Vận ngữ với thơ

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Vận ngữ với thơ  (1939) 
của Phan Khôi

Bài đăng trên Tao đàn, Hà Nội, số 13 (16 Octobre 1939), trang 1057-1064.

(Nói về tập Nhàn Ngâm của ông Tùng Thành Nguyễn Nhún)

Dạo tháng giêng năm nay, một hôm, tôi có tiếp được một cuốn sách của người ta gởi tặng, do nhà dây thép Huế giao cho. Sự ấy với tôi thì cũng thường, nhưng lần này có khác: Cuốn sách gởi cách bảo lãnh,[1] chính tôi phải ký vào sổ của người phát thơ rồi mới nhận được. Chưa vội mở sách ra, tôi còn chịu mất công xem và tính những con tem dán bên ngoài, thấy mất đến bốn hào sáu xu!

Tôi xé niêm với một dáng điệu kính cẩn. Thoạt nhìn tên sách là “Nhàn ngâm”, một tập thơ; tác giả là Tùng Thành Nguyễn Nhún, có đề mấy chữ “biếu” tôi, tôi hơi lấy làm lạ. Ông Nguyễn Nhún, “Tham tá nha Tư pháp Hà Nội”, tôi chưa được hân hạnh quen biết thì sao đối với tôi, ông lại trịnh trọng đến thế?

Tôi giở lia lịa để xem cho biết qua loa nội dung quyển sách thế nào. Đến trang 40, trong một bài thơ, bỗng tôi thấy cái tên tôi ở đó. Thật, con người lỳ, chậm cảm xúc đến như tôi cũng đã khá lắm mà trong phút này tôi không làm sao nhịn được cái ngạc nhiên!

Tôi nói để cho biết tôi lỳ đến bậc nào: Đã thế mà tôi cũng còn chưa chịu đọc ngay bài thơ. Tôi gấp sách lại lẩm bẩm đã: “Việc quái gì đến mình mà ông này lại xách quai nôi mình ra?”

Thì ra bài thơ của ông thế này:

- Công kích thơ mới, đó là cái đề:

Trách bác Phan Khôi khéo rắc rối,
Theo gương Hồ Thích làm thơ mới,
Câu dài câu ngắn chẳng ra sao,
Vần đụp vần đơn nghe thật chối.
Hăng hái, Thị Kiêm diễn thuyết khen,
Nhiệt thành, Thế Lữ lao công mãi.
Phải chăng muốn diễn ý tân kỳ,
Hay tại làm thơ cũ kém giỏi?

Thế là tôi hiểu rồi, tôi không còn lấy làm lạ nữa. Ông Nguyễn Nhún, tác giả sách “Nhàn ngâm” sở dĩ không chịu cẩu thả, cố làm cho cuốn sách của ông phải tới tay tôi chắc như đinh đóng, là chỉ vì trong đó có một bài thơ này mà thôi vậy.

Thế thì lại thành ra một việc có nghĩa lý.  

*

* *

Thừa những lúc nhàn rỗi, tôi bèn đọc suốt tập “Nhàn ngâm” của ông.

Ăn ý với bài thơ trên kia, còn có cái tựa của cuốn sách nữa. Trong tựa, ông nói rằng:

“… Thể thơ tôi đã dùng trong sách này… toàn là những thơ về lối cũ cả, từ ngũ ngôn, thất ngôn, tứ tuyệt, bát cú, luật Đường hay cổ thể, đến những lối hành, lục bát, song thất lục bát, v.v…. Dụng ý của tôi là bày tỏ ra rằng các lối thơ cũ không phải là không đủ để diễn đạt tư tưởng như mấy nhà sính thơ lối mới vẫn thường cho là thế”.

Câu kết bài tựa, ông nói:

“Xem như thế thì thơ lối cũ không đáng bị những lời chê bai của phái sính thơ lối mới, mà cũng có thể diễn đạt tư tưởng của ta một cách đầy đủ được. Trong cuốn sách này tôi hết sức dùng thơ lối cũ để nói về tất cả các vấn đề, bỡn cợt có, đứng đắn có, mà không bao giờ thấy tư tưởng bị hạn chế bởi quy củ. Vì thế nên tôi quả quyết viết bài tựa này và cho quyển sách Nhàn ngâm ra đời”.

Đọc xong cuốn sách mà nhất là bài tựa, lại càng rõ cái sở dĩ ông gởi sách tặng tôi mà lại gởi một cách quá ư cẩn thận. Đại khái ông cho tôi là người đã đề xướng ra thơ lối mới. Bởi vậy, sau khi ông xuất bản một quyển thơ toàn theo lối cũ mà ông tự cho là diễn đạt tư tưởng cũng được đầy đủ, thì tự nhiên, ngoài sự phân phô với độc giả, trước hết ông cần đem mà phân phô với tôi. Ông như muốn nói cùng tôi rằng: “Đây bác xem! Thơ cũ mà như thơ của tôi đây chẳng hay chán đi sao, việc gì bày ra thơ mới cho rắc rối?”

