Viên mỡ bò/Chương 2
Ông Carê Lamađông suy nghĩ rất nhiều. Mặc dầu ông là kẻ cuồng nhiệt tôn sùng các tướng sĩ lừng lẫy chiến công, lương tri của bà nông dân này làm ông nghĩ rằng ngần ấy cánh tay nhàn rỗi, vì vậy trở nên tốn kém, ngần ấy sức lực cứ để cả vào những công trình công nghiệp lớn cần phải hành thế kỷ mới hoàn thành thì sẽ làm cho một nước thịnh vượng biết chừng nào!
Nhưng Loadô rời chỗ ngồi, đi lại nói chuyện thầm thì với chủ quán. Lão to béo phá ra cười, phát ho và khạc nhổ.Cái bụng to tướng của lão cứ khoái trá rung lên vì những câu nói đùa của người bạn ngồi bên, và lão đặt mua ngay của hắn sáu thùng nhỏ rượu vang đỏ cho vụ xuân, khi nào bọn Phổ cuốn xéo.
Ai nấy đều mỏi mệt rã cả nên bữa tối vừa xong, mọi người đi ngủ ngay.
Nhưng Loadô, vì đã để tâm quan sát mọi chuyện, nên sau khi đưa vợ đi nằm, liền lúc thì áp tai, lúc thì dán mắt vào lỗ khóa để cố khám phá cho ra cái mà hắn gọi là “những bí mật của hành lang”.
Khoảng một tiếng đồng hồ sau, hắn nghe có tiếng sột soạt, vội liếc mắt thật nhanh và thấy Viên Mỡ Bò trông càng thêm mập mạp trong chiếc áo choàng Casơmia màu lam viền đăng-ten trắng. Cô ta cầm một đĩa đèn nến đi về phía “con số lớn” ở cuối hành lang. Nhưng một cánh cửa bên hé mở ra, và vài phút sau khi cô ta trở lại thì Cornuyđê đã cởi bỏ áo ngoài, đi theo cô ta liền. Hình như Viên Mỡ Bò kịch liệt chống cự không cho Cornuyđê vào phòng mình. Tiếc thay Loadô không nghe rõ lời nói nhưng cuối cùng, vì họ cất cao giọng lên, hắn ta cũng lõm bõm được vài câu. Cornuyđê ra sức khẩn nài. Y nói:
- Kìa, cô ngốc thật, chuyện đó có làm cô mất gì đâu cơ chứ?
Cô ta có vẻ tức giận và trả lời:
- Không, anh ạ, có những lúc không thể làm được chuyện ấy với lại, ở đây làm thế sẽ là một điều sỉ nhục.
Y hẳn không hiểu, nên y hỏi tại sao. Thế là cô ta nổi nóng, càng nói to hơn:
- Tại sao? Anh không hiểu tại sao à? Trong khi bọn Phổ ở ngay trong nhà, không biết chừng ở ngay phòng bên cạnh ư?
Y im bặt. Cái liêm sỉ yêu nước của cô gái điếm không chịu để cho người ta ân ái bên cạnh quân thù chắc hẳn đã thức tỉnh cái phẩm cách đang suy nhược của y, nên sau khi chỉ ôm hôn cô ta thôi, y lại len lén bước nhẹ trở về phòng mình.
Loadô, bị kích thích mạnh, rời bỏ lỗ khóa, nhãy cỡn lên trong buồng, rồi chụp mũ ngủ vào đầu, nhấc tấm chăn lên, bên dưới nằm sóng sượt bộ thân xác cứng đơ của vợ hắn, mà hắn vừa đánh thức dậy bằng một cái hôn và thầm thì hỏi: “Em có yêu anh không, em yêu quí?”.
Thế rồi cả ngôi nhà trở nên im lặng. Nhưng không mấy chốc bỗng nổi lên ở đâu đấy, về một phía nào không rõ, có thể là ở dưới hầm rượu mà cũng có thể là ở trên gác xép, một tiếng ngáy rất to, đơn điệu, đều đều, một thứ tiếng âm ỉ và kéo dài, rung lên như nồi súp-de đang tức hơi. Lão Fonlăngvi ngủ.
Vì mọi người đã định tám giờ sáng hôm sau thì lên đường, nên tất cả đều có mặt trong nhà bếp, song chiếc xe, tuyết phủ đầy mui vải thành một cái mái, vẫn đứng trơ trọi giữa sân, chẳng thấy ngựa mà cũng chẳng thấy người đánh xe đâu cả. Đi tìm trong các chuồng ngựa, trong buồng cỏ, trong nhà xe cũng không thấy bác ta. Thế là cánh nam giới quyết định đi lùng khắp trong vùng, và họ ra phố. Họ tới quảng trường, phía cuối quảng trường là nhà thờ, và hai bên là những căn nhà thấp ở đấy thấy có những tên lính Thổ. Tên thứ nhất họ trông thấy đang gọt khoai. Xa quá tí nữa, tên thứ hai đang cọ rửa cửa hiệu hớt tóc. Một tên khác, râu ria xồm xoàm lên tới mắt, thì ẵm một đứa trẻ đang khóc và đứng đưa nó trên đầu gối cố làm cho nó nín, các bà nông dân to béo, mà chồng đều “ở quân đội đi đánh nhau”, ra hiệu chỉ cho những kẻ chiến thắng ngoan ngoãn của họ hiểu công việc phải làm: bổ củi, dầm bánh mì vào xúp, xay cà phê, một tên trong bọn lại còn giặt cả quần áo cho chủ nhà nữa, một bà cụ già tàn tật.
Ông bá tước ngạc nhiên hỏi ông bõ ở nhà chung đi ra. Ông già ngoan đạo trả lời: “Ồ, những đứa này thì không ác: Theo như người ta nói thì chúng không phải là quân Phổ. Chúng ở xa hơn kia, tôi không rõ là ở đâu, và chúng đều bỏ vợ con ở lại quê hương, cái trò chiến trận chúng chẳng thích thú gì đâu, thật đấy! Tôi chắc là ở bên ấy họ cũng khóc nhớ người đàn ông ra đi, và chiến tranh cũng sẽ gây cực khổ ra trò cho bên họ cũng như bên mình. Ở đây, được cái hiện giờ mọi người cũng chưa đến nỗi khổ quá, vì chúng không làm điều gì ác hại, và chúng lao động cũng như ở nhà chúng vậy. Ông xem đấy, giữa những người nghèo khổ cũng phải biết giúp đỡ nhau chứ…Chỉ có nhưng ông lớn là đánh nhau thôi”.
Cornuyđê, bất bình vì thấy có sự liên minh thân thiện giữa những kẻ thắng và kẻ bại, rút lui ngay, về ngồi trong nhà trọ, Loadô nói một câu pha trò: “Chúng làm cho dân cư đông đúc lại đấy”. Ông Carê Lamađông thì nói một câu trịnh trọng: “Chúng chuộc lỗi”. Nhưng vẫn không thấy bác xà ích đâu. Sau cùng mới tìm ra bác ta ở quán cà phê trong làng, chén chú chén anh với người lính hầu của tên sĩ quan. Ông bá tước cự:
- Chúng tôi đã ra lệnh cho bác thắng xe để đi tám giờ kia mà?
- À, phải rồi, nhưng sau đó tôi lại nhận được một lệnh khác.
- Lệnh gì?
- Là chẳng thắng xe thắng xiếc gì hết.
