Vấn đề hối lộ giữa quan trường

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Vấn đề hối lộ giữa quan trường[1]  (1930) 
của Phan Khôi

Bài đăng trên Trung lập, Sài Gòn, số 6233 (29.8.1930)

Muốn cho quan đừng ăn của dân thì phải làm cho dân đừng đem của tới quan; mà muốn như vậy, lại phải làm cho dân đừng sợ quan mới được

Dạo nầy, cái vấn đề hối lộ giữa quan trường cũng thành ra một vấn đề đem bàn luận giữa hội đồng cải cách. Vì trong các cuộc biến động mới rồi, người ta xét ra những nguyên nhơn của nó cũng có một phần do từ sự quan ăn hối lộ mà ra. Làm thế nào trừ được cái tệ ăn hối lộ đi, ấy tức là đỡ được một điều hại cho dân vậy.

Làm thế nào mà trừ được cái tệ ấy ?

Mới rồi trong báo Đuốc nhà Nam ông Nguyễn Phan Long cũng có bàn đến mà cho là rất khó.

Trong bài đó, ông Long cho sự quan ăn hối lộ của dân hay là dân cho quan ăn hối lộ thì cũng như trong các tiệm cơm phòng ngủ bên Tây, các bạn hàng cho bồi tiền trà nước kêu bằng tiền “pourboire”.

Tiền “pourboie” cho lâu ngày như vậy thành ra cái lệ thì chẳng khác nào của hối lộ mà dân ta đây đem tới cho quan cũng thành ra cái lệ. Cái gì mà nó đã thành lệ rồi, muốn trừ đi, thật là khó thay.

Tuy vậy, nếu quả thật sự đút lót ở xứ ta đây mà chỉ như cái lệ cho bồi tiền trà nước ở bên Tây thì có hại gì mà hòng cải cách ? Một người khách, tới nhà hàng, muốn tụi bồi hầu hạ mình cho tử tế thì cho tiền nó ; với một người có việc tới nha môn, muốn quan làm xong việc mình cho mau thì cho tiền quan, cái đó là do sự bằng lòng mà cho tiền, không có gì là hại lắm. Cái ông quan nào ngửa tay ra lấy đồng tiền ấy, tự coi mình như tụi bồi trong quán cơm, thì ổng tự làm đê tiện cái nhơn cách của ổng ; còn người mất tiền đã bằng lòng mà cho, vì được việc mình mà cho, tưởng cũng chẳng hại là chừng nào.

Duy có ông quan cậy thế mình, đè đầu bóp cổ dân mà ăn tiền, dân không cho tiền thì thù vặt, cái đó mới là hại. Mà cái hại hối lộ ở xứ ta là ở chỗ đó.

Sở dĩ như vậy là tại quan có quyền thế lớn quá, dân sợ quan quá, cho nên đem tiền cho quan ăn là sự cực chẳng đã, không cho không đặng, chớ không phải vui lòng mà cho, để quan làm việc mình cho mau rồi đâu.

Ở đời xưa, dưới chánh thể chuyên chế, mà quan ăn hối lộ thì nên trách quan, vì quan làm cha mẹ dân ; chớ còn ở đời nay, ở xứ Nam kỳ nầy, dưới chánh thể dân chủ của nước Pháp mà quan ăn hối lộ, thì nên trách dân, vì dân không biết luật của nhà nước và quyền của mình.

Trong báo Echo Annamite ngày 27 Mars năm nay có một cái thời sự ở Trà Vinh như vầy:

Ngày kia, thầy Bang biện T. đi với hai vị hương chức tới nhà tên T. V. mà lục soát, nói rằng nhà ấy có chứa bò gian. Soát không đặng gì hết rồi dẫn chủ nhà đi tới nhà hương quản kia mà giam tại đó. Bang biện biểu tên T. V. đưa cho mình mười đồng bạc, không thì làm án. Tên nầy sợ quá mà phải đưa mười đồng bạc trên tay Bang biện ở trước mặt vợ chồng hương quản.

