Viên mỡ bò/Chương 1
Suốt mấy ngày liền từng mảng binh đoàn tan rã diễu qua thành phố. Họ không còn là quân đội nữa, mà là những người ô hợp tán loạn. Người nào người nấy râu dài nhem nhuốc, quân phục rách nát, họ uể oải tiến bước, chẳng có cờ, cũng chẳng thành cơ ngũ gì hết. Tất cả đều như rã rời, kiệt sức, chân đi chỉ là vì quen thuộc, và hễ cứ đứng lại là khuỵu xuống vì mệt lữ. Người ta thấy nhiều nhất là lính động viên, những con người vốn ưa bình an, sống yên ổn với lợi nhuận hàng năm, lưng còng xuống vì súng đạn nặng
.Những chú vệ động nhỏ lanh lợi, dễ hoảng sợ và cũng mau phấn khởi, sẵn sàng tấn công cũng như sẵn sàng chạy trốn.Rồi, giữa đám người đó là vài cậu quần chẽn đỏ, tân quân của một sư đoàn bị nghiền nát trong một trận lớn, những pháo thủ rầu rĩ đi cùng hàng với đám bộ binh tạp nham ấy và thỉnh thoảng lại thấy lấp lánh chiếc mũ sắt của một chú lính đầu rồng chân nặng, vất vả lắm mới theo được những anh lính bộ dáng đi nhẹ nhàng hơn.
Rồi đến lượt các đoàn quân nghĩa dũng mang những tên oai hùng:“Quân rửa thù thất trận- Công dân cảm tử- Quyết tử quân” diễu qua trông như bọn kẻ cướp.
Cấp chỉ huy của họ, trước đây là những tay buôn da hoặc ngũ cốc, những anh bán mỡ bò hoặc xà phòng, chiến sĩ nhất thời, được làm sĩ quan chỉ vì đồng tiền của họ hoặc vì bộ ria mép dài, trên mình đầy vũ khí, dạ mềm với lon quan.Họ nói oang oang, bàn luận kế hoạch tác chiến và cho rằng chỉ có mình họ chống đỡ nước Pháp đang hấp hối trên vai anh hùng rơm của họ. Song đôi khi họ lại sợ quân lính của chính mình, dân đầu trộm đuôi cướp, thường liều lĩnh bạt mạng, quen cướp phá và trác táng.
Người ta đồn quân Phổ sắp tiến vào thành Ruăng.
Đoàn Dân vệ từ hai tháng nay mở những cuộc thám thính rất thận trọng vào các rừng lân cận, đôi khi bắn phải cả quân canh cửa của chính mình, và chuẩn bị chiến đấu cả mỗi khi một chú thỏ con động đậy trong bụi rậm, thì ai nấy đã trở về nhà. Vũ khí, đồng phục, với tất cả mớ đồ để giết người, mới đây còn làm cho những trụ cây số trên các đường quốc lộ quanh vùng ba dặm trông thấy cũng phát hoảng, bỗng chốc vụt biến đi đâu mất.
Sau hết, những người lính Pháp cuối cùng vượt qua sông Xen để về Pông-Ođơme theo đường Xanh-Xove và Buôc-Asa; và sau tất cả mọi người, là vị tướng chỉ huy đi bộ, giữa hai viên sĩ quan hầu, vẻ tuyệt vọng, không còn thi thố được gì với đám tàn quân tan tác này nữa, vì chính hắn cũng bàng hoàng trong cảnh tan rã lớn của một dân tộc vốn quen chiến thắng và nay bị đại bại thảm khốc mặc dầu dân tộc đó vẫn có một truyền thống anh dũng truyền kỳ.
Rồi một bầu không khí vô cùng yên tĩnh, một sự đợi chờ kinh hoảng và lặng lẽ bay lượn trên thành phố. Nhiều anh tư sản bụng phệ, mà nghề buôn đã trở nên hèn đớn, lo lắng đợi những kẻ chiến thắng và run lên cầm cập vì sợ người ta coi những cái xiên thịt quay hoặc những con dao lớn làm bếp của họ là vũ khí.
Cuộc sống dường như ngừng lại, các cửa hiệu đóng cửa kín mít, phố xá câm lặng. Thỉnh thoảng một người dân, sợ vì sự im lặng đó, len lén đi men theo các bờ tường.
Nỗi khắc khoải lo âu của đợi chờ khiến người ra mong quân thù mau đến cho xong.
Quân đội Pháp rút đi hôm trước thì quá trưa hôm sau vài tên kỵ binh xung kích, không biết từ đâu chui ra, vụt qua thành phố rất nhanh. Rồi, sau đó một chút, một đám quân đông đặc từ trên đồi Nữ thánh Catơrin tràn xuống trong khi hai đợt sóng xâm lăng khác xuất hiện trên các đường đi Dacnêtan và Boa Ghiôm. Tiền đội của ba binh đoàn, đúng vào cùng một lúc, liên lạc với nhau ở quảng trường tòa thị sảnh và từ khắp các phố lân cận, quân Đức đổ tới, đội ngũ diễu hành, bước nhịp đều, nện gót choang choang trên mặt đường đá tảng.
Những hiệu lệnh hô bằng một giọng lạ tai, ồm ồm cất lên dọc theo các căn nhà dường như chết và vắng lặng, trong khi, ở sau cửa chớp đóng kín, những con mắt đang rình ngó những người chiến thắng ấy, chủ nhân của đô thị, của mọi tài sản và sinh mệnh, chiếu theo “luật chiến tranh”. Trong các buồng tối âm u, dân thành phố đang hốt hoảng như khi có thiên tai, những biến động tàn khốc lớn của trái đất mà bất cứ sự khôn ngoan nào, sức mạnh nào đối phó lại cũng đều vô ích. Vì cũng vẫn cái cảm giác ấy lại xuất hiện mỗi lần trật tự sự vật bị đảo lộn, an ninh không còn nữa, và tất cả những gì vốn được luật pháp của loài người hoặc qui luật tự nhiên che chở, thì nay đều bị phó mặc cho một sự tàn bạo vô ý thức và hung dữ. Trận động đất đè bẹp cả một dân tộc dưới những nhà cửa đổ sụp, con sông tràn bờ cuốn theo bao nông dân chết đuối cùng với xác bò và giầm xà bị rứt tung khỏi mái nhà, hoặc đoàn quân chiến thắng tàn sát những người dám tự vệ, bắt những người khác làm tù binh, ỷ vào thế lưỡi gươm để cướp phá và cảm tạ một vị thượng đế nào đấy bằng tiếng đại bác.Tất cả những cái đó đều là những tai ương khủng khiếp làm đảo lộn mọi tin tưởng vào Công lý vĩnh cửu, tất cả lòng tin mà người ta vẫn dạy bảo xưa nay vào sự che chở của Trời và lý tính của con Người.
Song có những đơn vị nhỏ đến gõ cửa từng nhà, rồi biến vào bên trong. Đó là cảnh chiếm đóng sau cuộc xâm lăng. Bắt đầu từ giờ, những kẻ bị thua có bổn phận phải tỏ ta niềm nở đối với kẻ thắng.
