Bước tới nội dung

Vương Dương Minh/Phần nhất/VII-A-3

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Vương Dương Minh của Phan Văn Hùm
3. Bình giặc Hoàng Thủy và Thũng Cương

3. bình giặc hoàng thủy và thũng cương

Chương khấu vừa bình xong, thời ngày mồng 5 tháng 6 các huyện Đại Dữu 廋 大 Thượng Do 猶 上. Nam Khang 康 南 báo tin tướng giặc Tạ Chí San mở cuộc sửa sang chiến cụ lớn lao, dự bị đánh Nam Khang, rồi thừa hư đánh vào Quảng Đông. Thế là người ngựa chưa kịp nghỉ, mà Đề-Đốc Vương Dương Minh phải đem thân bịnh tật giấn vào can qua.

Tạ Chí San là một tay tướng giặc ghê gớm, bàn cứ cả ngàn dặm châu vi, thiết lập hơn tám chục sào huyệt, ở vùng đất nằm giữa ba huyện Đại Dữu, Thượng Do, Nam Khang; vùng đất ấy đông tây nam bắc cách nhau có hơn ba trăm dặm (ngoài 170 km), xa xuôi ít thấy dấu chơn người. Ban sơ chúng tặc ở Quảng Đông mà lưu lại. Chầy tháng lâu năm, số chúng lớn dần ra. ngày một đông đúc. Chúng phân quần tụ đảng, kể lấy số bằng vạn. Ban đầu cướp giựt hương thôn, sau lần đến quận huyện. Mấy năm gần đây lại càng lộng ngược. không còn kiêng kỵ chi nữa Tạ Chí San coi triều đình không có, riêng một góc trời tự hiệu Chinh-Nam Vương 王 南 征. Trên hai mươi năm, chúng giặc đồ độc dân cư hơn mấy quận cướp giựt của cải, nhà cửa, điền đất vợ con người ta, khôn kể xiết.

Yếu điểm của chúng là mấy xứ Hoành Thủy 水 橫 (nay là huyện Sùng Nghĩa 義 崇) Tả Khê và Thũng[1] Cương 岡 桶 (cách Hoành Thủy độ một trăm dặm, nghĩa là lối 57 km).

Quan Tuần-Phủ Đô-ngự-sử tỉnh Hồ-Quảng đề nghị xin binh ba tỉnh giáp công. Các quan hội đồng, định đánh Thũng Cương trước. Vương Dương Minh bảo rằng:

Quân giặc ở các sào huyệt Thũng Cương, Hoành Thủy, Tả Khê, đồ độc ba tỉnh, thời cái hoạn ấy tuy ba tỉnh đồng chịu chung nhưng mà sự thế mỗi nơi mỗi khác. Đứng bên Hồ Quảng mà nói thời các sào huyệt ở Thũng Cương ví cũng như cổ họng của quân giặc, còn các sào huyệt ở Hoành Thủy, Tả Khê ví cũng như bụng, tim, của chúng. Song đứng về phía Giang Tây mà nói. thời các sào huyệt ở Hoành Thủy, Tả Khê cũng ví như bụng tim của chúng mà sào huyệt ở Thũng Cương thời lại ví như vây cánh mà thôi. Bằng này mà không trước đánh Hoành Thủy, Tả Khê để trừ cái hoạn bởi bụng bởi tim, lại đem binh ba tỉnh giáp công Thũng Cương, thời là tấn binh giữa hai phía giặc, thọ địch cả trước bụng sau lưng, thế tất là bất lợi.

Đó rồi quyết nghị nên trước đánh Hoành Thủy, Tả Khê, và khắc kỳ ngày mồng 1 tháng 11 sẽ cùng binh Hồ Quảng giáp công Thũng Cương. Nghị xong, liền phân bố các tiệu đạo một cách mật-thiết. Suất binh tổng cọng có lối một vạn người (10.000 hommes). Ngày mồng bảy tháng mười các tiệu tề phát, một phần kéo đi Hoành Thủy một phần kéo đi Tả Khê. Vương Dương Minh thân suất hơn một ngàn binh kéo đi Hoành Thủy, Ngày mồng 9 binh tiên sinh đến Nam Khang. Ngày sau đóng đồn ở Chí Bình. Sai thám tử dò xét bốn bên thời ra quân giặc vẫn không liệu có sự gấp rút, những tưởng quan binh chưa tập trung, sư kỳ còn xa nữa, và chắc đánh Thũng Cương trước. Khi ấy các quan đều gióng la tụ chúng, hô hào đốc suất quan binh, truyền lịnh cứ thủ các hiểm ải. Binh của tiên sinh thừa lúc đêm kéo tới. Sáng ngày độ cách ổ giặc ba mươi dặm (lối 17 km) lại dừng, mà đốn gỗ đào đất, làm ra dáng đóng đồn bền bĩ lâu dài. Song tối lại hôm đó sai bốn trăm quân leo núi giỏi, mỗi tên một cây cờ, theo đường gian đạo, vịn đá, bia vách, mà trèo lên, đem súng nhỏ, súng lớn, câu liêm đặt khắp trên chót vót núi và trộm nhìn xem động tịnh bên phía giặc. Bấy giờ quân giặc đã trương cờ xí và đốt hơn vài ngàn bếp lửa, chờ cho quan binh đến chỗ hiểm thời quay súng châm ngòi mà nghinh chiến.

