Bước tới nội dung

Về việc Tàu rời đô

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Về việc Tàu rời đô  (1932) 
của Phan Khôi

Bài đăng trên Trung lập, Sài Gòn, số 6660 (19. 2. 1932)

Nói cùng Công luận

Vừa rồi tôi có viết trong Trung lập nói về chuyện nước Tàu dời đô. Dời đô đến hai lần mà lại nhè trong lúc đương đánh với Nhựt, bởi vậy không khỏi có kẻ ngờ là cái điềm chiến bại. Người thường mà ngờ vậy chẳng nói làm chi: đến nhà làm báo đời nay mà cũng ngờ điều đó nên tôi phải viết ra để giải thích  cho người ta.

Kêu bằng nhà báo đó có phải ám chỉ quý báo Công luận hay không, cái đó là quyền riêng của tôi, nói vô phép, dầu tòa án đi nữa cũng không thể can thiệp tới. Vậy mà bên Công luận, ông Võ Khắc Thiệu lại nhận rằng đó là tôi chỉ Công luận mà nói, nên có viết bài cãi lại.

Bài ấy của Công luận, đăng trong số ra bữa 18 Février, mà rao trước một ngày ở trang thứ nhứt của báo ấy, lại trong những tờ quảng cáo bán báo dán khắp Sài Gòn cũng dừng thứ chữ thiệt lớn tướng để nêu ra. Chi thứ cái việc chẳng gì cho lắm mà cũng chẳng cọ đến da mình, cớ sao lại làm ra quan hệ thể ấy? Người ta nói rằng ấy chẳng qua một cái thủ đoạn vặt của quý báo Công luận mà hình như cũng là của nhà nghề.

Họ nói các ông Võ Khắc Thiệu mới vào làm cho tờ Công luận là tờ báo trầm trệ mấy tháng nay, như người đã lười lại mệt, lúc lắc và kêu mấy cũng không thèm ừ hữ. Muốn cho nó sấn sướt lên một chút, vừa ưa gặp cái bài của tôi, dầu chẳng kêu các ổng ra mà nói, các ổng cũng hứng lấy để có gây ra một cuộc tranh biện mà chơi. Chơi ấy là nói cho lịch sự chớ kỳ tình là gây ra một cuộc tranh biện để làm lợi cho tờ báo lừ đừ của các ổng.

Tôi mà viết bài trả lời, có thể nói rằng ấy là tôi hay Trung lập mắc mưu. Nhưng nếu nghĩ vậy thì hẹp bụng quá, tôi chẳng khi nào nghĩ vậy. Người ta nếu quả thiệt có lòng làm như mấy lời đã móc đến tim đen ra trên đó thì mình há lại hẹp gì mà chẳng giúp một tay cùng bạn đồng nghiệp?

Cái bài bàn về sự chánh phủ Tàu dời đô đó, ông Võ Khắc Thiệu cho là tôi đã nghĩ sai lầm. Những là sai lầm về lý luận, về đức tin chi chi đó, những điều ấy, tôi rất không bằng lòng còn cãi cọ với ông làm chi nữa. Bởi vì trong bài ấy của tôi nói đã rõ lắm, bây giờ có nói nữa bằng chỉ thế mà thôi, vả lại cái nghề nói qua nói lại thì cứ có chuyện mà nói hoài, chẳng biết bao giờ là cùng.

Thụt lùi một bước, tôi chịu sai lầm đi cũng được; làm vậy là để cho ông Võ Khắc Thiệu chẳng còn có dịp gì mà nói được nữa! Còn tôi, tôi cũng chỉ viết về việc đó một bài nầy mà thôi, bởi giúp nhau không có thể được nhiều!

Nói thế cho vui câu chuyện, chớ cái lý thuyết của tôi, tôi cầm quyết bề nào rồi cũng sẽ được thắng. Có điều cái ngày thắng nó còn xa, hoặc ở một đôi tháng nữa, hoặc ở năm bảy tháng nữa, lâu lắm hoặc ở đến sau một năm nữa, khi nào cái cuộc chiến tranh Huê-Nhựt ngày nay nó đã thành ra lịch sử, khi ấy mới có chứng cứ vững chãi cho người ta tin cái thuyết của tôi. Tôi xin cáo ông Võ Khắc Thiệu đến lúc bấy giờ cũng chớ có giả đò làm lơ đi mà không nhớ.

Có một điều nên nói nữa, là trong bài ông Võ Khắc Thiệu có chỗ tỏ ý nghi ngờ rằng cái cuộc chiến tranh Huê-Nhựt hiện thời là giả chớ không phải thiệt. Cái luận điệu ấy trước rày cũng cũng đã thấy trên tờ Công luận một vài lần rồi, cũng hay!

Vì cớ gì mà dám ngờ cuộc chiến tranh nầy là giả? Trong bài ông Võ Khắc Thiệu có hé ra cái ý rằng không tiện nói ra cho hết; nhưng có cần nói ra cho hết làm chi, nội một câu kết luận (nghi là giả) đó cũng đủ rồi, không cần phải nói cho hết ý.

Dầu ông được phép nói, dầu ông có quyền phô diễn mồn một cái hiện tình chánh trị trên thế giới mà không ai thèm bụm miệng ông hết là cái giả thuyết ấy của ông cũng không thể thành lập được, tôi nói cho ông Võ Khắc Thiệu biết.

Hay  hồ nghi, ấy là sự phải có, nhứt là phải có cho người biết học ở đời nầy. Nhưng mà cái nghi phải theo việc; có việc không đáng nghi mà nghi thì người ta cười cho.

Tôi cũng như ông, không tiện nói cho hết cái lẽ tại làm sao mà cuộc chiến tranh nầy là việc thiệt, không thể nghi: tôi chỉ nhắc lại một cái nghi đáng nực cười cho ông nhớ là đủ.

Lúc cái án đường Barbier phát ra, bấy giờ chính ông Võ Khắc Thiệu chớ ai, viết bài trên báo Thần chung mà hồ nghi về vụ ấy. Ông nghi rằng đó là sở mật thám trang tác ra, kéo một cái thây ma nào ở nghĩa địa gần đó vào căn phố ấy cho nên mới đốt mặt đi cho người ta không nhìn được.

Tôi còn nhớ ông đem cái thuyết ấy mà nói bô bô lên tại nhà tôi – phải, nhà tôi – nữa, tôi chỉ cười thầm cho ông mà thôi. Sau rồi cái án ấy trắng ra, có tang có chứng đành rành, ông mới lì lì mà làm thinh, và bao nhiêu người phụ họa cái thuyết của ông cũng làm thinh hết. Thế nhưng cái lầm "vô duyên thúi" của ông đó nó là một bài học cho ông, sao ông không tỉnh ngộ đi mà bây giờ cũng còn nghi như vậy nữa? Tôi nói bấy nhiêu là đủ rồi.

PHAN KHÔI