Bước tới nội dung

Vương Dương Minh/Phần nhất/X-A

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Vương Dương Minh của Phan Văn Hùm
A. Bình giặc Tư Ân

A. BÌNH GIẶC TƯ ÂN

Đề-đốc Đô-ngự-sử Diêu Mạc 姚 được cử đi đánh dẹp ở Điền Châu.

Sầm Mãnh chạy trốn, rồi phải bịnh mà chết. Diêu Mạc dối tâu: cha con của Sầm Mãnh đều bị cầm hết. Triều đình giáng sắc thưởng công. Chẳng ngờ còn lại hai tên tù trưởng, bộ hạ của Sầm Mãnh, là Lư Tô 盧 蘇 và Vương Thụ 王 受 phiến loạn, đánh úp thành Tư Ân 思 恩 (nay là Vũ Minh) Diêu Mạc hiệp binh bốn tỉnh, đánh mãi hai năm trời. Dân khốn khổ vô cùng trong mấy ngàn dặm, trai bỏ cày, gái bỏ dệt — Binh sĩ xuông phải bịnh dịch chết có sáu bảy chục phần trăm, tính ra gần hai vạn — Rốt cuộc không làm gì được giặc.

Bấy giờ — phải đợi mãi đến bấy giờ — quốc gia đa sự, mà thiếu người đủ kinh luân thao lược, kiến thố cố khuyển[1]. Triều đình mới tưởng nhớ đến ai đã thắng trận Đinh Chương, đã thắng trận Hoành Thủy, Thũng Cương, đã thắng trận Ninh vương Thần Hào phản loạn. Luận chương của Tuần-án Ngộ-sử Thạch Kim chuyến nầy được đem ra bàn. Thị lang Trương Thông 張 璁 kéo theo mình Quế Ngạc 桂 蕚 để tiến cử Vương Dương Minh. Triều đình nghe theo. sắc cho tiên sinh làm Tổng-chế Quân-vụ 總 制 軍 務 ở Lưỡng Quảng và Giang Tây, Hồ Quảng, hiệp đồng với Đô ngự sử Diêu Mạc. Ngày mồng 6 tháng 6 Binh bộ sai đem sắc đến nhà tiên sinh. Liền ngày ấy tiên sinh dâng sớ từ miễn.

« Thần, từ khi việc Giang Tây bình rồi về sau, thân mắc vòng sàm cấu, nỗi nguy rồ-rộ giồn đến, sớm chiều mạng lắt lẻo chẳng biết rủi giờ nào. May thay! Thánh thượng long phi... đem thần ra khỏi nơi « chậu úp » mà tấn quan phong tước, triệu về Kinh sư. Nhân tiện đường thần xin về quê viếng cha... chẳng may cha thần qua đời... rồi thần liên miên nằm bịnh... Nay thần văn mạng kinh hoàng... Thần bịnh hoạn đã giồn giập lâu ngày. triều nhiệt khái thấu, ngày nặng tháng thêm, mỗi lượt ho lên thời chết ngất đi, mãi lâu mới sống lại — Như thế, thuyền nhẹ nằm yên còn chẳng dám gượng đi để yết kiến tạ ân hoàng thượng, huống hồ binh giáp nhọc nhằng há kham được cho!. Diêu Mạc bình nhật vốn tự xưng lão thành thận trọng. Nay mà nhất thời có đánh dẹp chẳng xong, cũng là việc thường của binh gia. Quan Ngự sử Thạch Kim luận tấu xin đề cử thần, chẳng qua là làm kế khích lệ Diêu Mạc, khiến cho người ấy tập mưu quyết sách để thắng trận nơi nầy bù thất nơi khác. Thần vốn là kẻ thơ sinh, không tập quân lữ... Tài thức của thần không bì kịp Diêu Mạc... Huống chi về việc dùng binh cử sự Diêu Mạc đã từng lo nghĩ nghiền ngẫm chín chắn... Thần dung liệt như thế nầy mà cùng Diêu Mạc đốc quân, thời trong khi hành sự, hoặc sở kiến có dị đồng, Diêu Mạc càng khó bề triển bố.. »

Tiên sinh bèn xin cử thế mình hai người Nam Kinh Công-bộ Thượng-thơ Hồ Thế Ninh 胡 世 甯 và Hình bộ Thượng-thơ Lý Thừa Huân 李 承 勳.

