con trẻ nên được, phải ra công dưỡng chánh. Ghi nhớ lấy! Ghi nhớ lấy!
Giáo Ước
Mỗi ngày, sáng sớm, học trò đến vái chào xong, ông thầy lần lượt hỏi khắp các trò = hỏi ở nhà lòng thương cha mẹ kính người trên, có được chân thiết chưa, hay là còn có chỗ trễ tràng, hoặc hớp tớp? Sự quạt nồng ấp lạnh có được thật hành chưa hay là còn khuy khuyết chút nào? tới lui trên đường sá đi theo lễ tiết, có được cẩn sức chưa, hay là còn có chỗ nào phóng đãng? nhứt ứng ngôn hành, tâm thuật, đã được trung tín đốc kỉnh chưa, hay là còn có chỗ khi vọng? Các đứa trẻ con cần phải đáp thật lời. Thầy tùy trường hợp mà cải sửa hoặc khuyến khích Rồi lại tùy thời, theo việc mà thêm răn dạy khai phát, sau đó mới mỗi trẻ về chỗ ngồi học.
Phàm ca thi cần phẩn chỉnh dung định khí, làm cho thanh âm được trong trẻo; xét cái tiết điệu của nó, chớ cho động mà thành gấp, chớ cho lãng mà thành ồn ào, chớ cho kém mà như run sợ. Như thế, lâu ngày ắt tinh thần tuyên sướng, tâm khí hòa bình. Mỗi bận học, lượng số trẻ con nhiều ít, chia ra bốn ban. Mỗi ngày luận phiến dạy một ban ca thi, còn bao nhiêu kia thời tựu lại mà liễm dung nghiêm túc để nghe. Mỗi kỳ năm ngày gom hết bốn ban một phen cho lại ca ở tại nhà học. Mỗi khi gặp ngày rằm mồng một thời đều nhóm hết các học trò hội ca ở nơi thơ viện.
Phàm tập lễ cần phải trừng tâm túc lự để xét nghi tiết của nó, để độ dung chỉ của nó. Chớ cho hớp tớp mà thành nhác nhớn; chớ cho ngưng nghỉ mà thành tan rời; chớ cho buông lung mà thành phóng dã; thung dung mà đừng hỏng ở chỗ thưa hoãn; tụ cẩn mà đừng hỏng ở chỗ cân cục. Lâu ngày rồi lễ mạo tập thuộc, đức tính sẽ kiên định. Học trò cũng chia ra ban thứ như khi ca thi. Mỗi một ngày thời một ban tập lễ, còn các ban kia phải tựu lại liễm dung đứng nghiêm túc mà xem. Ngày tập lễ, thời miễn học. Mỗi mười ngày một lần hội bốn ban đến tập lễ nơi nhà học, Mỗi rằm mồng một hết thảy học trò phải hội tập nơi thơ viện.
Phàm dạy học sách không cầu dạy nhiều, mà quí ở chỗ thuộc ròng. Lượng tư bẩm mỗi đứa, như có thể học hai trăm chữ, chỉ nên cho học một trăm chữ mà thôi. Thường phải cho tinh thần lực lượng có dư, thời ắt khỏi cái hoạn trẻ con ghét khổ, mà được cái hay là tự đắc, Khi phúng tụng thời cầu sao cho trẻ con chuyên tâm nhứt trí, miệng tụng lòng theo, chữ chữ câu câu sưu dịch phản phúc, ức dương âm tiết, khoan hư tâm ý. Lâu ngày nghĩa thể thiệp hiệp, mà thông minh càng ngày càng mở mang.
Công phu mỗi ngày = trước khảo đức, kế đó đọc sách, kế nữa tập lễ, hoặc làm bài, sau lại đọc sách rồi ca thi. Phàm tập lễ ca thi đều dưỡng cái tâm của trẻ con khiến cho vui tập không mệt, mà không có rảnh để nhiễm thói tà vạy. Dạy dỗ được như thế là biết cách dạy dỗ. Tuy nhiên đây là nói qua đại lược mà thôi — Còn rõ nữa, thời tùy tinh thần sáng suốt của thày dạy.
Về sự đi thi, Vương Dương Minh có những lời khuyên thiết thật. Ai từng đi thi, ai từng dạy học trò cho đi thi, sẽ thấy những lời ấy thích hiệp bất kỳ cho thời đại nào.