- Ai ra lệnh cho bác ấy?
- Ông tư lệnh Phổ, chứ còn ai?
- Tại sao?
- Nào tôi biết! Ông đi mà hỏi ông ấy. Người ta cấm tôi thắng xe thì tôi không thắng. Như vậy đấy.
- Chính ông ta đã bảo bác thế à?
- Không, thưa ông: đó là chủ quán truyền lại lệnh của ông ta cho tôi.
- Bao giờ?
- Đêm qua, lúc tôi sắp đi ngủ.
Ba người quay về rất lo lắng.
Họ yêu cầu gặp lão Fonlăngvi, nhưng chị người ở đáp lại vì chứng hen, chẳng bao giờ lão ra dậy trước mười giờ. Lão lại còn cấm tuyệt không được đánh thức lão sớm hơn, trừ phi cháy nhà.
Họ muốn gặp tên sĩ quan, nhưng điều đó thì tuyệt đối không thể được, mặc dầu y ở ngay trong nhà trọ. Chỉ có một mình lão Fonlăngvi là được phép nói chuyện với y về mọi việc dân sự. Thế là họ phải đợi. Các bà lại trở về phòng và làm những việc phù phiếm cho qua giờ.
Cornuyđê ngồi vào chỗ lò sưởi cao của nhà bếp, lửa cháy đỏ rực. Y đã gọi mang tới đấy một chiếc bàn con của quán rượu với một chai bia, và y rít tẩu thuốc, cái tẩu được các nhà dân chủ vì nể gần ngang với y, tựa hồ nó phục vụ Cornuyđê là đã phục vụ tổ quốc vậy. Chiếc tẩu rất đẹp, bằng đá bọt, cặn thuốc bám rất đều, cũng đen như răng của chủ nó, nhưng mà thơm, uốn cong, bóng nhoáng, quen thuộc với bàn tay y, và bổ sung cho diện mạo y. Y ngồi yên lặng, mắt đăm đăm khi nhìn lửa, khi thì nhìn cái vành bọt bia trong chiếc cốc vại, và cứ mỗi lần uống xong, y lại lùa những ngón tay gầy guộc vào mớ tóc dài bóng nhẩy với một vẻ khoái trá, mũi hít hít bộ ria mép viền bọt bia.
Loadô lấy cớ là để cho khỏi cuồng cẳng, đi đến các nhà bán rượu lẻ trong vùng chào bán rượu vang. Bà bá tước và ông chủ nhà máy xoay ra nói chuyện chính trị. Họ dự đoán về tương lai nước Pháp. Một người tin tưởng ở dòng họ Orlêăng, người kia tin tưởng vào một vị cứu tinh vô danh, một vị anh hùng mãi đến lúc mọi sự đều tuyệt vọng mới xuất đầu lộ diện: một Đuy Ghetxclanh, một Jan Đac không biết chừng? hay một Napôlêông đệ nhất khác? Ồ! Giả thử hoàng thái tử không đến nỗi còn măng sữa như vậy! Cornuyđê nghe họ nói chuyện, mỉm cười ra vẻ con người hiểu biết vận mệnh chung sẽ ra sao. Tẩu thuốc của y tỏa khói thơm nực nhà bếp.
Khi mười giờ đã điểm, lão Fonlăngvi xuất hiện. Mọi người vội vã hỏi lão, nhưng lão chỉ có thể nhắc đi nhắc lại hai ba lần, không sai một chữ, mấy lời như sau: “Ngài sĩ quan đã bảo tôi thế này: Ông Fonlăngvi, ông sẽ cấm không cho xe của bọn hành khách ấy thắng ngựa sáng mai. Tôi không muốn ho ra đi mà không có lệnh của tôi. Ông hiểu chứ? Thế là đủ”.
Mọi người liều muốn gặp tên sĩ quan. Bá tước gửi danh thiếp của ông lên cho y, trên đó ông Carê Lamađông ghi thêm tên với tất cả mọi chức vị của mình. Tên Phổ cho người trả lời rằng y sẽ cho phép hai người được nói chuyện với y khi nào y ăn xong bữa sáng, nghĩa là vào khoảng một giờ.
Các bà lại ra mặt và mặc dầu lo sợ ai nấy cũng ăn qua loa chút ít. Viên Mỡ Bò có vẻ ốm và hết sức bối rối.
Uống xong cà phê thì tên lính hầu đến tìm hai ông.
Loadô nhập bọn với họ. Muốn cho cuộc vận động thêm phần trang trọng, họ cố lôi kéo Cornuyđê, nhưng y kiêu hãnh tuyên bố nhất định không bao giờ muốn có quan hệ gì với bọn Đức, và y lại ngồi vào chỗ bên cạnh lò sưởi, gọi một chai khác.
Ba người lên gác và được đưa vào căn phòng đẹp nhất của nhà trọ. Tên sĩ quan tiếp họ ở đấy, nằm ngả người trên một chiếc ghế bành, chân gác lên lò sưởi, miệng ngậm tẩu thuốc dài bằng sứ, mình mặc một chiếc áo ngủ đỏ rực, chắc là xoáy trong nhà bỏ trống của một thị dân rởm nào đó. Y không đứng dậy, không chào họ, không nhìn họ. Y thể hiện một kiểu mẫu tuyệt vời về thói thô bạo đương nhiên của kẻ nhà binh đắc thắng.
Mãi một lúc lâu y mới nói:
- Các ông muốn gì?
Ông bá tước lên tiếng:
- Thưa ngài, chúng tôi muốn lên đường.
- Không.
- Tôi xin mạn phép hỏi ngài có thể cho biết lý do vì sao đuợc không ạ?
- Bởi vì tôi không muốn.
- Thưa ngài, tôi xin kính cẩn lưu ý ngài rằng đại tướng tổng tư lệnh của ngài đã cấp cho chúng tôi giấy thông hành đi Dieppe, và tôi nghĩ chúng tôi chưa hề làm gì đáng để ngài khe khắt.
- Tôi không muốn…có thế thôi…Các ống có thể đi xuống.
Sau khi cúi chào, cả ba người rút lui.
Buổi chiều thật thê thảm. Họ chẳng hiểu tại sao tên Đức lại có cái ý bất chợt ấy, và những ý nghĩ kỳ quặc làm rối loạn đầu óc họ. Mọi người ngồi cả vào bếp, bàn cãi mãi, tưởng tượng ra những chuyện vô lý. Có lẽ y muốn giữ họ làm con tin,nhưng nhằm mục đích gì?- hoặc đưa họ đi cầm tù? Hay là đòi họ một số tiền chuộc lớn? Nghĩ như vậy, họ đâm hoảng. Những người giàu có nhất là những người sợ hãi nhất, chưa chi đã thấy mình bắt buộc phải nộp những túi đầy vàng vào tay tên lính láo xược này để chuộc tính mạng. Họ cố moi óc tìm những câu nói dối tạm nghe được để che giấu của cải, làm ra bộ nghèo, rất nghèo. Loadô tháo đồng hồ, giấu trong túi. Trời đổ tối, càng tăng thêm những nỗi lo sợ. Đèn thắp lên, và còn hai tiếng đồng hồ nữa mới đến bữa ăn, mụ Loadô đề nghị chơi bài ba- mươi-mốt. Đó là cách giải trí. Mọi người nhận lời. Ngay cả Cornuyđê, sau khi giụi tẩu thuốc đi và lịch sự, cũng tham dự.
