Vương Dương Minh/Phần nhất/VII-A-5
5. vinh dự không mừng
Thưởng công đánh dẹp giặc Hoành Thủy, Thũng Cương, Triều-đình nhắc Vương Dương Minh lên chức Đô-sát-viện Hữu-phó Đô-ngự-sử 都 察 院 右 副 都 御 史, lại phong Ấm-tử Cẩm-y-vệ, thế-tập bách-hộ 廕 子 錦 衣 衛 世 襲 百 戸.
Người khác hẳn lấy thế làm vinh. Tiên sinh thời lại lo sợ. Trước đó, đánh xong trận Hoành Thủy, Thũng Cương tiên sinh đã dâng sớ xin cho hưu trí Lời sớ nói rằng:
« Tài hèn phúc bạc, chỉ muốn tới mà sức khôn dời, công chưa thành mà bịnh đi trước... Thế mà phải khu trí binh cách, bị chướng lệ xâm nhiễm Thêm ngày đêm lo lắng mệt nhọc, tật hoạn càng nguy khổn. Đánh dẹp ở Chương Châu, ở Hoành Thủy, ở Lợi Đầu, trước sau hơn một năm trời, tới lui hai ba ngàn dặm (một hai ngàn cây số) trèo đèo xuống hố, ra vào hiểm trở, đều phải ôm bịnh mà tòng sự, không dám lấy cớ có bịnh mà cáo từ... Nay bịnh ngày một gắp một nặng. Nào những cữ sốt rét, những trận ho hen, lại thêm sang thư ung thũng, tay chơn đã ma tê hết rồi, thật hoàn toàn là một người bỏ đi Người đời xưa nói: tài hèn không kham lãnh việc lớn, phúc bạc khó ước công thành. Hai điều ấy nay thần gồm có cả... Phục duy bệ hạ... xót vì bịnh không biết lúc nào lành, ngày nào hoàn sư cho thần về điền lý... »
Chẳng những nhà vua không cho về mà còn cho thăng chức, bắt giữ lại thêm bách thiết nữa Sớ từ miễn thăng ấm và xin hưu trí, tiên sinh có lời:
« Phụng thánh chỉ thăng Hữu phó Đô Ngự-sử ấm-tử, cẩm-y-vệ thế tập bách hộ... Thần văn mạng kinh hoàng... dường sa xuống vực nước đá. Thiết niệm, thần là một kẻ chương cứ hủ nho... quá mong Triều-đình... cầu trường ư đoản, trao cho trách nhiệm Tuần phũ, khi ấy thần ôm bịnh cáo từ, hai lần dâng sớ xin hưu trí, nhưng sợ nỗi hiềm nghi là giả bịnh để lánh khó khăn mà phải khấp khển lên đường 狠 狽 就 途
Rồi nhờ uy-đức của Triều-đình, nhờ Miếu-đường đã thành toán, mà dẹp được tất cả các mũi giặc thần có công gì trong ấy đâu mà dám mạo thừa lấy sự thưởng nầy?...