Sớ dâng lên, vua Thế Tông liền hạ chiếu cho Diêu Mạc trí sĩ, và hạ chiếu cho tiên sinh;

« Khanh, thức mẫn tài cao, trung thành thể quốc. Nay Lưỡng Quảng đa sự, trẫm cậy đến uy vọng của khanh. Hãy vì trẫm vũ định địa phương, cho trẫm khỏi nỗi lo lắng về miền nam. Diêu Mạc đã trí sĩ rồi. Khanh nên kíp lên đàng... chớ lại dùng dằng từ chối mà phụ lòng trông mong của trẫm ».

Một ông vua ngon ngọt lời đến thế, cho mới biết người bầy tôi kia là trang rường cột như thế nào. Tiếp chiếu chỉ, tiên sinh rơi nước mắt.

Ngày mồng 8 tháng 9, tiên sinh ôm bịnh khởi trình, dọc đường thang thuốc, Mồng 10 qua sông Tiền Đường. Ngày 22 đến huyện Cù 衢. Ngày 24 qua Thường Sơn 常 山. Tháng 10 tiên sinh đến Nam-Phố (gần Nam Xương). Còn nhờ ơn dẹp loạn Thần Hào phụ lão. quân, dân, đều thắp nhang chấp vái đầy nghẹt các đường các ngõ không chỗ chen chân. Tiên sinh có bài thi xúc cảm:

Nam Phố trùng lai mộng lý hành,
Đương niên phong đích thượng tâm kinh. Sinh kỳ bất động sơn hà ảnh,
Cổ giác do truyền thảo mộc thanh.
Dĩ hỉ lư diêm đa phục nghiệp,
Độc liên cơ cẩn vị khoan chinh.
Vu sơ hà hữu cam đường huệ,
Tàm quỉ hương đăng phụ lão nghinh.

南浦重來夢裏行
當年鋒鏑尚心驚
旌旗不動山河影
鼓角猶傳草木聲

已喜閭閻多復業
獨憐饑饉未寛征
迂疎何有甘棠惠
慚愧香燈父老迎

Nam Phố trong mơ lại đặt mình,
Nhớ thời ly loạn vẫn lòng kinh,
Non sông hết nhuốm màu cờ xí,
Cây cỏ còn reo tiếng giáp binh,
Mừng bấy xóm làng đà phục nghiệp,
Thương cho đói kém chửa khoan chinh[2]
Thưa hèn nào có ơn văn hóa,
Thầm hổ đèn nhang phụ lão nghinh,

Khi phụ lão rước xe tiên sinh vào Đô-ty xong, tiên sinh cho ai nấy ra mắt. Thiên hạ vào phía đông ra phía tây, từ mai đến xế liền liền không dứt. Hôm sau đó, yết Văn Miếu xong, tiên sinh đến Minh Luân Đường 明 倫 堂 giảng sách Đại Học. Người ta chen chúc nhau đông cho đến đỗi có kẻ không nghe được tiếng giảng. Có người Đường Nghiêu Thần 唐 堯 臣 dâng trà, được đứng gần. Trước đó Nghiêu Thần không tin ở đạo học của tiên sinh. Nghe tiên sinh đến Nghiêu Thần đi đón xem, thấy cuộc nghinh tiếp lớn lao như thế đã xao động trong tâm rồi, bèn kinh thán: « Sau đời Tam Đại còn thấy được khí tượng nầy sao? » Đến khi nghe giảng học, Nghiêu Thần chịu phục.

