Vương Dương Minh/Phần nhất/XI
XI. — BƠ VƠ LỮ THẤN
Tư Ân, Điền Châu bình định rồi, ngày 27 tháng 8 tiên sinh rời Nam Ninh. Mồng 7 tháng 9 về đến Quảng Châu 廣 州 (nay là Phiên Ngu 番 隅), tỉnh thành tỉnh Quảng Đông. Để thưởng công dẹp Tư Ân, Điền Châu, nhà vua cho năm chục lượng bạc, bốn xấp vải lụa, cùng sai Bố-chánh-ty sắm dương tửu đưa đến tưởng lệ tiên sinh — Ngày mồng 8, liền kế sau ngày tiên sinh về Quảng Châu, hành nhân mang sắc thơ và thưởng vật tới nơi.
Khi ấy tiên sinh nằm bịnh đã hơn một tháng rồi. Nghe có sắc đến tiên sinh gượng dậy để phụng nghinh vào thành. Nhưng, vừa kinh hoàng, vừa cảm khích tiên sinh choáng váng, nhào xuống, bất tỉnh nhân sự, giây lâu mới sống lại. Tử thần đã vơ vẩn đến gần rồi. Tiên sinh vẫn nhận rõ, cho nên trong lá sớ tạ ân thảo ra ngày 20 tháng đó, tiên sinh đã nói:
« Thần bịnh ngày một gấp, tự độ kiếp sống nầy không lại có lúc nào bôn tẩu được về khuyết đình, để trông thấy thiên nhan[1]. »
Không phải bây giờ tiên sinh mới thấy mình sắp chết. Ngay từ khi phụng mạng đi tuần phủ Lưỡng Quảng, tiên sinh đã lo xa Công việc gia-đình đã phú thác cho môn-nhân Ngụy Đình Báo 魏 廷 豹, Tiền Đức Hồng 錢 德 洪 và Vương Nhữ Trung. Hôm rằm tháng 11 năm đinh hợi (1527) ngang qua Tam Thủy tiên sinh viết thơ về cho Chánh Hiến dặn dò hãy nghe lời Ngụy Đình Báo chỉ dạy. Một tháng sau đó tới Bình Nam (gần Điền Châu rồi) tiên sinh còn thơ khác nhắc nhở Chánh Hiến: « Việc Điền Châu dường như còn bề bộn lắm. Ta e cho khi đã đặt mình vào đó rồi, dẫu một giờ cũng không dễ rảnh rang được — Ngươi ở nhà trăm việc nên giữ lấy lời ta dạy răn mà học làm người hay. Phải luôn luôn gần gũi với Đức-Hồng và Nhữ Trung học hỏi cầu ích — Thằng Thông[2] đã gởi gấm cho Ngụy Đình Báo mỗi lúc coi sóc giùm — Đình Báo trung tín quân tử, không thể phụ lời ta phú thác » Khi về Quảng Châu rồi, chỉ đợi mạng vua đến là xuống thuyền xuôi đất Việt, tiên sinh còn thơ cho Tiền Đức Hồng căn dặn:
« Chánh Hiến càng lười biếng cực điểm Nếu không châm biếm cho đau gắt, bịnh nó không dễ gì trừ »
Tiên sinh khí thể tế nhược. Buổi ấu thơ « chậm trễ » Tuổi tráng niên về sau bịnh hoạn liên miên. Năm ba mươi sáu tuổi đương bị đày ở Long Trường, răng đã long, tóc đã điểm một hai sợi bạc. Ở đó tiên sinh phạm chướng độc cổ lệ, thân thể hư dần. Về sau, khu trì binh cách, cũng đều ở những vùng lam chướng, càng thấy bịnh tăng lên. Từ vào Lưỡng Quảng viêm nhiệt huân chưng, khái thấu đại tác. Thầy thuốc của tiên sinh rước đem theo, thời, giữa đường, bất phục thủy thổ, đã cáo bịnh mà