Đó, coi nội chút chuyện đó thì đủ thấy quan ăn hối lộ là vì cậy thế thần của mình, mà dân cho tiền quan, cũng chỉ vì không biết luật phép mà sợ quan quá thể. Một viên Bang biện mà còn dọa dân như vậy để lấy tiền được, huống chi là một ông quan lớn hơn, dân sợ hơn.

Nói rằng trách dân thì thậm phải. Song nghĩ cũng tội nghiệp cho họ, họ có được học hành gì đâu, có ai giảng dạy gì cho họ đâu mà mong rằng họ biết luật nhà nước và biết quyền của mình ?

Ở xứ Nam kỳ, quyền cai trị với quyền tòa án đã chia làm hai lâu rồi, các quan chủ tỉnh, các quan huyện cũng còn không làm án ai được thay, huống gì thầy Bang biện. Vậy mà tên T.V. có biết được cái lẽ ấy đâu, nên nó sợ cũng phải. Mình trách nó thì oan nó.

Nay muốn trừ cái hại hối lộ đi mà làm cách nào, cũng là những cách thuộc về nhánh nhóc hết, duy một cách nầy là trừ đến tận gốc ; ấy là làm thế nào cho dân đừng sợ quan, làm thế nào cho tên T.V. nói trên đó biết rõ rằng thầy Bang biện nọ không có quyền bỏ tù mình nếu mình không có oa trữ bò ăn trộm.

Mới nghe nói làm cho dân đừng sợ quan, chắc có người tưởng việc đó là một việc nguy hiểm lắm, như vậy rồi mất trật tự đi còn gì ? sẽ khó cho việc cai trị biết bao nhiêu ? Nhưng không có đến nỗi vậy đâu. Ở dưới chánh thể công bình, dân kính quan thì có, chớ không có sợ. Kính và sợ khác nhau.

Dân mà kính quan, ấy là đủ giữ được trật tự rồi. Chớ còn bắt dân sợ quan, ấy là bày đường cho quan ăn hối lộ, hà hiếp dân không còn chỗ nói ! Cho nên dân các nước văn minh đối với quan miễn là có kính ; còn mình vô tội thì việc gì sợ quan, mà nếu có tội thì sợ cũng không khỏi.

Tóm lại, hễ dân khôn ra, đủ trí khôn mà biết mình là có tội hay không có tội, và đủ trí khôn mà biết ông quan ấy có trị được tội mình không, thì tự nhiên không đem của tới đút cho quan làm gì, và cái tệ hối lộ sẽ trừ khỏi giữa quan trường.

Bây giờ đây, ai có thể dạy cho dân điều ấy ?

Duy có chánh phủ. Nếu các ngài ở Chánh phủ, quan Toàn quyền cùng quan Thống đốc, xét rõ điều ấy và có thiệt lòng trừ cái tệ hối lộ đi, thì tự các ngài làm dễ như chơi. Các ngài thỉnh thoảng đi các hạt mà diễn thuyết cho dân nghe và cũng cậy các ông hội đồng quản hạt An Nam đem lẽ ấy mà tuyên truyền ra cho dân, hay là ngỏ ý cho các báo quốc ngữ cùng đem lẽ ấy mà chỉ vạch ra cho dân nữa, thì chẳng bao lâu mà dám chắc là kiến hiệu vậy.

Cái hại hối lộ mà đáng lo nhứt là ở chỗ ông quan cậy thế dọa dân, đòi ăn tiền cho được, không được thì thù vặt, cái hạt ấy mới nên trừ. Chớ còn cho tiền để làm mau rồi việc cũng như cho tiền “pourboire” tụi bồi, thì cái đó còn dễ chịu hơn.

T.L.

   




Chú thích

  1. Bài này cũng như mấy bài sau đều ký tòa soạn Trung lập nhưng vẫn tiếp tục các đề tài từ lúc bút chiến với Đuốc nhà Nam, hẳn vẫn do Phan Khôi viết (chú của Lại Nguyên Ân)