Ông bá tước trang bài, rồi chia Viên Mỡ Bò được ngay ba-mươi-mốt; và không mấy chốc thú chơi bài cũng làm cho nỗi lo sợ ám ảnh mọi tâm trí dịu bớt đi. Nhưng Cornuyđê nhận thấy vợ chồng nhà Loadô thông đồng với nhau để chơi gian.
Lúc mọi người sắp ngồi vào ăn thì lão Fonlăngvi lại xuất hiện, và hỏi bằng cái giọng khò khè đòm trong cổ: “Ngài sĩ quan Phổ cho hỏi xem cô Elizabet Ruxô đã thay đổi ý kiến chưa”.
Viên Mỡ Bò vẫn đứng đó, mặt tái nhợt rồi đột nhiên đỏ gay lên, cô tức uất đến nỗi nghẹn không nói được nữa. Sau cùng cô nổ ra: “Ông hãy bảo cái thằng chó chết, cái thằng thổ tả, cái thằng Phổ thối thây ấy, rằng không đời nào tôi muốn đâu ông nghe rõ chưa, không đời nào, không đời nào, không đời nào!”.
Lão chủ quán béo phệ đi ra. Mọi người liền vây lấy Viên Mỡ Bò, hỏi han, nài nỉ cô nói ra câu chuyện bí mật khi cô đi gặp tên Đức. Mới đầu cô còn cưỡng, nhưng không mấy chốc sự tức giận đã lôi cuốn cô: “Nó muốn gì?...Nó muốn gì à?...Nó muốn ngủ với tôi!”. Cô hét lên. Không ai thấy câu nói ấy là chói tai, vì mọi người đều phẫn nộ. Cornuyđê dằn mạnh chiếc cốc vại, làm chiếc cốc vỡ tan. Tiếng la ó nổi lên ầm ĩ phỉ nhổ cái tên lính bỉ ổi ấy.Thật là cả một luồng nộ khí, một sự đoàn kết chặt chẽ giữa mọi người để phản kháng, tựa hồ người ta đã yêu cầu mỗi người phải góp phần vào sự hy sinh đòi hỏi của cô gái. Bá tước ghê tởm nói rằng bọn ấy hành động như những kẻ dã man thời cổ. Đặc biệt các bà có một thái độ mạnh mẽ và trìu mến thông cảm với Viên Mỡ Bò. Hai bà phước, chỉ đến bữa ăn mới có mặt, thì cúi đầu xuống chẳng nói chẳng rằng.
Tuy nhiên, mọi người cũng ăn bữa tối, khi sự tức giận ban đầu đã dịu đi, nhưng ai nấy đều suy nghĩ, ít nói.
Các bà lui về phòng sớm, còn các ông, trong khi hút thuốc, bày ra chơi bài các-tê và mời lão Fonlăngvi cùng chơi, có ý muốn hỏi khéo lão xem có cách nào khắc phục được thái độ khăng khăng của tên sĩ quan không. Nhưng lão chỉ nghĩ đến bài, chẳng nghe gì hết, chẳng đáp gì hết và lão không ngớt nhắc đi nhắc lại: “Để ý vào bài, các vị, để ý vào bài”. Sự chăm chú của lão căng thẳng đến nỗi lão quên cả khạc nhổ, thành thử đôi khi vì thế trong ngực khò khè những nốt nhạc rất dài. Hai lá phổi của lão réo lên, phát ra đầy đủ giai điệu của chứng hen, từ những tiếng trầm và sâu đến những tiếng khàn khàn the thé của con gà trống non học gáy.
Thậm chí khi vợ lão buồn ngủ rũ, đến tìm lão, lão cũng không chịu lên gác nữa. Thế là bà ta đi lên một mình, vì bà thiên về “buổi sớm”, bao giờ cũng dậy khi mặt trời mọc, còn đức ông chồng thì thiên về “buổi tối”, bao giờ cũng sẵn lòng thức thâu đêm với bạn hữu. Lão ta nói to bảo vợ: “Mình đặt hâm cốc trứng đường của tôi lên bếp nhé” và lại tiếp tục chơi bài. Khi thấy rõ chẳng thể nào moi được ở lão điều gì, mọi người bèn tuyên bố đã đến lúc giải tán, và ai nấy đi ngủ.
Sáng hôm sau họ cũng lại dậy khá sớm với một hy vọng mơ hồ, một ý muốn đi mạnh hơn, một nỗi khiếp sợ phải kéo thêm một ngày dài đằng đẵng nữa ở cái quán trọ nhỏ kinh khủng này.
Hỡi ôi! Ngựa vẫn ở trong chuồng, người đánh xe chẳng thấy mặt đâu. Vô công rỗi nghề, họ đi vớ vẩn chung quanh.
Bữa ăn sáng thật buồn rười rượi, và ai nấy cơ hồ lạnh nhạt đối với Viên Mỡ Bò.Vì ban đêm giúp cho đầu óc thêm sáng suốt, đã thay đổi ý nghĩ của mỗi người đi chút ít. Bây giờ người ta hầu như bực tức với cô gái đĩ ấy, vì nỗi đã không chịu lẻn đi gặp thằng Phổ, để cho các bạn đồng hành sáng dậy được một sự ngạc nhiên thú vị. Còn gì đơn giản hơn nữa? Mà có ai biết chuyện ấy đâu cơ chứ? Để vớt vát sĩ diện, cô ta có thể cho nói với tên sĩ quan rằng cô động lòng thương hại tình cảnh khốn đốn của họ. Đối với cô ta cái đó chẳng có quan trọng gì mấy!
Nhưng chưa ai thổ lộ những ý nghĩ ấy ra vội!
Buổi chiều, ai nấy đều ngán ngẩm, ông bá tước bèn đề nghị một cuộc đi chơi quanh làng. Người nào cũng mặc áo ấm cẩn thận, và cả cái đám người ấy ra đi, chỉ trừ có Cornuyđê, ưng ngồi bên bếp lửa hơn, và cả hai bà phước, suốt ngày ở nhà thờ hay ở nhà cha xứ.
Cái rét càng ngày càng buốt, đêm nhói dữ dội vào mũi, vào tai,chân tê buốt đến nỗi mỗi bước đi là một sự đau đớn, và khi cánh đồng quê hiện ra thì họ thấy nó thê lương quá đỗi dưới một màu trắng mênh mông vô tận, thành thử mọi người quay trở về ngay, tâm hồn giá lạnh và lòng se lại.
Bốn người đàn bà đi trước, ba người đàn ông theo sau, cách nhau hơi xa chút ít.
Loadô hiểu biết tình thế, đột nhiên lên tiếng hỏi không biết “con đĩ” ấy liệu có còn bắt họ phải ở lại một nơi như thế này lâu nữa không. Ông bá tước, bao giờ cũng nhã nhặn, nói không thể nào bắt một người đàn bà phải chịu một sự hy sinh nặng nề như vậy, và cái đó phải do chính cô ta tự nguyện. Ông Carê Lamađông nhạn xét rằng nếu quân Pháp, như đang có tin đồn đại, quay lại phản công qua Đieppơ thì hai bên chỉ có thể đụng nhau ở Tôtơ thôi. Điều suy nghĩ ấy khiến hai ông kia lo lắng. “Hay ta đi bộ mà bỏ trốn”. Loadô nói. Bá tước nhún vai: “Ông nghĩ thế được ư, dưới trời tuyết này? với các bà nhà ta? Và rồi ta sẽ bị đuổi theo ngay, chỉ trong mười phút là bị bắt lại và bị lôi về cầm tù cho bọn lính tha hồ hành hạ”. Cái đó đúng và mọi người nín lặng.