... Tật bịnh giao tác, thủ túc ma tê, thần nay đã tạm thành kẻ bỏ đi rồi... Phục vọng hoàng thượng... để y chức cũ cho thần trí sĩ, kéo dài thêm tấc hơi ở chốn điền dã... »
Vua chửa chịu nghe theo đâu, vì biết sẽ còn dùng tiên sinh được nữa. Nhưng bây giờ giặc đã yên, hồi quân hưu sĩ, tiên sinh thấy có chút thời giờ thư thả mới trở lại chỉ bảo đám môn sinh bấy lâu vẫn tụ họp giảng tập. Tiên sinh truyền cho họ cái bổn chỉ của sách Đại Học mà tiên sinh đã tìm được khi đi đày ở Long Trường dịch. Tiên sinh nghi Đại Học Chương cú của Châu Hy không phải là bổn chỉ của thánh môn. Bèn tự tay lục lấy cổ bổn 古 本 đọc kỹ càng lại và suy nghĩ chín chắn, mới phát minh ra được rằng cái đạo học của thánh nhân nó giản dị minh bạch. Theo tiên sinh thời sách Đại Học chỉ có một thiên một mà thôi, không có phân kinh truyện gì cả. Cái gốc của cách trí là ở nơi thành ý (格 致 本 於 誠 意 cách trí bổn ư thành ý), như thế thời vốn không có khuyết truyện gì mà phải bỏ. Tiên sinh bèn cho khắc Đại Học Cổ Bổn 大 學 古 本 (tháng 7 năm mậu dần 1518). Trong bài tựa nói rằng: « Ta sợ đạo học ngày một xa chỗ chí thiện, nên bỏ phân chương mà đem phục hưng lại cựu bổn »
Rồi lại cho khắc Châu Tử Vãn Niên Định Luận 朱 子 曰 免 年 定 論. Nguyên thuở đi đày ở Long Trường tiên sinh ngộ thánh học, đem lục kinh, tứ tử ra so sánh, nhất nhất đều phù hạp với thuyết của tiên sinh. Duy Châu-Hy sao lại có những chỗ trặc trẹo — Tiên sinh cưu mang đều ấy mãi. Cho đến khi về làm quan ở Nam Kinh mới tìm lại sách của Châu Hy không sót bộ nào, chợt gặp lời hối ngộ của Châu Hy lúc đã đui rồi. Thơ cho Hà Thúc Kinh 何 叔 京 Châu Hy thú thật: « biết lại trước kia mang tội dối mình mà dối đời 知 日 前 自 誑 誑 人 之 罪 Tri nhật tiền tự cuống cuống nhân chi tội) Với lời thú tội đó Châu Hy trở lại đồng ý kiến với Lục Cữu Uyên.
Tháng 8 môn nhân của tiên sinh là Tiết Khản 薛 侃 khắc Truyền Tập Lục 傳 習 錄, gom góp những lời nói miệng của tiên sinh đã dạy và những văn tiên sinh đã viết ra để bày tỏ đạo học của tiên sinh — Truyền Tập Lục nầy, do em rể của tiên sinh là Từ Ái mất để lại Tiên sinh thương Từ Ái nhiều hơn hết. Từ Ái là kẻ cập môn thứ nhất, lại hiểu đạo sớm hơn hết Năm ấy Từ Ái làm Nam Kinh Hình-bộ Lang-trung bịnh mà mất, vừa ba mươi-mốt tuổi.
Tiếng tăm của Vương Dương Minh từ buổi nầy nổi dậy, không còn ai ganh hiền ghét ngỏ mà đè át nó nổi được nữa — Bốn phương học giả giồn tới — Ban đầu ngụ ở Xạ Phố 射 圃 phố — Sau đông quá không chỗ dung cho hết, ngày tháng 9 phải cất Liêm Khê Thư Viện 濓 溪 書 院
Tiên sinh, trong những khi thân suất quân trải qua gian nan nguy hiểm, không bao giờ quên đạo học. Phải đọc những thơ tiên sinh viết cho bè bạn, cùng cho môn nhân, giữa những ngày cờ phất trống rung, mà viết một cách thản nhiên, trầm tĩnh mới biết tiên sinh chắc mình là dường nào — Mà trong buổi binh bãi sĩ hưu, tiên sinh lại không phải không nơm-nớp lo biến động Cho nên ngồi luận học với môn nhân, tiên sinh lại cũng nghĩ ra cái hương ước để thi hành cho dân miền Nam Cam mới bình định. Với một cái cỡ bé hơn, với một cái tinh thần thật tiển hơn, với một cái tư tưởng ít siêu hình hơn, tiên sinh lập cái ước mà Jean-Jacques Rousseau sẽ ôm ấp trong lòng, song không cất cánh lên được khỏi mộng tưởng của quyển Le Contrat Social (Dân Ước Luận)
Tiên sinh nhắc lời Sử ký của Tư Mã Thiên: « Bồng sinh ma trung, bất phù nhi trực. Bạch sa tại nê trung, dữ chi giai hắc giả Thổ địa giáo hóa sử chi nhiên dã.