Một thời gian sau, khi nỗi khiếp sợ ban đầu đã qua, một cảnh yên tĩnh mới được thiết lập. Trong nhiều nhà, tên sĩ quan Phổ ăn cùng với gia đình. Cũng có khi hắn là người có giáo dục, và vì lễ độ, hắn ái ngại cho nước Pháp, nói lên lòng chán ghét phải tham gia cuộc chiến tranh này. Người ta biết ơn hắn vì chút tỏ tình đó vả chăng, có thể một ngày nào đấy người ta sẽ cần đến sự che chở của hắn. Nương nhẹ hắn biết đâu chẳng được bớt đi vài người phải nuôi ăn. Và tại sao lại làm phật ý một kẻ mình phải hoàn toàn tùy thuộc vào chứ? Làm như vậy chẳng phải là dũng cảm gì mà chỉ là liều lĩnh.Và sự liều lĩnh chẳng còn là một khuyết điểm của dân Ruăng, như thời thành phố của họ đã nổi danh trong những cuộc chiến đấu anh dũng chống ngoại xâm.Sau hết người ta tự nhủ, và đây là lý do tối cao căn cứ vào tính lịch sự của người Pháp, rằng ở trong nhà thì rất được phép có lễ độ miễn là ra nơi công chúng đừng có vẻ thân tình với lính ngoại quốc. Ra ngoài thì không quen biết gì nhau nữa, nhưng ở nhà thì họ vui lòng trò chuyện, và tên Đức bữa tối lại ngồi lâu hơn để sười lò sưởi chung
Thành phố dần dần trở lại quang cảnh bình thường. Người Pháp còn ít bước chân ra ngoài nhưng lính Phổ thì lúc nhúc trên các đường phố. Vả chăng bọn sĩ quan khinh kỵ áo lam ngạo nghễ kéo lê trên mặt đường những khí cụ lớn để giết người, đối với các công dân thường hình như cũng không tỏ vẻ khinh bỉ gì quá lắm so với bọn sĩ quan bộ binh năm trước cũng uống rượu ở các quán cà phê ấy.
Tuy nhiên vẫn có cái gì trong không khí, một cái gì tinh vi và mới lạ, một bầu không khí ngoại lai không chịu được, như một mùi gì lan rộng, cái mùi ngoại xâm. Nó tràn vào đầy các nhà và các quảng trường, thay đổi vị các món ăn, cho người ta có cảm giác như đi xa, xa lắm, đến xứ sở của những bộ lạc man rợ và nguy hiểm.
Những kẻ chiến thắng đòi hỏi tiền, rất nhiều tiền. Dân thành phố vẫn cứ trả, vả chăng họ cũng giàu. Song một anh lái buôn miền Normăngđi càng trở nên giàu có bao nhiêu thì mỗi hy sinh, mỗi tí chút của cải của họ chuyển sang tay kẻ khác lại làm họ đắng cay bấy nhiêu.
Nhưng dọc theo dòng sông, phía dưới thành phố hai dặm, về phía Croatxê, Đieppơzalơ, hoặc Bietxa, các thủy thủ và những người đánh cá thường lôi từ đáy sông lên một vài xác bọm Đức trương phềnh trong bộ quân phục,bị giết bằng một nhát dao hay một miếng đá ác hiểm, đập đầu bằng một tảng đá, hoặc bị đẩy từ trên một chiếc cầu cao xuống nước. Bùn dưới sông vùi kín những cuộc trả thù bí mật, tàn bạo và chính đáng ấy, những hành động anh hùng không ai biết, những cuộc tấn công thầm lặng, nguy hiểm hơn những trận chiến đấu giữa thanh thiên bạch nhật và không có tiếng vang lừng lẫy của vinh quang.
Vì lòng căm thù kẻ ngoại bao giờ cũng võ trang cho một vài người quả cảm sẵn sàng chết vì một lý tưởng.
Sau cùng, vì những kẻ xâm lăng, tuy bắt thành phố phải chịu cái kỷ luật hà khắc của chúng, nhưng chưa hề làm một việc gì giống những điều kinh khủng như tiếng đồn lừng lên là chúng đã phạm suốt dọc đường tiên quân chiến thắng cho nên người ra cũng mạnh dạn dần, và sự cần buôn bán lại khiến các thương nhân phải băn khoăn, suy tính. Một vài người có những quyền lợi lớn vướng mắc ở Lơ Havrơ do quân Pháp đóng, họ muốn thử tới cảng đó bằng cách đi đường bộ đến Đieppơ, rồi từ đấy xuống tàu.
Người ta lợi dụng bọn sĩ quan Đức mà người ta quen, và xin được của viên tướng tổng tư lệnh một giấy thông hành.
Vậy là sau khi đặt thuê một cỗ xe lớn bốn ngựa cho cuộc hành trình ấy, với mười người ghi tên ở nhà chủ xe, họ quyết định ra đi vào một buổi sớm thứ ba, trước lúc trời sáng, để tránh sự tụ tập đông người.
Giá rét ít lâu nay đã làm mặt đất rắn lại, và hôm thứ hai, vào khoảng ba giờ sáng, những đám mây đen lớn từ phương bắc đem tuyết đến, tuyết rơi không lúc nào ngớt suốt chập tối và suốt đêm.
Đến bốn giờ rưỡi sáng, các hành khách họp nhau trong sâu lữ quán Normăngđi để lên xe
Họ đều còn ngái ngủ, và rét run cầm cập dưới làn chăn mềm.Trong đêm tối họ không trông thấy rõ nhau, và mớ quần áo rét nặng, mặc lồng mấy lớp, làm cho tất cả những thân hình kia chẳng khác gì những cha cố bụng phệ, mặc áo thầy tu dài thượt. Nhưng hai người đàn ông nhận ra nhau, một người thứ ba đến gần họ, và họ trò chuyện: “Tôi đem nhà tôi theo, một người nói. –Tôi cũng thế, -Cả tôi cũng vậy”. Người thứ nhất nói thêm: “Chúng tôi sẽ không trở về Ruăng làm gì, và nếu quân Phổ đến gần Lơ Havrơ thì chúng tôi sẽ sang Anh”. Tất cả đều có những ý định như nhau, vì tính chất họ giống nhau.
Tuy nhiên không thấy người ta thắng xe. Thỉnh thoảng một chiếc đèn kính nhỏ do một bác mã phu xách, ló ra ngoài khuôn cửa tối om để rồi lại biến ngay vào trong một cửa khác. Tiếng chân ngựa giậm xuống đất, nghe êm đi vì có lớp phân ổ lót chuồng và ở cuối ngôi nhà có tiếng người nói với súc vật, vừa nói vừa rủa. Một tiếng nhạc ngựa nhè nhẹ báo hiệu người ta đang soạn yên cương, không mấy chốc thứ tiếng nho nhỏ ấy rung lên rõ và rền nhịp theo cử động của con vật, đôi khi ngừng lại, rồi lại dội lên đột ngột, kèm theo là tiếng móng sắt ngựa nện xuống đất lộp cộp.
Cánh cửa bỗng nhiên đóng sập lại. Mọi tiếng động đều im bặt. Mấy người thị dân rét cống không trò chuyện nữa: họ đứng yên, người cứng đờ.