Các bà nói chuyện ăn mặc, nhưng dường như có một sự gượng ép nào đấy chia rẽ họ.
Bỗng tên sĩ quan xuất hiện ở đầu phố. Trên mặt tuyết mênh mông đến tận chân trời, y in rõ cái thân hình to lớn lưng ong, mặc quân phục, và đi dạng hai đầu gối theo kiểu đi đặc biệt của bọn nhà binh cố giữ cho khỏi vấy bẩn đôi ủng đánh xi rất kỹ.
Y nghiêng mình chào khi đi qua các bà, và ngạo nghễ nhìn đám đàn ông. Được cái các ông cũng biết giữ phẩm cách không ngã mũ, tuy Loadô thoáng có vẻ chỉ muốn bỏ mũ ra.
Viên Mỡ Bò đỏ mặt lên đến tận mang tai còn hai bà có chồng thì cảm thấy nhục nhã phải chạm trán với tên lính ấy, trong lúc đang đi với cô gái đĩ đã bị y đối xử một cách sống sượng đến thế.
Thế là các bà nói chuyện về y, về điệu bộ và khuôn mặt y. Bà Carê Lamađông vốn quen biết nhiều sĩ quan và nhận xét họ ra vẻ người sành sõi, thấy y chẳng có gì là khó coi hết. Bà còn lấy làm tiếc sao y lại không phải là người Pháp, y có thể là một tay khinh kỵ rất điển trai, mà tất cả các bà hẳn sẽ cứ là mê tít.
Về đến nhà rồi, họ chẳng còn biết làm gì nữa. Thậm chí nói những chuyện không đâu vào đâu mà cũng có những lời qua tiếng lại cay chua. Bữa ăn tối lặng lẽ kết thúc rất chóng, rồi ai nấy lên buồng đi nằm, hy vọng ngủ được để giết thì giờ.
Hôm sau ở trên gác xuống, mọi người đều mặt mày phờ phạc, trong lòng bực tức. Các bà hầu như chẳng buồn nói chuyện với Viên Mỡ Bò nữa.
Một tiếng chuông ngân lên. Đó là chuông báo lễ rửa tội. Cô gái béo mập có một đứa con gái nuôi ở nhà nông dân tại Yvơtô. Hàng năm cô chẳng đi thăm nó được một lần, và cũng chẳng nghĩ đến chuyện ấy bao giờ, nhưng ý nghĩ về đứa bé mà người ta sắp rửa tội chợt khiến cô chạnh lòng, đột ngột cảm thấy thương con mình da diết, và nhất định muốn đi dự buổi lễ cho kỳ được.
Cô vừa đi xong, mọi người liền nhìn nhau rồi ai nấy nhích ghế lại, vì họ đều cảm thấy rõ cuối cùng rồi cũng phải quyết định một cái gì. Loadô nảy ra một ý kiến: hắn nghĩ nên đề nghị với tên sĩ quan chỉ giữ lại một mình Viên Mỡ Bò, còn cho những người khác đi.
Lão Fonlăngvi lại đảm nhận việc ủy thác ấy, nhưng chưa mấy chốc lão đã quay xuống ngay. Tên Đức, vốn biết rõ bản chất con người, đã tống lão ra cửa. Y nhất định giữ cả mọi người ở lại, chừng nào ý muốn của y chưa được thỏa mãn.
Thế là tính khí hạ lưu của mụ Loadô bùng nổ: “Chẳng lẽ chúng ta lại chết già ở đây sao? Nghề của cái con khốn nạn ấy là làm việc đó với tất cả mọi người, tôi thấy nó chẳng có quyền ưng người này, từ chối người kia. Tôi xin hỏi các vị, cái của ấy đã vơ vào bất cứ ai ở Ruăng, cả đến những thằng đánh xe của tòa quận trưởng! Tôi, tôi biết rõ lắm, hắn mua rượu vang ở nhà tôi. Ấy thế mà bây giờ cần đưa chúng ta ra khỏi bước lúng túng, thì cái con thổ tả ấy lại còn ỏng ẹo!...Tôi, thì tôi thấy ông sĩ quan ấy xử sự rất đúng đắn. Có lẽ ông ta bị thiến thốn đã lâu ngày, ở đây có ba chúng mình mà chắc chắn ông ta phải ưng hơn. Nhưng không, ông ta chỉ chọn cái con của chung cho thiên hạ. Ông ta tôn trọng đàn bà có chồng. Các bà thử nghĩ xem, ông ta là chúa tể. Ông ta chỉ cần nói: “Tôi muốn” là có thể cho quân lính dùng vũ lực mà bắt buộc chúng mình được lắm chứ”.
Hai bà khẽ rùng mình. Đôi mắt của bà Carê Lamađông xinh đẹp sáng lên, và bà hơi tái mặt đi, tựa hồ như đã thấy tên sĩ quan dùng võ lực cưỡng bức bà.
Phía các ông, đang bàn lẻ, ngồi chụm lại với nhau. Loadô tức tối, nhưng muốn trói gô cái “con khốn nạn ấy” lại đem nộp cho kẻ thù. Song bá tước, dòng dõi ba đời sứ thần, và được trời phú cho cái dáng dấp con nhà ngoại giao, chủ trương nên khéo léo: “Phải làm cho cô ta quyết định”, ông nói.
Thế là mọi người mưu mô tính kế.
Các bà ngồi sát lại, giọng hạ thấp xuống, và việc bàn bạc trở thành bàn bạc chung, ai nấy đều đưa ra ý kiến của mình. Mà họ bàn bạc với những lời lẽ rất đứng đắn. Nhất là các bà đã khéo tìm được những cách nói tế nhị, những từ ngữ tinh vi duyên dáng, để nói những chuyện khó nói nhất. Một người lạ nghe chuyện chắc sẽ chẳng hiểu gì hết, vì những lời lẽ được giữ thận trọng hết sức. Song người đàn bà xã giao lịch thiệp nào cũng chỉ có một lớp e thẹn mỏng manh che đậy mặt ngoài, kỳ thực trong bụng các bà đều rất thích thú, họ nở nang mày mặt trong các chuyện đảm đang này, cảm thấy đây đúng là điều sở đắc, đem chuyện tình ái ra mân mê với cái khoái lạc của một anh đầu bếp tham ăn đang làm bữa ăn cho một kẻ khác.
Sự vui vẻ tự nhiên đã trở lại, vì họ thấy câu chuyện rút cục lại rất buồn cười. Bá tước tìm ra những câu đùa hơi bạo, nhưng nói khéo quá, khiến mọi người đều mỉm cười. Đến lượt Loadô tuôn ra mấy câu chớt nhã sống sượng hơn, mà chẳng ai phật ý cả, và cái ý nghĩ vợ hắn đã sổ sàng nói ra đang choán cả đầu óc mọi người: “Nghề nghiệp của con đĩ ấy là thế, thì tại sao nó lại từ chối thằng này, ưng thằng khác?” Bà Carê Lamađông xinh đẹp hình như lại còn nghĩ rằng ở vào địa vị cô ta, bà sẽ chẳng từ chối một thằng cha khác, chứ thằng cha này thì chưa chắc.
