Bước tới nội dung

Vương Dương Minh/Phần nhất/IX

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Vương Dương Minh của Phan Văn Hùm
IX. Bá tước bỏ quên

IX. BÁ TƯỚC BỎ QUÊN

Tháng giêng năm tân tỵ (1521) tiên sinh rời Cam Châu trở lại Nam Xương, Bấy giờ vua Vũ Tông đã về Bắc kinh rồi Tiên sinh hết lo âu. Môn nhân lại quây quần xin nghe giảng dạy.

Từ trải qua cuộc biến Thần Hào, rồi bị bọn Trương Trung, Hứa Thái sàm tấu, tiên sinh càng thêm tin một tấm lương tri đủ lấy để quên hoạn nạn, sinh tử — Tiên sinh mới bắt đầu dạy « trí lương tri 致 良 知 » cho môn nhân. Thơ cho Thủ Ích 守 益 có câu: « Gần đây tin ba chữ « trí lương tri » là thật chánh pháp nhãn-tạng trong cửa thánh.. Cái lương tri ấy chẳng gì là chẳng cụ túc. Có nó ví như thuyền có lái... dầu gặp gió điên sông nghịch tay bánh trong tay, có thể khỏi chết chìm. »

Lại nói; Thuyết lương tri nầy ta tìm được trong bách tử thiên nan — Bất đắc dĩ đem nói hết cho người đời, chỉn e cho học giả được nó lại dễ dàng xem làm chơi như đồ đẹp mắt, chẳng thật dụng công tự tìm, hóa ra phụ nó đi. »

Năm ây vua Vũ Tông thăng hà Vu Thế Tông 世 宗 lên nối ngôi, trọng dụng tiên sinh. Ngày 16 tháng 6 tiên sinh tiếp sắc « Buổi xưa ngươi dẹp được loạn tặc, làm an tịnh địa phương. Triều đình bắt đầu thi hành chánh sách mới, đặc biệt triệu dụng. Sắc đến, ngươi khá dong ruổi về Kinh, chớ nên chậm trễ. » Ngày 20 tiên sinh khởi trình, đi ngả sông Tiền Đường Nhưng rồi không về đến đế khuyết. Nguyên vì quan Tả Phụ Đương Nhất Thanh ganh ghét, sợ tiên sinh về Triều sẽ ngồi ngang mình, nên ngầm sai người nói truyền đến tai tiên sinh, rằng: « Triều đình thời mới, quốc tang Vũ ôngphí nhiều quá, nay còn có việc yến thưởng nữa không nên. » Đến Tiền Đường tiên sinh bèn dừng lại, dâng sớ xin cho về quê viếng cha — Sớ nói:

« Thần, từ hai năm lại đây, đã bốn lượt tấu xin về quê viếng cha, đều bởi cha già lắm bịnh — Thần khẩn thiết xin tạm về quê, thật là vì chí tình của kẻ làm con thúc giục Nhưng mà khi ấy quyền gian còn đương sự, sàm báng tật đố loạn khởi Tấm lòng thành của thần hạ không biết đường nào giải tỏ... Bấy giờ thần tuy xin tạm lui về quê mà thật trong lòng nghĩ trọn đời gởi thân nơi sằn dã... Nay gặp hội minh lương... thần như ra khỏi hầm bẩy mà lên xuân đài... Há không muốn sớm đi chiều đến, (để bái yết thánh hoàng)? Song le đoái lại cha già, thêm bịnh, xảy nghe thần mang ách sàm báng, sớm hôm lòng bào bọt, lo sợ có lúc phải khổ nỗi cha con không kịp thấy mặt nhau... May mà nay thoát khỏi tai ương, được còn thấy trời xanh, tình cha con mong tương kiến một phen để cùng kể nỗi thảm buồn ly cách... Huống chi thần qua ngả Tiền Đường, từ đó về quê nhà chỉ mất một ngày, thời đối với bạn thân giao cũng còn khó ngăn tình, nữa là đạo cha con nguồn ái nơi tánh trời, lại thêm luôn mấy năm nhớ nhung khổ thiết. Cho nên chuyến đi này thần mà có mạo tội về viếng cha, cũng là tình lý bắt buộc như thế. Nhưng vậy, không minh thỉnh nơi Triều mà lén đi, thời là khi quân... Khi quân là bất trung; vong phụ là bất hiếu. Đời chưa từng có kẻ bất hiếu với cha mà hay trung được với vua. Cho nên thần dám mạo tội, phục vọng Hoàng Thượng... cho thần được chút thỏa ô-điểu niềm riêng... »

Sớ ấy dâng lên, Triều đình chuẩn lịnh cho về viếng quê và thăng chức Nam Kinh Binh-bộ Thượng-thơ, Tham-tán Cơ-vụ 南 京 兵 部 尚 書 參 贊 機 務.