Dưới đây lời tiên sinh dạy Từ Ái năm đinh mão (1517):
« Người quân tử một lòng tin nơi trời về sự cùng, đạt. Nhưng mà trót học để đi thi, thời phải vào trường thi, ấy cũng là việc người ta nên làm — Song le, nếu đi thi mà kỳ cho thế nào cũng phải thi cho đỗ, bằng không thời khuẫn bách nhục nhã, ắt là lầm to
« Ngày vào trường mà trong lòng thiết tha nghĩ đến sự đậu rớt, ắt là khiến cho khí kém, chí phân, chẳng những không ích mà còn có hại
« Vào trường rồi, khi làm văn, trước hết phải mở rộng tầm mắt, con tâm. Thấy cho được rành rọt ý đại khái của đầu đề rồi, mới sẽ phóng đãm hạ bút. Như thế, dầu cho có chỗ còn mờ, mà lời văn cũng được có cái khí điều sướng.
« Đàng nầy người ta nhập trường lại có cái chí khí cục súc không thư triển, là vì phải cái lòng suy nghĩ lo đậu rớt nó làm ra nông nỗi.
« Phàm con tâm của ta không thể dùng về hai việc trong một lượt. Nếu có một ý niệm lo được. một ý niệm lo thua, một ý niệm lo làm văn, chẳng là bắt con tâm phải đồng thời dùng về ba việc. Như thế thời làm sao mà nên việc cho được?
« Nếu làm [cho con tâm phải chia ba chia bảy] thời là « chấp sự bất kỉnh », tức là nhân sự còn có chỗ chưa rồi. Như thế, dầu cho may mà nên việc người quân tử cũng không thể lấy đó làm quí.
« Mười ngày trước khi vào thi, phải luyện tập điều dưỡng. Nếu ngày thường không có được cái thói quen dậy sớm, thời ngày thi mà dạy sớm, ắt tinh thần phải hoảng hốt, như thế làm sao cho có tứ hay để làm văn? Vậy nên, mỗi ngày gà gáy chặp đầu, phải chỡ dậy rửa mặt, chải đầu, thay đồ tề chỉnh, rồi ngồi đoan trang, phấn chấn tinh thần, đừng để cho nó mờ mệt nhác nhớn. Ngày ngày tập như thế [trong mười hôm], rồi đến kỳ thi sẽ không thấy tân khổ chút nào.
« Đàng nầy người ta gọi điều dưỡng, phần đông là lo ăn cho nhiều, uống cho lung, vui say kịch liệt, chơi đùa xao lảng, hoặc suốt ngày nằm ỳ. Như thế là làm cho khí phải bị nhiễu loạn, thần phải bị hôn muội, mà ngạo sẽ to lớn ra kêu gọi tệ tật đến. Đó há là phép triếp dưỡng tinh thần hay sao?
« Hãy nên vụ ở chỗ dứt tuyệt lối ăn uống quá sung mãn, ở chỗ bớt thức ngon lạ, cho khí được thanh; vụ ở chỗ ít tư lự, ở chỗ ngăn thị dục, cho tinh được minh; vụ ở chỗ định tâm khí, ở chỗ ít ngủ nghê, cho thần được trừng (lặng). Người quân tử không thể ra ngoài cái lề lối đó mà có thể trí lực nơi học vấn. Nay riêng nói về một việc đi thi.
« Mỗi ngày như có mệt quá, muốn nghỉ ngơi, thời hãy nằm chốc lác, rồi chở dậy, đừng để cho ngủ mê. Đêm đã khuya thời nên đi ngủ, đừng gượng ngồi lâu.
« Còn hai ngày nữa tới kỳ thi, chẳng nên đọc sách đọc sử gì nữa, mà khiến cho con mắt, con tâm, phải bị tạp loạn. Mỗi ngày chỉ nên xem một thiên sách làm vui. Bằng như lòng nhọc. khí hao, tốt hơn là đừng xem Ấy là vụ ở chỗ di thẩn thích thú, cho được như cái nguồn có sở đắc mà sung nhiên cuộn cuộn tuôn ra. Chớ đừng cho khí khinh ý mãn, lại thêm chứa chất cho lắm lắm, như con sông đầy dẫy tràn trê, một may nó vụt rả bờ, thời nó lụt mất ngàn dặm.
« Mỗi ngày ngồi nhàn, mặc kệ người ta hiêu hiêu, riêng mình cứ uyên mặc, thời trong lòng sẽ sáng suốt, tự thấy có chân lạc. Được như thế là thoát được đời trần cấu, mà cùng tạo vật hòa đồng... »