Thời bấy giờ gặp hạn to, dòng sông cạn quá, thuyền đi gian nan. Tháng 11 ngày mồng 7 mới qua Mai Lãnh, ngày rằm đến Tam Thủy 三 水 (tỉnh Quảng Đông) ngày 18 đến Triệu Khánh 肇 慶, ngày 21 mới tới Ngô Châu 悟 州 (tỉnh Quảng Tây) mà liền khai phủ.

Bọn tù trưởng Lư Tô, Vương Thụ đã làm cho lão tướng Diêu Mạc phải động binh bốn tỉnh, tiêu sạch kho tàng Lưỡng Quảng, khiến tổn mạng hằng vạn người mà hai năm trời chẳng lung-lay được chúng, chỉ để cho dân trong mấy ngàn dặm chịu lầm than. Triều đình vời Vương Dương Minh là sở cậy người có tài bách chiến đánh giùm một trận lớn lao Đến nơi, vừa ghé mắt xem qua, tiên sinh quyết định giải giáp. Ấy mới là sự trớ trêu.

Ngày mồng 1 tháng chạp tiên sinh dâng sớ, đại lược rằng:

Thần mới đến địa phương hôm 21 tháng 11. Việc Tư Ân, Điền Châu chưa kịp hội đồng các quan tra thẩm để khu xử. Nhưng mà dọc đường thần đã dò hỏi các sĩ phu, nên cũng lược biết được tình hình ra sao rồi. Cha con Sầm Mãnh tội thật đáng tru diệt.

Song le trong sự phiến loạn của chúng, những người đương sự trước đây có phần trách nhậm không chối cãi được — Quân môn Lưỡng Quảng đặt ra, là để ngừa rợ Diêu 猺 rợ Đồng 獞 cùng bọn lưu-tặc. Triều đình phú cho quân mã tiền lương đã nhiều mà quyền hành cũng chuyên, cùng lớn, không phải là không đủ chế phục các rợ. Nhưng mà các nhà đương sự trước đây nhân tuần cẩu thả, làm cho quân chánh ngày một hư nát trên không có tướng khá cậy, dưới không có binh khá dùng. Mỗi lúc có việc kinh cấp, tất trông vào thổ quan, lang binh, như bọn Sầm Mãnh. Giống rợ thời tính phóng khoáng. Bắt chúng dong ruổi đánh dẹp, chúng không trông nom được cửa nhà. Đã vậy mà khi xong việc thời quan trên giành công hết. Như thế bảo chúng đừng oán trách sao được? Song le, oán trách chỉ có một ít kẻ, như bọn Sầm Mãnh cầm đầu chống cự. Còn đại đa số đều là những kẻ bị xúi giục mà thôi. Bây giờ phải làm cho « cận duyệt viễn hoài ». Bao giờ đại đa số đã phục tòng rồi, thời còn một vài đứa cường ngạnh như bọn Lư Tô, Vương Thụ muốn giết giờ nào lại không được Bấy lâu những kẻ đương sự hiểu lầm. Nói về phép dùng binh, họ thất sách ở chỗ không biết khéo chậm, nên gây ra cái cảnh « mũi tên nõ cứng không phủng nổi tấm là thưa ». Theo ý của thần, thời giặc Tư Ân. Điền Châu, không có gì cần đến binh giáp cho thêm phiền. Những người đương sự trước đây chỉ vụ hư danh, để mang lấy thật họa.

Thần tài hèn lãnh mạng trọng, được tổng-chế quân vụ bốn tỉnh không phải không biết rằng thừa cơ hội này có thể kiểu hãnh thành công, mà khỏi mang tiếng khiếp nhụ. Nhưng mà càng điều quân binh nhiều, càng chết sĩ tốt nhiều; càng giết vô tội nhiều, càng phí lương hướng nhiều. Kẻ làm tôi nếu trông cậy ở chỗ đó mà lợi cho công danh mình, thời quốc gia chẳng được phúc, sinh dân hết mong đức chở che. Đã thế mà nào có đủ gì để chấn uy vũ, có đủ gì để làm cho các rợ tín phục? Cho nên thần không nỡ dùng binh... »