Một màn bông tuyết trắng mịt mù óng ánh không ngừng trong khi rơi xuống đất, xóa các hình thù, rắc lên mọi vật một lớp bọt băng, và trong cái im lặng mênh mông của thành phố yêm tĩnh, chìm đắm trong mùa đông, chỉ còn nghe thấy cái thứ tiếng lao xao mơ hồ và chơi vơi của tuyết rơi, không biết gọi đó là gì cho được, một cảm giác đúng hơn làm một tiếng động, sự xáo trộn của những vật li ti nhẹ bổng hình như tràn ngập không gian, bao phủ thế giới.
Người đàn ông lại ló ra với chiếc đèn kính, tay cầm dây thừng lôi một con ngựa buồn thỉu chẳng chịu cất bước. Bác ta đặt ngựa đứng sát cán xe, buộc các dây kéo, vòng đi vòng lại quanh xe hồi lâu để gò chắc yên cương, bác chỉ dùng được có một tay, tay còn lại xách đèn. Khi sắp sửa đi tìm con ngựa thứ hai, bác chợt nhận thấy đám hành khách đứng khong nhúc nhích, người đã trắng xóa vì tuyết, bác liền bảo họ: “Tại sao các ông các bà không lên xe mà ngồi? Ít ra cũng còn tránh được tuyết”.
Hẳn là họ đã không nghĩ tới điều đó, thế là họ hấp tấp lên xe. Ba người đàn ông cho vợ ngồi vào trong cùng, và bước lên sau, rồi những người khác, bóng dáng mờ mờ, không rõ hình thù, cũng lần lượt ngồi vào chỗ còn lại, chẳng nói với nhau một lời.
Sàn xe có rải rơm, chân họ thúc vào đó. Các bà ngồi ở trong cùng, vì cổ mang theo những lồng ấp nhỏ bằng đồng với một thứ than hóa học, liền đốt lên, và trong chốc lát họ thì thào kể ra những cái tiện lợi của lồng ấp, nhắc lại với nhau những điều họ đã biết từ lâu.
Sau cùng, xe đã thắng xong, với sáu chứ không phải bốn ngựa vì phải kéo nặng hơn, một tiêng nói bên ngoài hỏi: “Mọi người lên xe cả chưa?” Một tiếng nói bên trong đáp: “Lên cả rồi” Thế là người ta lên đường.
Xe đi chầm chậm, chầm chậm, thủng thỉnh bước một. Bánh xe lún xuống tuyết, thùng xe rền rĩ, kêu răng rắc.Mấy con ngựa trượt chân, thở phì phò, hơi bốc trên mình, và chiếc roi to tướng của bác xà ích không ngừng quất đen đét tứ phía, xoắn vào rồi lại mở ra như một con rắn mỏng mình, và đột nhiên quất vào một cái mông béo bẫm, khiến cho nó căng lên vì sức mạnh hơn.
Nhưng trời sáng dần dần từ lúc nào không biết. Những bông tuyết nhẹ mà một du khách, vốn là dân Ruăng chính cống, gã ví với một trận mưa bông, không còn rơi nữa. Một thứ ánh sáng bẩn, lọt qua những đám mây lớn, đen và nặng, làm cho màu trắng của đồng quê càng rực rỡ hẳn lên; đó đây xuất hiện một hàng cây to phủ đầy sương giá hoặc một túp lều tranh, mái phủ kín tuyết trông như cái mũ chóp.
Trong xe, dưới ánh sáng ảm đạm của buổi bình minh ấy, mọi người tò mò nhìn nhau.
Ở tận trong cùng, chiếm những chỗ tốt nhất và đang ngủ gà ngủ gật trước mặt nhau, là hai vợ chồng Loadô, nhà buôn rượu vang ở phố Cầu Lớn.
Nguyên là tài công cho một người chủ bị phá sản trong kinh doanh, Loadô đã mua lại cửa hiệu của chủ và trở nên giàu có. Hắn bán rượu vang mạt hạng thật rẻ cho các cửa bài nhỏ ở thôn quê, và những người quen biết cùng là bạn hữu hắn vẫn coi hắn là một gã bịp bợm quỉ quyệt, một anh chàng Normăng chính cống, lắm mưu một quỷ quyệt và vui tính.
Hắn lừng tiếng ăn cắp đến nỗi, một buổi tối kia, ở dinh quận trưởng, ông Tuôcnen, tác giả những bài ngụ ngôn và ca vè, một người có đầu óc châm biếm sâu cay và tế nhị, một danh nhân của địa phương, thấy các bà chơi trò “Chim Bay”, chính hai tiếng đó cũng bay qua các phòng khách khác trong thành phố, làm cho toàn tỉnh cười bò ra suốt một tháng ròng.
Ngoài ra Loadô còn nổi tiếng vì những trò tinh nghịch đủ kiểu, những câu bông đùa hay hoặc dở của hắn, và hễ nói đến là không ai không chêm ngay tức khắc: “Cái thằng cha Loadô ấy thật không chê được!”.
Người hắn nhỏ bé, bụng hắn phưỡn ra tròn như quả bóng, bên trên là một bộ mặt đỏ tía giữa hai chòm râu má đã hoa râm.
Vợ hắn, to lớn, khỏe mạnh, rắn rỏi, tiếng nói oang oang và ý định mau lẹ, là người cầm cân nảy mực trong các cửa hiệu mà sự hoạt động vui vẻ của hắn thúc đẩy cho thêm náo nhiệt.
Ngồi bên cạnh họ, trịnh trọng hơn, thuộc một giai cấp cao hơn, là ông Carê Lamađông, một người tai mắt, có địa vị trong ngành kinh doanh bông, chủ ba nhà máy dệt, đệ tử đảng Bắc đẩu bội tinh và có chân trong Hội đồng hàng quận. Suốt thời kỳ Đế chính, ông ta vẫn là thủ lĩnh của phái đối lập ôn hòa, chỉ cốt để được đền bù đắt giá hơn sau này khi ông ngã theo cái chính thể mà ông đã đấu tranh chống lại bằng những vũ khí lịch sự theo lối nói của chính ông. Bà Carê Lamađông, trẻ hơn chồng nhiều, vẫn còn là nguồn an ủi của những sĩ quan con nhà dòng dõi về đồn trú ở Ruăng.
Bà ta ngồi đối diện với chồng, trông thật là bé nhỏ, thật là kháu khỉnh, thật là xinh đẹp, co ro trong những bộ lông thú và chán ngán nhìn cái thùng xe tồi tàn, thảm hại.
Ngồi bên cạnh bà, vợ chồng bá tước Huybeđơ Brêvin là những người mang một trong những dòng họ kỳ cựu nhất và quý phái nhất xứ Normăngđi. Vốn là nhà quý tộc già phong thể đường bệ, dáng người tự nhiên giống vua Henry đệ tứ, bá tước lại cố ăn mặc thật khéo léo để mình thêm giống nhà vua hơn, vì theo một truyền thuyết vẻ vang cho gia đình, nhà vua, đã làm cho một phu nhân trong họ Brêvin có mang, khiến đức phu quân vì thế mà được phong bá tước và làm tổng trân một tỉnh.
Đồng nghiệp với ông Carê Lamađông tại Hội đồng hàng quận, bá tước Huybe đại diện cho phái bảo hoàng Orlêăng ở trong tỉnh. Chuyện ông kết hôn với con gái một chủ tàu nhỏ ở Năng-tơ đến nay vẫn còn ví là điều khó hiểu. Song vì bá tước phu nhân có phong cách đại gia, biết tiếp khách giỏi hơn ai hết, lại có tiếng là đã được một hoàng tử của đức vua Luy-Philip yêu dấu, cho nên tất cả giới quý tộc đều hoan nghênh bà, và phòng khách của bà vẫn là đứng đầu trong xứ, nơi độc nhất còn giữ vẻ hào hoa phong nhã cũ, và được lui tới đó không phải là chuyện dễ dàng.