Sáng sớm ngày mười hai binh của tiên sinh đã đến ải Thập-Bát Diện 隘 面 八 十. Giặc đương cứ hiểm đợi giao chinh. Bỗng gần xa, khắp trên đỉnh núi, tiếng súng đồng gầm như sấm[2]; khói, lửa, dậy bốn phương. Quan binh dưới ải thêm hò hét chấn động, tên đạn bắn vãi như mưa. Giặc kinh hoảng thất thố, ngỡ là quan binh đã nhập hết trong sào huyệt của chúng rồi, bèn bỏ nơi hiểm mà chạy lùi đi. Quan binh tràn đến chiếm cứ hiểm địa. Phần thời thừa thắng đuổi theo giặc, phá được rất nhiều sào huyệt. Tay tướng lãnh của giặc là « Chính Nam Vương » Tạ Chí San bỏ chạy. Hoành Thủy và Tả Khê đều hoàn toàn về quan binh, với muôn vàn khốn khổ. Nguyên vì các đường thông vào ổ giặc đều bị chúng chận đá, chắn gỗ, gài bẫy, đặt hầm, không thể đi được. Ngày đêm quan binh phải lội qua rãnh sâu, đạp lướt gai gốc mà đi. Gặp những chỗ hiểm tuyệt thời quăng dây buộc cột ở mép hố, níu nhau như xâu cá mà leo lên, đeo nhau như dọc khỉ mà chuyền xuống. Thỉnh thoảng có kẻ trật chơn sa dưới hang sâu, may mà chẳng chết, thời có khi nằm đó mấy ngày mới lần lên được. Vì thế chiếm xong Hoành Thủy và Tả Khê quan quân đều đuối sức, không thể còn khu trục chi được nữa. Vả lại trời cũng đã tối nên phải đồn binh. Sáng ngày sau mưa móc mịt mù, trong gang tấc còn không thể nhìn rõ. Luôn mấy ngày sa mù dày bít như thế, các dinh đều phải hưu binh, mà khiến mấy chục người hướng-đạo đi dò xét tung tích của bọn giặc đã thua chạy, cùng động tịnh của những sào huyệt chưa đánh tới

Qua ngày rằm các hướng đạo về báo tin: « quân giặc thua trận, dựa vào các nơi tuyệt hiểm trong núi non, cất trại cất sàn, tính kế lui giữ. Cũng có bọn nhập với những sào huyệt chưa phá nhưng chúng không ngờ binh ta kéo vào gấp, cho nên chưa vận tải lương thực. Nếu binh ta chia ra khắp nẻo theo đuổi đánh, thời sẽ bắt được không sót tên nào ».

Nay là ngày rằm tháng 10 rồi. Ma đã khắc kỳ với binh Hồ Quảng đến mồng 1 tháng 11 sẽ giáp công ở Thũng Cương. Như thế thời kỳ hạn đã thấy bách lắm. Mà từ Hoành Thủy đây cho đến Thũng Cương còn trên một trăm dặm (lối 60 km), đường núi gay go hiểm tuấn, ba tháng mới có thể đến nơi. Nếu giữ Hoành Thủy, Tả Khê chưa được yên, lại phải rút bớt quân đem đến xa đường như thế, thời nổi lo phải sanh hai, trước mặt Thũng Cương sau lưng Hoành Thủy, ấy không phải là đắc kế. Nghĩ như thế, Vương Dương Minh lệnh cho các dinh phải phân binh làm hai tiệu, một để công tiền, một để tập hậu, xông pha mù móc đi gấp tới đánh cấp tốc. Từ ngày 16 tới ngày 27 liên tiếp đánh rốc tất cả các sào huyệt còn lại quanh miền Hoành Thủy, Tả Khê chém, cầm. vô số kể