Rồi qua tháng chạp Binh-bộ và Lại-bộ nghị phong Bá tước cho tiên sinh Vua Thế Tông nghe theo. Ngày 19 tháng chạp ấy tứ sắc phong tiên sinh: Tân-Kiến Bá 新 建 伯 đặc tấn Quang Lộc Đại-phu Trụ quốc 光 祿 大 夫 柱 國 kiêm chức cũ Nam-Kinh Binh-bộ Thượng thơ Tham-tán Cơ vụ; mỗi năm ăn lộc một ngàn thạch gạo[1] và, cũng một thể truy phong trở lên ba đời, còn trở xuống con cháu đời đời được thừa tập Vua cũng lại chuẩn y hai Bộ, sai quan đem bạc cùng lụa có hoa để úy lao tiên sinh, và hạ chỉ tồn vấn thân-phụ của tiên sinh, tứ dương tửu. Sai quan đến nhà gặp ngày sinh nhật của Hải Nhật Ông, thân bằng tụ tập. Tiên sinh bưng rượu dâng, chúc thọ. Hải Nhật Ông buồn, khẽ nói:

« Cuộc biến Thần Hào xảy ra ai ai cũng nói rằng con chết, mà con không chết; ai ai cũng nói rằng việc khó bình, nhưng rốt lại đã bình; sàm báng nổi lên, họa cơ dậy bốn phía, trước sau hai năm trời, nguy ngập tưởng đà không khỏi. Nay, thiên khai nhật nguyệt, hiển toại trung lương, quan cả tước cao, lạm mạo phong thưởng; cha con lại tương kiến một nhà, há không phải là hạnh phúc sao? Nhưng mà thạnh là đầu mối của suy, phúc là nền mống của họa. Cho nên dầu lấy làm hạnh, cũng lại lấy làm lo sợ ».

Tiên sinh sụp quì xuống, thưa: « Lời cha dạy, con ghi thiết trong lòng ». Đó rồi mồng 10 tháng giêng năm nhâm ngọ, Gia Tịnh nguyên niên (1522), tiên sinh dâng sớ từ phong tước. Tiên sinh viện bốn lẽ: một là loạn Thần Hào dẹp mau như vậy, do ý trời, không phải công người làm được; hai là mưu mô chiến lược đều nhờ Thượng Thơ Vương Quỳnh chỉ cho; ba là nhiều tướng sĩ vô danh đã có công to, có kẻ phải bỏ thây giữa chiến trường, mà không biên kể được hết: bốn là tiên sinh mấy năm gần đây bịnh nhiều « thần đã mờ, chí đã tan, mắt đã hoa, tai đã điếc, không còn có thể đem dùng đời, thêm nỗi cha bịnh điên nguy, mạng chỉ trong một sớm một chiều ». Kết lại, tiên sinh nói: « Ương không ương nào lớn hơn tham công của trời. Tội không tội nào nặng hơn ém đều tốt của người. Ác không ác nào sâu hơn hớt lấy cái hay của kẻ dưới. Nhục không nhục to hơn đều sĩ quên mình. Bốn cái gồm đủ thời họa trọn. Cho nên thần không dám chịu tước. chẳng phải là từ vinh, mà là lánh họa mà thôi vậy ».

Mặc dầu có sớ của tiên sinh dâng lên Triều đình vẫn suy luận công dẹp loạn vẫn truy phong Bá tước cho trở lên ba đời. Hải Nhật Ông nay tuổi đã bảy mươi, bịnh chuyển kịch. Sắc phong tước, đưa đến cửa, Ông sai tiên sinh cùng các em lấy lễ ra nghinh tiếp. Hỏi thăm lễ đã thành, Ông nhắm mắt đi xuôi (12 tháng 2).

Tháng 7 tiền sinh lại dâng sớ từ phong tước một lần nữa, Triều đình không trả lời.