Người ta đồn gia sản nhà Brêvin toàn là của chìm, lên tới năm mươi vạn quan lợi tức.
Sáu người ấy ngồi ở trong cùng họp thành giới xã hội có tiền của, thanh thản và thế lực, những người lương thiện đáng mặt, sùng đạo và sống có nguyên tắc.
Do một sự tình cờ kỳ lạ, tất cả các bà đều ngồi cùng một ghế; và bên cạnh bà bá tước còn có thêm hai bà phước ngồi lần những chuỗi tràng hạt dài, nhẩm đọc kinh Lạy cha và Kính mừng. Một bà thì già, mặt rỗ nhằng rỗ nhịt và bệnh đậu mùa, tựa như bị một loạt đạn gHém bắn thẳng vào ngay giữa mặt. Còn bà kia rất ẻo lả, mặt nom xinh xắn và ốm yếu với bộ ngực ho lao, bị vạc dần đi vì một lòng sùng tín mãnh liệt thường tạo nên những con người tử vì đạo và những con người được thần cảm.
Đối diện với hai bà phước có một người đàn ông và một người đàn bà khiến mọi người đều chú ý.
Người đàn ông rất nhiều người biết, là Corhuyđê dân chủ, nỗi kinh hoàng của tất cả những hạng người đứng đắn. Đã hai mươi năm nay y nhúng bộ râu đỏ kệch của y vào những cốc vại của mọi tiệm cà phê dân chủ. Cùng với các anh em bạn hữu, y đã phá tan một gia tài khá lớn thừa hưởng của ông bố, vốn là một nhà làm mứt kẹo, và y sốt ruột đợi chờ nền cộng hòa để có được cái địa vị xứng đáng với biết bao khoản tiêu xài cách mạng như thế. Ngày mồng bốn tháng chín, có lẽ lo một trò đùa nghịch, y đã tưởng mình được bột nhiệm quận trưởng nhưng khi y muốn đến nhận chức thì các nhân viên chạy giấy, những người độc chiếm trụ sở lúc bấy giờ, y đã lo tổ chức chống lại quân thù với một lòng hăng hái không ai bì kịp. Y đã cho đào hố ở cánh đồng, ngả hết các cây con của những rừng lân cận, đặt cạm bẫy trên tất cả các nẻo đường, và khi quân thù sắp kéo đến thì, hài lòng vì công cuộc chuẩn bị đó, y vội vã rút về thành phố. Bây giờ y nghĩ rằng đến Lơ Havrơ y sẽ giúp ích được nhiều hơn, vì ở đấy rồi đây hẳn là cần phải có những công sự phòng ngự mới.
Người đàn bà, thuộc hạng người ta gọi là điếm đàng, nổi tiếng vì cái thân hình sớm đẩy đà khiến cô ta đi được đặt tên là Viên Mỡ Bò. Người thấp nhỏ, với các ngón tay nần nẫn thắt lại ở các đốt trông tựa những chuỗi dồi ngắn, làn da bóng nhẩy và căng, một bộ ngực đồ sộ, lồ lộ dưới làn áo, cô ta tuy vậy trông vẫn còn ngon mắt và được theo đuổi nhiều, vẻ xuân sắc của cô thật đáng ưa nhìn. Mặt cô là một trái táo đỏ, một nụ thược dược sắp nở, và ở phía trên khuôn mặt ấy là một đôi mắt mở ra đen lay láy, tuyệt đẹp, ẩn dưới hai hàng mi dày rủ bóng.Phía dưới, một khuôn miệng hẹp, có duyên, ướt át gợi tình, với hàm răng nhỏ xíu, trắng bóng.
Ngoài ra, người ta bảo cô còn có nhiều đức tính quý hóa vô cùng.
Mọi người vừa nhận ra cô thì lập tức có những lời thì thào lan ra trong đám mấy bà mệnh phụ, và những tiếng “đồ đĩ” - “xấu hổ chung” được xì xào quá to khiến cô phải ngẩng đầu lên. Cô ta bèn đưa mắt nhìn khắp lượt những người ngồi chung quanh, một cái nhìn khiêu khích và táo bạo đến nỗi mọi người tức khắc im thin thít, và ai nấy đều cúi mặt xuống, trừ có Loadô là cứ dòm cô, vẻ khoái trá.
Nhưng không bao lâu, ba bà kia lại tiếp tục nói chuyện, sự có mặt của cô gái điếm làm cho ba bà bỗng chốc trở nên thân thiện, hầu thành những bạn chí thiết. Dường như các bà thấy rằng cần phải đem cái phẩm cách đoan trang làm vợ của các bà kết lại với nhau thành một khối trước mặt kẻ bán thân vô liêm sỉ nọ, vì bao giờ tình yêu hợp pháp cũng lên mặt coi khinh bạn đồng nghiệp tự do của nó.
Ba người đàn ông cũng nhích lại gần nhau vì một bản năng bảo thủ trước mặt Cornuyđê, họ nói chuyện tiền bạc với một thứ giọng miệt thị người nghèo. Bà bá tước Huybe kể chuyện thiệt hại của ông chồng do bọn Phổ gây ra, những mất mát vì gia súc bị đánh cắp và mùa màng thất thu, với cái vẻ vững vàng tự tin của người chúa đất lớn, giàu thiên ức vận tải, mà những chuyện phá hại đó bất quá chỉ làm phiền ông đến một năm là cùng. Ông Carê Lamađông bị tổn thất nặng nề trong nghề dệt, đã cẩn thận gửi sáu trăm nghìn quan sang nước Anh, làm món tích cốc phòng cơ, để đối phó với bất cứ hoàn cảnh nào. Còn về phần Loadô thì hắn đã khéo thu xếp bán hết mọi thứ rượu vang hạng thường còn lại trong hầm rượu trong sở quân nha Pháp, thành thử nhà nước mang nợ hắn một số tiền kếch sù mà hắn mẩm tính sẽ lãnh được ở Lơ Havrơ.
Và cả ba người đưa nhanh mắt nhìn nhau thân thiện.Tuy xuất thân khác nhau, họ đều cảm thấy là anh em vì đồng tiền, cũng ở trong cái hội tam điểm lớn những người có của, cứ thọc tay vào túi quần là vàng kêu xủng xoảng.
Xe đi chậm đến nỗi mười giờ sáng vẫn chưa qua được bốn dặm đường. Các ông ba lần phải xuống xe đi bộ để vượt qua những quãng đường dốc. Mọi người bắt đầu lo ngại, vì đã dự tính sẽ ăn sáng ở Totơ, mà bây giờ thì khó có hy vọng tới được đấy trước khi trời tối. Ai nấy đều đang nhòm ngó tìm một quán rượu bên đường thì bỗng chiếc xe đâm vào một đống tuyết, hai tiếng đồng hồ sau mới lôi được xe ra.