tháo lui. Đỡ với chỉ có những hoàn bối-mẫu 貝 母 丸 của một người bạn mua cho, mà tiên sinh uống, bảo rằng thấy hiệu. Từ nửa tháng sau khi về Quảng Châu bịnh ho ngày một thêm, lại khắp thân phù thũng, dở chơn bước hết nổi. Kế lấy bịnh thủy tả giồn đến. Lòng hoài qui mỗi lúc một thiết tha. Thơ riêng cho Thượng-thơ Vương Quỳnh, là người đã đề bạt tiên sinh và được tiên sinh kính phục quí yêu, tiên sinh than trối: « Ngày gần đây tôi mửa máu, ăn uống nhỏ nhẻ. Đêm lại thời triều nhiệt nổi cơn. Tự kể quyết không còn bao lâu ở nhân thế. Mong lão tiên sinh thủy chung trọn ái, khiến tôi được sớm về cố hương, muôn một may ra có thể kéo dài hơi thở, thời ơn cốt nhục tử sinh, biết bao giờ lấy chi đền đáp cho cân ». Thơ ấy là để nhờ Vương Quỳnh tâu giúp cho lá sớ khất về quê dưỡng bịnh được có hiệu quả. Lá sớ thảo ra ngày mồng 10 tháng 10, tiên sinh xin đãi mạng trong quảng đường Thiều Châu 韶 州 Nam Hùng 南 雄. Ngày mồng 1 tháng 11, xếp đặt xong cho Lâm Phú 林 富 thay thế, tiên sinh xuống thuyền nhằm đường đất Việt, tự độ không còn sống được đến ngày Triều đình trả lời. Loài cáo còn « thủ khưu » 首 丘, theo lời kinh Lễ, huống chi người mà không muốn về chết nơi cắt rún chôn rau. Bấy giờ, nằm dưới thuyền, ngày đêm thủy tả mấy lần, không ngăn được, đến nỗi hai chân hết còn thể gượng ngồi.
Ngày 25 tháng 11 tiên sinh vượt qua Đại Dửu Lãnh 大 廋 嶺 tới địa phậu huyện Nam An 南 安 (nay là Đại Dửu). Môn nhân là Suy-quan Châu Tích 周 積 nghinh tiếp. Hỏi thăm, thời tiên sinh đáp: « Bịnh thế nguy gấp rồi. Chỉ còn nguyên khí là chưa chết thôi » Châu Tích lật đật rước thầy chẩn mạch dần thang. Chiều hôm ngày 28 thuyền đỗ bến Thanh Long Phố 青 龍 浦 Sang ngày sau, tiên sinh cho gọi Châu Tích
Tiên sinh đã nằm thiêm thiếp. Châu Tích đến hầu một giây lâu, tiên sinh mở mắt nhìn, khẻ nói: « Ta đi thôi! » Châu Tích sụt sùi, thưa thầy hỏi di chúc lời gì. Tiên sinh mỉm cười: « Thử tâm quang minh[3] 此 心 光 明, còn phải lời gì? » Nói xong, đờ mắt, đi xuôi. Bấy giờ là giờ ngọ, ngày đinh mão, 29 tháng 11 năm mậu tí, Gia Tịnh thứ VII (nhằm ngày 9 Janvier 1529, lịch julien).
Môn nhân, là Cam Châu Binh-bị Trương Tư Thông 張 思 聰 rước xác về trạm Nam Dã 南 埜 驛 (gần Nam Khang), vào trung-đường tắm gội, khâm liệm theo lễ. Ngày mồng 4 tháng chạp đưa thấn xuống thuyền Dọc đường sĩ dân xa gần khóc kể dậy đất như tang cha mẹ. Thấn đến Nam Xương ngày 23 Tuần-án Ngự-sử Gia Lương Tài 諸 良 材 cùng Đề-học Phó-sử Triệu Uyên 趙 淵 xin để bước qua năm sau sẽ phát tang. Bèn quàn cữu tại ở Nam Xương cho đến mồng 3 tết kỷ-sửu.