Người ta chuẩn bị rất lâu cuộc phong tỏa, như đối với một pháo đài bị bao vây. Ai nấy đều nhận rõ vai trò mình sẽ đóng, những lý lẽ mình sẽ dựa vào, những mánh lới mình phải thực hiện. Người ta xếp đặt kế hoạch tấn công, những mưu mẹo phải dùng đến, những sự bất ngờ của cuộc tập kích, để buộc cái thành trì sống kia phải tiếp tục nhận kẻ thù vào trong vị trí.
Cornuyđê tuy nhiên vẫn ngồi lánh ra một chỗ, hoàn toàn đứng ngoài việc này.
Tâm trí mọi người đều căng thẳng vì chăm chú, nên không ai nghe thấy tiếng chân Viên Mỡ Bò trở về. Nhưng bá tước khẽ “Suỵt” một tiếng, làm mọi người ngẩng nhìn lên. Cô ta đứng đó. Ai nấy bỗng im bặt, và thoạt đầu có phần lúng túng không biết nói gì với cô. Bà bá tước, vốn thành thạo hơn các người khác về những trò lá mặt lá trái ở phòng khách, hỏi cô: “Lễ rửa tội có vui không?”.
Cô gái đẩy đà, còn đang xúc động, kể lại hết, nào là mặt mũi những người dự lễ, nào là thái độ của họ, và cả đến cảnh tượng nhà thờ nữa. Cô nói thêm: “Đôi khi cầu Chúa thật là dễ chịu”.
Tuy nhiên, cho đến bữa ăn sáng, các bà vẫn làm ra vẻ niềm nở với cô gái, để cho cô ta thêm tin và dễ nghe lời các bà khuyên bảo hơn.
Ngồi vào bàn ăn, người ta lân la gợi chuyện ngay. Mới đầu còn nói chuyện vớ vẩn đâu đâu về lòng tận tụy. Người ta nêu ra những gương thời cổ: Judith và Hôlôphecnơ, rồi tự nhiên vô cớ nhảy sang Luycrexơ với Xectuyt, Clêopâtrơ cho tất cả tướng lĩnh địch ngủ ở giường mình và buộc họ phải chịu mọi sự phục tùng nô lệ. Rồi tiếp đên một câu chuyện bịa, đẻ ra trong trí tưởng tượng của mấy nhà triệu phú dốt nát ấy, rằng các nữ công dân La Mã đã đi sang Capu ru ngủ Anniban trong tay họ, và, cùng với ông ta, cả các tướng tá, các đội quân đánh thuê của ông ta nữa. Người ta nêu tên hết thảy những người đàn bà đã chặn đứng được những kẻ đi chinh phục, đã biến thân mình thành một bãi chiến trường, một phương tiện áp đảo, một vũ khí, đã dùng những vuốt ve anh hùng của mình mà thắng những con người ghê tởm hoặc bị căm ghét, và hy sinh trinh tiết cho sự phục thù và lòng tận tụy.
Người ta còn úp mở nói cả đến cái bà quí tộc nước Anh nọ đã tự làm cho mình nhiễm một bệnh lây ghê ghớm để đem truyền sang cho Bônapactơ, mà ông ta may mắn lạ kỳ tránh được, ngay trong giờ phút gặp gỡ nguy hại, chỉ vì đột nhiên đâm ra suy nhược.
Và tất cả những câu chuyện ấy được kể lại một cách đứng đắn và có chừng mực, trong đó đôi khi bật lên một lời trầm trồ thán phục cố ý, cốt để kích thích sự ganh đua.
Rút cục, người ta có thể tưởng chừng như vai trò duy nhất của người đàn bà, trên cõi đời này, là cứ phải mãi mãi hy sinh thân mình, không ngừng chiều theo những sở thích thất thường của tụi võ biền.
Hai bà phước dường như không thấy gì hết, chìm đắm vào những suy nghĩ sâu xa. Viên Mỡ Bò không nói năng chi cả.
Suốt cả buổi chiều, người ta để cho cô gái suy nghĩ. Nhưng đáng lẽ gọi cô là “bà”, như vẫn xưng hô cho đến bấy giờ, người ta chỉ gọi là “cô” thôi, chẳng hiểu tại sao, như tuồng người ta muốn hạ cô xuống một bậc trong sự quí trọng vì nể mà cô đã leo lên được, muốn cho cô cảm thấy rõ hoàn cảnh nhục nhã của mình.
Vừa lúc món xúp được đem lên, lão Fonlăngvi lại xuất hiện, nhắc lại cái câu hôm qua: “Ngài sĩ quan Phổ hỏi xem cô Elizabeth Ruxê đã thay đổi ý kiến chưa”.
Viên Mỡ Bò xẵng giọng trả lời: “Thưa ông, không ạ”.
Nhưng đến bữa tối thì phe liên minh có yếu đi. Loadô buột miệng nói ra mất ba câu lỡ làng. Ai nấy cố nặn óc tìm ra những tấm gương mới, nhưng chẳng tìm được gì hết, chợt bà bá tước, có lẽ cũng không rắp tâm trước, mà chỉ lờ mờ cảm thấy cần phải tỏ lòng tôn trọng tôn giáo, hỏi bà phước nhiều tuổi nhất về những sự tích lớn trong đời các thánh, thì ra nhiều thánh đã từng làm những việc có thể coi là tội nặng theo mắt ta nhìn nhận, song Giáo hội xá miễn cho các đại tội ấy một cách dễ dàng khi việc làm là để sáng danh Chúa hay vì lợi ích của người đồng loại. Thật là một lý lẽ rất mạnh, bà bá tước bèn lợi dụng liền. Ấy thế là, hoặc vì một sự thông đồng ngấm ngầm, một cách chiều đời kín đáo mà bất cứ ai khoác áo nhà tu đều rất thạo, hoặc chỉ vì một sự ngu độn ngẫu nhiên hợp cảnh, một sự ngốc nghếch vô tình mà giúp sức vào, bà phước già kia đã đem lại cho cuộc âm mưu một chỗ dựa rất mạnh. Mọi người cứ tưởng bà ta nhút nhát, nhưng hóa ra bà ta lại mạnh dạn, lắm lời, quyết liệt. Bà ta chẳng phải hạng người bối rối vì những mò mẫm của nghị nghĩa thần học, giáo lý của bà tựa như một thanh sắt cứng, lòng tin của bà chẳng hề bao giờ có những băn khoăn đắn đo. Bà ta coi sự hy sinh của Abraham rất đơn giản vì bà ta có thể tuân lệnh bề trên mà giết chết ngay cả cha lẫn mẹ và theo ý kiến bà, thì chẳng có thể làm phật lòng Chúa một khi chủ tâm của mình đáng khen. Bà bá tước, lợi dụng cái uy tín thiêng liêng của bà bạn đồng lõa bất ngờ ấy, bèn gợi cho bà ta giải nghĩa dài dòng để khuyến thiện, cái định lý về đạo đức: “Dùng thủ đoạn gì cũng được, miễn là đạt mục đích”.
Bà hỏi bà phước:
- Vậy ra, thưa bà, bà cho rằng Chúa chấp nhận rằng tất cả mọi con đường và tha thứ cho việc làm nếu lý do hành động là trong sạch?
- Thưa bà, điều đó còn nghi ngờ gì nữa? Một hành động tự nó là đáng trách thường trở thành đáng khen vì cái ý nghĩa đã thúc đẩy nó.