Ngày 27 ấy quan binh các dinh xin thừa thắng tấn công Thũng Cương. Vương Dương Minh lại nghị: Thũng Cương là cõi thiên hiểm. Bốn bề núi bọc như lũy chông đứng thẳng ngất trời. Trong rộng hơn trăm dặm (trên 57 km). Rừng sâu, hang thẩm, không thấy được bóng mặt trời mặt trăng. Chốn ấy lại sản sanh nhiều những loài hạn cốc, hoài-sơn, đủ cho chúng độ sanh qua năm đói kém, Ngày trước triều-đình đã từng mạng
binh giáp công. Binh phải chịu khốn nạn mấy tháng, mà chẳng bắt được lấy một tên giặc nào, rốt lại chỉ còn nước chiêu phủ mà thôi.

Nay ta hỏi các hướng đạo đã đi tuần phỏng về, thì chỉ có năm lối vào đó, là Tỏa Si Long 龍 匙 瑣, Hồ Lô Động 洞 蘆 葫, Trà Khanh, Thập Bát Lỗi 磊 八 十 và Tân Địa. Nhưng lối nào đường đi cũng có những sàn gỗ bắt thang theo rảnh sâu, hoặc treo nhỏng nhảnh theo những vách hố đứng sựng. Giặc có thể khiến vài tên tốt ở trên bực hẩm ấy lăn đá xuống, cũng đủ để chống cự với binh sư của ta được,

Duy còn đường Thượng Chương 章 上 có hơi bằng. Mà nó lại ăn sâu vào trong Hồ Quảng, quanh theo nó, phải mất nửa tháng mới đến Thũng Cương được. Binh Hồ Quảng vẫn phải kéo qua đường đó, nếu binh ta còn đổ vào nữa, giồn cục lại, thời sự không tiện gì.

Nay ta hay dư-tặc ở Hoành Thủy, Tả Khê đều chạy sang Thũng Cương nhập đảng. Đồng bị nạn, thế tất chúng sẽ hiệp nhau mà đem hết tinh lực phòng thủ chốn thiên hiểm ấy. Bây giờ ta có muốn thừa nhuệ khí của quân binh vừa toàn thắng, mà lại trong thời hạn ba ngày, phải nuốt đường trên trăm dặm để tranh lợi, thời quân giặc, nếu không thèm bước tới, chỉ đồn binh dưới đáy hang sâu kháng cự, ắt ta cũng lâm vào cái cảnh « mũi tên cây nõ cứng không phủng nổi tấm lá thưa » trong Chiến Quốc Sách đã nói[3].

Tốt hơn là ta di đồn đến gần, hưu binh dưỡng nhuệ, chấn dương uy thanh, Rồi sai người lấy lẽ họa phúc mà dụ chúng, ắt chúng sợ mà xin đầu. Còn lại những bọn nào không chịu phục tòng, ta sẽ thừa nơi chúng do-dự mà vải binh đánh nhào thời tất là quét sạch.

Nghĩ như thế rồi Vương Dương Minh ra lịnh thả hai viên quan có tội và một tướng giặc đã bắt được, khiến ba người hãy đi giao thông với quân giặc để chuộc tội.

Đêm 28 ba người đến nơi leo vách thành mà vào, kỳ sớm mai ngày mồng 1 hãy ra chịu hàng tại Tỏa Sị Long — Bấy giờ thấy quan binh đánh vỡ Hoành Thủy, Tả Khê rồi, giặc đương khủng khiếp. Kịp khi ba người sang giảng hàng. chúng đều vui mừng mới nhóm hợp lại mở hội nghị. Bọn giặc ở Hoành Thủy, Tả Khê chạy sang đây kiên trì không chịu ra hàng, làm cho cuộc thảo luận dằng day, mà chúng không rồi rảnh để lo phòng bị.