Nếu quả ông có ý như thế thì nó cũng chẳng hại chi, tôi xin thừa nhận là một điều chính đáng. Việc ấy không thành ra vấn đề nữa. Cái vấn đề chỉ ở cuốn sách của ông, tập thơ “Nhàn ngâm” của ông có thật là diễn đạt tư tưởng được đầy đủ không, có khỏi bị hạn chế bởi qui củ không, có xứng đáng làm cây trụ để chống chọi cho thơ lối cũ và làm thầy kiện để vì nó cãi lẽ hay không mà thôi.

*

* *

Thật có như lời ông nói, trong tập “Nhàn ngâm”, các bài toàn theo lối cũ, từ ngũ ngôn cho đến lục bát, song thất lục bát; vả lại nói về tất cả các vấn đề, đùa bỡn có, đứng đắn có, tôi làm chứng cho lời ông không ngoa. Nhưng, một điều thất bại của ông thứ nhất, là những bài trong đó không phải là thơ, ông bị chúng nó đánh lừa mà ông không biết!

Thơ chẳng những là một câu nói có vần, có điệu, mà còn có ý cảnh nữa. Cái ý cảnh có nên thơ thì mới là thơ. Ý cảnh nghĩa là cái cảnh tạo ra bởi cái ý của tác giả. Nó chiếm hết chín phần mười trong câu thơ; không có nó, chỉ có vần và điệu thì thơ không thành.

Đồng thị theo thể lục bát mà câu:

Con mèo con chó có lông;
Cây tre có mắt, nồi đồng có quai,

không phải là câu thơ, vì nó không có cái ý cảnh nên thơ chút nào hết. Nhưng câu:

Gió đưa cây cải về trời,
Rau răm ở lại, chịu lời đắng cay!

thì thật là câu thơ, vì thi nhân lấy ý mình tạo ra một cảnh biệt ly bông lông mà ảo não.

Người ta đã chia văn ra làm hai thứ. Một thứ văn ứng dụng thông thường và một thứ văn “văn học”. Văn ứng dụng thông thường thì cốt ở sự hiểu, hễ hiểu là được. Văn “văn học” chẳng những để hiểu mà còn cốt ở sự đẹp, có đẹp mới cảm người.  Huống chi đến thơ, nó đã ở trong địa phận thứ văn “văn học” rồi, tự nhiên nó còn phải có ý vị văn học nhiều hơn. Theo mấy lẽ trên đó, những câu nói chỉ theo đúng vần đúng điệu mà không có ý cảnh nên thơ, thì phải gọi là gì chứ không gọi là thơ được vậy.

Phải biết thơ là gì như thế trước đã, rồi hãy nói đến thơ lối cũ và thơ lối mới. Chúng ta tranh nhau là ở chỗ ý cảnh; vứt ý cảnh đi thì cũ hay mới cũng chẳng làm chi!

*

* *

Bạn đọc hãy cùng tôi soát qua tập thơ của ông tham tá Tùng Thành một lượt:

Sinh gái đầu lòng:

Non sông đương gặp buổi bình thì[2]
Mừng đốt đầu lòng được nữ nhi.
Việc đỡ, người thêm, là quý hóa,
Ruộng sâu, trâu cái dễ so bì!
Mình đây rượu uống tha hồ nhỉ,
U nó trầu ăn chẳng thiếu chi.
Rày hãy kiên tâm nuôi nấng đã,
Ngày sau sẽ dạy đạo Vu quy.

Sinh trai thứ tư:

Mừng nay thêm được thằng cu Bốn,
Ta đặt tên cho là Nguyễn Tuân.
Mong những sau này khi đã lớn,
Biết làm con, lại biết làm dân.

Được tăng lương, đúng hạn lên ngay:

Thăng thưởng kỳ này lại có tên.
Dẫu khao tốn mấy cũng rằng nên.
Vì chưng đến hạn nhiều anh đến,
Mà được lên ngay mấy kẻ lên.
Kinh tế dù đương khi gặp quẫn,
Lợi quyền không bị chút nào quên.
Ăn mừng ta quyết đi tom chát,
Kén những cô đào thực có duyên.

Thơ của ông đại khái bài nào cũng như thế cả. Sao thêm ít chục bài nữa thì cũng chỉ có thế. Nói rằng không có ý thì không đến nỗi: tôi chỉ trách hết thảy những ý của ông chẳng một cái nào là nên thơ.

Nếu nói bởi những cái đầu đề ấy nạc quá, không làm sao có ý hay nên thơ được, thì đây, ta hãy xem những bài thuật hoài, vịnh cảnh, là những bài thi nhân có thể làm hay đến đâu cũng được tùy tài lực mình.