Và hai người cứ nói chuyện tiếp như thế, cố tìm hiểu những ý muốn của Chúa, dự đoán những quyết định của Người, làm như Người quan tâm tới những việc thực ra chẳng liên quan đến Người một chút nào.
Tất cả những chuyện ấy đều được nói bóng nói gió, khôn khéo, kín đáo. Nhưng mỗi lời của bà phước đội mũ cong vành lại phá vỡ thêm một mảng trong thái độ công phẫn của cô giá điếm. Rồi câu chuyện đổi hướng đi chút ít, bà già đeo tràng hạt kể lể những nhà tu của dòng bà, về bà nhất của mình, về bản thân bà ta và về bà phước xinh xắn ngồi bên, bà phước quí hóa Xanh Nixêpho. Hai bà được mời đến Lơ Harvơ để vào bệnh viện chăm nom hàng trăm binh lính mắc bệnh đậu mùa. Các bà mô tả họ, những con người khốn khổ ấy, kể ra những chi tiết về bệnh trạng của họ. Ấy thế mà trong lúc các bà bị giữ lại ở dọc đường vì những ý thích bất chợt của tên Phổ nọ, biết bao nhiêu người Pháp có thể chết mà đáng lẽ các bà cứu sống được cũng nên! Chăm nom binh sĩ là việc chuyên môn của bà; bà từng ở Crimê, ở Ý, ở Áo, và qua câu chuyện kể lại các chiến dịch bà đã tham dự, bà bỗng tỏ ra là một nhà tu hành thuộc loại thổi kèn đánh trống, hình như sinh ra là để đi theo các trại quân, thu nhặt những người bị thương giữa các trận giao tranh ác liệt, và giỏi hơn cả một cấp chỉ huy, chỉ dùng một lơi nói cũng khuất phục được những tên lính thô bỉ vô kỷ luật; đúng là một bà phước Răng-tăng-plăng mà bộ mặt rỗ nát, chi chít vô số những nốt lỗ chỗ, dường như là một hình ảnh những tàn phá của chiến tranh.
Bà ra nói xong, không ai nói thêm gì nữa, vì hiệu quả xem chừng tốt quá rồi.
Ăn xong, mọi người vội vã trở về lên ngay phòng mình, để sáng hôm sau khá muộn mới lại xuống.
Bữa ăn sáng yên ổn. Người ta để cho cái hạt gieo hôm qua có thì giờ nảy mầm và kết quả.
Bà phước đề nghị một cuộc đi chơi vào buổi chiều.Thế là ông bá tước, như đã thỏa thuận trước, khoác tay Viên Mỡ Bò, và đi với cô ta, sau những người khác.
Ông nói với cô bằng cái giọng thân mật, cha con, hơi khinh khỉnh, mà những người thượng lưu vẫn dùng với bọn gái điếm, gọi cô bằng “con yêu quí”, đứng trên đỉnh cao địa vị xã hội và danh giá không chối cãi được của ông mà hạ cố đối xử với cô. Ông đi ngay vào vấn đề:
- Vậy là con ưng để chúng ra ở lại đây, cũng như con chịu cái nguy cơ hứng lấy mọi sự tàn bạo có thể xảy ra sau sự thất bại của bọn Phổ, còn hơn là bằng lòng ưng thuận, như bao lần con thường vẫn ưng thuận trong đời con ư?
Viên Mỡ Bò không trả lời.
Ông thuyết phục cô bằng thái độ dịu dàng, bằng lý lẽ, bằng tình cảm. Ông biết giữ thể diện là “ông bá tước”, trong khi vẫn tỏ ra lịch sự với phụ nữ khi cần thiết, tán tụng khéo, tóm lại, rất ân cần. Ông tán dương cái việc cô sẽ giúp đỡ họ, nói tới lòng biết ơn của mọi người, rồi đột nhiên ông vui vẻ, giọng thân tình: “Mà rồi em ạ, hắn sẽ có thể tự phụ được nếm mùi một cô gái đẹp, mà ơ bên nước hắn chẳng có nhiều lắm đâu”.
Viên Mỡ Bò không trả lời và đi lên nhập bọn với mọi người.
Về đến quán trọ, cô lên ngay phòng mình và không ló mặt ra nữa. Nỗi lo ngại lên tới cực độ. Cô ta sắp làm gì đây? Nếu cô ta cứ khăng khăng không chuyển thì rầy ra biết chừng nào!
Đến giờ ăn bữa tối, mọi người chờ đợi cô hoài, chẳng thấy. Rồi lão Fonlăngvi bước vào, báo tin cô Ruxê khó ở và xin mời mọi người cứ việc ngồi vào bàn thôi. Ai nấy đều dõng tai lên. Ông bá tước đến gần bác chủ quán, và hỏi rất nhỏ: “Ổn rồi chứ?- Vâng”. Vì lịch sự, ông không nói gì với các bạn đường của ông, mà chỉ khẽ gật đầu ra hiệu cho họ. Ai nấy thở dài nhẹ cả người, mặt mày mừng rỡ hẳn lên. Loadô gào to: “Úi cha cha! Nhà này mà có sâm banh thì tôi xin khao ngay các vị một chầu”, và mụ Loadô đâm lo khi thấy lão chủ quán trở lại với bốn chai rượu cầm tay. Ai nấy đều đột nhiên trở nên cởi mở và ồn ào, một niềm vui nhả nhớt tràn ngập lòng mọi người. Ông bá tước xem chừng nhận thấy bà Carê Lamađông là có duyên, ông chủ nhà máy thì ca tụng bà bá tước. Chuyện trò thật rôm rả, khoài trá, lắm câu ý nhị.
Bỗng Loadô, vẻ mặt lo lắng, và giơ hai tay lên hét lớn: “Lặng im!”. Mọi người im bặt, ngạc nhiên, hầu như đã phát hoảng. Thế là hắn vểnh tai lên, hai tay ra hiệu “Suỵt”, nghếch mắt nhìn lên trần, nghe ngóng nữa, rồi lại nói với giọng bình thường: “Các vị hãy yên trí, mọi sự đều yên ổn cả”.
Mọi người phân vân chưa hiểu, nhưng không mấy chốc ai nấy đã mỉm cười.
Mười lăm phút sau hắn diễn lại vẫn cái trò hề ấy, và tái diễn nó nhiều lần buổi tối hôm đó, và hắn giả vờ nói với một người nào đó ở gác trên, khuyên anh ta những lời khuyên hai nghĩa moi từ bộ óc nhân viên chào hàng của hắn ta. Thỉnh thoảng hắn làm bộ buồn rầu thở dài: “Tội nghiệp cô bé!” hoặc hắn lẩm nhẩm trong mồm, vẻ hằn học: “Cái thằng Phổ khốn nạn!”. Đôi khi, vào lúc không ai nghĩ tới nữa, hắn kêu váng lên, tiến oang oang, nhiều lần: “Thôi! Thôi!”, và nói thêm như tự nhủ: “Miễn là chúng ta gặp được cô bé, miễn là nó đừng có vần cô nàng đến chết, cái thằng khốn nạn ấy!”.
Mặc dầu những câu bông lơn ấy thật bỉ ổi, nó cũng khiến người ta thích thú và không làm phật ý ai hết, vì sự tức giận, cũng như mọi sự khác vậy, tùy thuộc ở môi trường, và chung quanh họ dần dần hình thành một bầu không khí chứa chất đầy những ý nghĩ dâm đãng.