Sớ ấy tiên sinh thảo ra tại Ngô Châu Hai mươi sáu hôm sau (26 tháng chạp) tới Nam Ninh 南 甯 (nay là Ung Ninh 甯), tiên sinh liền hạ lịnh triệt hết tất cả những binh đã điều tập để phòng thủ Trong vài ngày, mấy vạn binh được giải tán, trở về nhà. Duy còn vài ngàn binh tỉnh Hồ Quảng, xa xuôi cách trở, không dễ về quê kịp tết nguyên đán, tiên sinh khiến ở lại Tân Châu 賓 州 (nay là Tân Dương 賓 陽) giải giáp nghĩ ngơi, đợi kỳ.

Ngày mồng hai tết năm mậu tí (1528), tiên sinh lại tiếp chỉ gia chức Tuần phủ Lưỡng Quảng. Tiên sinh càng thêm kinh hoàng, liền dâng sớ từ miễn và đề cử Ngũ Văn Định cùng hai người nữa để thay thế nhậm chức Tuần phủ.

Tiên sinh nói: Phó Đô-ngự-sử Ngũ Văn Định là người đã từng cùng tiên sinh dẹp loạn Thần Hào tỏ ra chất tính dũng cảm rày đã về hưu, để nhân tài ấy nhàn tàn thì uổng quá. Còn hai người kia, là Nam Cam Phó Đô Ngự-sử Uông Hoằng 汪 宏 và Hình-bộ Tả thị-lang Lương Tài 梁 材 đều là người có tài năng, lại am hiểu thổ-tục dân-tình. Ba người đều kham nhậm chức Tuần-phủ, Triều-đình lần chót nầy vẫn như bao nhiêu lần trước kia, không chịu cho tiên sinh từ miễn việc gì triều đình đã phót thác. Thế là, mặc dầu bịnh ngày một thêm, tiên sinh cũng phải gồm Tổng-chế tứ-tỉnh quân-vụ và Tuần-phủ Lưỡng Quảng.

Mà chỉ có tiên sinh mới kham gánh vác nặng nề như thế. Chỉ có tiên sinh mới dám giải giáp, trong khi kẻ khác phải cần hiệp binh bốn tỉnh để đánh nhọc nhằng.

Vùng Tư Ân, Điền Châu gần sát xứ Việt Nam. Trong đó rừng sâu, núi hiểm, rợ Diêu, rợ Đồng bàn cứ. Tình hình như thế, tiên sinh nghĩ nên theo buổi trước để thổ-quan cai trị, mà nhờ binh lực của họ làm rào cho nước Trung Hoa, khỏi phải phòng hoạn biên cảnh. Từ khi đặt lưu-quan[3] đến nay là mười tám năm, Trong thời gian ấy các rợ dấy loạn có năm, sáu lần. Trước sau đánh dẹp cơ hồ không lúc nghỉ ngơi, binh đã hao mà của đã phí. Tình tệ do Thổ dân không hiểu hán-pháp và lưu-quan không am thổ tục mà ra.

Nay gây nên loạn Tư Ân, Điền Châu, cũng là vì lưu quan không khéo khu xử.

Nguyên dân của Tri-phủ Điền Châu, là Thổ quan Sầm Mãnh, cùng với dân ở châu Tứ Thành 泗 城 州, vì tư thù, tàn sát lẫn nhau đã lâu năm, mà đắc tội với quan trên. Năm Gia-Tịnh thứ năm (1526), hồi tháng 6 thượng ty xin gởi quan-binh đến chinh tiểu. Sầm Mãnh tự nghĩ mình không có lòng phản bạn, chắc ý sẽ được chiêu vũ. Nghe quan binh đến, hắn đem kẻ thân tín chạy đi núp náu ở cảnh giới châu Qui Thuận 歸 順 (nay là Tịnh Tây 請 西). Bọn mục dân, bộ hạ của hắn, như Lư Tô, Vương Thụ, đều tứ tán, đào-độn trong rừng núi. Những kẻ không chạy kịp đều bị quan binh giết hại. Tháng giêng năm Gia Tịnh thứ sáu (1527) Sầm Mãnh bị bịnh gắp, chết ở hang núi Thiên Tuyền 天 泉. Không còn chủ để dắt dìu, bọn Tô, Thụ, muốn ra đầu hàng, nhưng thấy bốn phương quân mã, lại sợ nỗi bị hại thân, như bướm bướm đêm đâm đầu vô lửa sáng.