Tự trào:

Thấm thoát gần hàm bốn chẵn rồi,
Mà ra vẫn chẳng thấy bằng ai.
Rừng Âu chim chích còn bay mỏi,
Bể Á con thuyền chẳng vượt khơi.
Sự nghiệp hứa mười chưa được một,
Công danh tưởng cố hóa ra lười,
Thế mà vẫn tự cao kia đấy,
Tự mệnh trung tâm cả đất trời.

Núi Tử Trầm

Nghe nói danh sơn ngọn Tử Trầm,
Tiện xe ta cũng ghé qua thăm.
Hang như lồng oản không tra đáy,
Chùa mới thay nền được ít năm.
Nọ tháp bà Trần quyên vật lực,
Kìa bia quan Thiếu giúp hằng tâm.
Phía nam núi có nơi bàn thạch,
Xưa cụ Trâu Canh vẫn thích nằm.

Thu sang nhớ tình nhân:

Năm xưa nhớ cũng tiết thu sang,
Đi ngụ xui nên được biết nàng,
Ý hợp tâm đầu ngay buổi mới,
Ân trao ái đổi mấy năm trường.
Xướng tùy những tính đường sum họp,
Xa cách nào ngờ việc dở dang.
Từ đó không hề phen tái ngộ,
Khiến ta, thu đến lại mơ màng

Trong tập của ông có lẽ mấy bài mới trích đây là có giọng thơ hơn hết. Nhưng cũng vẫn hiềm vì không có ý cảnh, vẫn không nên thơ. Còn cái chỗ này thì chưa trách đến: Ông có ý nào ông nói toạc ra là hết, nên câu thơ đọc xong không có tiếng “ngân”. Thứ thơ này, người thường ví với thứ chè dở, uống không thấy có “hậu”.

Xem chừng ông Tùng Thành đắc ý nhất là mấy bài trường thiên theo thể hành mà ông kêu là “truyện ngắn”, như những bài “Một cảnh đáng thương”, “Thờ lý tưởng”, “Đoản hận ca”.

Những tài liệu này có lẽ là tốt lắm cho tay hay thơ, bất luận là thơ cũ hay thơ mới. Nhưng vào tay ông thì cũng vẫn kém. Chỗ kém đại để là vì lời rườm và sức non.

Mấy bài này dài quá, không thể sao hết được. Tôi thử trích một vài câu ra đây.

Một cảnh đáng thương: mở đầu:

Một hôm tôi có việc lên phố.
Cao hứng tôi đã định cuốc bộ.
Vì mới buổi sáng lại dâm trời,
Đi chân cũng là một cái thú.

Hai câu sau thật là lố bịch! Đi bộ thì cứ việc mà đi bộ, ai bảo mình cắt nghĩa tại làm sao. Thi nhân đại để không nên cắt nghĩa những cử động của mình, đã cắt nghĩa thì không còn là thơ nữa. Thế thành ra lời rườm.

Bài Đoản hận ca nếu thúc lại thì ý nhặt hơn, nay ông làm dài đến 80 câu thất ngôn, thành thử nó rời rạc quá, như bà lão kể chuyện. Bài Thờ lý tưởng cũng vậy. Cũng vì rườm mà hóa ra mất sức.

*

* *

Thơ của ông Nguyễn Nhún tôi đã bảo không phải là thơ, thế thì là gì?

Nó là một thứ vận ngữ, nghĩa là những câu nói có vần.

Thơ với vận ngữ khác nhau: Thơ phải có ý cảnh, phải đẹp, phải cảm người. Còn vận ngữ không cần có những cái ấy, nó chỉ để cho người hiểu, để cho tiện lắp đi lắp lại và dễ nhớ, vì nó có vần.

Trong sách thuốc, những cái phương thang có nhiều vị khó nhớ thì người ta thường làm ra câu ca để đọc cho nhớ. Những ngôi sao trong sách số Tử vi cũng vậy. Cái công dụng của vận ngữ chỉ có thế thôi. Những bài thơ trong tập “Nhàn ngâm” không đến như vậy, những nó cũng chỉ là một thứ vận ngữ.

Tôi viết bài này không có ý để dìm thơ của ông Tùng Thành xuống. Ông đừng tưởng vậy. Mà nếu thơ ông hay, thì tôi có tài gì dìm nổi?

Tôi chỉ nói thật, thấy sao nói vậy, để người khác khỏi hiểu lầm những điều nói trong bài tựa của ông.

PHAN KHÔI

   




Chú thích

  1. Gửi cách bảo lãnh: gửi thư bảo đảm, thư ghi số, thuộc loại hình dịch vụ bản đảm (recommande) của ngành bưu điện.
  2. Nguyên chú: Trai thì loạn, gái thì bình (là cơ hội tốt).