Cái đói mỗi lúc một tăng làm rối loạn tâm trí, mà chẳng thấy bóng dáng một hàng quán, một người bán rượu nào hiện ra hết, vì bọn Phổ đang tới gần với những đoàn quân Pháp đói lả kéo qua đã làm cho mọi ngành nghề đều hoảng sợ.
Các ông chạy đi kiếm thức ăn ở các trại ấp bên đường, nhưng ngay đến bánh mì cũng chẳng tìm ra được. Người nông dân nghi kỵ đã cất giấu lương thực dự trữ, sợ bị cướp đoạt mất, vì đám quân lính chẳng có gì ăn thường cưỡng bức lấy bừa bất cứ cái gì họ tìm thấy.
Vào khoảng một giờ trưa, Loadô tuyên bố rằng quả tình hắn thấy là quả là khá đói. Mọi người cũng đều đói như hắn từ lâu, và nhu cầu ăn luôn luôn thục bách đã giết chết cả mọi chuyện trò.
Thỉnh thoảng có ai đó ngáp vặt,một người khác hầu như bắt chước liền, và ai nấy cứ lần lượt, tùy theo tính nết, trình độ lịch sự và địa vị xã hội của mình, mà há hốc mồm ra một cách ầm ĩ hoặc khiêm tốn, bàn tay vội đưa lên che cái lỗ rộng toang hoác thở ra một làn hơi khói.
Viên Mỡ Bò đã nhiều lần cúi xuống tựa hồ cô ta muốn tìm một cái gì dưới chân. Cô do dự một giây, nhìn những người ngồi bên, rồi lại tự nhiên ngồi thẳng lên. Hết thảy các bộ mặt đều xanh nhợt và nhăn nhó. Loadô quả quyết rằng hắn sẵn sàng trả một ngàn quan cho một cái dăm bông nhỏ. Vợ hắn có một cử chỉ như muốn cự lại, nhưng rồi mụ cũng ngồi yên. Cứ nghe nói đến tiền bị phung phí là mụ ta thấy đau khổ, và ngay đến nói đùa về vấn đề ấy mụ ta cũng không hiểu nổi. Bà bá tước thì nói: “Sự thực thì tôi cũng thấy trong người khó chịu làm thế nào mà tôi lại không nghĩ đến chuyện đem theo thức ăn nhỉ”. Ai cũng tự trách mình như thế.
Tuy nhiên, Cornuyđê có một bình đựng đầy rượu rỏm, y đem ra mời, mọi người lạnh lùng từ chối. Chỉ có Loadô nhấp vài giọt và khi trao trả bình, hắn cảm ơn: “Dù sao cũng tốt, nó làm cho ấm người lên, và đánh lừa cái đói”. Rượu vào hắn đâm ra vui tính, và hắn đề nghị làm như ở trên chiếc tàu nhỏ trong bài hát: là ăn thịt người hành khách béo nhất. Câu nói ấy gián tiếp ám chỉ Viên Mỡ Bò khiến những người có giáo dục thấy chói tai. Không ai đáp lại, chỉ có riêng Cornuyđê đó là mỉm cười. Hai bà phước lúc này đã ngừng lẩm bẩm lần tràng hạt, và ngồi yên, hai bàn tay thọc sâu vào ống tay áo rộng, cố tình cúi nhìn xuống, ý hẳn đang dâng lên trời nỗi đau khổ mà trời giáng xuống họ.
Sau cùng, đến ba giờ, xe đang đi giữa một cánh đồng mênh mông bất tận, chẳng thấy bóng một làng mạc nào trước mặt, Viên Mỡ Bò liền cúi ngay xuống, lôi ở gầm ghế ra một cái làn to, phủ một chiếc khăn trắng.
Trước hết cô ta moi ở làn ra một chiếc đĩa sứ nhỏ, một cốc bạc xinh xắn, rồi đến một cái liễn sành rộng đựng hai con gà giò đã chặt sẵn từng miếng, ướp một lớp mỡ đông, người ta trông thấy ở trong làn còn nhiều thứ ngon lành khác gói ghém cẩn thận, nào pa-tê, nào quả tươi, nào kẹo bánh, những thức ăn chuẩn bị cho một cuộc hành trình ba ngày, để khỏi phải đụng đến món ăn các quán trọ. Giữa các gói thức ăn, thò ra bốn cái cổ chai. Cô ta cầm lấy một chiếc cánh gà và bắt đầu ăn nhỏ nhẹ với một chiếc bánh mì nhỏ, thức bánh ở Normăngđi người ta vẫn gọi là bánh “No ếp chính”.
Mọi con mắt đều đổ dồn về cô ta. Rồi mùi thơm tỏa lên, làm các cánh mũi mở rộng, nước miếng ứa ra đầy miệng mọi người và quai hàm co lại nhức nhối ở phía dưới tai. Lòng khinh bỉ của các bà đố với cô gái đĩ ấy trở nên dữ tợn hơn, cơ hồ các bà muốn giết chết cô ta hay quẳng cô ra khỏi xe, ném xuống tuyết, cả cô ta lẫn chiếc cốc, cái làn và các thức ăn của cô.
Nhưng Loadô hau háu nhìn cái liễn đựng thịt gà. Hắn nói: “Hay quá, bà đây đã khéo lo xa hơn chúng tôi. Ấy có những người bao giờ cũng biết lo liệu chu đáo mọi chuyện”. Cô ta ngẩng đầu lên nhìn hắn: “Thưa ông, ông vui lòng xơi một chút chăng? Từ sáng đến giờ mà nhịn đói kể cũng gay”. Hắn cúi đầu cảm ơn: “Quả tình, xin thú thực là tôi không dám từ chối, tôi không sao kham nổi nữa. Gặp thế nào hay thế ấy, phải không thưa bà?” Và nhìn quanh mọi người một lượt, hắn nói tiếp: “Trong những bước thế này, mà gặp được người giúp đỡ mình thì thật là dễ chịu”. Sẵn có một tờ báo hắn liền trải ra để khỏi dây bẩn vào quần, rồi, với mũi con dao lúc nào cũng nằm trong túi hắn, hắn xóc một miếng đùi gà bóng nhẩy mỡ đông, lấy răng xé ra, rồi nhai với một vẻ thỏa mãn quá hiển nhiên. Khiến trong xe nổi lên một tiếng thở dài thật não ruột.
Song Viên Mỡ Bò, với một giọng khiêm tốn và dịu dàng, mời hai bà phước cùng ăn lót dạ với cô. Cả hai bà nhận ngay lập tức và không hề ngẩng mặt lên, bắt đầu ăn luôn rất nhanh sau khi ấp úng lẩm bẩm mấy lời cảm ơn. Cornuyđê cũng không từ chối lời mời của cô gái ngồi bên, và cùng với hai bà phước, họ trải rộng tờ báo lên đầu gối làm một bàn thức ăn.
Mấy cái miệng hết há ra lại ngậm vào, nuốt nhai, ngốn lấy ngốn để. Loadô ngồi trong góc hoạt động rất mạnh và thì thầm bảo vợ hãy nên bắt chước mình. Mụ cố cầm cự hồi lâu, rồi sau một cơn đau quặn ruột gan, mụ ta đành chịu thua. Thế là. Loadô lựa lời thật ngọt ngào, lịch sự hỏi “Bà bạn quý” có cho phép hắn mời bà Loadô ăn tí chút được không. Cô ta nói: “Thưa ông, vâng, có chứ ạ!” Với một nụ cười niềm nở, và chìa cái liễn ra.