蓬 生 麻 中 不 扶 而 直 白 沙 在 泥 中 與 之 皆 黑 者 土 地 教 化 使 之 然 也
Cổ bồng sinh trong đám cây gai không đỡ mà thẳng. Cát trắng ở dưới bùn cùng nó mà đen. Đều là do đất đai, do giáo hóa mà ra như thế vậy ».
Dân tục thiện ác, há chẳng do tích tập mà khiến nên vậy sao! Trước đây dân mới vùng nầy thường bỏ tông tộc quên hương lý bốn phía ào ra làm đều bạo ngược. Há bởi tính khác người thường. há bởi tội của các ngươi sao? Chẳng qua là do Hữu ty của ta trị vô đạo, giáo vô phương. Còn các ngươi, phụ lão tử đệ không sớm răn dạy ở trong gia đình, để cho có những đứa un đúc, trong đám dân vô tổ... mà khiến, ngày thêm càng theo về với thói ác... Nay đặt ra hương ước để hiệp hòa dân chúng. Từ đây, phàm dân đồng ước thời phải nên hiếu cha mẹ, kính anh chị, giáo huấn con cháu, hòa thuận hương lý, đám tang đám táng hãy cậy nhau, hoạn nạn hãy giúp nhau, đều thiện cùng khuyên, đều ác cùng răn đừng kiện thưa tranh đấu, ráng giữ tín thành, lo ở hòa mục, vụ sao cho xóm dân lương thiện, cho ra phong-tục có hậu có nhân... Người tuy chí ngu, mà trách người thời sang, người tuy có thông minh, mà trách mình thời quáng. Các ngươi, phụ lão tử đệ đừng nên nhớ đều ác xưa của dân mới, mà không lấy lành xử với chúng. Một niệm của chúng mà lành, thời chúng chúng là người lành vậy. Các ngươi cũng đừng tự cậy mình là lương dân mà không trau mình. Vì một niệm của các ngươi mà ác, thời các ngươi đã thành người ác vậy. Người ta mà thiện ác, chỉ do trong một niệm mà ra...
Đó rồi tiên sinh lập ra mười lăm điều ước cho dân, Hương ước nầy thi hành hồi tháng 10 năm ấy (1518).
Tháng sau một lần nữa tiên sinh trở lại vấn đề cho muối Phúc Kiến Quảng Đông lưu hành ra khỏi cảnh giới Cam Châu, bán qua các Phủ Cát, Viên, Lâm. Muối cho lưu hành như thế thời số tiền thuế thâu được, đủ nuôi quân binh, để phòng giữ vùng Nam Cam, trong khi chưa bãi binh được vì hiện nay giặc tuy bình, nhưng tàn đảng chưa hết. Nếu cấm muối thời phải thâu thuế dân mà nuôi binh. Dân sẽ khổ sở, trong khi muối lậu vẩn cứ lưu hành được với cái giá cao để làm giàu cho bọn con buôn mà mất lợi cho nhà nước.
Tháng giêng năm sau, kỷ mão (1519) tiên sinh được Triều đình xét công đánh dẹp giặc Tam Lợi và Cửu Liên lại cho Âm-tử Cẩm-y vệ, thế-tập phó thiên-hộ 廕 子 錦 衣 衛 世 襲 副 千 戸. Tiên sinh dâng sớ từ miễn, nói rằng: ấm-tử không phải thường-điển, lòng riêng nghĩ đến mà luống không yên. rồi lại dâng sớ cáo bịnh xin về hưu trí.
Hại là sớ đều không được Triều đình doãn hứa. Tiên sinh lấy làm khổ. Thơ cho Thượng Thơ Vương Quỳnh tiên sinh nói: « Trong mình yếu liệt, trăm bịnh xâm vào, lại gần đây nghe tổ mẫu bịnh nguy, ngày đêm thống khổ, lòng rối loạn, không kham nhậm việc lớn... xin hãy cho về điền dã, thời không phải may cho một mình tôi, mà thật là may cho cả mấy trăm vạn sinh linh trong một tỉnh... »
Khi ấy tiên sinh chưa hay tin bà nội mất từ hồi tháng 10 năm trước.
⁂