Vương Dương Minh thừa cơ hội ấy phân binh bố trận, khắc kỳ đêm 30 mỗi đạo phải đến phần đất chỉ định mà khai chiến. Đến nơi gặp phải mưa to, binh không tấn lên được. Sớm mai ngày mồng 1 quan binh dầm mưa mà trèo gấp lên ải hiểm. Đại-tặc-thủ của quân giặc Thũng Cương, là Lam Thiên Phụng, đã ra nơi Tỏa Sị Long để tụ nghị. Nghe các binh đã nhập hiểm, chúng đều kinh ngạc, tán loạn, giục nam phụ hơn ngàn người quay vào cứ nơi tuyệt hiểm bốn bề như vách dựng, và lập trận cách sông mà chiến. Quan binh tràn qua sông, phân đánh hai mặt. Một số quân bám vào bực đá mà leo xuống, bọc đánh mặt khác. Quân giặc không chống nổi, vừa đánh vừa lui. Kịp đến trưa, mưa tạnh, các binh hăng hái đánh ùa tới, Giặc thất thủ cuốn vó chạy chết. Quan binh đánh đuổi theo, phá sào huyệt liền liền, mãi đến ngày mồng 3 tháng chạp mới trừ được hết các quân giặc trốn tránh ở mọi miền Ngày mồng 9 hồi quân.

là trong vòng hai tháng (mồng 7 tháng 10, đến mồng 3 tháng 12) mà dẹp xong một mối giặc đã hoành hành hai chục năm trời. Xua binh chỉ hơn một vạn người, phí dụng không đầy ba vạn bạc Mà phá được 81 sào huyệt của giặc; bắt sống mà giết được 86 tặc thủ, trong số ấy có hai đại-tặc-thủ Tạ Chí San và Lam Thiên Phụng; chém đến 3168 cái thủ cấp của bọn tòng tặc; bắt phù lỗ 2236 đứa; đoạt lại 83 người nam phụ bị giặc cầm; thâu hoạch trâu ngựa 608 con; nhặt súng ống binh khí 2131 món: lấy vàng bạc 113 lượng.

Trên hai chục năm trời, lan tràn khắp các huyện Nghi Chương Quế Dương, Quế Đông, Long Tuyền, Vĩnh Tân, Thái Hòa, Vạn An, Nam Khang, Nam An, quân giặc Hoành Thủy, Thũng Cương làm cho dân cư thảm cực. Ngày nay cái nỗi oan phẩn của trăm họ đã rửa xong, cái khổ đảo huyền của một phương trời đã cởi hết. Bình thành công đức cao dày của ai?

Rằm tháng chạp sư khải hoàn về tới Nam Khang. Ven đường dầy-dầy dân chúng đính hương nghi-ngút đứng nghinh bái Vương Dương Minh Châu, huyện, ải, sở nào tiên sinh đi qua cũng có lập sinh từ thờ tiên sinh. Ở các thôn hương xa xuôi, dân chúng yết tượng tiên sinh lên bàn tổ đường, tuế thời thí chúc.

Hai mươi tháng chạp sư về tới Cam Châu. Tiên sinh ra lịnh bãi binh và cho dân chúng làm lễ ăn mừng. Qua ngày mồng 5 tháng chạp (nhuần) tiên sinh dâng sớ xin lập huyện Sùng Nghĩa. Lời sớ, đại để nói rằng: Hơn tám chục sào huyệt của quân giặc Hoành Thủy, Tả Khê, Thũng Cương gom vào vùng hẻo lánh nằm giữa ba huyện Thượng Do, Đại Dữu, Nam Khang, đều cách xa ba huyện ấy hằng mấy trăm dặm. Nay đã dẹp xong giặc, nên cắt bớt đất ba huyện kia mà lập thêm huyện trị ở đó, để ngăn ngừa hậu loạn. Triều đình phê chuẩn. Huyện Sùng Nghĩa lập xong, phía đông còn xa Nam Khang một trăm hai mươi dặm (lối 70 km) phía tây xa Quế Dương hơn hai trăm dặm (lối 120km) phía nam xa Đại Dữu hơn một trăm hai mươi dặm (lối 70km) phía bắc xa Thượng Do độ năm mươi dặm (lối 30km).

  1. — Chữ 桶 quen đọc là dõng. Nhưng tưởng nên đọc là thũng. Xưa chắc là đọc thũng nên nói biến ra tiếng thùng (cái thùng)
  2. — Khoảng cuối triều Chánh Đức người Portugais (Bồ-đào-nha) đã đem súng đồng bằng đạn đi được 300m bán bên Tàu. Hà Nho làm quan Tuần Kiểm ở Bạch Sa (Quảng Đông) học được phép chế.
  3. — Cường nổ chi mạt bất năng xuyên lỗ cảo (Chiến Quốc Sách) 縞 魯 穿 能 不 末 之 弩 強 (策 國 戰).