Trong lúc tiên sinh cư tang nơi đất Việt, môn sinh tấp nập đến. Trong người vốn đau yếu, tiếp khách chẳng kham, tiên sinh phải yết thiệp nơi vách mời khách nào đến luận học, hãy trở về cầu nơi Khổng Mạnh

Bấy giờ, ghen ghét tiên sinh, muốn át đạo học của tiên sinh có quan Tuần-án Giang Tây Giám-sát Ngự Sử, Trình Khải Sung 程 啟 充, và quan Hộ-khoa Cấp-sự, Mao Ngọc, dâng sớ luận hặc, kể tội tiên sinh sáu khoản. Môn nhân của tiên sinh, là Lục Trừng 陸 澄, đương chức Hình-bộ Chủ-sự dâng sớ biện trung cho Tiên sinh nghe, quở: « Vô biện chỉ báng 無 辦 止 謗, thường nghe cổ nhân dạy như vậy. Huống nay còn biện bạch nào ngăn sàm báng nầy được, Bốn phương anh kiệt đã giảng học về chỗ dị-đồng (giữa Châu, Lục), nghị luận phân phân, chúng ta có thể nào thắng biện hay sao? Chúng ta duy phải tự tin mà đối với họ ».

Lại năm sau quí vị (1523) tháng 2, thi hội, quan trường lấy « tâm học 心 學 » sách vấn, là ý cũng ngấm ngầm bài trừ đạo học của tiên sinh, Môn nhân của tiên sinh có người độc sách vấn rồi bỏ thi ra về, có người cứ bày ý kiến mình ra mà thi hỏng. Tiên sinh mừng: « Thánh học từ nay rực rỡ to ». Môn nhân Tiền Đức Hồng, lạc đệ khoa đó, hỏi: « Thời sự như vậy, sao tiên sinh lại thấy rực rỡ to? » Đáp: « Đạo học của ta làm gì có tiếng được khắp trong thiên hạ sĩ? Nay có lục của hội thi, thời làng xa, hang thẩm chỗ nào mà chẳng thấu tai. Đạo học của ta nếu đã quấy, thời thiên hạ tất khởi lên mà tìm lấy đạo học chân chánh ».

Cho hay, công cao thời ganh lớn, đạo mới thời ghét nhiều. Tiên sinh cáo quan về để tang cha, rồi Triều-đình bỏ quên luôn sáu năm — Trong thời gian ấy, ngoài cái tang phu nhân-họ Gia (mất tháng giêng năm ất dậu — 1525 — không con) làm thêm buồn tẻ cho đời học giả anh hùng, và ngoài đứa con trai muộng màng tên Chánh Ức, của người kế thất họ Trương 稽 sinh ngày 17 tháng 11 năm bính tuất (1526) đem lại chút vui cho gia đình, tiên sinh chuyên lo tác thành môn đệ. Đạo học tìm ra trong thời kỳ ba năm đi đày ở trạm Long Trường, bổ cứu trông những buổi bị sàm báng khi dẹp loạn Thần Hào, đạo học đoàn luyện bằng thiên nan vạn tử ấy đem ban bố trong sáu năm quên lững tại đất Cối Kê. Môn nhân của tiên sinh muốn mở rộng ảnh hưởng của thầy, đem khắc Truyền Tập Lục (tháng 10 năm giáp thân = 1524), khắc Văn Lục tháng 4 năm đinh hợi = 1527) và lập Dương Minh Thơ Viện 陽 明 書 院 ở Việt Thành 越 城[2] (tháng 10 năm ất dậu = 1525). Tiên sinh, muốn nuôi chí môn nhân, viết bài ký Tôn Kinh Các 尊 經 閣 cho Kê Sơn Thơ Viện (tháng giêng năm ất dậu), muốn kết chặc giải đồng tâm cho chúng, viết bài thuyết Tích Âm 惜 陰 說

Từ năm quí vị (1523) về sau, bao bọc tiên sinh không biết bao nhiêu người — Thường khi chật nhà không chỗ chứa hết. Những bữa ăn có luôn mấy chục người. Đưa đi rước đến tháng ngày không ngớt. Nào ở Hồ Quảng, nào ở Quảng Đông, nào ở Trực Lệ, nào ở Nam Cam, nào ở An Phúc 安 福, nào ở Tân Kiến 新 建, nào ở Thái Hòa 泰 和 tấp nập giồn đến. Thậm chí có nhiều người ở luôn cả năm mà không nhớ hết tên họ là gì — Tiên sinh đến giảng tòa thời tiền hậu tả hữu vây nghe có trên số ba trăm. Nghe giảng xong, ra cửa chẳng khi nào không nhảy nhót khoái chá[3]

Cho những người mới đến cầu học, tiên sinh dạy vỡ lòng bằng cái yếu chỉ của Đại Học: « vạn vật đồng thể 萬 物 同 體 » khiến mỗi người cầu lấy bổn tánh, mà trí lương tri cho đến chí thiện. Bao giờ công phu đã được rồi, tiên sinh mới tùy phương mà thiết giáo — Thường khi tiên sinh dùng phép tuần du điểm hóa — Những cuộc dạo chơi học hỏi như thế không mất hàng trăm người, ca xướng vang vội Trong một cuộc chơi, yến ẩm trên cầu Thiên Tuyền 天 泉 橋 ở Bích Hà Trì 碧 霞 池, đêm trung thu năm giáp thân (1524), tiên sinh có hai bài thi đặc sắc dưới đây tỏ nỗi cảm về thời sự mà cũng bày tông chỉ đạo học của mình.

