Bước tới nội dung

Vấn đề Triệu Đà trên Việt sử

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Vấn đề Triệu Đà trên Việt sử  (1936) 
của Phan Khôi

Bài đăng trên Sông Hương, Huế, số 9 (26 Septembre 1936), trang 2.

Lược đáp bài phản đối của TIN VĂN

Trong Sông Hương số 3, nơi mục “Sử học”, tôi có bài nói về sự sử gia nước ta tôn Triệu Đà làm đế vương của bản quốc; cho là một sự lầm, tôi muốn từ nay về sau hãy bỏ Triệu Đà và dòng dõi y ra ngoài Việt sử.

Trong khi bỏ đi như thế thì một đoạn thời gian nước ta bị họ Triệu chiếm lãnh đó, trên lịch sử ta sẽ chép bằng cách nào?

Cuối bài ấy của tôi, tôi đã tỏ ý rằng một đoạn thời gian ấy sử ta nên coi như thời Bắc thuộc. Nghĩa là mọi sự tiến hóa của dân tộc ta ở dưới trị quyền họ Triệu nếu có thì cũng vẫn cứ chép, không bỏ, chỉ không chịu nhận cha con ông cháu nhà họ Triệu là vua nước ta mà thôi, mặc dầu họ vốn thật có làm vua nước ta. Ở các thời đại Bắc thuộc, sử gia nước ta đối với các vua Tàu vẫn làm như thế.

Chỗ ấy tôi viết: "Sau họ Triệu, nước ta bị Bắc thuộc hơn một ngàn năm. Thế thì chúng ta có tiếc chi mà chẳng cho nó Bắc thuộc sớm đi và thêm lên 96 năm nữa, nghĩa là kể ngay từ lúc Âu Lạc vào tay họ Triệu?...".

Như thế tưởng cũng đã rõ lắm. Tôi chẳng qua có ý tôn trọng cái "quốc thống", cái mà duy có người trong dân tộc Việt Nam dấy lên mới được nối dõi mà thôi. Một dân tộc, bất kỳ ai đến xưng vua chúa, cũng cúi đầu mà thần phục cả, tôi muốn nó chẳng là dân tộc Việt Nam.

Tôi nói "quốc thống" đó, nếu muốn cho dễ hiểu thì nói là "quốc quyền" cũng được. Quốc quyền của một nước, theo công đạo chánh nghĩa, hẳn là phải về tay dân nước ấy nắm giữ. Người ngoại tộc đến chiếm đoạt, đến xưng đế xưng vương trong một lúc, dù là có công khai hóa nữa cũng mặc, khỏi lúc đó rồi thì thôi, sử gia không nên đặt cái quyền ấy vào trong tay họ đời đời.

Tôi căn cứ vào công đạo chánh nghĩa mà nói như thế, ai có biết về lịch sử nước ta ít nhiều, tưởng cũng đều cho là phải; không ngờ có người lại phản đối tôi.

Trong báo Tin văn[1] số vừa ra, có bài bảo tôi là lầm và đòi "giải". Bài ấy kể công ơn Triệu Đà những chi chi, rồi nói rằng: "Nếu thế (không kể Triệu Đà) thì cũng không nên kể đến cả một ngàn năm Bắc thuộc và gần đây cũng không nên chép cuộc bảo hộ của người Pháp nữa...".

Cãi như thế là không ăn thua vào đâu cả. Tôi đã bảo không nên nhận Triệu Đà là vua mà phải kể một khoảng thời gian ấy như thời đại Bắc thuộc, thì sao người cãi tôi lại hỏi vặn tôi rằng nếu thế cũng không nên kể cả một ngàn năm Bắc thuộc?

Cái ca Triệu Đà không thể đem mà so sánh với cuộc bảo hộ nước Pháp được, vì một đằng có làm vua, một đằng không làm vua. Nhưng, giả sử có một người Pháp nào thừa thế chiếm nước Nam làm vua, ví dụ ông Albert Sarraut trong hồi Âu chiến chẳng hạn, thì đến lúc cái đế chế của người ấy đổ rồi, sử gia nước Nam cũng không nên nhận người ấy là vua nữa: đó là cái thiên chức của nhà chép sử phải làm như vậy.