Mồng 4 tháng 2 thấn về đến quê nhà tiên sinh ở Sơn Âm (Thiệu Hưng) điện cữu nơi trung đường, quàn tại đó đông sang mới an táng. Mỗi ngày môn nhân lại điếu hằng trăm người. Có kẻ ở luôn từ lúc sơ tang cho đến khi an táng
Tiên sinh có tư chất thuần túy, có tài thông đạt, có văn hùng hồn, có học tâm đắc. Tuy xử phú quí mà lòng thường vơ vẩn nơi yên hà. Mùi lê hoắc hay miếng đỉnh chung, áo gấm đền to hay manh rách lều cỏ, tiên sinh thảng nhiên xem vẫn như nhau. Ngàn vàng đối với tiên sinh khác nào cát bụi. Công nghiệp huy hoàng trong lịch sử, mà nhắm mắt rồi chức tước cũng mất theo. « Thố tử cẩu phanh » người xưa đã có nói. Buổi sinh tiền tiên sinh đã rõ suốt cuộc âm mưu dìm tiên sinh. Một hôm môn nhân ngồi hầu quanh tiên sinh, luận tình đời, họ than: từ khi dẹp Thần Hào đến nay, tiên sinh bị hủy báng ngày càng nhiều. Tiên sinh bảo mỗi người thử luận xem duyên cớ bởi đâu. Có người nói: Công nghiệp, thế vị, tiên sinh càng lớn càng cao, thiên hạ càng ganh, càng ghét. Có người nói: Đạo học của tiên sinh càng tỏ, người vì Tống nho tranh thị phi càng nhiều. Có người nói: từ khi tiên sinh về Nam Đô, đồng chí tin theo ngày càng đông, cho nên bốn phương ngày càng ráng sức bài trở Tiên sinh bảo: các anh nói đều cũng có chỗ phải, nhưng còn có chỗ ta trông thấy mà các anh chưa nói đến. Môn nhân xin hỏi là chỗ nào. Tiên sinh đáp: « Từ buổi Nam Đô về trước ta còn chút ý tứ hương nguyện 鄉 愿[4] Nay ta tin ở lương tri chân thị chân phi... không giấu gì, không che gì... »
Ganh ghét tiên sinh nhiều nhất, là Quế Ngạc và Dương Nhất Thanh. Hai người ấy, trước kia xúi Cẩm-y-vệ Đô-chỉ-huy Nhiếp Năng Thiên 聶 能 遷 vu tấu tiên sinh công dụng cả trăm vạn vàng bạc, nhờ Hoàng Oản đưa lót Trương Thông, nên chi Trương Thông tiến cử sinh sinh Tổng chế quân vụ Lưỡng Quảng. Khi ấy Hoàng Oản dâng sớ biện bạch, chỉ lòng trung nghĩa của tiên sinh, vạch đều vu cáo của Nhiếp Năng Thiên. Vua hạ chiếu chỉ nói:
« Hoàng Oản học hành tài thức, người người đều biết, Vương Thủ Nhân công cao vọng long dư luận vẩn suy trọng. Nhiếp Năng Thiên vọng tấu... Đô sát viện sẽ thẩm vấn nghiêm cẩn. Hoàng Oản an tâm cung chức, bất tất lấy lẽ hiềm nghi mà từ tị ». Rồi vua hạ ngục Nhiếp Năng Thiên, đình trượng đến chết, Bấy giờ Quế Ngạc với Dương Nhất Thanh muốn hại tiên sinh, nhưng không dám, vì Hoàng Oản còn tại Triều, làm chức thiềm sự. Đến nay tiên sinh mất rồi, Quế Ngạc xin Triều đình mạng nhiều quan hội nghị xét tội quân công mạo lạm. Trong Triều mặc sức dị nghị. Triều đình không hành điển cho tước, ấm, tặng thụy gì cả, lại còn hạ chiếu Cấm « ngụy học ».
Hoàng Oản bèn dâng sớ biện trung cho tiên sinh và kể lỗi Quế Ngạc. Triều-đình không trả lời Quan Cấp-sự-trung Châu Diên 周 延 bất bình, kháng sớ, bị trích làm Phán-quan.
Thế là người đã làm cho năm Gia Tịnh triều Minh « bốn phương phẳng lặng hai kinh vững vàng » chết lại chôn như một kẻ vô danh.
Ngày 11 tháng 11 năm kỷ sửu cả ngàn môn nhân, áo gai giép cỏ, phù cữu khóc thảm thương, bốn phương đến xem đám táng không ai chẳng sa nước mắt. Cách thành Thiệu Hưng ba mươi dặm phía nam vào Lan Đình năm dặm, chỗ đất gọi Hồng Khê 洪 溪 mà tiên sinh đã đích thân chọn lấy, là nơi ở cuối cùng của tiên sinh
Triều đình có bạc đãi công thần mà rải rác hai mươi bẩy nơi, trong mấy tỉnh Chiết Giang, Giang Tây Phúc Kiến, Quảng Đông, Quảng Tây, Quí Châu, môn nhân của tiên sinh cùng dân chúng dựng đền thờ nghi ngút khói hương. Triều đình có cấm « ngụy học » mà từ năm 1518, trước khi tiên sinh mất mười năm, đến năm 1566, sau khi tiên sinh mất bốn mươi tám năm, tác phẩm của tiên sinh vẫn lục tục khắc ra lưu hành khắp nước Tàu, truyền sang cả bên nước Nhật và ảnh hưởng to nhất ở nước nầy.
•