« Bích Hà trì dạ tọa »

Nhất vũ thu lương nhập dạ tân,
Trì biên cô-nguyệt bội tinh thần,
Tiềm-ngư thủy để truyền tâm quyết,
Thê-điểu chi đầu thuyết đạo chân.
Mạc vị thiên cơ phi thị dục,
Tu tri vạn vật thị ngô thân.
Vô đoạn lễ nhạc, phân-phân nghị,
Thùy dữ thanh-thiên tảo túc trần?

碧霞池夜坐

一雨秋凉八夜新
池邊孤月倍精神

潜魚水底傳心訣
樓鳥枝頭說道真
莫謂天機非𠸦欲
須知萬物是吾身
無端禮樂紛紛議
誰與青天掃宿塵

« Đêm ngồi ở ao Bích Hà »

Mưa tạnh chiều thu mát mát lần,
Bên hồ trăng quạnh rạng tinh-thần.
Cá chìm đáy nước truyền tâm-quyết,
Chim hót đầu nhành dạy đạo-chân.
Chớ nói thiên-cơ không thị dục,
Cho hay vạn vật ấy ngô thân.
Thinh không lễ, nhạc, bàn ngang ngửa.
Ai giúp trời xanh quét cựu trần?

« Dạ Tọa »

Độc tọa thu đình nguyệt sắc tân.
Kiền khôn hà xứ cánh nhàn nhân?
Cao ca độ dữ thanh phong khứ,
U ý tự tùy lưu thủy xuân.

Thiên thánh bổn vô tâm ngoại quyết,
Lục kinh tu phất cảnh trung trần,
Khước liên nhiễu nhiễu Châu công mộng.
Vị cập tinh tinh lậu hạng bần.

獨坐秋庭月色新
乾坤何處更閒人
高歌度與清風去
幽意自隨流水春
千聖本無心外訣
六經須拂鏡中塵
卻憐擾擾周公夢
未及惺惺巷貧

Trăng rạng sân thu quạnh quẽ ngồi,
Kiền khôn nhàn xứ ấy đâu người?
Cao ca gió cuốn đưa đi vút,
U-ý dòng lôi đến mãi khơi.
Ngàn thánh ngoài lòng không bí quyết,
Sáu kinh trong kiếng phủi trần ai.
Khá thương đau đáu Châu công mộng,
Lậu hạng nào kham sánh gã Hồi.

Với tư tưởng ấy tiên sinh không muốn trở ra làm quan nữa. Huống chi, tại Triều, quan Tả Phụ Dương Nhất Thanh, mặc dầu là bạn đồng liêu với Hải Nhật Ông, thấy tiên sinh tài cao vọng trọng, ra lòng ganh ghét, cố ý muốn dìm. Tháng 6 năm ất dậu (1525) mãn khó Hải Nhật Ông. Theo lệ thời Triều đình phải phục chức cho. Bấy giờ ở Điền-Châu 田 州[4], tỉnh Quảng Tây, có thổ-quan là Tri-phủ Sâm Mãnh 岑 猛 dấy loạn. Ngự sử Thạch Kim 石 金 dâng chương, luận nên tiến cử tiên sinh. Triều đình vẫn im-lìm. Lễ-bộ Thượng-thơ Tịch Thơ 席 書 bèn dâng sớ, đặc biệt tiến cử, nói rằng: « Sinh trước thần, thấy có một người, là Dương Nhất Thanh. Sinh sau thần, thấy có một người, là Vương Thủ-Nhân ». Khi ấy quan Trủng-tể Dương Nhất Thanh mới nhập các biện sự. Nhưng rồi cũng không có chiếu triệu tiên sinh.

  1. Một ngàn thạch bằng 103 546 litres, hay 2588 giạ.
  2. Tức là Thiệu Hưng kinh đô cũ của Việt Vương Câu Tiễn
  3. Quang cảnh giảng học của Vương Dương Minh hồi đầu thế kỷ thứ XVI nghe ra như quang cảnh giảng học của những nhà triết lý, văn chương trứ danh ở trường Sorbonne bên Paris ngày nay.
  4. — Gần huyện Bình Nam 平 南 ngày nay.