*

* *

Tôi còn muốn nói thêm về một câu của Tin văn trong bài phản đối ấy, vì nó đại biểu cho một thứ tư tưởng bạc nhược và bất chánh.

"Nước bao giờ chả là nước của dân mình, dẫu ai cầm quyền cũng vậy...". Đó, Tin văn đã nói như thế.

Sao lại "dẫu ai cầm quyền cũng vậy"? Hễ là người ngoại tộc cầm quyền tức là một sự sỉ nhục cho dân cho nước, sao lại cho ta "cũng vậy" được? Nếu coi là "cũng vậy" được thì các dân tộc hèn yếu cần gì phải lấy sự vong quốc làm xấu hổ và trên lịch sử Việt Nam dù có hàng vạn Đinh Tiên Hoàng, Trần Quốc Tuấn, Lê Thái Tổ cũng chẳng lấy gì làm vẻ vang!

Coi đó, ta nên nhận thấy sử học không xương minh, lịch sử bản quốc không phổ cập đến quốc dân là một điều hại lớn lắm. Một tờ báo văn học ở giữa Hà Nội mà dám nói như thế, ta còn nên trách chi những kẻ thường dân, những kẻ bất học ở chốn hương thôn? Mà một tờ báo văn học sở dĩ nói như thế được là vì sao? Có phải là vì người ta tuy học rộng, biết nhiều, văn hay, mà bình nhật không có để tâm đến quốc sử?

Bởi học rộng biết nhiều, và để làm vững cái tư tưởng ấy, báo Tin văn bảo chúng ta xem lịch sử Âu châu: ở đó vẫn có các vị vua nước ngoài đến cai trị một nước khác, mà sử gia của họ đều chẳng cho là cái nhục lớn. Báo Tin văn không nghĩ đến rằng sự ấy là do một phong tục đặc biệt của phương Tây mà đất nước chúng ta không hề có. Ở bên ấy có khi một nước không có vua họ đi mời một người nước khác về làm vua. Đã vui lòng đi mời người ta thì còn kể là nhục sao được nữa? Nhưng đến một dân tộc nầy bị một dân tộc kia đè đầu thì chính người phương Tây lại lấy làm sỉ nhục lắm chứ, chúng ta phải biết cái tư tưởng về dân tộc của họ lại còn mạnh gấp mấy lần của chúng ta.

Mượn một cái ngoại lệ của Âu châu để phù trợ hay cứu viện cho cái tư tưởng bạc nhược và bất chánh của mình, điều ấy là đáng trách cũng như đã bảo "dẫu ai cầm quyền cũng vậy" là đáng trách.

Đến như nói: "Nước bao giờ chả vẫn là nước của dân mình", câu ấy lại còn khờ nữa. Sau các cuộc đô hộ của người Tàu, nếu không có mấy tay dân tộc anh hùng như Đinh Tiên Hoàng, Trần Quốc Tuấn, Lê Thái Tổ dấy lên, dân Việt Nam có lẽ đã hóa cả ra Tàu bao giờ rồi không biết; thế mà còn nói là "dân mình" được sao? Dân đã không phải là dân mình thì nước sao gọi được là nước của dân mình?

Biết việc thiên hạ nhiều, biết cả đến việc đời xưa bên Tây nữa mà không để tâm đến quốc sử, không có sử học để làm cốt cho sự tri thức về thời gian thì tự nhiên không tránh được mà phải nói những câu nói của Tin văn!

Sự kinh nghiệm ấy càng giục giã chúng tôi đề xướng khoa sử học và tìm những cách để cho sử liệu nước nhà được truyền bá khắp giữa quốc dân.

PHAN KHÔI

   




Chú thích

  1. Tin văn –  tuần báo, số 1 ra ngày 28/7/1935; số cuối cùng: số 28, ra tháng 11/1936; chủ nhiệm Nguyễn Đức Phong (bút danh: Thái Phỉ); tòa soạn số 2 Hàng Bông, Hà Nội.