Khi mở đến chai rượu vang đỏ đầu tiên thì mọi người lúng túng: chỉ có mỗi một chiếc cốc. Họ bèn chuyền cho nhau sau khi chùi miệng cốc. Riêng có Cornuyđê, ý hẳn để tỏ ra phong nhã lịch sự, nhấp môi ngay vào chỗ miệng cốc còn ướt vì môi cô gái ngồi cạnh.
Thế là bị bao người đang ăn vây quanh, ngột ngạt vì mùi thức ăn xông lên, vợ chồng bá tước Đơ Brêvin và ông bà Carê Lamađông, phải chịu cái tội cực hình ghê gớm xưa nay vẫn được gọi là tội Tangtan. Bỗng chốc bà vợ trẻ của ông chủ nhà máy thốt lên một tiếng thở hắt khiến mọi người phải quay đầu lại, mặt bà ta trắng bệch chẳng khác gì tuyết ở bên ngoài, hai mắt bà nhắm lại, đầu gục xuống: bà ngất đi. Ông chồng hoảng hốt cầu cứu tất cả mọi người. Ai nấy đang hoang mang không biết làm thế nào thì bà phước có tuổi nhất đã nâng đầu người ốm lên, ghé miệng cốc của Viên Mỡ Bò vào môi bà Carê Lamađông và đổ cho bà ta nuốt vài giọt rượu vang. Bà mệnh phụ xinh đẹp khẽ cựa mình, mở mắt ra, mỉm cười, và nói với một giọng lả đi như sắp chết là giờ bà ta đã thấy dễ chịu nhiều. Nhưng để cho chuyện đó khỏi tái diễn, bà phước bắt buộc bà ta phải uống hết một cốc rượu vang đỏ và nói thêm: “Đó chỉ là vì đói thôi, chẳng phải chuyện gì khác đâu.”
Thế là Viên Mỡ Bò đỏ mặt và lúng túng, nhìn bốn vị khách còn nhìn đói, ấp úng nói: “Trời ơi, giá tôi dám đường đột mời mấy quý ông quý bà đó…” Cô ta im bặt, sợ lỡ lời xúc phạm chăng. Loadô lên tiếng: “Ôi chà, trong những lúc như thế này mọi người đều là anh em cả và phải giúp đỡ lẫn nhau. Nào thôi, các bà xin đừng khách khí, các bà cứ nhận lời đi, chứ còn gì nữa! Chưa chắc chúng ta có tìm được nhà ngủ đêm không. Xe chạy như thế này thì đến mai cũng chưa đến được Tôtơ đâu”. Mọi người phân vân, không ai dám nhận cái trách nhiệm nói “vâng”. Nhưng ông bá tước to béo còn đang ngỡ ngàng e sợ, và lấy cái vẻ đại gia quí tộc nói với cô ta: “Thưa bà, chúng tôi xin nhận lời và chịu ơn bà”.
Chỉ có bước đầu là khó. Vượt qua sông Ruybicông, người ta cứ việc tự do thả cửa. Cái làn được dốc ra hết. Nó còn đựng một xúc Ba-tê gan bọc mỡ, một cái chả chim, một miếng lưỡi lợn sấy, mấy quả lê vùng Cratxanơ, một tảng phó mát Pông-Lêvêch, những bánh bỏ lò và một chén đầu dưa chuột và hành ngâm giấm vì Viên Mỡ Bò, cũng như mọi người phụ nữ, rất thích rau dưa sống.
Không thể cứ ăn của cô mà không nói gì với cô. Thế là người ta trò chuyện, mới đầu còn dè dặt, rồi sau cởi mở hơn, vì thấy cô ta có thái độ rất đứng đắn. Hai bà Đơ Brêvin và Carê Lamađông vốn rất lịch thiệp, đã tỏ ra niềm nở, tế nhị. Nhất là bà bá tước có cái vẻ hạ cố đáng yêu của các bà phu nhân đại quí tộc mà không một tiếp xúc nào có thể làm vấy bẩn, và bà đã tỏ ra dễ thương hết sức. Còn mụ Loadô, tâm tình cục súc, thì vẫn lầm lì nói ít mà ăn nhiều.
Tất nhiên mọi người nói chuyện về chiến tranh. Họ kêt những hành động khủng khiếp của bọn Phổ, những hành vi dũng cảm của người Pháp và tất cả bọn người đi trốn ấy đều tỏ lòng kính phục sự can đảm của người khác. Không mấy lúc người ta chuyển sang các câu chuyện riêng tư, và với một xúc động chân thành, với nhiệt tình trong lời nói mà đôi khi các cô gái điếm thường có để diễn đạt những kích động tự nhiên của mình. Viên Mỡ Bò kể lại cô đã bỏ Ruăng ra đi như thế nào: “Mới đầu tôi đã tưởng là tôi có thể ở lại được, cô nói. Nhà tôi đầy lương thực, và tôi muốn thà nuôi vài tên lính còn hơn bỏ xứ sở mà đi chẳng biết nơi nào. Nhưng đến khi tôi trông thấy chúng, bọn Phổ ấy, thì thực tôi không chịu nổi! Chúng làm tôi điên tiết, và suốt ngày tôi cứ khóc vì tủi hổ. Ồ! Giả thử tôi là một người đàn ông, thì khỏi phải nói! Tôi đứng trong cửa sổ nhìn chúng, bọn lợn ỉ đội mũ chóp nhọn ấy, và cô ở nhà tôi cứ giữ rịt lấy tay tôi để ngăn không cho tôi quẳng đồ đạc vào đầu chúng. Rồi có những thằng vác mặt đến để ở nhà tôi, thế là tôi nhảy xổ ra bóp ngay cổ họng thằng đầu tiên. Bóp chết chúng cũng chẳng khó khăn gì hơn những thằng khác! Và nếu người ra không nắm tóc lôi tôi ra thì thằng ấy đã đi đời rồi. Sau đó tôi phải lẩn trốn. Cuối cùng, nắm được cơ hội, tôi đi liền, vì thế nên mới có mặt ở đây”.
Mọi người khen ngợi cô rất nhiều. Cô càng được những người bạn đường quí trọng thêm, họ đã không tỏ ra gan dạ được như thế và trong khi nghe cô, Cornuyđê giữ nguyên nụ cười tán thành và đại độ của nhà truyền đạo, chẳng khác gì một vị linh mục nghe một người sùng tín ca ngợi Chúa, vì những nhà dân chủ lâu dài vẫn giữ độc quyền về lòng yêu nước cũng như những người mặc áo thầy tu giữ độc quyền về tôn giáo vậy. Rồi đến lượt y nói với cái giọng thuyết giáo khoa trương học được ở những bản tuyên ngôn người ta vẫn dán hằng ngày lên tường, và y kết thúc bằng một thiên hùng biện trong đó y phết cho cái tên “Bađanhghê chó má kia” một trận ra trò.
