Việc cần kíp cho sự giáo dục tiểu học ngày nay

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Việc cần kíp cho sự giáo dục tiểu học ngày nay  (1933) 
của Phan Khôi

Bài đăng trên Phụ nữ thời đàm, Hà Nội, số 3 (1. 10. 1933), trang 1-2.

Cái phương châm sự giáo dục xứ ta trong vài năm nay coi có ý day chiều đổi hướng; mà từ nay về sau sự day đổi ấy lại càng rõ ràng dứt khoát hơn. Mới đây quan Thượng thư bộ Giáo dục có tuyên ngôn cùng một nhà báo rằng: “Tôi đây thuộc về phái quyết định dùng một cái giáo dục quốc dân Việt Nam bằng tiếng bản quốc. Vì tôi đã nhận ra, chẳng những năm phần trăm trẻ con ở các nơi đô hội mới cần tới tiếng Pháp thì đã có chỗ mà học rồi, mà nhất là có chín mươi lăm phần trăm trẻ con ở nhà quê chỉ chịu phí vài ba năm để tìm những tri thức phổ thông mà mọi người ở đời nay cần phải có”. Mấy lời ấy, ta có thể nhận cho là cái phương châm mới của sự giáo dục mà nhà đương đạo đã lấy, từ nay về sau.

Quốc dân giáo dục chẳng là lấy tới lớp tiểu học làm hạn. Nói rằng giáo dục quốc dân bằng tiếng bản quốc, thế nghĩa là rày về sau trẻ con từ bắt đầu đi học cho tới tốt nghiệp tiểu học (primaire) chỉ học quốc ngữ mà thôi.

Đối với lối giáo dục mới này, không phải là chúng tôi không biểu đồng tình. Song, theo lối giáo dục ấy mà muốn cho thật có ích lợi, thiết tưởng nếu để yên cái hiện trạng của giáo giới cũ mà không chấn chỉnh một phen, thì chẳng bao giờ có ích lợi.

Dạy bằng thứ chữ nào cũng được hết. Duy có dạy bằng thứ chữ nào thì phải có sách và thầy của thứ chữ ấy, ấy là điều cần kíp nhất.

Các sách giáo khoa bằng quốc ngữ từ sơ đẳng (élémentaire) trở xuống thì bấy lâu đã có được ít thứ, chưa kể cái nội dung của nó ra sao. Còn mấy lớp trên thì hình như chưa có cuốn nào thì phải. Như thế là thiếu về đằng sách.

Thầy giáo lâu nay tuy có dạy một vài môn quốc ngữ cho học trò, nhưng chính họ lại chưa hề học quốc ngữ, vì bấy lâu chưa có trường sư phạm chuyên dạy về khoa ấy. Bây giờ dạy tiểu học toàn bằng quốc ngữ hết, thì cũng phải tạm dùng các thầy ấy chứ dùng ai? Chúng tôi tưởng quan Thượng bộ giáo dục chẳng khi nào ngài nói như kẻ khác rằng thứ quốc ngữ, không cần phải học cũng dạy được; có điều bây giờ bảo ngài đem những người có học rồi ra dạy thì tất ngài cũng phải chịu rằng không có. Như thế là thiếu về đằng thầy.

Trên kia chúng tôi tỏ ý muốn có một phen chấn chỉnh, tức là chỉ về sự làm giáo khoa thư và dạy sư phạm, cả hai đều chuyên về quốc ngữ. Giáo khoa thư bằng quốc ngữ không đủ, thầy dạy quốc ngữ không có, mà toan giáo dục quốc dân bằng tiếng bản quốc: chúng tôi tưởng bộ Giáo dục nước ta chẳng khi nào chịu làm như vậy!

Thế thì hai việc này là việc cần kíp thứ nhất, cần kíp hơn sự cải cách chế độ của học chánh và danh hiệu của học quan nữa. Mà, việc sau đã thấy làm, thì việc trước thế nào rồi cũng sẽ làm.

Chúng tôi rất mong có một hội đồng tu thư mới thành lập hoặc cũ khoách trương ra, chuyên soạn sách quốc ngữ dạy cả các lớp tiểu học, ở dưới quyền quan Thượng thư bộ Giáo dục; lại có nhiều trường sư phạm sẽ lập ra ở ba kỳ, đào tạo lấy một mớ nhân tài dạy tiếng Việt Nam cho trẻ con. Làm được hai điều ấy rồi thì cái khẩu hiệu “dạy tiểu học bằng quốc ngữ” mới là hữu danh hữu thực.

Thật có như lời quan Thượng nói, hết 95 phần trăm trẻ con nhà quê chỉ cần học quốc ngữ cho biết những điều ở đời này nên biết mà thôi. Song, sách và thầy như hiện nay, thiết tưởng, chưa đủ cung cho sự cần ấy.

PHAN KHÔI