Đến tận lúc ăn tráng miệng, ngay các bà cũng nói những câu bóng gió hóm hỉnh và kín đáo. Mắt ai nấy đều long lanh, mọi người đều đã nốc nhiều rượu. Ông bá tước, là người cả trong những lúc vui đùa cũng vẫn giữ được cái màu mè con người trang trọng, tìm ra một ý so sánh được mọi người rất tán thưởng về sự kết thúc những thời kỳ dài phải sống qua mùa đông ở bắc cực và niềm vui mừng của kẻ bị đắm tàu trông thấy mở ra một con đường đi về phương Nam.
Loadô, được đà, nhổm dậy, cốc sâm banh trong tay: “Tôi xin uống mừng chúng ta được giải phóng!”. Tất cả mọi người cũng đứng lên, ai nấy hoan hô hắn. Cả đến hai bà phước, bị các bà chèo kéo, cũng bằng lòng nhấp môi vào cái thứ rượu ngầu bọt kia mà hai bà chưa từng nếm bao giờ. Hai bà nói là nó giống nước chanh hơi, nhưng tuy vậy cũng ngon hơn.
Loadô tóm tắt tình hình.
- Tiếc rằng không có dương cầm, nếu có thì có thể đánh một điệu đối diện chơi.
Cornuyđê chẳng nói một lời, chẳng có một cử chỉ gì hết, thậm chí ý còn có vẻ mê mải vào những ý nghĩ rất trọng đại, và đôi khi cáu kỉnh dứt bộ râu rậm của y, tựa hồ muốn kéo dài thêm ra. Sau cùng, khoảng nửa đêm, lúc mọi người sắp giải tán, Loadô đã chuếnh choáng, bỗng vỗ vào bụng y mà bảo, giọng líu lo: “Ông bạn tối nay chẳng vui vẻ tí nào, sao ông không nói gì cả thế, ông công dân?”. Nhưng Cornuyđê bỗng ngửng phắt đầu lên, và nhìn khắp lượt cả bọn, mắt long lanh và dữ tợn: “Tôi nói cho tất cả các người rõ là các người vừa làm một chuyện bỉ ổi!”. Y đứng dậy, đi ra cửa, nhắc lại một lần nữa::Một chuyện bỉ ổi!” rồi biến mất.
Mới đầu việc đó khiến mọi người cụt hứng. Loadô sững sờ, đứng thộn ra đấy, nhưng rồi hắn vững trở lại, và đột nhiên cười lăn lộn, nhắc đi nhắc lại: “Nó còn xanh quá ông bạn ạ, nó còn xanh quá. Thấy mọi người không hiểu, hắn bèn kể lại chuyện “những bí mật của hành lang”. Thế là cả bọn lại cười nhộn hẳn lên. Các bà cười như nắc nẻ. Bá tước và ông Carê Lamađông cười đến chảy nước mắt. Họ không thể nào tin được.
- Thế nào! Ông chắc chứ! Hắn ta muốn…
- Thì tôi bảo với các ông các bà là tôi trông thấy hắn mà.
- Và cô ta đã từ chối…
- Vì tên Phổ ở buồng bên cạnh.
- Có lẽ nào?
- Tôi xin thề với các ông các bà đúng như thế.
Ông bá tước cười không thở được. Nhà kỹ nghệ đưa hai tay lên nén bụng. Loadô nói tiếp:
- Cho nên, các vị ạ, tối nay hắn ta thấy là chuyện này chẳng thú vị gì, chẳng thú vị tí nào hết.
Và cả ba lại cười lăn cười lộn, đến phát ốm, hết cả hơi, ho sặc sụa.
Chuyện đến đây thì họ giải tán. Nhưng mụ Loadô, vốn bản chất hay dè bỉu, lúc đi ngủ, bảo chồng rằng cái “con mẹ ranh” oắt con Carê Lamađông nọ suốt cả buổi chỉ cười gượng: “Mình ạ, bọn đàn bà, một khi đã mê tụi nhà binh thì dù là thằng Pháp, hay thằng Phổ, nói thật chứ, cũng cứ là được tuốt. Thực là thảm hại, lạy Chúa!”.
Và suốt đêm, trong bóng tối của hành lang, cứ lao xao như có những tiếng run rẩy, những tiếng động nhè nhẹ, chỉ thoáng nghe thấy, thoảng qua như những hơi thở, những bước chân không đi rón rén, những tiếng lắc rất khẽ. Và chắc chắn là ai nấy đều ngủ rất muộn, vì những vệt ánh sáng lọt ra ngoài rất lâu dưới các cửa buồng. Ấy rượu sâm banh có những hiệu quả như vậy đấy, người ta bảo là nó làm cho khó ngủ.
Hôm sau ánh nắng trong trẻo của mặt trời mùa đông làm mặt tuyết chói lòa. Chiếc xe thuê, cuối cùng đã có ngựa thắng vào, chờ ở trước cửa, trong khi một đàn bồ câu trắng, cổ vươn ra trong bộ lông dày cộm, con mắt đỏ điểm một chấm đen ở giữa, đang trịnh trọng dạo chơi giữa chân sau con ngựa, và tìm ăn trong những đống phân bốc khói ngựa đã vung vãi ra đấy.
Bác xà ích, trùm lên người một tấm da cừu, đang ngồi rít tẩu thuốc trên ghế xe, và tất cả hành khách hớn hở vội cho gói những thức ăn dành cho đoạn hành trình còn lại.
Người ta chỉ có đợi Viên Mỡ Bò. Cô ta xuất hiện.
Cô ta có vẻ hơi bối rối, xấu hổ, và bẽn lẽn đi về phía các bạn đường bỗng nhất loạt cùng ngoảnh mặt đi, tựa hồ như không trông thấy cô. Ông bá tước nghiêm trang khoác tay bà vợ, và đưa bà tránh xa sự đụng chạm nhơ nhớp đó.
Cô gái đẫy đà đứng lại sững sốt, rồi, cô lấy hết can đảm, cô lúng búng một cách khiêm tốn chào vợ ông chủ nhà máy một câu: “Xin chào bà”. Bà kia chỉ khẽ gật đầu xấc xược chào lại, kèm theo một cái nhìn của đạo đức bị xúc phạm. Mọi người đều làm ra vẻ bận rộn và đứng lảng xa cô, tựa hồ cô đem theo một bệnh truyền nhiễm trong váy cô vậy. Rồi họ chạy vội tới chiếc xe, để cô ta đi sau cùng, một mình, và cô lại lặng lẽ ngồi vào chỗ đã ngồi trong chặng đường thứ nhất.
Người ta dường như không nhìn thấy cô, không quen biết cô, nhưng mụ Loadô, ngó cô từ đằng xa một cách tức giận, khẽ nói với chồng: “May mà tôi không ngồi bên cạnh nó”.
Chiếc xe nặng chuyển bánh, và cuộc hành trình lại bắt đầu.
Thoạt tiên không ai trò chuyện hết. Viên Mỡ Bò không dám ngẩng nhìn lên. Cô vừa căm phẫn đối với tất cả những người ngồi bên, lại vừa cảm thấy nhục nhã vì đã nhượng bộ, bị nhơ nhớp vì những cái hôn của tên Phổ nọ, mà họ đã giả nhân giả nghĩa đem quẳng cô vào tay nó.