Nhưng Viên Mỡ Bò liền nổi giận vì cô theo phái Bônapac. Mặt cô đỏ như gấc chín và lắp bắp không ra lời vì phẫn nộ. “À phải! Cứ để bọn các ông vào địa vị ông ta coi thử xem. Rồi hay hớm đáo để ra đấy, đúng thế! Chính các ông đã phản bội ông ta! Nếu để cái đám lêu lổng chơi bời như các ông cai trị thì người ta chỉ còn có việc bán xới nước Pháp mà đi thôi!”. Cornuyđê không nao núng, vẫn giữ một nụ cười khinh khỉnh bề trên nhưng cảm thấy đôi bên sắp đến lúc nặng lời, ông bá tước vội xen vào và khó khăn lắm mới làm dịu được cô gái đang nổi khùng.Ông tuyên bố một cách kẻ cả rằng tất cả mọi ý kiến thành thật đều đáng kính trọng. Song bà bá tước và bà chủ nhà máy, vốn mang trong tâm hồn lòng căm ghét mê muội của hạng người nền nếp đối với nền cộng hòa, và cái lòng quí mến tự nhiên của mọi người phụ nữ đối với những chính phủ bề thế và chuyên chế, hai bà tuy không thích, nhưng đều cảm thấy gần gũi cô gái điếm đầy tự trọng nọ, sao mà có những cảm nghĩ giống các bà đến thế.
Cái làn đã rỗng tuếch. Mười miệng làm cho nó vơi cạn đi cũng chẳng khó khăn gì.Người ta còn tiếc rẻ sao nó chẳng được to hơn nữa. Chuyện trò vẫn tiếp tục hồi lâu, nhưng cũng nhạt dần đi đôi chút sau khi mọi người đã ăn xong.
Đêm buông xuống, bóng tối dần dần thêm dầy đặc, và cái lạnh càng thấy thấm thía hơn trong khi tiêu hóa khiến Viên Mỡ Bò, mặc dù béo, cũng phải run lên. Bà Đơ Brêvin bèn mời cô dùng cái lồng ấp của mình, được thay than đã mấy lần từ sáng đến giờ và cô nhận lời ngay, vì cô cảm thấy chân lạnh cứng. Các bà Carê Lamađông và Loadô thì đưa lồng ấp của mình cho hai bà phước.
Bác xà ích đã thắp đèn kính lên. Đèn soi sáng rực một làn hơi nước bốc lên trên bộ mông đẫm mồ hôi của đôi ngựa bên càng xe, và mặt tuyết hai bên đường dường như đang trải ra lần lần dưới ánh phản chiếu di động của ánh sáng đèn.
Chẳng còn nhìn rõ thấy gì trong xe nữa, nhưng đột nhiên có một cử động giữa Viên Mỡ Bò và Cornuyđê, và Loadô với con mắt soi mói vào bóng tối, hình như thấy anh chàng rậm râu né mạnh người đi, tựa hồ bị một quả thụi nên thân lặng lẽ tống vào người.
Những đóm lửa nhỏ hiện ra trên đường, phía trước mặt. Đó là Tôtơ. Xe đã đi mười một giờ, cộng với hai giờ cho ngựa nghỉ bốn lấn để ăn thóc và lấy lại sức, thế là mười ba giờ. Xe đi vào thị trấn dừng lại trước khách sạn Thương Mại.
Cửa xe mở ra. Một tiếng động quen thuộc làm mọi hành khách giật mình, đó là tiếng vỏ gươm chạm xuống đất. Lập tức có tiếng một tên Đức thét lên câu gì đó.
Mặc dù xe đã đứng yên, chẳng ai bước xuống, như thể sợ ra khỏi xe sẽ bị giết chết. Rồi người đánh xe xuất hiện, tay cầm chiếc đèn kính đột nhiên dọi chiếu vào đến tận cùng xe, hai dãy mặt người hốt hoảng, mồm há hốc và mắt trợn trừng vì ngạc nhiên và sợ hãi.
Đứng bên bác xà ích, giữa ánh sáng, là một tên sĩ quan Đức, một gã thanh niên cao lớn, hết sức mảnh dẻ và tóc vàng, bộ quân phục bó chặt lấy ngườI như một cô gái mặc áo nịt chẽn, trên đầu đội lệch chiếc mũ lưỡi trai phẳng và bóng láng, khiến y giống anh hầu bàn ở một khách sạn Anh-cát-lợi. Bộ ria quá khổ của y, với những sợi ria dài, thẳng đuột, cứ thưa dần mãi ở hai bên và xe vút lại thành một sợi độc nhất màu vàng, và quá nhỏ, thành thử không nhìn thấy rõ nó dài tới đâu là hết, dường như nó đè lên hai bên mép, và kéo sếch má, in lên đôi môi một nếp nhăn trễ xuống.
Y dùng tiếng Pháp vùng Anđaxơ, giọng cứng nhắc, mời các hành khách ra khỏi xe; Quí ông, quí bà, các vị xuống xe đi chứ!
Hai bà phước tuân lệnh đầu tiên với thái độ dễ bảo của các bà tu hành vốn quen chịu mọi sự phục tùng. Rồi đến ông bà bá tước, theo sau là vợ chồng ông chủ nhà máy, rồi đến Loadô vừa đi vừa đẩy mụ vợ to béo đi trước. Vừa đặt chân xuống đất, hắn nói với tên sĩ quan: “Xin chào đức ông!” vì thận trọng nhiều hơn là vì lễ phép. Tên Đức hỗn xược như những kẻ oai quyền hống hách, chỉ nhìn hắn mà không đáp. Viên Mỡ Bò và Cornuyđê, tuy ngồi gần cửa xe nhưng bước xuống sau cùng, nghiêm trang và kiêu kỳ trước mặt quân thù. Cô gái to béo cô tự kiềm chế và giữ bình tĩnh, nhà dân chủ thì đưa bàn tay bi đát và hơi run run lên mân mê bộ râu dài hung đỏ. Họ muốn giữ gìn phẩm cách, vì họ hiểu rằng trong những cuộc gặp gỡ như thế này mỗi người đều phần nào đại diện cho nước mình, và cùng chung một nỗi bất bình đối với thái độ quá mềm dẻo của các bạn đồng hành, cô ta cứ cố tỏ ra kiêu hãnh hơn đám đàn bà lương thiện ngồi bên, còn anh chàng kia cảm thấy mình cần phải nêu gương, trong toàn bộ thái độ của mình phải tiếp tục cái sứ mệnh phản kháng đã bắt đầu từ lúc đi phá hoại đường sá.
Mọi người vào cả nhà bếp rộng của quán trọ, và tên Đức sau khi bắt đưa trình giấy thông hành do viên tướng tổng tư lệnh ký và trong đó có ghi tên tuổi, nhận dạng và nghề nghiệp của mỗi hành khách, y ngắm nghía hồi lâu tất cả đám người này, so sánh từng người với những chỉ dẫn ghi trong giấy.
Rồi đột ngột nói: “Được rồi!”, và biến mất.
Mọi người thở ra nhẹ nhõm. Ai nấy đều còn đói và đặt ngay bữa ăn tối. Cần phải mất nửa giờ mới dọn ăn được, và trong khi hai cô hầu bàn ra vẻ chăm lo việc ấy, mọi người đi thăm các phòng ngủ. Tất cả các phòng đều nằm dọc theo một hành lang dài, tận cùng là một cửa kính trên có ghi “con số biết nói”
Sau cùng, khi mọi người sắp sửa ngồi vào bàn ăn thì chính chủ quán xuất hiện. Lão ta trước kia là một lái ngựa, người to béo, mắc bệnh hen, lúc nào cũng khò khè, giọng khản đặc, tiếng đờm xiển rít trong cổ họng. Bố lão ta đã truyền lại cho lão cái tên Fonlăngvi. Lão ta hỏi:
- Cô Elizabet Ruxê?