Thấy Vương Dương Minh đến triệt hết quân binh, chúng biết tiên sinh không có lòng sát hại, chúng vững lòng ra đầu hàng. Bèn gởi trước mười tên đầu-mục, ngày mồng 7 tháng giêng đến quân-môn xin miễn tử cho.

Tiên sinh lấy uy đức của Triều đình dụ chúng, đại ý nói Các ngươi không có tội gì lớn, mấy vạn bộ hạ của các ngươi càng vô cô. Thế mà các ngươi rút vào hiểm địa, khiến cho mấy vạn dân vô-cô phải phá gia thất nghiệp, bôn đào khốn khổ hai năm trời rồi Các ngươi còn làm cho Triều đình phải hưng sư mạng tướng, mệt nhọc rối ren dân ba tỉnh Tọi của các ngươi thật đã to. Nhưng ta xét ra, chẳng qua là các ngươi sợ tội mà trốn tránh, để tự toàn, chớ không có ý gì khác Nay nhà vua nhân đức, đối với một tên tù còn sợ có đều oan uổng cho nên thân lâm đoan quyết; huống hồ đối với mấy vạn dân vô-cô há lại khinh ý mà sát hại hay sao? Ta đến đây là thể ý nhà vua mở đường sống còn cho các ngươi. Các ngươi hãy cải ác tòng thiện. Bài nầy đến nơi, các ngươi nghe biết rồi, thời phải giải tán, ai về quê nấy phục nghiệp an sinh. Ta kỳ cho các ngươi trong vòng hai mươi ngày, nếu không phục thiện, ta sẽ tấn binh giết sạch các ngươi, không chút gì hám hối. »

Được bài ấy chúng nhảy nhót hoan hô tiếng rền như sấm dậy. Liền triệt phòng thủ, mà cụ bị đồ đạc lương thực, kéo rốc mấy vạn già trẻ gái trai về hàng. Ngày 26 tháng giêng, đúng kỳ hạn, chúng tới dưới thành Nam Ninh phân đồn làm bốn dinh. Hôm sau Lư Tô và Vương Thụ tự trói mình, dẫn mấy trăm đầu-mục đến quân môn kêu cầu miễn tử, thề hết sức hết lòng báo hiệu.

Vương Dương Minh xử đánh Lư Tô, Vương Thụ, mỗi người một trăm trượng. Chúng khấu đầu cảm phục. Mấy vạn mục dân rơi nước mắt mà hoan hô.

Thế rồi, thấy địa phương đã bình định, Vương Dương Minh ban-sư, không mất một mũi tên, không hao một sĩ tốt.

Cũng như ở các nơi trước, loạn dẹp rồi, tiên sinh nghĩ đến việc cữu an trường trị. Tiên sinh chấn hưng học hiệu ở Tư Ân, ở Điền Châu và ở Nam Ninh, cho rằng học sách thánh hiền là nguồn gốc của phong hóa.

  1. Kiến thố cố khuyển 見 顧 犬 là thấy thỏ mới đoái lại chó.
  2. — Khoan chinh: rảnh bớt việc chinh chiến.
  3. Lưu quan 流 官 là quan đặt ra chịu mạng lịnh ở Chánh-phủ Trung-ương. Thổ quan 土 官 là quan người Thổ, không phải chánh-phủ trung-ương cử đặt, mà tự Thổ dân tôn lên, và có quyền cha truyền còn nối, tức cũng như vua của họ.