Nhưng không bao lâu bà bá tước quay sang bà Carê Lamađông phá tan bầu không khí im lặng nặng nề đó.
- Có lẽ bà biết bà Đetren đấy nhỉ?
- Vâng, bà ấy là bạn thân của tôi.
- Bà ấy mới duyên dáng chứ!
- Tuyệt diệu! Đúng là một tư chất ưu tú, lại rất học thức, và nghệ sĩ đến tận đầu ngón tay, bà ấy hát nghe thật mê ly, và vẽ đến giỏi!
Ông chủ nhà máy nói chuyện với ông bá tước, và giữa những tiếng cửa kính rung loảng xoảng, thỉnh thoảng lại nghe thấy lõm bõm một tiếng: “Téc phiếu -kỳ hạn -tiền thưởng -trả dần”.
Loadô vừa xoáy được cỗ bài cũ của quán trọ đã nhờn mỡ sau năm năm cọ xát những bàn không lau sạch, cùng vợ chơi một ván tay đôi.
Hai bà phước rút chuỗi tràng hạt dài đeo lòng thòng ở thắt lưng, cùng nhau làm dấu thánh giá, rồi môi họ đột nhiên mấp máy nhanh, mỗi lúc càng thêm vội vã, dồn dập những tiếng lâm râm không rõ, như một cuộc chạy thi trong khi làm lễ kỳ đảo, thỉnh thoảng họ cúi xuống hôn một cây thánh bài, làm lại dấu, rồi lại lâm râm liến thoắng và liên tục.
Cornuyđê ngồi đăm chiêu, không nhúc nhích.
Đi được ba tiếng đồng hồ, Loadô thu cỗ bài lại: “Đến lúc đói rồi” hắn nói.
Mụ vợ hắn bèn với một cái gói buộc dây, lôi ra một miếng thịt bê nguội. Mụ cắt ra từng khoanh gọn ghẽ, mỏng và chắc nịch, rồi cả hai bắt đầu ăn.
“Hay là ta cũng ăn đi”, bà bá tước nói. Mọi người đồng ý, và bà mở gói thức ăn chuẩn bị cho hai gia đình. Đó là một thứ liễn dài, trên vung nặn một con thỏ rừng đã nghiền thịt nằm ở dưới, một món thịt nguội bổ béo, có những đường mỡ trắng xuyên qua những màu thịt thỏ rừng nâu, trộn lẫn với những thịt khác băn nhỏ viên. Một tảng phó mát Cruyu-30 vuông vắn, gói trong một mảnh báo, trên mặt mịn màng còn in rõ mấy chữ “Việc vặt”.
Hai bà phước giở ra một khoanh xúc xích lớn sặc mùi tỏi, còn Cornuyđê, hai tay cùng một lúc thọc vào các túi rộng của áo bành tô, rút ra một bên bốn quả trứng luộc và bên kia một mẩu cùi bánh mì. Y bóc vỏ, ném vào rơm ở dưới chân và đưa cả quả trứng vào một mà ngoạm, những mảnh vụn màu vàng nhạt rơi lên bộ râu rậm của y, lốm đốm nhưng những ngôi sao.
Viên Mỡ Bò, trong lúc vội vã hốt hoảng khi ngủ dậy, đã không nghĩ được chuyện gì hết, và cô nhìn tất cả bọn người kia điềm tĩnh ăn uống mà lộn ruột, uất đến ngạt thở. Một cơn điên giận sôi sục mới đầu khiến cô cau mặt, và cô mở miệng định hét vào mặt họ một thôi một hồi những lời chửi rủa đang dồn lên môi, nhưng cô không thể nào nói được vì cơn tức nghẹn ứ cổ.
Không một ai ngó cô, nghĩ đến cô. Cô cảm thấy mình bị dìm trong sự khinh bỉ của những kẻ đểu cáng lương thiện này, chúng thoạt đầu đem cô ra hy sinh, rồi sau hắt hủi cô, coi như một vật bẩn thỉu và vô dụng. Cô nhớ tới chiếc làn to của cô đầy ắp những thứ ngon lành mà chúng đã ăn ngấu nghiến, hai con gà bóng nhẩy mỡ đông, những miếng ba tê, những quả lê, và bốn chai rượu vang đỏ của cô.Rồi cơn giận bỗng xẹp xuống như một sợi dây thừng căng quá hóa đứt, cô cảm thấy chỉ muốn khóc. Cô ráng hết sức nén mình, nuốt những tiếng nức nở, như con nít song nước mắt cứ trào lên, lấp lánh trên mi, và không mấy chốc hai giọt lệ lớn đã rời khóe mắt, từ từ lăn trên gò má. Những giọt khác cứ thế tiếp theo, mau hơn, chảy ròng ròng như những giọt nước lọc qua một vách đá, và đều đều rơi xuống đường cong bầu bĩnh của ngực cô. Cô ngồi thẳng, mắt nhìn trân trân, mặt đờ đẫn và tái nhợt, hy vọng mọi người không trông thấy mình.
Nhưng bà bá tước nhìn thấy và ra hiệu mách chồng. Ông chồng nhún vai, y như nói: “Làm thế nào được? Đâu phải lỗi tại tôi”. Mụ Loadô thì lặng lẽ cười đắc thắng, và lẩm bẩm: “Cô ả khóc nỗi nhục của mình”.
Hai bà phước lại cầu kinh, sau khi gói mẩu xúc xích còn lại vào một tờ giấy.
Bây giờ, Cornuyđê, trong khi tiêu hóa mấy quả trứng, duỗi dài cẳng sang gầm ghế trước mặt, ngồi ưỡn người ra khoanh tay lại, mỉm cười như một người vừa tìm được một trò đùa hay, và bắt đầu huýt sáo miệng khe khẽ bài Macxâyedơ
Tất cả các bộ mặt đều sa sầm lại. Bài hát bình dân chắc chắn chẳng được những người ngồi bên ưa thích tí nào. Họ đâm ra nóng nảy, bực dọc và có vẻ chỉ chực gào lên như bầy chó nghe thấy tiếng phong cầm quay tay vậy.
Y thấy rõ như thế, và càng không chịu ngừng lại. Thỉnh thoảng y lại còn hát nho nhỏ lời bài ca:
Hỡi tình yêu tổ quốc thiêng liêng
Hãy dẫn dắt nâng đỡ những cánh tay phục thù của chúng ta.
Hỡi tự do, hỡi tự do yêu quí,
Hãy chiến đấu cùng với những người bảo vệ ngươi!
Xe chạy nhanh hơn vì tuyết đã rắn lại, và suốt cho đến Đieppơ, trong những giờ dài dặc ảm đạm của cuộc hành trình, qua những cái xóc trên đường gập ghềnh, trong bóng đêm đang tỏa xuống rồi trong bóng tối đen của chiếc xe, y cứ tiếp tục với một sự bướng bỉnh tai ác, tiếng huýt sáo báo thù và đơn điệu của y, bắt buộc các tâm trí mỏi mệt và tức tối đến cực điểm cứ phải theo dõi bài hát suốt từ đầu đến cuối, cứ phải nhớ lại từng lời ứng dụng vào mỗi nhịp.
Viên Mỡ Bò vẫn khóc, và đôi khi một tiếng nức nở, cô không nén nổi, bật lên trong bóng tối giữa hai đoạn bài hát.