Vương Dương Minh/Phụ lục-1
1. Bài tự tiễn-biệt
ông Trạm Cam-Toàn.
Thầy Nhan Hồi chết, mà cái học của thánh nhân mất, thầy Tăng Sâm thừa cái đạo nhất-quán, truyền đến thầy Mạnh Kha mà thôi. Lại hơn hai nghìn năm nữa mới có thầy Chu thầy Trình ra tiếp tục. Tự đấy về sau, kẻ nhà nho nói càng nhiều mà đạo lại càng tối, giải-thích càng tinh tường mà nghĩa-lý lại càng chi-ly, mà cái kẻ vụ danh lại càng nhiều lắm. Xưa kia, đời họ Mạnh thì chen có họ Dương họ Mặc, đời thầy Chu thầy Trình thì gặp buổi đạo Phật đạo Lão thịnh-hành. Ngày nay thì kẻ đi học ai nấy đều biết tôn-sùng họ Khổng họ Mạnh, tưởng cái đạo thánh-nhân cả sáng-sủa ra ở đời thì phải Song mà tôi xét ra, bậc thánh-nhân chẳng được trông thấy đã đành, còn thì có người nào được như Mặc-thị có cái chủ-nghĩa kiêm-ái hay không? Có người nào được như Lão-thị có cái tinh-thần thanh-tĩnh tự-thủ hay không? Có người nào được như Phật-thị có cái công-phu nghiêm-tâm tính-mệnh hay không? Ta cớ sao lại nhớ đến họ Dương, họ Mặc họ Phật, họ Lão đó thay? Vì họ đối với sự học còn có sở đắc vậy — Mà kẻ nhà nho ở đời, thì chỉ vẽ từng bài, gọt từng câu, để khoe-khoang với thói tục, đua nhau giả-dối, thi nhau về những sự ngôn ngữ văn-từ, mọi nghĩa trong cổ-kinh cổ-điển nói ra được vanh-vách, tự lấy thế lam đã đủ rồi, mà cái học của thánh-nhân thành ra hư-phế Cái đại bệnh ở đời nay, há không phải là cái tệ ký-tụng từ-chương đấy dư. Mà suy-nguyên sở dĩ có cái tệ ấy, há không phải là tại cái lỗi thích nghĩa quá tường, giải lẽ quá tinh đấy dư (trỏ về thời đại bát cổ). Chao ôi! họ Dương, họ Mặc, họ Phật, họ Lão, họ còn biết học đấy chân-nghĩa, cầu lấy tính-mệnh, không như kẻ nhà nho ngày nay cho chân-nghĩa là không thể học được mà cho tính-mệnh là vô-ích. Ở đời nay mà có kẻ nào học nhân-nghĩa cầu tính-mệnh, gác sự ký-tụng từ-chương ra ngoài mà chẳng làm, thì dẫu cho đạo Dương đạo Mặc. đạo Phật, đạo Lão, thiên về đạo nào mặc dầu, tôi còn cho là hiền, vì cái tâm người ấy còn biết cầu lấy đường sở-đắc vậy. Than ôi! Có biết cầu lấy đường sở đắc, rồi mới có thể nói đến được sự học của đạo thánh-nhân.
Tôi thủa nhỏ, nhãng về sự học vấn, lãng-mạn hai-mươi năm. Kỳ-thủy cũng nghiên-cứu về đạo Phật, đạo Lão, nhờ trời mở cho cái tri, nhân có giac-ngộ, mới khuynh-hướng về học thuyết Chu, Trình, dường cũng có điều sở-đắc. Song ở đời trừ một hai người tri-kỷ ra, không ai biểu đồng chí với mình cả, đã có lắm phen sắp đổ ngã mà lại dậy lên được.
Hồi vãn-niên được kết-giao với ông Trạm Cam-Toàn, rồi sau cái chí tôi mới càng kiên, nghị-nhiên không thể át được thì sự học của tôi nhờ về ông Trạm Cam Toàn có phần nhiều vậy. Lối học ông Cam Toàn, là lối học vụ-cầu tự-đắc đó. Đời ít kẻ biết, hoặc lại cho rằng lối học thiền-gia. Túng nhiên là lối học thiền-gia thì đời đã thấy mấy kẻ. Huống chi ông Cam Toàn sở học chí tại thánh-hiền, như ông Cam Toàn há không phải là môn-phái thánh-nhân đó dư, kẻ khen chê không đủ làm bệnh được cho ông Cam Toàn vậy. Kẻ khen chê không đủ làm bệnh ông Trạm Cam-Toàn, và ông Cam Toàn cũng chẳng vì kẻ khen chê mà tự lấy mình làm bệnh, tôi tin như thế. Tôi với ông Cam-Toàn: cái ý giao-du, không phải nói mà tự-khắc hiểu, cái lời nghị-luận, không phải ước mà tự-nhiên đồng, tương-kỳ với nhau về đạo thánh-hiền, chết rồi sẽ thôi. Ngày nay tiễn-biệt ông Cam-Toàn, tôi lọ phải nói gì. Duy cái học thánh-nhân khó minh mà dễ hoặc, cái thói tập-tục, càng ngày mà càng khó vãn hồi, ấy này ở trong lòng, dường không thể không nói ra được, thế thì ông Cam-Toàn há cũng cho tôi là nói thừa đó thay.
Nguyễn Đôn Phục. Nam
Phong số 109. Hà Nội
1926. Có sửa đổi một vài
dấu chấm câu.)
Tác phẩm này, được phát hành trước ngày 1 tháng 1 năm 1929, đã thuộc phạm vi công cộng trên toàn thế giới vì tác giả đã mất hơn 100 năm trước.
Tác phẩm này thuộc phạm vi công cộng ở Hoa Kỳ vì nó được phát hành trước ngày 1 tháng 1 năm 1929.
Tác giả mất năm 1954, do đó tác phẩm này cũng thuộc phạm vi công cộng tại các quốc gia và vùng lãnh thổ có thời hạn bảo hộ bản quyền là cuộc đời tác giả và 60 năm sau khi tác giả mất hoặc ngắn hơn. Tác phẩm này có thể cũng thuộc phạm vi công cộng ở các quốc gia và vùng lãnh thổ có thời hạn bảo hộ bản quyền dài hơn nhưng áp dụng luật thời hạn ngắn hơn đối với các tác phẩm nước ngoài.