Viên Mỡ Bò giật mình quay lại:
- Tôi đây
- Thưa cô, ngài sĩ quan Phổ muốn nói chuyện với cô ngay.
- Với tôi?
- Vâng, nếu cô đúng là Elizabet Ruxê.
Cô ta bối rối, suy nghĩ một giây, rồi nói dứt khoát.
- Có thể là thế, nhưng tôi không đi.
Chung quanh cô ta mọi người nhao nhao cả lên, ai nấy đều bàn tán, đoán hiểu nguyên nhân của lệnh nọ. Ông bá tước lại gần:
- Thưa bà, như thế là bà sai trái đấy, vì bà mà từ chối thì có thể đem lại những trở ngại lớn, không những cho bà, mà còn cho tất cả các bạn đồng hành của bà nữa. Không bao giờ nên cưỡng lại những kẻ mạnh hơn ta. Lời yêu cầu đó chắc không có gì nguy hiểm đâu: ý hắn chỉ vì quên một thủ tục nào đó thôi.
Tất cả mọi người hùa theo ông bá tước, người ta van nài, người ta thúc giục, người ta quở trách cô, và cuối cùng người ta thuyết phục được cô vì tất cả đều lo sợ những chuyện rắc rối có thể xảy ra vì một hành động liều lĩnh. Rút cục cô ta nói:
- Chỉ vì các ông các bà mà tôi đi đấy thôi!
Bà bá tước cầm lấy tay cô:
- Và vì thế chúng tôi xin cảm ơn bà.
Cô ta đi ra. Mọi người đợi cô để ngồi bàn ăn. Ai nấy đều lấy làm buồn thay cho cô gái tợm tạo và nóng nảy ấy, và thầm chuẩn bị sẵn những lời khúm núm phòng trường hợp đến lượt mình bị gọi chăng.
Nhưng mười phút sau cô ta đã trở về, thở hổn hển, mặt đỏ gay, tức uất người. Cô lúng búng: “Ồ quân chó má! Quân chó má!”.
Mọi người xúm lại hỏi chuyện, nhưng cô không nói gì hết, và sau ông bá tước gặng mãi, cô trả lời một cách nghiêm trang: “Không, việc này không liên quan gì đến các ông, các bà, tôi không thể nào nói được.
Thế là mọi người quây vào ngồi chung quanh một liễn xúp thơm nức mùi bắp cải. Mặc dầu có chuyện đáng lo nghĩ ấy, bữa ăn cũng vui vẻ. Rượu táo ngon, nên vợ chồng Loadô và hai bà phước dùng rượu táo, để tiết kiệm. Những người khác gọi rượu vang.Cornuyđê thì đòi bia. Y có một lối đặc biệt mở nút chai, làm cho bia sủi bọt, nghiêng cốc nhìn, rồi nâng cốc lên soi qua đèn và dùng mắt thưởng thức kỹ màu sắc. Khi uống, bộ râu rậm của y – nó vẫn giữ cái màu vẻ của món giải khát y ưa chuộng - dường như trìu mến rung lên, mắt y không ngừng theo dõi cốc vại đến thành lác trật, và trông y có vẻ như đang thực hiện cái chức năng duy nhất của đời y. Tưởng chừng như y đang xác lập trong đầu óc một sự kết hợp và hầu như một mối tương quan giữa hai thú say mê lớn choán hết cả cuộc đời y: rượu bia Palơ Alơ và cách mạng và chắc chắn là y không thể nào thưởng thức thứ này mà không nghĩ đến thứ kia.
Vợ chồng lão Fonlăngvi ngồi ăn ở mãi tận cuối bàn. Lão ta thở phì phò như một đầu máy xe lửa vỡ, ngực khò khè mạnh quá nên không thể nào vừa ăn vừa nói được, nhưng vợ lão thì không chịu im miệng lúc nào. Bà ta kể lể mọi cảm tưởng của mình khi bọn Phổ đến, nào chúng làm gì, nào chúng nói gì, bà ghét cay ghét đắng chúng trước hết vì chúng làm cho bà tốn của, và sau nữa là vì bà có hai con trai tại ngũ. Bà hay hỏi chuyện bà bá tước nhất, thích thú được chuyện trò với một phu nhân cao quí.
Rồi và hạ thấp giọng để nói những chuyện tế nhị, và ông chồng thỉnh thoảng lại ngắt lời bà: “Im mồm đi thì hơn, bà Fonlăngvi ạ”. Nhưng bà chẳng để ý gì đến lời chồng, và cứ nói tiếp:
- Vâng thưa bà, cái quân ấy chỉ có ăn khoai tây và thịt lợn, và rồi thịt lợn và khoai tây. Và đừng có tưởng là chúng sạch sẽ gì đâu! Ồ, không! Nói vô phép với bà chứ, chúng bậy bạ ra khắp mọi chỗ. Và giá bà trông thấy chúng tập tành hết giờ này sang giờ khác và hết ngày này sang ngày khác; chúng ra tất cả ngoài cánh đồng kia kìa: nào tiến lên, nào lùi xuống, nào quay đằng này, nào quay đằng nọ. Chẳng thà chúng đi xới đất trồng trọt, hoặc là chúng đi làm đường làm sá ở đất nước chúng! Nhưng không, thưa bà, cái bọn lính tráng ấy, thật chẳng được tích sự gì cho ai hết! Tội cho người dân đáng thương cứ phải nuôi chúng để chúng độc có một cái trò duy nhất là giết chóc! Tôi chỉ là một mụ già vô học thật đấy, nhưng trông thấy chúng xứ giậm chân đến nhọc thần xác, bở hơi tai suốt từ sáng đến tối thì tôi tự bảo: Trong khi có những người phát minh ra bao nhiêu thứ để thành người hữu ích, sao lại có những kẻ tốn công tốn sức để đi gây tội gây hại thế? Quả thật, giết người, dù là người Phổ, hay người Anh, hay người Ba Lan, hay người Pháp đi nữa, chẳng phải là một chuyện gớm ghiếc hay sao? Nếu mình báo thù một kẻ nào đã hãm hại mình thì đó là một việc xấu, vì mình bị kết tội, nhưng khi họ dùng súng ống giết con chúng ta như đi săn chim, săn thú thì lại là chuyện tốt vì người ta chẳng ban thưởng huy chương cho người nào giết được nhiều người nhất đó ư? Không, bà có thấy chăng, thật chẳng bao giờ tôi hiểu nổi điều đó!
Cornuyđê lên tiếng:
- Chiến tranh là một sự dã man khi người ta đánh một người láng giềng đang sống yên lành,nhưng khi ta bảo vệ tổ quốc thì đó là một bổn phận thiêng liêng.
Bà cúi đầu:
- Vâng, khi phải tự vệ thì đó là chuyện khác, nhưng các vua chúa gây ra chiến tranh để thỏa ý của họ, sao người ta không giết chết họ đi có phải hơn không?
Mắt Cornuyđê sáng lên:
- Hoan hô, nữ công dân! –Y nói.